Lễ hội đền Hát Môn ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch (được làm từ ngày mùng 4) là lễ giỗ Hai Bà (Hai Bà Trưng). Kể từ sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên dòng Hát giang vào cuối xuân năm Quý Mão, hàng năm dân làng Hát Môn đã thường xuyên làm lễ giỗ bà để tri ân công lao với đất nước của hai vị liệt nữ.
Gần hai ngàn năm đã đi qua với biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử khiến vật đổi sao dời, nơi thượng nguồn sông Hát hôm nay đã được phù sa của sông Hồng bồi tụ trở thành những bờ xôi ruộng mật. Bây giờ đứng trên bờ đê lặng nhìn đền Hát Môn (nơi thờ Hai Bà Trưng, xã Hát Môn huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội) cùng những làng mạc trù phú xanh mướt cây trái và ngô, khoai biêng biếc bãi bờ hiện ra trước mắt hẳn không ít người không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng nơi đây một thời từng là cửa sông Đáy (hay còn gọi là Hát giang - sông Hát, Hát môn – cửa sông Hát) nước chảy cuồn cuộn, sóng ầm ầm réo để vượt hành trình gần hai trăm năm mươi cây số đi qua bao miền đất của xứ Đoài, xứ Nam về với đại dương mênh mông. Và cũng chính chỗ này vào một ngày đẹp trời đầu xuân năm 40 là nơi tụ nghĩa, tế cờ, truyền hịch để tiến hành khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nhằm quét sạch quan quân nhà Đông Hán ra khỏi bờ cõi, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc khiến muôn đời sau vẫn còn ngưỡng vọng.
1. Đền nợ nước, trả thù nhà.
Hát Môn thủa đó là bãi “Trường Sa Châu”, cách đây 1983 năm lời hịch sang sảng ngân lên trên đàn tế và lan khắp bốn bề sông nước, truyền đi muôn phương:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba khỏi oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”
Truyện rằng: các triều đại phương Bắc luôn muốn xâm chiếm và đồng hoá nước ta thành một phần của Trung Hoa bởi thế chúng đặt nước ta là Giao Chỉ và cử Thái Thú Tô Định trông coi. Liền với đó là những tập tục, luật lệ, lễ nghi hà khắc của người Hán được áp đặt cho người Lĩnh Nam phải tuôn theo như thể: đàn ông phải cắt tóc ngắn, đàn bà cạo răng trắng, đàn ông phải phải giữ đạo quân thần phụ tử, đàn bà phải theo tam tòng tứ đức, nam nữ phải thụ thụ bất thân ... Đặc biệt chúng thi hành nhiều chính sách cướp bóc tàn ác như bắt cống nạp ngà voi, sừng tê giác, lông chim trả ... cùng với việc thích đánh giết ai thì tuỳ mặc khiến dân ta điêu đứng lầm than và vô cùng căm hận. Trước tình cảnh đó, khắp nơi trong nước nhiều người đã âm thầm tìm nhau, liên kết lại để chuẩn bị khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của người Hán, trong đó nổi bật là hai gia đình thông gia của Lạc tướng ở Chu Diên và gia đình Lạc tướng ở Mê Linh. Đỉnh điểm của sự bạo ngược, tàn ác là việc Thái Thú Tô Định mời Thi Sách (chồng bà Trưng Trắc) đến dự tiệc yến, bàn chuyện rồi ám sát ông khiến hai gia đình Lạc tướng và bà Trưng Trắc vô cùng đau đớn và căm giận đến vô cùng.
Quyết tâm đền nợ nước trả thù nhà chất chứa, chị em bà Trung Trắc và Trưng Nhị đã phất cờ khởi nghĩa với một tâm nguyện “cứu nước cứu dân, dựng lại nghiệp xưa của tổ tông”. Và đến đầu xuân năm 40 (mùng Sáu tháng Giêng năm Canh Tý sau Công nguyên) lời hịch tại bãi Trường Sa ở cửa Hát giang nhanh chóng được nhân dân trong cả nước nhất tề hưởng ứng. Chính từ cửa sông Hát nghĩa quân chia thành các đội tiến đánh các trại giặc dọc sông Lô, sông Hồng, sông Đáy ... Quan quân nhà Hán bị đánh bất ngờ, không sao chống đỡ nổi, Thái Thú Tô Định vội vàng bỏ cả ấn tín, cở áo lột quần, gọt tóc trà trộn vào đám tàn binh chạy trốn về Quảng Đông. Quân Hán ở Luy Lâu bị mất tướng vội hoảng hốt xin hàng. Từ chiến thắng ở Luy Lâu nhân dân khắp nơi trong cả nước vùng lên khởi nghĩa. Các quận Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung bộ), Hợp Phố (vùng Quảng Đông - Trung Quốc) chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chưa đầy một tháng, toàn bộ Lĩnh Nam sạch bóng quân xâm lược, sáu mươi lăm thành trì đã hoàn toàn giải phóng không còn nội thuộc Đông Hán. Hai bà lên lên ngôi vua và đóng đô ở Mê Linh.
Đất nước tự chủ chưa đầy hai năm thì nền độc lập nước nhà lại bị đe doạ, Vũ Quang Đế (vua Đông Hán) lo sợ thế lực của nước Nam vững mạnh nên tháng Tư năm Mậu Dần (năm 42 đầu Công nguyên) đã cử Mã Viện, một tên tướng già từng đàn áp đẫm máu nhiều cuộc nổi dậy của nông dân và các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đưa hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta. Quân Hán tiến vào nước ta theo đường biển và đường bộ. Chị em bà Trưng đã chia quân chặn đánh quyết liệt ở khắp các chiến trận khiến quân Mã Viện tổn thất nặng nề, phải rút lui về phía Đông và xin viện binh cứu trợ. Mùa xuân năm Quý Mão (năm 43 đầu Công nguyên) Hán Quang Vũ gửi cho Mã Viện hai vạn quân tinh nhuệ để tiến đánh Mê Linh hòng giải phóng nhanh gọn nhưng gặp thời tiết xấu chúng phải vây hãm thành lâu dài và chặn đánh các đường tiếp tế. Do tương quan lực lượng không cân sức, Hai Bà Trưng đã phải phá vòng vây, bỏ thành chạy về Cấm Khê (vùng Ba Vì) để tiếp tục đánh giặc. Rồi trong một trận chiến, tình thế nguy kịch, để không bị rơi vào tay giặc, Hai Bà đã chạy về Hát Môn nơi cách đó ba năm lập đàn truyền hịch khởi nghĩa để trẫm mình xuống dòng sông tuẫn tiết. Đó là ngày đen tối của phong trào khởi nghĩa, mùng Sáu tháng Ba nguyệt lịch, khi đó hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị mới hai mươi chín tuổi xuân.
2. Dấu xưa còn một chút này
Cảm kích trước tấm gương liệt nữ xả thân vì độc lập tự do của đất nước, nhị vị vua Bà cùng các thân nhân và các tướng lĩnh theo hai bà đánh giặc được nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước tôn kính lập đền thờ cúng hàng năm. Theo thống kê, hiện có 215 nơi thờ với 238 vị tướng của hai bà, trong đó có 143 vị nam tướng, 95 vị nữ tướng (Đền thờ Hai Bà Trưng, báo Thái Nguyên, số ra ngày 10/01/2014). Trong số những nơi thờ tự ấy, đền thờ Hát Môn được làm tại chính nơi các vua Bà dựng cờ khởi nghĩa tiến đánh giặc Hán; nơi Hai Bà xưng vương và khi quân yếu thì lui về cầm cự và tuẫn tiết. Có thể nói đây là một căn cứ đặc biệt của cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại độc lập. Có lẽ vậy mà từ xưa đến nay đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn được chính quyền đương thời rất quan tâm. Các triều đại phong kiến sắc phong hai mươi hai lần và gần đây, tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 9 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng công nhận đền được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Phải nói thêm, đây là những nơi thờ Hai Bà Trưng và các người thân, tướng lĩnh của các vua Bà trên đất Việt Nam. Ngoài thờ tự ở Việt Nam, trên đất Trung Quốc (vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây và Hồ Nam) cũng có rất nhiều nơi có đền, miếu thờ Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà.
Trở lại với vùng đất cửa sông, theo sử sách lưu truyền của dân làng, sau khi Hai Bà trẫm mình xuống dòng sông ầm ầm sóng réo để về với đất mẹ bất diệt yêu thương, nhân dân trong vùng đã vô cùng thương tiếc bèn lập ngôi đền bằng tranh tre nứa lá để đêm ngày nhang khói phụng thờ. Qua gần hai ngàn năm, ngôi đền không ngừng được mở rộng và trùng tu rất nhiều lần. Ngày nay, nhìn một cách tổng thể đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc rất đẹp toạ trên một khu đất rộng khoảng ba héc ta có thế “long chầu hổ phục”, phía trước có gò rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Đây là ngôi đền cổ nhất trong các nơi thờ tự hai Bà. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hai Bà đã lựa chọn chính chỗ này để làm nơi lập đàn tế cờ và tiến đánh giặc Hán; sau khi chiến thắng lại đến đây khao quân và tắm gội sạch sẽ rồi bắt đầu xưng vương; đến khi quân mỏng lực tàn lại lựa chọn làm nơi trẫm mình tuẫn tiết để bảo toàn tiết hạnh.
Khối công trình kiến trúc đền thờ Hai Bà hiện nay gồm có các hạng mục: Quán Tiên, miếu Tạm ngự, Nghi môn ngoại (cổng tứ trụ), Đàn thề, Nghi môn nội (Tam quan), Nhà bia, Đại bái, Tả mạc, Hữu mạc, nhà Thiêu hương, Hậu cung, nhà Mộc dụng, Thuỷ đình, gò Giấu ấn, sân rồng và không gian sân bãi rộng lớn để tổ chức lễ hội. Trong số những hạng mục đó, nổi bật nhất là Tam quan, Đại bái và Hậu cung. Những hạng mục này giữ nguyên được các đường nét kiến trúc của thời Lê – Nguyễn. Tam quan gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát. Nhà Đại bái gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam - hạ tứ”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát. Trang trí trên các công trình kiến trúc tập trung ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng với các đề tài rồng, tứ linh. Nhìn chung những sản phẩm nghệ thuật chạm khắc này mang phong cách thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức của Hai Bà. Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân khoảng 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu “thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”. Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa Trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên khối kiến trúc này chủ yếu chạm hình chim phượng. Gian giữa cung cấm có một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà. Trong Hậu cung có tượng Hai Bà theo nguyên bản ngày xưa các cụ để lại và bài vị của Hai Bà từ ngày bắt đầu thành lập đền. Cùng với những công trình kiến trúc độc đáo đó trong khu di tích cũng mới làm thêm rất nhiều voi đá, ngựa đá, đàn thề đá khắc lời nguyện của Hai Bà khi tế cờ khởi nghĩa. Những voi và ngựa khi xưa vốn là những con vật được hai bà dùng đi đánh giặc. Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ rất nhiều di vật quý và có giá trị lịch sử như: kiệu song loan, đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, đại tự do các quan chức, nhân sĩ trong vùng ngưỡng vọng cung tiến Hai Bà. Trong đền, ngoài 22 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cũng còn lưu giữ 6 bia đá. Đặc biệt phía bên tay phải đền, theo nguyện vọng muốn làm một người lính theo hầu Hai Bà của nữ tướng Nguyễn Thị Định, dân làng Hát Môn đã làm một khu nhà tưởng niệm nữ tướng sau khi bà mất.
3. Ăn quả nhớ người trồng cây
Sông xưa giờ đã trở thành những làng mạc, bờ bãi, duy chỉ có lòng yêu quý và ngưỡng vọng vua Bà là không thay đổi. Sự tôn kính đó sẽ còn mãi theo thời gian. Tưởng nhớ công lao của Hai Bà và cũng thể hiện khí phách bất khuất, quật cường trước ngoại xâm, cổ vũ tinh thần yêu nước, hàng năm dân làng Hát Môn ngoài các ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng còn tổ chức ba lần lễ hội vào các ngày: ngày mùng Sáu tháng Ba (ngày giỗ Hai Bà), ngày mùng Bốn tháng Chín (ngày Hai Bà tế cờ, đọc lời thề, khao quân, khởi nghĩa), ngày Hai tư tháng Chạp (lễ rước mộc dục). Trong đó lễ hội ngày mùng Sáu tháng Ba là tiêu biểu nhất, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo. Lễ hội ở Hát Môn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Hát Môn ngày mùng 6 tháng 3 (âl) (được làm từ ngày mùng 4) là lễ giỗ Hai Bà. Kể từ sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên dòng Hát giang vào cuối xuân năm Quý Mão, hàng năm dân làng Hát Môn đã thường xuyên làm lễ giỗ bà để tri ân công lao với đất nước của hai vị liệt nữ. Tương truyền, trước khi Hai Bà Trưng xuất quân đi đánh giặc thì có một bà lão hàng quán nghèo xin gặp và dâng hai đĩa bánh trôi mới làm xong để tỏ lòng thành kính. Hai Bà Trưng đã vui vẻ nhận và ăn những đĩa bánh trôi của bà lão hàng quán một cách ngon lành trước lúc xung trận. Và đây cũng là những đĩa bánh cuối cùng Hai Bà được ăn trước lúc trẫm mình xuống dòng nước để bảo vệ danh tiết. Quán hàng của bà lão ngày đó nay được dân làng tưởng nhớ lập thành Quán Tiên để thờ ở trước cổng đền. Cũng chính từ sự tích này mà lễ hội ở Hát Môn có một nghi lễ rất độc đáo: dâng bánh trôi lên vua Bà. Để tỏ lòng thành kính với Hai Bà, theo phong tục ở Hát Môn kể từ Tết Nguyên đán đến trước sáng ngày Sáu tháng Ba âm lịch, không ai được ăn bánh trôi, không được cúng bánh trôi ở gia đình trước khi dâng Hai Bà. Mọi người chỉ cúng bánh trôi ở gia đình và ăn bánh trôi sau khi đã dâng lễ Hai Bà ở trong đền. Và việc làm bánh trôi cùng nghi thức dâng lễ lên Hai Bà Trưng cũng được tuân theo một quy trình rất chặt chẽ để đảm bảo các yếu tố về tâm linh.
Phong tục làm bánh trôi trong lễ hội Hát Môn đã trở thành một mỹ tục. Trải qua thời gian câu chuyện dã sử về sự tích bánh trôi trong ngày hội là một cách giải thích về nguồn gốc mỹ tục của cư dân bản địa. Và ẩn sâu trong cái vỏ bề ngoài của những mâm bánh mỹ tục đó sẽ có không ít lớp trầm tích văn hoá - lịch sử thú vị chồng chất lên nhau. Đó là những ánh xạ của của các nghi lễ nông nghiệp vào trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cư dân làm lúa nước; là sự khúc xạ, tích hợp nghi lễ nông nghiệp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ cúng các vị anh hùng dân tộc; trên phương diện phong tục đó là sự lí giải cho chúng ta biết về nguồn gốc của bánh trôi (không giống sự tích bánh trôi của người Hán là để tưởng nhớ tới Giới Tử Thôi trong ngày Hàn thực mùng Ba tháng Ba); thể hiện thái độ tình cảm của nhân dân với Hai Bà theo quan điểm của dân gian (trước khi mất Hai Bà đã được ăn bánh) ...
Gần hai nghìn năm đã đi qua phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn có một sức sống kì lạ. Có thể nói làm nên sức sống dẻo dai bền bỉ này là có sự đan xen, tích hợp của các lớp tín ngưỡng và các lớp trầm tích văn hoá quy tụ vào một nhân vật lịch sử có một không hai của dân tộc Việt Nam - Hai Bà Trưng. Thời gian sẽ trôi qua nhưng hình ảnh, công đức của người anh hùng và các lớp trầm tích văn hoá sẽ tiếp tục hoà quyện vào nhau, tồn tại một cách hữu thức trong tâm hồn các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Đây cũng chính là lối sống, lối ứng xử văn hoá đẹp đẽ của con người Việt Nam.