Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1624757390.jpg

Chú thích ảnh

PHẦN III: THỜI KỲ TRUNG  ĐẬI-XÃ HỘI PHONG KIẾN

CHƯƠNG III :Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc(179 tr. c. n-938)

     I: Quá trình xâm lược và thống trị của phong kiến Trung Quốc

Năm 218 tr. c. n Tần Thuỷ Hoàng sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân xâm lược Văn Lang nhưng bị Thục Phán đánh bại. Năm 206 tr. c. n, nhà Tần sụp đổ. Hiệu uý Triệu Đà, một viên quan của nhà Tần chiếm đất Quảng Đông lập nên nước Nam Việt, lấy Phiên Ngung (Quảng Châu) làm kinh đô. Triệu Đà đã nhiều lần mở cuộc tấn công xâm lược nước Âu-Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại. Triệu Đà dùng gian kế (sự tích Trọng Thuỷ-Mỵ Châu ) nên năm 179 tr. c. n, nước Âu Lạc của An Dương Vương bị đánh bại, mở đầu cho lịch sử đô hộ 1000 năm của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta. Trong hơn 1000 năm đó, nước ta lần lượt bị các triều đại phong kiến Trung Quốc sau đây cai trị:

Từ 179 tr. c. n đến 111 tr. c. n, nước Nam Việt của Triệu Đà thống trị.

Năm 111 tr. c. n, nước Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt. Từ 111tr. c. n đến năm 220 nước ta bị nhà Hán cai trị.

Từ năm 220 đến 280, nước ta bị nhà Đông Ngô trong cục diện Tam quốc cai trị.

Từ 280 đến 316, nước ta dưới ách cai trị của nhà Tấn.

- Từ năm 316 đến 581, nước ta dưới ách cai trị của nhà Lương, một triều đại trong cục diện Nam - Bắc triều.

- Từ năm 581 đến 618, nước ta bị nhà Tuỳ cai trị.

-Từ năm 618 đến 907, nước ta bị nhà Đường cai trị.

-Từ 907 đến 938, họ Khúc và họ Dương nhân cơ hội nhà Đường suy yếu, sụp đổ  đã nhiều lần giành quyền tự chủ cho đất nước nhưng bị mước Nam Hán, một nước cát cứ trong cục diện 5 đời 10 nước, lãnh thổ Quảng Đông, kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu) nhiều lần sang xâm lược.

- Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc.

II: Chính sách cai trị của phong kiến Trung Quốc

Chính sách thống trị: Để vĩnh viễn thủ tiêu nền độc lập của Âu Lạc, các triều đại phong kiến Trung Quốc sáp nhập, biến nước ta thành quận, huyện của Trung quốc. Từ năm 111 tr. c. n đến năm 39, nhà Hán thành lập Bộ Giao Chỉ bao gồm 9 quận, trong đó lãnh thổ Âu Lạc được chia thành 3 quận: Quận Giao Chỉ (thuộc miền Bắc), quận Cửu Chân ( nay là Thanh Hoá) và quận Nhật Nam ( nay là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

     Năm 43 nhà Hán đổi Bộ Giao Chỉ thành Châu Giao gồm 9 quận. Lãnh thổ Âu Lạc vẫn chia thành 3 quận Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam gồm 56 huyện thuộc Châu Giao. Đứng đầu Châu Giao là Thứ sử, đứng đầu quận là Thái thú do nhà Hán bổ nhiệm. Đứng đầu huyện trước đó do các Lạc tướng người Việt nắm, sau năm 43, nhà Hán cho người Hán nắm xuống tới cấp huyện.

     Các đời Đông Ngô, Tấn, Lương, Tuỳ phân chia hành chính không có gì thay đổi. Đến đời Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ gồm 12 châu như Hoan Châu đô đốc phủ ( nay là Nghệ An), Phong Châu đô đốc Phủ ( nay là Phú Thọ - Vĩnh Phúc), Ái Châu đô đốc phủ ( nay là Thanh Hoá ) .  Dưới châu là huyện. Trên 12 châu của lãnh thổ Âu Lạc có 59 huyện. Dưới huyện là hương, dưới hương là xã. Tiểu hương có từ 50 đến 160 hộ, đại hương có từ160 đến 670 hộ. Tiểu xã từ 10 đến 30 hộ, đại xã từ 40 đến 60 hộ. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là Tiết độ sứ do nhà Đường bổ nhiệm. Mục đích của nhà Đường chia nhỏ các đơn vị hành chính để dễ bề cai trị.

     Các triều đại phong kiến Trung Quốc đã xây dựng bộ máy bạo lực to lớn và hung bạo, xây thành quách, xây trấn trị, lị sở để thống trị, kìm kẹp, đàn áp nhân dân ta.

     Chính sách bóc lột: Phong kiến Trung Quốc buộc nhân dân ta phải cống nạp của cải, vàng bạc châu báu, các sản vật quí (Ngọc trai, đồi mồi ), của ngon vật lạ (quả vải, sừng tê giác ), cống nộp sản phẩm thủ công nghiệp như vải vóc, lụa là, cống nộp những thợ thủ công có tay nghề giỏi. Hình thức bóc lột thứ hai là bóc lột tô bao gồm tô hiện vật (tô ruộng) và tô lao dịch. Tô lao dịch nhằm bóc lột sức lao động, hàng năm người dân phải đi lao động công không cho chính quyền, xây thành đắp luỹ, làm đường, đào sông  ngòi. Ngoài ra chính quyền đô hộ còn đánh hàng trăm thứ thuế rất nặng và phi lý lên đầu người dân: thuế ruộng, thuế muối, thuế đồ sắt, thuế đánh vào các nghề thủ công. Trần Thọ tác giả sách “Tam quốc chí” là người Hán cũng phải viết: “Giặc Đông Ngô chính hình bạo  ngược, phú liễm không biết thế nào là cùng”. Đến đời Đường, các loại hình bóc lột trên được qui thành tô (tô ruộng), dung( tô lao dịch), điệu (cống nộp sản phẩm).

     Người dân Âu Lạc đa số là nông dân bị nhiều tầng lớp áp bức bóc lột: Chính quyền địa phương và Thiên triều trung ương . Sự tham lam vô hạn độ của quan lại cai trị và Thiên triều ngoại bang đã đẩy nhân dân Âu Lạc vào cảnh cùng khổ về vật chất, bị áp bức khủng bố về tinh thần, bị đe doạ về tính mạng và tài sản. Nhiều người thợ tài năng bị cống nạp phải rời bỏ quê hương, lưu đày nơi đất khách. Những hào kiệt đấu tranh chống lại chính quyền tham lam tàn ác đều bị bức hại.

     Chính sách đồng hoá về văn hoá: Trong lịch sử tất cả những kẻ xâm lược, cai trị đều thi hành chính sách đồng hoá văn hoá ráo ríêt đối với dân tộc bị nô dịch. Văn hoá là linh hồn, là sức sống của một dân tộc. Tiêu diệt văn hoá là tiêu diệt linh hồn, sức sống, ý thức dân tộc, làm cho dân tộc đó vong bản, không còn ý thức để quật khởi tự giải phóng, vĩnh viễn khuất phục, vĩnh viễn mất độc lập. Vì thế trong suốt hơn 1000 năm thống trị, phong kiến Trung Quốc không ngừng thi hành chính sách đồng hoá văn hoá đối với cư dân Âu lạc. Đồng hoá văn hoá trở thành một chính sách chủ đạo, xuyên suốt quá trình thống trị của phong kiến Trung Quốc.

     Nhà nước Văn Lang-Âu Lạc chưa có pháp luật nhưng trong cư dân có phong tục tập quán để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Nhà Hán đã đưa pháp luật vào nước ta để cai trị sau khi Mã Viện đánh bại cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng vào năm 43. Phong kiến Trung Quốc còn du nhập phong tục, tập quán người Hán, chữ Hán, truyền bá các đạo Nho, Phật, Lão vào nước ta. Công việc truyền bá tam giáo được đẩy mạnh vào thế kỷ II và vào các thế kỷ sau. Người tiêu biểu cho việc truyền bá đạo Nho là Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao Chỉ và 7 quận Châu giao ( thời Hán và thời Đông Ngô ). Dưới thời Sĩ Nhiếp,  Luy Lâu (Thuận thành -Bắc Ninh) trở thành một trung tâm trí thức, văn hoá thương mại, gần như một kinh đô của cõi Nam. Tại đây có nhiều Hoa kiều buôn bán và truyền giáo. Chính quyền đô hộ mở các trường  học dạy “Tứ thư”, ”Ngũ kinh” và các tư tưởng của Nho gia đào tạo trí thức người Việt phục vụ cho chế độ, thực hiện chính sách “Dĩ công di công”(dùng người Việt trị người Việt). Thế kỷ II, nhà Hán tăng cường đội ngũ trí thức người Hán sang làm việc ở đất Việt để đẩy mạnh công việc đồng hoá. Nho giáo được truyền bá mạnh mẽ hơn trước. Chính quyền đô hộ còn di dân người Hoa xuống đất Việt sinh sống và lập nghiệp. Đời Đường,  công việc đồng hoá càng được đẩy mạnh hơn trước. Cao Biền,  viên Tiết độ sứ của nhà Đường còn dùng pháp thuật để phong bế tất cả những “Long mạch” nhằm tiêu diệt những khí thiêng quật khởi trên đất Âu Lạc. Tất cả đều nói lên quyết tâm của chính quyền đô hộ phong kiến Trung quốc nhằm vĩnh viễn thủ tiêu độc lập của Âu Lạc.

     Chính sách áp bức bóc lột, đặc biệt là chính sách đồng hoá văn hoá của phong kiến  Trung Quốc là một hiểm hoạ, thử thách lớn nhất của dân tộc ta, các dân tộc Việt có nguy cơ bị diệt vong, biến thành một bộ phận của Trung Hoa vĩnh viễn. Vì kẻ đang thống trị, đồng hoá  ta là một đế chế phong kiến cường thịnh, đất rộng,  người đông, có bộ máy chính trị cai trị hoàn thiện to lớn, có hệ tư tưởng chính trị hoàn thiện (Nho giáo), có hệ thống pháp luật hoàn thiện, kết hợp nhân trị của đạo Nho với tư tưởng pháp trị của Hàn phi  Tử. Trung Hoa lại có nền văn hoá truyền thống lâu đời phát triển cao đạt trình độ văn minh thời cổ đại và trung đại. Đế chế phong kiến Trung Hoa có kinh nghiệm xâm lược bành trướng và đồng hoá tinh vi, thâm độc và họ đã thành công trong việc xâm lược và đồng hoá nhiều tộc người ở phía bắc và phía nam Trung Quốc. Trung Quốc lại liền biên giới với Việt Nam. Thời gian thống trị lại lâu dài, hơn 1000 năm lịch sử.

     Nhưng thật kỳ lạ, dân tộc Việt đã đón nhận, tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của văn hoá Trung Hoa để làm giầu thêm, phát triển thêm nền văn hoá của dân tộc mình, trong khi đó vẫn bảo tồn được nền văn hoá dân tộc, bảo vệ được linh hồn, ý thức dân tộc,  liên tục nổi dậy đấu tranh vũ trang quật khởi, để rồi thế kỷ thứ X lật đổ ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, giành độc lập dân tộc.

     Vì sao văn hoá Việt Nam có sức sống dẻo dai, bền vững  như vậy? Vì sao chính sách đồng hoá 1000 năm của phong kiến Trung Quốc thất bại? Lý do thứ nhất là trước khi bị xâm lược, thống trị, tổ tiên ta đã có lịch sử hàng chục vạn năm với nền văn hoá tiền sử, lại với hơn 1000 năm có nền văn hoá-văn minh sông Hồng, có thiết chế chính trị xã hội riêng được xây dựng trên cơ sở nông nghiệp trồng lúa nước, cơ cấu làng xã vững bền, khẳng định một lối sống, một cá tính truyền thống sâu gốc bền rễ trong các làng xã. Đây là một nền văn hoá cao tràn đầy sức sống. Bất cứ một nền văn hoá nào từ bên ngoài xâm nhập vào đều được nó tiêu hoá chọn lọc, làm phong phú thêm nội dung, sức sống của nó. Chính những người Hán được đưa xuống đất Việt để góp phần đồng hoá thì lại bị đồng hoá bởi nền văn hoá Âu Lạc và một vài đời sau họ trở thành những cư dân như người Việt bản địa.

     Nguyên nhân thứ hai là sự thống trị của phong kiến Trung Quốc lâu dài 1000 năm nhưng không liên tục, bị gián đoạn bởi những cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nhân dân ta liên tục diễn ra trong nhiều thế kỷ. Có những cuộc khởi nghĩa giành được độc lập trong một thời gian nhất định như Hai Bà Trưng dựng nước được 3 năm, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục xây dựng nhà nước Vạn Xuân  được 50 năm. Các cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, Phùng Hưng đưa nước nhà đến một thập niên độc lập. Nền cai trị của phong kiến phuơng Bắc còn gián đoạn bởi âm mưu cát cứ của các quan lại Trung Quốc sang cai trị Châu Giao khi chính quyền trung ương ở Lạc Dương-Trường An suy yếu như Sĩ Nhiếp, Sĩ Huy, Đỗ Viên, Đỗ Tuệ Độ, Lê Ngọc. Sự gián đoạn trong cai trị  đã làm hạn chế tiến trình đồng hoá.

     Nguyên nhân thứ ba là cấu trúc xã hội - làng xã Âu Lạc làm thất bại công cuộc đồng hoá của kẻ thù, bảo vệ được nền văn hoá dân tộc. Trong 1000 năm thống trị từ  nhà Triệu, Hán đến Đường chỉ với tay được xuống cấp huyện. Quan lại người Hán chỉ nắm được cấp Bộ, sau này là châu, là An Nam đô hộ phủ với chức vụ Thứ sử (đời Đường là Tiết độ sứ), Thái thú nắm các quận. Mãi tới năm, 43 nhà Hán và sau đó là nhà Đường mới  chỉ nắm xuống cấp huyện. Còn những vùng xã, thôn rộng lớn vẫn do các hào trưởng người Việt cai quản. Mất nước nhưng không mất làng. Chính quyền đô hộ chỉ có thế lực ở các nơi trấn trị, nhiệm sở, đồn binh. Chính vì thế xóm làng là pháo đài kiên cố bảo vệ nền văn hoá, vô hiệu hoá những chính sách của chính quyền đô hộ.

(Còn nữa)

CVL

 

 

Van Do

Van Do

16:25 14/09/2021

Người viết nhuần nhuyễn quan điểm Mác - Lê.