Chiều ngày 7/5, tại sân Đình Thần nông, Ban tổ chức đã khai mạc Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ (nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) diễn ra trong 2 ngày, ngày 7 và 8/5/2024 (nhằm ngày 29 tháng 3, Mùng 1 tháng 4 năm Giáp Thìn) và đã được rất nhiều vị lãnh đạo, các cấp, các ngành, các Trung tâm… từ thành phố, huyện, xã và đông đảo người dân địa phương về tham dự.
Theo các bậc cao niên, làng Phong Lệ xưa có tên gốc là xứ Đà Ly, sau chia làm hai làng là Phong Bắc nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận (Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng), và Phong Nam thuộc xã Hòa Châu (Hòa Vang – TP. Đà Nẵng). Dù chia tách địa lý hành chính như vậy, song đến ngày Lễ hội Mục Đồng, người dân ở hai địa phương nói trên cùng về tham dự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Lễ hội Mục đồng của làng Phong Lệ xưa là lễ hội độc đáo, có “1-0-2” của TP. Đà Nẵng và của nước ta. Đây là một lễ hội duy nhất có trên toàn quốc nhằm tôn vinh giới trẻ chăn trâu, một thành phần thấp bé trong xã hội phong kiến ngày xưa. Đây là lễ hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ nói riêng và xã Hòa Châu và các vùng phụ cận nói chung.
Lễ hội Mục đồng diễn ra tại 3 khu vực là Đình Thần nông (nơi cử hành lễ chính),Cồn Thần, Không gian làng Phong lệ. Lễ hội mục đồng là lễ hội tôn vinh trẻ mục đồng duy nhất chỉ có ở làng Phong Lệ. Đây là sự kiện văn hóa quy mô của huyện Hòa Vang nhằm tái hiện lại không gian văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Hòa Vang, thu hút du khách, nhân dân tham gia, trải nghiệm, có những cảm nhận, được hòa mình vào không gian, các hoạt động diễn ra tại lễ hội.
Theo quan sát của chúng tôi, Đình Thần Nông với cấu trúc hình chữ Đinh có 3 bộ phận gắn liền nhau từ ngoài vào trong, có tiền đường hậu tẩm hình thành 5 gian, gian chính giữa thờ Thần Nông - vị tổ sư của ngành nông nghiệp - giúp cho dân làng cầu khẩn được mưa thuận gió hòa. Gian tả thờ các bậc tiền bối hữu công khai khẩn, khai canh, khai cư. Gian hữu thờ các bậc tiền nhân mục đồng từng dây công lao và làm rạng rỡ cho tầng lớp thấp bé. Vì thế cho nên đình Phong Lệ được mang tên là đình Thần nông. Cũng như các đình làng khác nhưng duy chỉ có làng Phong Lệ mới có đình Mục Đồng.
Ngày xưa các quan chức hoặc con em trong làng thi cử đỗ đạt trước hết phải rước vào đình trình làng làm lễ tôn vinh khuyến học, khuyến tài để giúp ích nước nhà. Với bề dày lịch sử của ngôi đình cổ kính, vào tháng 9/2001 được UBND thành phố đăng ký Di tích kiến trúc nghệ thuật, vào tháng 6/2007 được UBND thành phố Đà Nẵng quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố.
Cụ Ngô Văn Công, 74 tuổi, Phó làng kể rằng, theo truyền thuyết, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ và tranh giữa đồng. Ngày kia, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó giữ lại. Dân làng cho là có thần linh “cư ngụ” nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Sau đó một thời gian, có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm, nhưng người và trâu không xảy ra chuyện gì. Từ đó có tiếng đồn lan ra là cồn Thần chỉ dành cho các trẻ chăn trâu (mục đồng) đến gần mà thôi. Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Truyền thuyết nói trên, về sau qua nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là “lễ rước Mục Đồng”.
Theo cụ Ngô Tấn Hiền, 74 tuổi, Trưởng làng Phong Nam cho hay, lễ hội Mục đồng gắn với với Đình Thần Nông, làng Phong Lệ - được hình thành vào cuối đời vua Tự Đức (1848 - 1883). Lễ hội Mục đồng ban đầu được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nghĩa là 3 năm 1 lần, sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Sau mấy mươi năm gián đoạn, Lễ hội Mục đồng được phục dựng và tổ chức 4 lần vào các năm 2007, 2010, 2014 và năm nay -2024.
Các nghi thức trong lễ hội gồm có 03 phần lễ, 01 phần hội đó là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông; tiếp theo là lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào Đình dâng hương, đảnh lễ thần. Sau cùng là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt cả một ngày, nhưng đông vui hơn cả là vào ban đêm. Đặc biệt, phần hội không thể thiếu hát mục đồng. Mục đích của đêm hát là nhằm tạ ơn Thần Nông, các vị thần linh đã giáng hạ về làng, phò trì cho nhân dân được khỏe mạnh, no ấm, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi... Đồng thời, tạo cơ hội cho nhân dân trong làng được thưởng thức một đêm hát tuồng, hát mục đồng để giải trí sau khoảng thời gian vất vả với công việc đồng áng.
Lễ hội truyền thống rước Mục đồng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ. Lễ hội là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong lễ hội rước Mục đồng đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân làng Phong Lệ. Ngày trước, lễ hội rước Mục Đồng tổ chức rất lớn, 3 ngày 3 đêm, có giết trâu, có hát mục đồng, không khí trong làng nhộn nhịp, đông vui.
Dù về sau lễ hội không còn được tổ chức thường xuyên như trước, nhưng đình Thần Nông luôn được nhân dân làng Phong Lệ tổ chức lễ bái, thờ cúng, xứng đáng là nơi tôn nghiêm, là di tích đặc biệt của làng. Ngày Rằm, Mùng một hàng tháng đều cử người dọn dẹp, hương khói chu đáo. Vào mùng 01 tháng 4 Âm lịch hằng năm tổ chức lễ cúng đình và cúng Cồn Thần.
Trước đây lễ vật cúng Đình là do nhân dân đóng góp. Trẻ chăn trâu là nhân vật chủ chốt của lễ cúng Đình và Cồn Thần. Từ việc thu gom vật phẩm trong làng, đến nấu nướng, mua sắm dọn lễ... đều do trẻ chăn trâu trong làng đảm trách. Các chức sắc cao niên trong làng chỉ đạo văn tế lễ. Sau lễ cúng tổ chức dọn tiệc ngay tại đình. Toàn bộ trẻ chăn trâu và các vị chức sắc cao niên trong làng ngồi dự bình đẳng với nhau, không phân biệt chủ tớ, sang hèn.
Nhân buổi lễ khai mạc này, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh QN-ĐN là Đại tá- nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Anh Dũng đã trao “Quyết định Vinh danh” cho Ban Quản lý di tích Đình Thần nông (thuộc làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) với những thành tích: Phụng cúng, tu bổ, phát huy di tích Đình Thần nông…
Cụ Ngô Văn Công cũng cho hay ngày xưa, từ cuối tháng Ba (ÂL), khi vụ mùa đã thu hoạch xong cũng là lúc các công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu. Không khí trong làng rộn ràng, tất bật để chuẩn bị lễ hội. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có gần 20 cây “đại kỳ” của các chư phái tộc. “Đại kỳ” với cán lớn bằng tre dài 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống. Nào là tứ linh (lân, long, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, gàu giai, gàu sòng, dừng, nia... Để được chiếm giải trong lễ hội, các tộc họ có điều kiện “sáng tác” các hình tượng bằng gỗ rất công phu, mỹ thuật. Mang trên mình nhiều thứ “nông cụ” như vậy nên cây cờ lớn thường rất nặng, phải chọn 3 lực điền khỏe mạnh với đầy đủ nai nịt ngang lưng mới đủ sức mang cờ.
Chiều ngày 07-5 (DL), các bô lão, dân làng, các mục đồng trong làng cùng cờ, ban nhạc cổ tổ chức rước “Thần nông” từ Cồn Thần bằng kiệu hoa uy nghi về đình làng Phong Lệ an vị, tế vọng Thần. Vừa đi vưa hô những câu hát cổ xưa. Đến Cồn Thần, đám rước dừng lại. Kiệu Thần được đặt gần vào nơi di tích có tảng đá lớn gắn trên “nấm mộ” xây bằng xi măng. Các bậc cao niên, tư lễ tiến hành làm lễ cúng triệu thỉnh Thần Nông, khấn vái và xin keo âm dương để cung thỉnh rước Thần. Sau lễ cúng, cụ xin keo được, cụ ra hiệu cho người đánh kiểng cổ nổi lệnh báo tin: “Thần Nông đã giáng hạ”. Lúc này, tất cả lại chỉnh đốn trang phục, hàng ngũ chuẩn bị rước Thần Nông về đình làng. Trong âm vang của tiếng trống chiêng, tiếng nhạc cổ, dưới ánh sáng bập bùng của các ngọn đuốc, đèn lồng héo hắt bên ngôi đình cổ kính khiến không gian nơi đây càng thêm huyễn hoặc như ở cõi u linh.
Sáng ngày 08-5 (DL), Trời vừa hửng sáng đã vang lên tiếng trống giục giã dân làng về dự lễ. Tất cả tề tựu trong sân Đình Thần Nông, còn được gọi là Đình Mục Đồng. Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái rồi cung thỉnh bài vị Thần nông đặt vào kiệu do 4 mục đồng khiêng. Xong đâu đó, đám rước lên đường với chiêng trống, kiểng cổ vang động`khắp làng, sau cùng là đoàn mục đồng vai mang giỏ bịt mõm trâu, dây thẹo buộc trâu diễu hành quanh đồng ruộng trong làng trong âm vang của nền nhạc cổ bát âm. Vừa đi, thi thoảng người phụ trách dùng loa xướng lên:
- Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta!
- Dạ! (mục đồng đáp lại).
- Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta!
- Giá hạ! Giá hạ! (mục đồng đáp lại 3 lần).
- Cầu cho tốt lúa tốt gieo. Vũ thuận phong điều, hò reo một tiếng!
- Giá hạ! Giá hạ (mục đồng đáp lại 3 lần).
Trên đường về đình, chúng tôi có thấy đám mục đồng đang đi qua đám ruộng với bầy trâu và khi đi qua một đám cỏ bên đường, đoàn rước còn dừng chân để cổ vũ cho các trò chơi dân gian như kéo co, rồng rắn, nhảy dây… của các mục đồng.
Sau đó, đoàn rước tiếp tục khiêng kiệu về đình làng cúng tế chính thức. Bài vị Thần Nông được đặt lên bàn thờ nơi hậu tẩm chính Đình. Lễ phẩm như hoa, xôi, gà, trái cây…, lần lượt được bày trên bệ thờ khắp ba gian đình. Mục đồng nghiêm chỉnh đứng trước đình làm lễ. Các chức sắc trong làng nghiêm trang đứng thành hai hàng chứng minh buổi lễ cúng tế. Sau khi tế lễ xong, các mục đồng là những người được mời vào ăn cổ cùng với chư vị chức sắc trong làng, lúc này không phân biệt thứ hạng. Tối cùng ngày, tại sân Nhà thờ Tiền Hiền làng Phong Lệ có tổ chức hát mục đồng và hát tuồng phục vụ dân làng.
Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay, việc phục dựng thành công Lễ hội Mục đồng năm 2024 này là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa, giữa gìn các giá trị của cộng đồng dân cư ngày thêm phát triển./.