Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 32)

PGS TS Cao Văn Liên

26/07/2021 08:19

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1627262318.jpg

Kỳ 32

PHẦN V: THỜI KỲ HIỆN ĐẠI (1945-2007)

 

I:Cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, xây dựng và bảo vệ chế độ mới ( 2-9-1945-22-9-1946 )

Tình hình Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám

Sau cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa mới ra đời đã đứng trước nhiều khó khăn to lớn. Trước hết là khó khăn về kinh tế. Với hậu quả 100 năm bóc lột vơ vét tàn khốc của chế độ thực dân phong kiến, bốn năm vơ vét dã man của phát xít Nhật đã đẩy đất nứơc và nhân dân ta đến kịêt quệ. Nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra chết hai triệu người vẫn chưa chấm dứt. Sau tháng 9 năm 1945, nạn đói kèm thêm nạn lụt lội, nông dân không có ruộng đất cày cấy, chiến tranh làm cho ruộng đất bỏ hoang. Mọi ngành sản xuất trong nước đình đốn, hàng hoá khan hiếm. Ngân hàng nhà nước trống rỗng, chế độ cũ để lại món nợ khổng lồ 564 triệu đồng Đông Dương; lạm phát trầm trọng . Đồng bạc Đông Dương mất giá, đời sống giá cả đắt đỏ. Nền kinh tế vô cùng nghèo nàn, tiêu điều, xơ xác.

Về Văn hoá: Tàn dư văn hoá thực dân để lại hậu quả nặng nề . 95% dân số mù chữ. Tệ nạn xã hội rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm, bệnh tật, mê tín, dị đoan, trộm cắp tràn ngập .

Giặc ngoại xâm là nguy cơ nguy hiểm nhất. Các cường quốc đế quốc câu kết với các thế lực phản động trong nước nhằm đảo ngược tình thế chính trị ở Việt Nam, lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.  Ngày 28 –8 –1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc) kéo vào Miền Bắc nước ta với âm mưu tiêu diệt Đảng cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cộng hoà cách mạng, đưa bọn tay sai của Tưởng lên nắm chính quyền. Theo sau quân đội Tưởng là bọn Việt gian lưu vong trở về như Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đảng. Ngày 9-9-1945, quân đội Tưởng chiếm một số vùng trên miền Bắc, tiến vào Hà Nội và bắt đầu hành động. Chúng đưa yêu sách, tống tiền, bắt cóc cán bộ ta , in giấy bạc giả, cưỡng bức, phá rối trật tự an ninh, khiêu khích để lấy cớ tấn công lật đổ chính quyền cách mạng .

          Trên đất nước ta khi đó còn 6 vạn quân Nhật đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp, trong đó 3 vạn quân Nhật đã theo lệnh quân Anh, cầm súng cùng quân đội Anh mở đường cho quân đội Pháp tiến hành xâm lược, 1 vạn quân Anh đã vào nước ta và đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật . Quân Pháp  đã vào miền Nam và chính thức nổ súng xâm lược với sự tiếp tay đồng lõa của quân Anh. Chưa bao giờ trên đất nước ta lại nhiều quân thù như vậy. Ngày 23-9-1945, thực dân Anh che chở cho quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ .

2.  Những chủ trương, biện pháp của ta để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng: Tất cả những khó khăn đó đã đặt chính quyền cách mạng và nền cộng hoà non trẻ trong tình thế “nghìn cân treo trên sợi tóc”. Đảng ta, nhà nước ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh của toàn dân, đấu tranh khôn khéo, mềm dẻo về sách lược, cứng rắn về nguyên tắc, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để phân hoá, cô lập chúng, thêm bạn bớt thù , từng bước vượt qua tình thế khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cách mạng đi lên. Đảng ta xác định nhiệm vụ chủ yếu nhất là bảo vệ chính quyền cách mạng. Nhiệm vụ cấp thiết là phải giải quyết nạn đói. Nghe theo lời kêu gọi của Hồ ChủTịch, một tháng nhân dân nhịn ăn ba bữa để thực hiện hũ gạo “Đồng tâm”, lấy gạo đó cho nơi bị nạn đói. Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “ Tấc đất tấc vàng”. Nhờ đó, lương thực hoa mầu tăng lên gấp bội, nạn đói bị đẩy lùi. Chính phủ tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và của Việt gian chia cho nông dân không có ruộng để họ cày cấy, buộc địa chủ giảm tô 25% cho nông dân . Chính phủ miễn giảm thuế cho nông dân những nơi bị mất mùa do thiên tai, bãi bỏ những thứ thuế vô lý như thuế thân của chế độ cũ. Chính phủ động viên nhân dân đóng góp cho công quĩ hàng chục triệu đồng và hàng trăm kilôgam vàng trong “Tuần lễ vàng” để xây dựng nền tài chính đất nước .

Diệt giặc đói đi liền với diệt giặc dốt vì không biết chữ, dân trí thấp sẽ là cản trở lớn cho việc xây dựng một xã hội mới, chế độ mới. Ngày 8-9-1945, Hồ Chủ Tịch ra lệnh thành lập cơ quan Bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân xoá nạn mù chữ. Tháng 3 năm 1946 ở Bắc bộ và Trung bộ có 3 vạn lớp học với 81 vạn học viên. Cuối năm 1946, 25 triệu người thoát nạn mù chữ. Ta bắt đầu xây dựng các trường trung học, tiểu học, xây dựng nội dung chương trình giáo dục mới. Ta cũng kiên quyết bài trừ mê tín , dị đoan, tệ nạn xã hội .

Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Muốn chiến thắng mọi kẻ thù phải có một chính quyền vững mạnh do nhân dân bầu ra hợp pháp, hợp hiến để nhân dân tin tưởng và quyết tâm bảo vệ. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và từ đó thành lập Chính phủ Trung ương và Chính quyền cách mạng các cấp .

Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong toàn quốc thắng lợi. Ở Nam Bộ có 42 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bầu cử. Hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu. Hồ Chủ Tịch trúng cử ở Thủ đô với 98% số phiếu bầu. Ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I gồm 333 đại biểu (50 ghế của Việt Nam quốc dân Đảng, 20 ghế của Việt Nam Cách mạng Đảng) họp phiên đầu tiên . Quốc hội thông qua danh sách Chính phủ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chủ Tịch đứng đầu. (Nguyễn Hải Thần, người của Việt Nam cách mạng Đảng làm phó Chủ tịch ). Chính phủ này còn được gọi là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm 13 Bộ: Nội vụ , Ngoại giao, Quốc phòng, Giáo dục, Tư pháp, Thanh niên, Công chính, Lao động, Tài chính, Kinh tế, Tuyên truyền, Y tế, Canh nông. Ở các địa phương cũng tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân các cấp bầu ra Uỷ ban nhân dân các cấp thay cho các Uỷ ban lâm thời ngày tổng khởi nghĩa .

Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên-đạo luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hiến pháp khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền tự do dân chủ, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Cấu trúc của nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân cũng được ghi trong Hiến pháp .

Đối phó với kẻ thù: Tại Nam Bộ đêm 23-9-1945, quân đội Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn mở đầu cho cuộc tái xâm lược. Ngày 12-10-1945, quân Pháp có quân Anh giúp đỡ bao vây Sài Gòn và đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ. Nhân dân Nam Bộ kiên quyết anh dũng chống trả quyết liệt. Chính phủ phát động phong trào cả nước ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến. Những đoàn quân Nam tiến vào Nam chi viện cho mặt trận. Chính phủ ra sức xây dựng lực lượng vũ trang quốc phòng. Cuối năm 1946, lực lượng quân đội thường trực có 8 vạn quân được xây dựng mang tên Quân đội quốc gia Việt Nam. Ngoài ra còn lực lượng vũ trang toàn dân như lực lượng tự vệ, tăng cường lực lượng công an, cảnh sát .

Khó khăn nhất là việc đối phó với các lực lượng ngoại xâm và bọn phản động nhiều màu sắc để bảo vệ chính quyền cách mạng. Đảng ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa các kẻ thù để phân hoá chúng, tránh một lúc đương đầu với nhiều kẻ thù. Thực hiện kế sách đó, từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, ta đã thực hiện sách lược hoà hoãn nhân nhượng với quân Tưởng ở miền Bắc và kiên quyêt chống Pháp  xâm lược ở miền Nam vì Pháp là kẻ thù chính. Với sách lược đó, ta đã cung cấp lương thực cho Quân Tưởng, mở rộng thêm 70 ghế trong Quốc hội cho các đảng phái tay sai của Tưởng như Việt Nam quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đảng. Đưa một số thành viên của các đảng này vào Chính phủ: Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tường Tam - Bộ trưởng kinh tế, Trương Đình Tri- Bộ trưởng Bộ Y tế, Vũ Hồng Khanh- Phó Chủ tịch quân uỷ hội (Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch ). Các lực lượng vũ trang của ta được lệnh tránh không để chúng khiêu khích dẫn đến xung đột, kiếm cớ lật đổ chính quyền ta. Tuy nhiên, chính quyền ta cũng kiên quyết trừng trị những tên phản động gây tội ác mà có bằng chứng cụ thể. Để tránh mũi nhọn của địch đang chĩa vào Đảng , tháng 11 năm 1945, Đảng tuyên bố tự giải tán (thực tế rút vào hoạt động bí mật) , chỉ để lại một bộ phận hoạt động công khai lấy tên là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” . Kết quả to lớn của các sách lược này là đã hạn chế và vô hiệu hoá hoạt động lật đổ chính quyền ta của quân Tưởng 

Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12-1946: Hoà với Pháp để đuổi quân Tưởng. Sau đại chiến thế giới thứ  hai (1939-1945) nội chiến giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch với lực lượng cách mạng Đảng cộng sản Trung Quốc bùng nổ khốc liệt. Tưởng giới Thạch phải rút quân về nước, ra khỏi vấn đề Việt Nam. Pháp cũng muốn hoà hoãn Với Tưởng. Do Mỹ dàn xếp, ngày 28-2-1946,  Tưởng và Pháp ký “Hiệp ước Pháp- Hoa”. Theo đó, Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng. Phía Pháp phải nhường cho quân Tưởng nhiều quyền lợi quan trọng .

“Hiệp ước Pháp - Hoa” đặt ra cho Chính phủ ta hai con đường, thứ nhất chống lại việc quân Pháp ra miền Bắc. Như vậy, ta đã chống lại “Hiệp ước Pháp -Hoa”, chống lại một lúc cả Pháp và Tưởng  mà sau chúng là Mỹ. Con đường thứ hai là ta cho quân Pháp ra miền Bắc, mượn quân Pháp đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Trước hai con đường đó, ta chọn giải pháp hoà hoãn với Pháp. Thực hiện sách lược này, ta đã tiến hành một quá trình đàm phán với Pháp. Lúc 16 giờ ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch đã ký với đại diện Pháp Xanh tơni “Hiệp định sơ bộ” tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ - thành phố Hà Nội. Theo đó, Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hoà là một Quốc gia Tự do nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Chính phủ ta đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam  thay quân đội Tưởng  với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật . Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ để tạo không khí thuận lợi cho việc đàm phán chính thức tại Pa ri .

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 32)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn