Kỳ 30
Diễn biến cách mạng tháng Tám: Ngày 9 tháng 5 năm 1945, chủ nghĩa phát xít Đức bị tiêu diệt, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngay sau đó, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hi rô si ma, ngày 9 tháng 8 năm đó, Mỹ ném tiếp quả thứ hai xuống Nagazaki giết chết hàng chục vạn người. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông, đạo quân tinh nhuệ bậc nhất của Nhật Bản ở Đông bắc Trung Quốc. Sức cùng lực kiệt, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. 6 vạn quân Nhật ở Đông Dương và Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Thời cơ tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc đã đến. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang) hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào do Tổng bộ Việt Minh triệu tập tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Đại hội quốc dân quyết định lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca làm quốc ca, cử ra Chính phủ lâm thời (Uỷ ban dân tộc giải phóng) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chính phủ lâm thời gồm 13 Bộ: Ngoại giao, Nội vụ, Thông tin tuyên truyền, Quốc phòng, Thanh niên , Bộ kinh tế quốc gia, Bộ cứu tế xã hội, Bộ tư pháp, Bộ Y tế, Bộ lao động, Bộ giao thông công chính, Bộ tài chính, Bộ quốc gia giáo dục .
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân giải phóng đánh chiếm thị xã Thái Nguyên, 17 tháng 8 chiếm thị xã Tuyên Quang, ngày 18 tháng 8 khởi nghĩa ở Bắc Giang, Hải Dương . v. v. Ngày 19 tháng 8 khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, 25 tháng 8 khởi ngghĩa thành công ở Sài Gòn. Từ 14 đến 28 tháng 8 năm 1945, chỉ 15 ngày tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước, nhanh chóng, ít đổ máu duới những hình thái phong phú, sinh động đầy sáng tạo. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trước hàng vạn nhân dân Huế tại cửa Ngọ Môn, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Vương triều Nguyễn đọc chiếu thoái vị, nộp ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Vương triều Nguyễn do Nguyễn Ánh sáng lập (1802-1945), tồn tại 143 năm với 13 đời vua :
1 . Gia Long Hoàng Đế –Nguyễn Ánh (1802-1819 ) -17 năm .
2 . Minh Mệnh Hoàng Đế (1820-1840 ) - 20 năm .
3 . Thiệu Trị Hoàng Đế (1841-1847 ) - 7 năm .
4 . Tự Đức Hoàng Đế (1848-1883 ) - 35 năm .
5 . Dục Đức -1883 (làm vua ba ngày ) .
6 . Hiệp Hoà (6-11-1883 ).
7 . Kiến Phúc (12-1883-8-1884 ) .
8.Hàm Nghi (8-1884-8-1885 ), bị Pháp đưa lưu đày ở Angiêri
9 . Đồng Khánh (10-1885-12-1888 ) - 3 năm .
10.Thành Thái (1-1889-7-1907 ) – 18 năm, bị Pháp đày ở Rêuyniông .
11. Duy Tân (1907-1916) - năm, bị Pháp lưu đày sang Rêuyniông
12 . KhảI Định (1916-1925 ) - 9 năm .
13 . Bảo Đại (1926-1945 ) - 19 năm .
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tuyên ngôn khẳng định quyền hưởng tự do độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam, là ý chí quyết tâm không sức mạnh gì có thể lay chuyển nổi. Nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập. “Tuyên ngôn độc lập” là kết tinh quyền lợi và nguyện vọng cơ bản của nhân dân, là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng liên tục hàng trăm năm của nhân dân Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử tiến hoá của dân tộc. Sự kiện trọng đại này đã kết thúc thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám đã đập tan ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp, 5 năm dưới gót sắt tàn bạo của phát xít Nhật, lật đổ chế độ phong kiến phản động, phản dân hại nước, tay sai của bọn xâm lược ngoại bang, lập nên Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước độc lập tự do dân chủ, đưa nhân dân ta từ nô lệ lên địa vị chủ nhân đất nước, thành người dân tự do, đưa Đảng Cộng sản Đông Dương từ địa vị không hợp pháp thành Đảng cầm quyền. Cách mạng tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân chủ, chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám là bước khởi đầu dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đánh bại thực dân Pháp xâm lược, dẫn tới chiến thắng oanh liệt mùa xuân 1975 đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc, thống nhất nước nhà. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác- Lê-nin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đựợc áp dụng một cách sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm giải phóng dân tộc. Với thắng lợi của cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và cách mạng Cam pu chia giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám đã chọc thủng một khâu trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi ngày càng phát triển mạnh mẽ sau Đại chiến thế giới thứ hai.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi nhanh chóng vì đã kết hợp chặt chẽ điều kiện chủ quan với điều kiện khách quan. Cách mạng được chính Đảng Mác- Lê nin lãnh đạo. Đảng vạch ra đường lối chiến luợc, sách lược đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam qua các cuộc tổng diễn tập 1930-193, 1936-1939, từng bước xây dựng lực lượng chính trị của cách mạng. Đến thời kỳ 1939-1945, Đảng phân tích và dự báo một cách khoa học rằng phe phát xít nhất định thất bại, tạo thời cơ lớn cho ta giải phóng dân tộc. Do đó, Đảng ra sức lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng, tiến hành khởi nghĩa từng phần và khi thời cơ đến phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là do Đảng biết kết hợp nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến. Cách mạng thắng lợi là do Đảng xây dựng được khối liên minh công nông, trên cơ sở đó xây dựng được Mặt trận đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù. Trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị, cách mạng tiến hành xây dựng luợc lượng vũ trang, xây dựng bạo lực cách mạng quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, Cách mạng tháng Tám kết hợp hai hình thức đấu tranh nhưng đấu tranh chính trị của quần chúng là chủ yếu.
Trong hoàn cảnh Đại chiến thế giới thứ hai, Đông Dương bị phát xít Nhật thống trị thì việc Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật là điều kiện khách quan hết sức quan trọng tạo nên thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu của cách mạng tháng Tám, 6 vạn quân tinh nhụê của Nhật ở Đông Dương hoang mang, mất tinh thần.Ta lại khéo vận động tuyên truyền nên quân đội Nhật ở Đông Dương hầu như không có phản ứng gì khi ta tổng khởi nghĩa. Xây dựng lực lượng bên trong để đón thời cơ và khi thời cơ đến phát động tổng khởi nghĩa đúng thời cơ tạo nên thành công rực rỡ của cách mạng tháng Tảm. Với cách mạng tháng Tám, Đảng đã thành công trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề thời cơ với nghệ thuật khởi nghĩa.
Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Cách mạng tháng Tám là kết quả hàng trăm năm đấu tranh của biết bao chiến sĩ anh hùng, biết bao đồng bào và những chiến sĩ cộng sản đã hi sinh oanh liệt. “Họ đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đã tin tưởng sâu sắc vào tương lai của Đảng, của dân tộc, đã hi sinh tất cả, đem xương máu vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tôt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh hùng, gương chí công vô tư, mới xứng đáng là người cách mạng” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập3, trang 380)
III:Văn hoá Việt Nam từ1858 đến 1945
Giáo dục: Năm 1908, chính quyền Đông Dương lập Hội đồng cải cách học vụ để cải cách giáo dục ở Đông Dương. Theo đó, chương trình học có 3 bậc: Thứ nhất là ấu học, thôn xã đều có trưòng dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ. Ở tỉnh có một trường ấu học của nhà nước làm qui thức cho các trường thôn xã. Thứ hai là bậc tiểu học ở phủ huyện, chương trình học chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Thứ ba là bậc trung học ở các trường tỉnh, học chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp. Thi hương chỉ dành cho bậc trung học. Chương trình thi bao gồm kinh, truyện, lịch sử, văn chương, địa lý, chính trị và pháp luật Đông Dương. Đến năm 1915, Bắc kỳ, Trung kỳ theo Nam kỳ bỏ qui chế học hành và thi cử cũ, áp dụng chế độ giáo dục và thi cử mới của Pháp. Tiếp đó, ngày 21 tháng 12 năm 1917, chính quyền Đông Dương ban hành qui chế, theo đó Nha học chính phụ trách chung về giáo dục cả ba xứ, và chia thành ba cấp học thống nhất như sau: Bậc tiểu học chia làm hai bậc: thứ nhất là sơ học yếu lược học toàn quốc ngữ, có trường ở thôn xã, trường liên xã, thi được nhận bằng sơ học yếu lược. Thứ hai, bậc tiểu học, trên bậc sơ học, học một ít quốc ngữ, học nhiều Pháp văn, có trường lớn ở huyện và tỉnh lỵ. Thi tốt nghiệp được nhận bằng Cao đẳng tiểu học. Hai bậc này tuổi học từ 7 đến 14 tuổi, các môn học là thường thức văn, toán, lịch sử, địa lý, tiếng Pháp. Bậc trung học, chỉ ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn mới có trường, chương trình học như chương trình 3 lớp sau cùng của nền trung học nước Pháp, thêm môn Việt ngữ, triết học Trung Quốc. Bậc đại học gồm Đại Học viện Hà Nội thành lập năm 1919, Trường Cao đẳng đào tạo nhân viên phục vụ cho chế độ thuộc địa, Trường Y dược khoa đại học, Trường luật khoa đại học. Năm 1938 mở thêm Trường nông lâm, công chính. Học sinh tốt nghiệp Trung học thì được thi vào các trường đại học
Ngoài ra, chính quyền thực dân còn mở các trường công nghệ ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Ở các thành phố lớn có Trường công nghệ thực hành đào tạo thợ cơ khí phục vụ cho nền công nghiệp Pháp. Hà Nội có Trường Cao đẳng mỹ thuật đào tạo nghệ sĩ, đặc biệt nghệ sĩ hội hoạ, điêu khắc. Ngoài trường nhà nước, còn có trường tư thục. Trường tư phải tuân theo chương trình, qui chế và kỷ luật của nhà nước, đào tạo từ sơ học đến trung học.
(Còn nữa)
CVL