Kỳ 42.
Trong hoàn cảnh Đại chiến thế giới thứ hai, Đông Dương bị phát xít Nhật thống trị thì việc Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật là điều kiện khách quan hết sức quan trọng tạo nên thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu của cách mạng tháng Tám 1945, 6 vạn quân tinh nhụê của Nhật ở Đông Dương hoang mang, mất tinh thần. Ta lại khéo vận động tuyên truyền nên quân đội Nhật ở Đông Dương hầu như không có phản ứng gì khi ta tổng khởi nghĩa. Xây dựng lực lượng bên trong để đón thời cơ và khi thời cơ đến phát động tổng khởi nghĩa đúng thời cơ tạo nên thành công rực rỡ của cách mạng tháng Tảm. Với cách mạng tháng Tám, Đảng đã thành công trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề thời cơ với nghệ thuật khởi nghĩa.
Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Cách mạng tháng Tám là kết quả hàng trăm năm đấu tranh của biết bao chiến sĩ anh hùng, biết bao đồng bào và những chiến sĩ cộng sản đã hi sinh oanh liệt. “Họ đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đã tin tưởng sâu sắc vào tương lai của Đảng, của dân tộc, đã hi sinh tất cả, đem xương máu vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tôt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh hùng, gương chí công vô tư, mới xứng đáng là người cách mạng” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập3, trang 380).
III:VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ 1858 ĐẾN 1945.
Giáo dục: Năm 1908 chính quyền Đông Dương lập Hội đồng cải cách học vụ để cải cách giáo dục ở Đông Dương. Theo đó, chương trình học có 3 bậc: Thứ nhất là ấu học, thôn xã đều có trưòng dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ. Ở tỉnh có một trường ấu học của nhà nước làm qui thức cho các trường thôn xã. Thứ hai là bậc tiểu học ở phủ, huyện, chương trình học chữ Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Thứ ba là bậc trung học ở các trường tỉnh, học chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp. Thi hương chỉ dành cho bậc trung học. Chương trình thi bao gồm kinh, truyện, lịch sử, văn chương, địa lý, chính trị và pháp luật Đông Dương. Đến năm 1915, Bắc Kỳ, Trung Kỳ theo Nam Kỳ bỏ qui chế học hành và thi cử cũ, áp dụng chế độ giáo dục và thi cử mới của Pháp. Tiếp đó, ngày 21 tháng 12 năm 1917 chính quyền Đông Dương ban hành qui chế, theo đó Nha học chính phụ trách chung về giáo dục cả ba xứ, và chia thành ba cấp học thống nhất như sau: Bậc tiểu học chia làm hai bậc, thứ nhất là sơ học yếu lược học toàn quốc ngữ, có trường ở thôn xã, trường liên xã, thi được nhận bằng sơ học yếu lược. Thứ hai, bậc tiểu học, trên bậc sơ học, học một ít quốc ngữ, học nhiều Pháp văn, có trường lớn ở huyện và tỉnh lỵ. Thi tốt nghiệp được nhận bằng Cao đẳng tiểu học. Hai bậc này tuổi học từ 7 đến 14 tuổi, các môn học là thường thức văn, toán, lịch sử, địa lý, tiếng Pháp. Bậc trung học, chỉ ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn mới có trường, chương trình học như chương trình 3 lớp sau cùng của nền trung học nước Pháp, thêm môn Việt ngữ, triết học Trung Quốc. Bậc đại học gồm Đại viện Học viện Hà Nội thành lập năm 1919, Trường Cao đẳng đào tạo nhân viên phục vụ cho chế độ thuộc địa, Trường Y dược khoa đại học, Trường luật khoa đại học. Năm 1938 mở thêm Trường nông lâm, công chính. Học sinh tốt nghiệp Trung học thì được thi vào các trường đại học
Ngoài ra, chính quyền thực dân còn mở các trường công nghệ ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Ở các thành phố lớn có Trường công nghệ thực hành đào tạo thợ cơ khí phục vụ cho nền công nghiệp Pháp. Hà Nội có Trường Cao đẳng mỹ thuật đào tạo nghệ sĩ, đặc biệt nghệ sĩ hội hoạ, điêu khắc. Ngoài trường nhà nước, còn có trường tư thục. Trường tư phải tuân theo chương trình, qui chế và kỷ luật của nhà nước, đào tạo từ sơ học đến trung học.
Sự ra đời của chữ quốc ngữ: Chữ viết là kí hiệu để ghi lại ngôn ngữ (tiếng nói). Cho đến thế kỷ XVI ở nước ta bên cạnh chữ Hán và chữ Nôm đã xuất hiện chữ cái La tinh do các nhà truyền giáo Phương Tây đưa vào. Các nhà truyền giáo đã dùng các chữ cái này để ghi âm tiếng Việt, giúp cho các giáo sĩ tự học tiếng Việt phục vụ cho việc truyền giáo. Năm 1561 giáo sĩ người Pháp Alêch xanđ rốt đã lấy đó làm chữ chung và biên soạn cuốn “Từ điển Việt-Bồ-La tinh”. Ông dùng chữ quốc ngữ để biên soạn cuốn “Giáo lý đạo Giatô” dưới dạng hỏi và đáp để truyền đạo này vào Việt Nam.
Hai trăm năm sau, thế kỷ XIX, Bá đa lộc (Đadran) biên soạn bộ Từ điển Việt-La tinh. Như vậy chữ quốc ngữ đã dược xác định. Sau khi đánh chiếm được Nam Kỳ năm 1867, thực dân Pháp dùng chữ quốc ngữ dạy trong các trường học. Các học giả thời đó như Trương Vĩnh Ký dùng chữ quốc ngữ để viết văn. Sang đầu thế kỷ XX các học giả Bắc Kỳ như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính dùng chữ này để viết sách, báo. Năm 1906, Chính quyền Pháp cho phép Bắc Kỳ và năm 1908 cho phép Trung Kỳ sử dụng chữ quốc ngữ . Quốc ngữ được sử dụng phổ biến trong học giới. Năm 1919 Bắc Kỳ và Trung Kỳ bỏ thi Nho học . Quốc ngữ chiếm địa vị chủ yếu trong học hành thi cử, trong báo chí, trong văn chương khắp ba kỳ.
Đồng hóa văn hoá là chính sách cổ truyền của kẻ xâm lược. Một trong những chính sách lớn của Pháp là ra sức đồng hóa văn hoá Việt Nam. Để đạt mục đích đó, Pháp đã tạo ra một thiết chế văn hoá Phương Tây có cải biến cho phù hợp với Việt Nam. Đào tạo đội ngũ trí thức mới theo tri thức Pháp thay thế cho trí thức Nho đã lỗi thời, phục vụ cho chế độ thực dân. Pháp ra sức truyền bá nền văn minh Pháp vào Đông Dương nhưng ngăn cấm những tư tưởng tiến bộ, dân chủ của chính cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789-1794, ra sức ngăn cản sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam. Văn hoá Việt Nam thời kỳ này bị giao thoa cưỡng bức với nền văn hoá Pháp. Cùng với sự thay đổi, chuyến biến sâu sắc về xã hội, kinh tế thì văn hoá Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, chuyển từ nền văn hoá phong kiến sang nền văn hoá cận đại, đặt nền tảng cho nền văn hoá hiện đại sau này.
Văn chuơng Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX mang nhiều mầu sắc, thể hiện nhiều tư tưởng của các giai tầng trong thời kỳ bi thương mất nước. Thơ Nguyễn Khuyến lui về vui với thiên nhiên cho quên thế cuộc. Thơ Cao Bá Quát lỗi lạc, khí phách, thơ Nguyễn Siêu tài hoa, Thơ Nguyễn Công Trứ trầm hùng ngạo nghễ, thơ Nguyễn Hoàng Quang sầu bi thống thiết. Ở miền Nam, thơ của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu là tiêu biểu. Nguyễn Đình Chiểu người cắm cột mốc kết thúc cho dòng văn thơ cổ điển, cũng là kết thúc cho dòng văn thơ chữ Hán, chữ Nôm.
Bên cạnh đó, dòng văn chương mới ra đời như là kết quả tất yếu của thời đại. Trương Vĩnh Ký dùng chữ quốc ngữ dịch truyện Kiều (Nguyễn Du), dịch Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, dịch văn chương Trung Quốc như Tứ thư, dịch văn chương Pháp. Đầu thế kỷ XX, các học giả tân học như Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim dùng quốc ngữ dịch các tác phẩm của Trung Quốc như Cổ văn, Sử ký, Liêu trai. Kim cổ kỳ quan, Tình sử. Phan kế Bính dịch văn chương Pháp ra chữ quốc ngữ. Phạm Duy Tốn và Phạm Quỳnh dịch ngụ ngôn La phông ten, Nguyễn Văn Vĩnh dịch Hài kịch Môlie.
Bước ngoặt to lớn trong nền văn chương Việt Nam là thể loại tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ ra đời, ra đời thơ mới. Xuất hiện các quan điểm mới về nghệ thuật như tả chân thực cuộc sống, đi sâu phân tích tâm lý và mô tả nhân vật. Các nhà văn Nam Kỳ đi tiên phong trong công cuộc tìm kiếm thể loại mới bằng ngôn ngữ mới. Đó là các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản với “Truyện thầy La za rô phiền”, Huỳnh Thị Mỹ Hoà với “Tây phương mĩ nhân”, Dương Minh Nhật với “Anh hùng ba mặt”, “Trường tình bí mật”, Nguyễn Y Bửu với “Cô Ba Thành”, Sơn Vương”, ”Ông chúa đảo Côn Lôn” và bộ hồi ký “Màu hoa nước mắt”. Nam Bộ còn nhiều nhà văn tiêu biểu khác như Huỳnh Tịnh Của, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh. Văn chương Nam Kỳ đậm đà mầu sắc địa phương Nam Bộ, mở đầu cho nền tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam.
(Còn nữa)
CVL