Kỳ 59.
II . KINH TẾ VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN 2007
1. Từ 1975-1985: Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ (tập trung-hành chính-mệnh lệnh quan liêu bao cấp). Sau khi thống nhât đất nước, miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đại hội IV và Đại hội V. Nội dung của đường lối đó là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa được coi là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng làm cho Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công nông nghiệp hiện đại, văn hoá khoa học kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc .
Thực hiện đường lối trên, Việt Nam đã thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, bước đầu có được cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa, cải thiện một bước đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân. Qua 5 năm thực hiện kế hoạch kinh tế này, nền kinh tế nước ta được khôi phục, hàn gắn được vết thương chiến tranh. Tuy nhiên những thành tựu kinh tế còn thấp so với kế hoạch, mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế quốc dân, chưa bảo đảm được tiêu dùng cho toàn xã hội. Thiếu thốn các nhu yếu phẩm như lương thực, vải vóc…đời sống nhân dân lao động khó khăn. Thiếu thốn năng lượng, vật tư. Giao thông vận tải không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đi lại. Không tạo được tích luỹ vốn, chênh lệch giữa thu và chi, giữa hàng và tiền, nhập khẩu so với xuất khẩu còn chênh lệch quá lớn .
Những khó khăn trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan là do ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, sản xuất tiểu nông, lại bị chiến tranh lâu dài tàn phá. Về nguyên nhân chủ quan chúng ta nhận định tình hình đất nước sau chiến tranh còn thiên về thuận lợi, chưa lường hết những khó khăn thách thức. Từ đó đề ra chủ trương công nghiệp hoá khi chưa có những tiền đề. Trong xây dựng kinh tế thiên về công nghiệp và xây dựng cơ bản, không tập trung phát triển nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng dẫn đến thiếu trầm trọng những hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Nóng vội khi chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Chậm xoá bỏ chế độ quan liêu bao cấp, không xử lý nghiêm những hành động vi phạm pháp luật. Tham nhũng đã trở thành một hiện tượng nhưng không được đè bẹp để sau này chúng ngày càng phát triển thành một nguy cơ đối với chế độ vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI .
Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần V của Đảng họp tháng 3-1982 nhận thức rằng đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng kinh tế là chung cho cả thời kỳ quá độ. Muốn thực hiện thắng lợi phải cụ thể đường lối đó thành những chặng đường với những nhiệm vụ và biện pháp cụ thể hợp với khả năng và yêu cầu của từng chặng đường. Từ nhận thức đó Đại hội V xác định trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80 cần tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng .
Việt Nam đã thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) với mục tiêu là sắp xếp lại cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, từ sau Đại hội V ta đã đạt được những thành tựu trong kinh tế. Đã ngăn chặn được sự giảm sút, sản lượng nông nghiệp đạt 17 triệu tấn (so với 13 triệu tấn 1976-1980) nhờ cơ chế khoán 100. Sản lượng công nghiệp tăng bình quân hàng năm 9,5% (so với 0,6% các năm 1978-1980). Các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Trị An được khởi công xây dựng .
Tuy vậy Việt Nam vẫn rất khó khăn về kinh tế, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp, tài nguyên và cơ sở vật chất bị lãng phí, hàng hoá khan hiếm, phân phối lưu thông rối ren, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt, lạm phát tăng nhanh, kinh tế mất cân đối. Tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển. Một bộ phận cán bộ nhà nước tham nhũng, lãng phí, đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang khó khăn, thiếu thốn. Tất cả những khó khăn trên bắt nguồn từ việc vẫn tiếp tục duy trì tình trạng quan liêu bao cấp. Mô hình chủ nghĩa xã hội này của Liên Xô, đúng hơn là của Stalin, được các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và châu Á thực hiện theo. Tuy nhiên, ban đầu trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định, mô hình này phát huy tính tích cực của nó. Những năm 70 của thế kỷ XX chủ nghĩa xã hội thế giới phát triển đến đỉnh cao của sự hưng thịnh. Nhưng vào những năm 80, mô hình này bắt đầu xơ cứng, lạc hậu, đẩy toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ, Việt Nam theo mô hình chủ nghĩa xã hội này không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng chung của hệ thống. Vào những năm 80 nước ta đứng trược sự khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội
2 . Thời kỳ 1986-2007: Xây dựng đất nước theo con đường đổi mới. Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới và khủng hoảng trong nước đặt ra vấn đề đổi mới ở nước ta vô cùng bức thiết vì nó quyết định sự tồn vong của chủ nghĩa xã hội ở nước ta .
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 đúc rút kinh nghiệm nhiều thập niên của chủ nghĩa xã hội thế giới và Việt Nam đã rút ra kết luận rằng đi lên chủ nghĩa xã hội không thể chủ quan, nóng vội, duy ý chí, đốt cháy giai đoạn mà phải tuân theo qui luật khách quan, trải qua nhiều bước quá độ. Từ kết luận đó, Đại hội VI chủ trương đổi mới toàn diện và sâu sắc trong đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tư tưởng chỉ đạo kế hoạch xây dựng kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, sử dụng và cảỉ tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Về giải pháp cụ thể phải tập trung sức người, sức của thực hiện 3 chương trình, 3 mục tiêu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xút khẩu .
Đại hội VI được ghi nhận mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ giữa 1988 đến 1990, chính sách đổi mới đã phát huy tác dụng tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, nhờ đổi mới cơ chế quản lý theo chỉ thị 10 của Bộ chính trị, lương thực tăng không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn dự trữ được và có một phần để xuất khẩu. Đất nước đã hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước. Từ cơ chế quan liêu, bao cấp, hành chính mệnh lệnh chủ quan duy ý chí chuyển sang cơ chế hạch toán kinh tế. Lạm phát được kiềm chế .
Đại hội VII (6-1991) đã phát triển tư duy kinh tế của Đại hội VI. Đại hội VII chủ trương phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển nông nghiệp toàn diện. Từng bước xây cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, từng bước thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp lên cao với sự đa dạng của các hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng chủ nghĩa xã hội vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước .
(Còn nữa)
CVL