Kỳ 26
V: Phong trào giải phóng dân tộc từ 1919 đến1930
Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918), nhiều nhân tố thế giới và trong nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, đẩy mạnh, tăng cường áp bức bóc lột nhân dân Đông Dương, trong đó có Việt Nam, làm cho mâu thuẫn dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp cực kỳ gay gắt. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất bây giờ phát triển về chất lượng và số lượng. Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời. Tầng lớp tiểu tư sản ngày càng đông đảo. Các giai cấp mới bước lên vũ đài chính trị làm cho phong trào giải phóng dân tộc ngày càng rõ nét xu hướng mới.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện thế giới tác động mạnh mẽ nhất đến cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng này kết thúc thời kỳ lịch sử cận đại, mở ra thời đại mới cho lịch sử toàn thế giới, thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp xem ai thắng ai giữa vô sản với tư sản trên phạm vi thế giới. Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa, đặt các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào phạm trù của cách mạng vô sản. Từ trong bão táp rung chuyển của cuộc cách mạng này, Liên bang cộng hoà hội chủ nghĩa Xô viết Nga, năm 1922 là Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) đã tích cực giúp đỡ tinh thần và vật chất cho phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập. Đây là tổ chức không chỉ của phong trào vô sản thế giới mà còn là tổ chức của phong trào giải phóng dân tộc, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi.
Trong hoàn cảnh quốc tế đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đi sang Phương Tây tìm con đường cứu nước và năm 1920 tại Pa ri (Pháp), Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc từ trong “Luận cương về vấn đề dân tộc thuộc địa” của Lê-nin, đó là con đường theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam phải do giai cấp vô sản lãnh đạo, tiến hành cách mạng theo phương pháp cách mạng vô sản, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân. Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ thì làm mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp. Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm ra con đường cứu nước, truyền bá chủ nghĩa Mac-Lê nin vào Việt Nam đã tác động to lớn đến cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản, trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.
Phong trào đấu tranh
Tư sản mại bản
Tư sản mại bản quyền lợi gắn bó với tư bản Pháp, họ đấu tranh không nhằm mục đích giải phóng dân tộc mà chỉ nhằm buộc chính quyền thực dân Pháp cho họ những quyền lợi chính trị, kinh tế. Tư sản mại bản phát động phong trào chấn hưng hàng nội hoá, chống tư sản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn, độc quyền xuất khẩu lúa gạo Nam kỳ. Họ sử dụng báo chí làm vũ khí đấu tranh, thành lập “Đảng lập hiến”, đảng đại diện cho tư bản , địa chủ lớn ở Nam kỳ do Bùi Quang Chiêu lãnh đạo. Đảng lập hiến đưa ra khẩu hiệu đòi tự do dân chủ để tranh thủ quần chúng, gây áp lực với chính quyền Pháp. Nhằm chia rẽ giai cấp tư sản, thực dân Pháp nhượng bộ cho tư sản mại bản một số quyền lợi về kinh tế, cho một số đại biểu của họ tham gia Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Ngay sau đó Đảng lập hiến đã thỏa hiệp với thực dân Pháp.
Phong trào của tư sản dân tộc
Tư sản dân tộc là tầng lớp cấp tiến của tư sản Việt Nam. Phong trào tư sản dân tộc nằm trong trào lưu phong trào yêu nước những năm 20 thế kỷ XX. Đại diện cho tư sản dân tộc và tiểu tư sản là Việt Nam quốc dân Đảng thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927 trên cơ sở nhóm Nam đồng thư xã, một nhà xuất bản do Phạm Tuấn Tài thành lập. Các lãnh tụ chủ chốt của đảng gồm Nguyễn Thái Học (quê ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Phạm Tuấn Tài, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu. Thành phần của Đảng là các tiểu chủ, giáo viên, sinh viên, công chức, những người làm nghề tự do, thân hào, địa chủ, phú nông, binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Một số hội, đoàn là tổ chức quần chúng của Đảng. Mục đích của Đảng là tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, đánh đổ đế quốc phong kiến, thiết lập nền cộng hoà tư sản. Tuy nhiên, Việt Nam quốc dân Đảng không có cương lĩnh rõ ràng, không dựa vào quần chúng công nông. Tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng gồm 4 cấp: Tổng bộ (Trung ương với cơ quan là báo “Hồn cách mạng”), Kỳ bộ, Tỉnh đảng bộ và chi bộ. Trên thực tế Đảng chưa bao giờ có được hệ thống tổ chức trên cả nước. Đảng kết nạp đảng viên một cách dễ dàng nên mật thám Pháp chui vào, cung cấp tin tức hoạt động của Đảng cho thực dân Pháp. Hoạt động của Đảng thiên về ám sát cá nhân, manh động.
Ngày 9 tháng 2 năm 1929, Việt Nam quốc dân Đảng ám sát Ba Danh, tên mộ phu đồn điền cao su gian ác. Lấy cớ đó, thực dân Pháp khủng bố Đảng. Ngay đợt đầu 1000 đảng viên của Đảng đã bị bắt, trong số đó có nhiều cán bộ cơ sở và trung ương, nhiều cơ sở Đảng tan vỡ. Đảng có nguy cơ bị tiêu diệt. Đứng trước tình hình nguy ngập đó, ngày 17 tháng 9 năm 1929, Hội nghị Trung ương Đảng họp (gần ga Lạc Đạo-Hải Dương) quyết định dốc hết lực lượng tổng khởi nghĩa may ra thì thành công, nếu thất bại thì cũng là hành động sát thân thành nhân. Theo sự phân công, Nguyễn Thái Học lãnh đạo khởi nghĩa ở Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo khởi nghĩa ở Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây.
Ngày 10 tháng 2 năm 1930 khởi nghĩa bùng nổ ở Yên Bái, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Phả Lại, Kiến An, Hà Nội chỉ ném tạc đạn phối hợp. Pháp nhanh chóng dập tắt được khởi nghĩa ở các địa phương. Ngày 15 tháng 2 năm 1930, thực dân Pháp dùng máy bay ném bom triệt hạ làng Cổ Am (Hải Dương). Hầu hết các lãnh tụ chủ chốt đều sa vào tay giặc, trong đó có Nguyễn Thái Học. Khởi nghĩaYên Bái hoàn toàn thất bại và Việt Nam quốc dân Đảng hoàn toàn bị Pháp tiêu diệt. 12 lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng bị pháp hành hình ở pháp trường Yên Bái.
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại chấm dứt cuộc đấu tranh nhằm giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của tư sản dân tộc quốc gia. Tư tưởng của tầng lớp này hoàn toàn thất bại trước nhiệm vụ lịch sử. Ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ nay về tay giai cấp vô sản. Khởi nghĩa Yên Bái đã cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhân dân ta. Khởi nghĩa tô thêm truyền thống bất khuất của dân tộc.
Phong trào của tiểu tư sản
Tầng lớp tiểu tư sản phát triển mạnh và ra đời trong cuộc khai thác lần thứ hai. Vì thế, trong những năm 20 thế kỷ của thế kỷ XX, phong trào tiểu tư sản phát triển mạnh mẽ. Họ thành lập các tổ chức chính trị. Sự phân hoá của Việt Nam quang phục hội đưa đến ra đời Tâm Tâm xã (Tân Việt thanh niên đoàn) năm 1925 gồm Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, định ra điều lệ với mục đích giải phóng dân tộc, đem lại nhân quyền và hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 19 tháng 6 năm 1924, một chiến sĩ của Tâm tâm xã là Phạm Hồng Thái (1895-1924) đã ném tạc đạn vào bàn tiệc chiêu đãi toàn quyền Đông Dương Méc lanh ở khách sạn Vích to ri a ở Sa Điện (Tô giới Pháp gần Quảng châu). Méc Lanh thoát chết. Bị cảnh sát truy đuổi gắt gao, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang và hi sinh anh dũng. Tiếng bom Sa Điện báo hiệu một giai đoạn đấu tranh mới của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Năm 1925 những sinh viên yêu nước của trường Cao đẳng Hà Nội gồm Tôn Quang Phiệt. Đặng Thai Mai, Lê Văn Huân, Phạm Triều, Trần Mộng Bạch, Nguyễn Đình Kiên thành lập Việt Nam nghĩa hoà đoàn, sau đổi thành Hội phục Việt, rồi Hưng Nam. Hội hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu.
Tháng 3 năm 1926, nhóm thanh niên yêu nước gồm Nguyễn Trọng Hi, Trần Huy Liệu thành lập Đảng thanh niên ở Sài Gòn nhưng Đảng không có điều lệ, cương lĩnh và hệ thống tổ chức. Đảng hoạt động mạnh trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, cổ động cho cuộc tổng đình công lớn ở Sài Gòn đòi Pháp trả tự do cho nhà báo Nguyễn An Ninh.
Mùa hè năm 1926, lưu học sinh Việt Nam ở Pháp thành lập Đảng An Nam độc lập, ra báo “Việt Nam hồn”, tuyên truyền cho chủ nghĩa quốc gia dân tộc tư sản.
Nhìn chung, các tổ chức tiểu tư sản không có hệ thống tổ chức chặt chẽ, không có đường lối chính trị rõ ràng, hoạt động rời rạc, không có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng để đủ sức mạnh giải phóng dân tộc. Phản ánh thực chất non yếu của tầng lớp tiểu tư sản ở nước ta. Phong trào đấu tranh của tiểu tư sản nằm trong trào lưu phong trào yêu nước.
Phong trào công nhân
Ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất và phát triển mạnh trong cuộc khai thác lần thứ hai nên phong trào công nhân ngày càng mạnh mẽ. Thời kỳ đấu tranh tự phát, công nhân tiến hành bỏ việc, phá hợp đồng. Từ năm 1919 đến năm 1922 có 2.219 vụ bỏ việc, phá giao kèo, trung bình mỗi năm có 55 vụ, năm 1923 có 730 vụ, 1924 có 847 vụ, 1925 lên đến 1.081 vụ. Công nhân đánh bọn cai ký, đốc công gian ác, đưa yêu sách cho chủ, biểu tình. Cao hơn là hình thức bãi công, hình thức đấu tranh chỉ riêng giai cấp công nhân mới có. Năm 1920, công nhân Sài Gòn lập tổ chức Công hội đỏ do cụ Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Mùa hè năm 1922, công nhân ở các đồn điền và viên chức ở các sở công nghiệp Bắc Kỳ bãi công đòi nghỉ ngày chủ nhật có lương. Cuộc đấu tranh thắng lợi, bọn chủ phải chấp nhận yêu sách hợp lý này. Tháng 11 năm 1922 , 600 công nhân thợ nhuộm Chợ Lớn bãi công chống chủ bớt xén tiền lương. Năm 1923, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng bãi công. Năm 1924, hàng loạt các cuộc bãi công nổ ra ở nhiều khu công nghiệp và các đô thị lớn. Tháng 7 năm 1924 bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đòi tăng lương, bãi công của công nhân nhà máy rượu Hải Dương, Nam Định thuộc hãng rượu Phông ten. Bãi công của công nhân nhà máy cưa Biên Hoà, nhà máy tơ, nhà máy xay xát Nam Định phản đối chủ bắt làm thêm giờ và thu được thắng lợi. Đầu năm 1925, công nhân nhà máy dệt Nam Định và mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) bãi công.
(Còn nữa)
CVL