VH&PT - Lễ hội là loại hình di sản văn hoá mang tính cộng đồng, phản ánh rõ đời sống văn hoá tinh thần của người dân, cùng phong tục, tập quán đặc trưng của mỗi vùng miền. Lễ hội được ví là cái nôi của văn hoá, nơi bảo tồn, trao truyền và phát huy những giá trị văn hoá, truyền thống lịch sử giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội ở Việt Nam – được cho là hình ảnh “bộ mặt” thu nhỏ của mỗi làng, xã - là mạch nguồn của văn hoá dân tộc, hình thành dựa trên nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần, cùng niềm tin tín ngưỡng cộng đồng. Một lễ hội sẽ gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội. “Lễ” là hệ thống những động tác, hành vi, biểu hiện sự tôn kính của con người với đấng thần linh, phản ánh những ước vọng chính đáng trong cuộc sống, mà họ chưa thực hiện được. “Hội” là hoạt động sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, được xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Lễ hội phần lớn diễn ra vào mùa xuân, thời điểm đánh dấu sự chuyển mình của đất trời, sự giao thoa của vạn vật, hay vào những ngày lễ, kỷ niệm, dấu mốc quan trọng của một làng xã. Nhân dân đi lễ hội, bên cạnh việc vãng cảnh và mưu cầu những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân, thì đây cũng là dịp để tìm hiểu về nguồn cội, ý nghĩa của ngày hội làng, hay điểm di tích lịch sử, đình, đền, chùa, miếu mạo, nơi mình sinh sống hoặc vùng lân cận, như: Nhân vật được thờ phụng là ai, thân thế và sự nghiệp của người đó như thế nào, có công trạng ra sao với dân, với nước… Từ đó, khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước, đồng thời, tăng thêm sự uy nghiêm, trang trọng, vui tươi phấn khởi của ngày lễ hội.
Ngày nay, không ít lễ hội tại môt số mùng miền đã bị mai một, biến dạng. Yếu tố truyền thống lịch sử đã bị xoá nhoà, bản sắc văn hoá phai nhạt. Tính trao truyền và kế thừa trong hoạt động lễ hội dần bị mất đi. Nhiều nơi, phần lớn tập trung vào “Hội”, với những hoạt động vui chơi, giải trí, nhằm thu hút du khách thập phương đến tham dự. Phần “Lễ” chỉ tổ chức đơn giản, qua loa, hoặc sai lệch, biến tướng.
Vì vậy, việc chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát huy nhiều hơn nữa, những giá trị di sản văn hoá, truyền thống tốt đẹp của lễ hội nói riêng và văn hoá lịch sử nói chung, trong thời đại 4.0, là việc làm cần thiết của toàn xã hội.
Ảnh: Trường Nam; thiết kế & Concept: Bình An
Video ngắn về lễ hội “Thiên Đế Cung”