Chúng tôi có dịp lên chùa Hà Tân - ngôi chùa nằm ở doi đất cuối làng Hà Tân (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), là nơi hợp lưu của hai sông Kôn và sông Vu Gia với cảnh quan thơ mộng nhưng không kém phần hùng vĩ với những dãy núi cao ẩn hiện trong mây của chân rặng Trường Sơn bao bọc. Khách đến vãng cảnh chùa, có thể đến từ đường bộ hay đường sông.
Đại Đức Thích Đồng Nhãn, trụ trì chùa Hà Tân vừa đưa chúng tôi thăm quan cảnh Chùa vừa cho hay, ban đầu, chùa Hà Tân chỉ là một ngôi “chùa làng” nhỏ, được xây dựng vào năm 1959 bởi ông Lương Châu (Lương Tự Hối), một Phật tử tận tâm, tận tụy. Ông đã tạo điều kiện cho cộng đồng trong làng có nơi cúng Phật và bảo dưỡng, trùng tu ngôi chùa qua các năm tháng. Tuy nhiên, như nhiều khu vực khác, chiến tranh đã gây ra nhiều thiệt hại, làm cho cả xóm làng và ngôi Chùa đều chịu đựng nhiều đau thương, hư hỏng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, chùa Hà Tân, dù nhỏ bé, vẫn giữ vững vai trò của mình như một điểm tâm linh quan trọng. Đại Đức Thích Đồng Nhãn trở thành trụ trì của ngôi chùa này từ năm 2019 và cùng cộng đồng Phật tử và bà con trong làng duy trì các nghi lễ và nghi thức tôn giáo hàng năm.
Nhờ vào sự quyết tâm và nỗ lực của Đại Đức Thích Đồng Nhãn cùng cộng đồng Phật tử và dân làng, ngôi chùa đã được trùng tu, bồi đắp và duy trì hơn trong những năm qua. Bằng sự hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân hảo tâm, chùa Hà Tân ngày càng trở nên khang trang, đẹp đẽ và hài hòa hơn, thu hút rất đông Phật tử và du khách từ khắp nơi tìm về để dâng hương và tận hưởng bình yên tại đây.
Chùa Hà Tân thực sự đã trải qua một giai đoạn đầy sự phát triển và sự ủng hộ từ cộng đồng trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015. Nhờ vào sự đóng góp của các Phật tử, doanh nhân và nhân dân, chùa đã có điều kiện để tiến hành trùng tu và tôn tạo ngôi chánh điện cũng như các công trình khác.
Với diện tích là 3.600m2, trải qua quá trình trùng tu, chùa Hà Tân đã được nâng cấp và tôn tạo, bao gồm cả chánh điện, khách đường, bếp ăn, tiểu khê, và vườn chùa. Các cảnh quan xung quanh được làm mới, với việc trồng nhiều loại cây xanh quý hiếm tạo nên bóng mát và không gian yên bình. Trong vườn thiền của chùa, có tượng 18 vị La Hán trầm mặc tĩnh lặng, tạo nên một không gian tĩnh lặng và thuần túy.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý là mặc dù chùa Hà Tân chỉ là một ngôi Chùa ở một làng nhỏ, nhưng Chùa đã thu hút sự quan tâm và ghé thăm của nhiều vị lãnh đạo và tướng lãnh cao cấp như: Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Thượng tướng Võ Tiến Trung, và Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn đã đến thăm chùa và trồng cây lưu niệm, thể hiện sự tôn trọng và ủng hộ đối với cộng đồng tôn giáo và văn hóa địa phương.
Đại đức Thích Đồng Nhãn cho hay, nơi ngã ba sông này, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường Thượng Đức. Tri ân công đức của những người đã hy sinh trên đất này, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình liệt sĩ, chùa Hà Tân đã rước hương linh của 1.000 liệt sĩ thuộc các đơn vị Sư đoàn 304, 324 và Trung đoàn 219 thuộc Quân đoàn 2 về thờ tự trong Đền thờ liệt sĩ trang nghiêm. Hằng năm đến mùa Vu lan, thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền đã tìm về đây dâng hương, tưởng niệm vong linh liệt sĩ đã nằm xuống đất này. Nhà chùa mỗi năm đều tổ chức đại lễ cầu siêu cho liệt sĩ.
Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng cho hay, chùa Hà Tân tuy không lớn, nhưng thật uy nghi, mang nét yên bình của làng quê Hà Tân. Hằng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ Phật cũng như vãn cảnh. Bên cạnh địa thế, kiến trúc đẹp, cảnh quan hài hòa, bình yên sông nước, chùa Hà Tân còn là nơi ghi dấu đau thương của chiến tranh. Sau khi phục dựng, cải tạo, ngôi chùa là nơi quy tụ, thờ phụng những liệt sĩ trên chiến trường Quảng Nam.
Hằng năm, thầy trụ trì Đại đức Thích Đồng Nhãn cùng với các phật tử luôn cúng bái, tôn tạo mộ phần, hương linh để bày tỏ lòng thành kính với những anh hùng, liệt sĩ của dân tộc. Chưa dừng lại đó, vào mùa vu lan hằng năm, những thân nhân của các liệt sĩ khắp nơi đã tìm về chùa Hà Tân như để tìm lại hơi ấm của người thân của mình đã nằm xuống cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay, ngôi chùa đã phải đối mặt với một thách thức mới khi “đôi bờ” sông Kôn và sông Vu Gia bắt đầu lấn sâu vào khuôn viên ngôi chùa, đe dọa xóa sổ nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời như làm kè kiên cố bảo vệ trên 200 mét suốt chiều dài của hai bên bờ sông.
Đại đức Thích Đồng Nhãn, còn cho biết tình trạng sạt lở “hai bờ” sông sông Kôn và Vu Gia đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa, bão vào tháng 10/2023, khiến việc sạt lở bờ sông trở nên trầm trọng hơn. Nước lũ cuồn cuộn đổ về đã xâm thực sâu, gây sạt lở khoảng 10m với chiều dài cả trăm mét của hai bờ sông, làm nhiều diện tích kè chắn tạm thời của chùa bị cuốn trôi.
Qua quan sát của chúng tôi, con đường bộ lát đá được xây dựng khá kiên cố ven bờ sông Kôn có đoạn đã sạt lở trầm trọng với những bụi tre nằm dưới sông và con đường lát đá ven sông Vu Gia đã rạn nứt trầm trọng, có điểm nứt khoảng 4-5 cm. Nguy cơ tiếp tục sạt lở đất Chùa xảy ra bất cứ lúc nào.
"Để bảo vệ ngôi chùa đẹp nơi đầu nguồn Vu Gia, cũng là bảo vệ ngôi làng Hà Tân thơ mộng này, những năm qua, Chùa cũng được sự quan tâm, hỗ trợ của quý vị lãnh đạo, các cấp các ngành, địa phương, bà con nhân dân… Chùa đã kêu gọi chư tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm xa gần phát tâm hỗ trợ, cúng dường tam bảo, nhờ đó mà chùa Hà Tân mới được bảo tồn, gìn giữ. Song nỗi lo sạt lở vẫn còn đó, công sức Chùa bỏ ra như “muối bỏ biển” bởi vì đó là biện pháp “gia cố” tạm thời. Hiện nay, áp lực “xâm thực” từ hai dòng sông ngày càng gia tăng, lo nhất là vào mùa mưa bão năm 2024 sắp tới. Hậu quả có thể là nguy cơ mất đi ngôi chùa đẹp và tâm linh nếu không có can thiệp kịp thời bằng việc xây dựng hệ thống kè kiên cố hai bên bờ sông…" - Đại đức Thích Đồng Nhãn cho biết.
Thiết nghĩ, nguyện vọng của Đại đức Thích Đồng Nhãn cùng các phật tử tại Chùa Hà Tân về việc huy động đủ nguồn kinh phí và kết hợp lòng nhất trí cùng với chính quyền địa phương để thực hiện một dự án xây dựng kè kiên cố hai bờ sông nhằm chống lại những thiên tai bão lụt là một ý kiến đáng hoan nghênh. Họ mong muốn sự hỗ trợ và chấp thuận từ các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc, và xã Đại Lãnh để sớm đưa nguyện vọng này của Chùa Hà Tân vào xem xét và thực hiện. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho chính Chùa cũng như nhiều hộ dân khác trong khu vực trong những kỳ mưa lũ sắp tới./.