Đọc " Tình sau con chữ" - Trân quý sự "lao tâm khổ tứ" của Nhà thơ Quang Hoài

Vũ Xuân Bân

02/02/2022 12:28

Theo dõi trên

“Tình sau con chữ” là tập sách của Nhà thơ Quang Hoài “Quý tặng” vào một ngày cuối Hạ, đầu Thu năm trước. Sách này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản gồm 3 phần: Phần 1 là Tiểu luận có 83 bài; Phần 2 là Bút ký có 19 bài; Phần 3 là “Với Quang Hoài và Thơ Quang Hoài” tập hợp 50 bài viết của các nhà văn, nhà thơ, bạn đọc gần xa về QuangHoài.

Trong số hơn chục đầu sách đã xuất bản (chủ yếu là thơ) thì đây là tập sách dày dặn nhất, khổ 14 x 20,5 cm, gồm 836 trang với nội dung khá phong phú, rất đáng để đọc, trân quý sự “lao tâm khổ tứ” đối với từng con chữ trong quyển sách công phu của tác giả Quang Hoài.
Nhà thơ Quang Hoài họ tên đầy đủ là Nguyễn Quang Hoài, còn có bút danh Hoài Phương, Đào Hoài Phương, sinh ngày 8 tháng 4 năm Ất Dậu, tức 19/5/1945. Quê quán Nhà thơ Quang Hoài: Thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện ông thường trú tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ông đã trải qua nhiều năm trong quân ngũ, với quân hàm Đại tá, đã nghỉ hưu hơn chục năm, hiện là Hội viên HộiNhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, đã đoạt nhiều giải thưởng văn học như: Giải A cuộc thi thơ về Bác Hồ (1969); Giải bình bài thơ "Tự tình" của Hồ Xuân Hương Báo Giáo dục và thời đại năm 2001; Giải thơ hay Tạp chí Nhà văn năm 2012…

chqhoaif1-1643773357.jpg
Chú thích ảnh
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Hoài.


Trong một lần gặp gỡ gần đây, tôi đã gặng hỏi: Tại sao bác lại đặt đầu đề sách là “Tình sau con chữ”? Nhà thơ Quang Hoài bật mí: Tập sách này gồm những bài viết từng đăng trên các báo, tạp chí trong nhiều năm được tập hợp lại. Sau những tập thơ, những bài viết đã đăng tải, ông đã tập hợp được 50 bài thơ, bài viết của đồng nghiệp, thi hữu, các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, bạn đọc viết về ông, ứng tác và chia sẻ nên đã đặt đầu đề sách là “Tình sau con chữ”.
Điều dễ nhận thấy là có đến hàng trăm gương mặt cùng nhiều tác giả hiện lên trong “Tình sau con chữ”.Họ là những nhân vật chính của các bài bình thơ, bài giới thiệu sách, phân tích, phê bình tác phẩm mà Quang Hoài là tác giả. Đó là những bài cảm tác về “Tâm hồn Ức Trai qua Dục Thuý Sơn”, “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, “Thời gian qua cảm nhận độc đáo của Văn Cao”, “Quang Huy - Người vẽ chân dung Thị Nở bằng thơ”, “Đoàn Bổng - Một nhà thơ xứ Đoài dung dị và trẻ trung”… thể hiện sự ưu tư, chiêm nghiệm, trải nghiệm cuộc đời.
Nhưng sâu sắc và đậm nét nhất trong sách “Tình sau con chữ” là loạt bài bút ký thể hiện sự tâm đắc của Quang Hoài với vấn đề phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng môi trường văn hoá quân sự, giáo dục và xây dựng đạo đức, hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, phát huy truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ… với những suy tư, hồi tưởng, ấn tượng sâu đậm không thể nào phai mờ.
Trong bài“Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất tiêu biểu”, tác giả Quang Hoài đã lý giải: “Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu cao quý do nhân dân ta dành cho quân đội ta. Danh hiệu “Bộ độ Cụ Hồ” thể hiện đầy đủ phẩm chất tiêu biểu của mẫu người tận trung với nước, với Đảng và tận hiếu với dân, được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng mà cốt lõi là sự thấm nhuần mục tiêu, lý tưởng chiến đấuvì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sở dĩ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta được mang danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là vì,quân đội ta từ khi ra đời đến nay, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, cũng hoàn thành tốt ba chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân…". Từng là người lính đã trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chủ quyền lãnh hải, tác giả Quang Hoài mới thấm thía rút ra những điều tâm huyết, sâu đậm về hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” như vậy.
Bên cạnh đó, với vai trò một cán bộ nhiều năm làm công tác tuyên truyền, giáo dục trong quân đội, trong sách “Tình sau con chữa” củaQuang Hoài cũng cho thấy mối quan tâm thiết thực đến đời sống thông qua các bài viết về những tấm gương người tốt, việc tốt, lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, đem lại nhiều thành quả đóng góp cho xã hội. Đó là gương Bí thư chi bộ tổ 15 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội Lê Trấn “vác tù và hàng tổng” lãnh đạo tổ dân phố liên tục 4 năm liền đạt danh hiệu tổ dân phố văn hoá.Tấm gương “Nguyễn Văn Chí và những tấm bằng lao động sáng tạo” là Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội như một mũi nhọn đột kích đã góp phần to lớn thúc đẩy công tác khuyến nông phát triển, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo” năm 2008… Tấm gương Vũ Thị Minh Hằng, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tràng An “Năm năm liên tục hoàn thành tốt ba trọng trách ở một công ty”, được anh chị em trong công ty quý mến và tín nhiệm cao. Vũ Thị Minh Hằng xứng đáng là “Bông hoa đẹp Thủ đô”…
Cuốn sách “Tình sau con chữ” là sự hội tụ của hàng trăm giọng thơ, giọng văn, nét độc đáo sáng tạo được Quang Hoài nhận ra, cũng như thể hiện trong cuốn sách, làm toát lên tình thân bầu bạn, “tình chữ”, “tình nghề”, “tình người” sâu lắng. Điều rất đáng quý trọng, Quang Hoài còn là “bà đỡ” mát tay cho các bản thảo sách của nhiều tác giả và được họ kể lại trong không ít bài viết chia sẻ, tương tác được in trong sách “Tinh sau con chữ”.
Dù đã về hưu, đang ở độ tuổi 77 nhưng một ngày làm việc của Nhà thơ Quang Hoài luôn bận rộn, chân tình giúp đỡ “bạn viết” hoàn thành các bản thảo thơ, tiểu thuyết, truyện ký để xuất bản phục vụ bạn đọc và công chúng. Bằng thực tế cuộc sống sôi động trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể nói Quang Hoài như một người rất may mắn, hạnh phúc được đón nhận sự trân quý “tình người sau con chữ” mà ông đã góp phần đưa đến bạn đọc và công chúng. Những điều trân quý đó lại trở thành động lực, cảm hứng cho nhà thơ Quang Hoài trên hành trình sống, viết và “kết bạn bốn phương” miệt mài suốt bao năm nay với tinh thần của người lính, xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hy vọng trong thời gian tới, Nhà thơ Quang Hoài sẽ gặt hái thành công với những tác phẩm mà ông đang “thai nghén” và tiếp tục là “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm ra đời phục vụ bạn đọc và công chúng.

V.X.B.

Bạn đang đọc bài viết "Đọc " Tình sau con chữ" - Trân quý sự "lao tâm khổ tứ" của Nhà thơ Quang Hoài" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn