Lộc độ - Một thời để nhớ!

​​​​​​​"Lộc độ" là tên gọi của quê tôi dành riêng cho ngọn đậu cũng có lúc gọi là "đọt đậu". Tôi không hiểu chữ "lộc" ở đây có nghĩa là "lộc trời cho" khi đem đến cho con người một món rau ăn độn trong những ngày giáp hạt khi mà những ngọn rau tinh túi nhất đã giành riêng cho dịp Tết về hay chữ "lộc" để chỉ những chồi non xanh biếc của mỗi độ Xuân về?

332557927-1675114249615608-2919488519263711052-n-1677212653.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

“Tháng giêng ăn ngọn đậu bùi/ Bâng khuâng nhớ mẹ bùi ngùi ruột đau....".

"Lộc độ" là tên gọi của quê tôi dành riêng cho ngọn đậu cũng có lúc gọi là "đọt đậu". Tôi không hiểu chữ "lộc" ở đây có nghĩa là "lộc trời cho" khi đem đến cho con người một món rau ăn độn trong những ngày giáp hạt khi mà những ngọn rau tinh túi nhất đã giành riêng cho dịp Tết về hay chữ "lộc" để chỉ những chồi non xanh biếc của mỗi độ Xuân về? Nhưng dù chữ "lộc" có ý nghĩa gì đi chăng nữa thì món rau này chắc chắn rằng không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người để nhớ.

Ngày trước, quê tôi hầu như nhà nào cũng trồng đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng) bên cạnh lạc, vừng, ngô, khoai,… Những ngày cuối năm âm lịch, nhà nào nhà nấy đã bắt đầu chộn rộn làm đất trồng khoai, gieo hạt, đậu được trồng xen lẫn với những luống khoai lang chứ thời đó chưa ai chuyên canh vì củ khoai vẫn là thứ lương thực thiết yếu cho ngày ấy. Cứ thế cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai khi tiết trời xuân nắng ấm, đậu bén hơi xuân vươn lên xanh mỡ màng. Đây cũng là mùa đậu cho ngọn béo mập, giòn ngọt, thơm bùi nhất.

Tôi còn nhỏ nên không tham gia vào việc hái ngọn đậu chỉ kiếm con cá, con tôm cho bữa cơm nhà thêm ấm áp. Mự và các chị cùng anh trai là những người thường đi hái ngọn đậu cho món rau của gia đình. Ngọn đậu để ăn khi đó thông thường là ngọn của loại đậu trắng hoặc đậu đen chứ các loại đậu khác với quê tôi bảo không ngon nên thường không hái.

Hái ngọn đậu về thường là đã sạch nên chỉ rửa lấy vài nước rồi luộc lên thôi. Luộc ngọn đậu cũng chỉ cần đun nước thật sôi, thêm chút muối để tăng thêm độ nóng. Sau đó cho ngọn đậu vào đảo đều vài lần là vớt ra, vì ngọn đậu rất mềm nên không được luộc lâu. Mự nói "ngọn đậu luộc lâu là mất ngon". Ngọn đậu vớt ra để cho nguội bớt dùng tay nắm lại từng nắm vắt thật khô nước, sau đó lại đánh tơi ra và kèm theo là nước mắm dam (cua đồng) hay mắm cáy thì quá tuyệt vời trong mỗi bữa cơm khoai.

Cũng thỉnh thoảng Mự xào với chút mỡ heo ít ỏi thời đó cho thêm chút hương vị tuy nhiên món luộc vẫn là đắc sắc của một thời với những sắc màu cuộc sống. Giờ cuộc sống không còn khó khổ như xưa. Ấy vậy mà những món ăn dân dã, bình dị một thời từ ngọn rau lang, ngọn đậu, ngọn bầu,… nay có khi lại trở thành đặc sản, được nhiều người ưa chuộng. Đơn giản bởi đây là nguồn rau sạch, lạ miệng, giúp bữa ăn càng thêm hấp dẫn, thú vị. Yêu quê hương, yêu những gì dung dị, đời thường, tôi càng thêm trân quý những sản vật có được từ mồ hôi, công sức của người dân lao động dù chỉ là cái rau cái cỏ, như những ngọn đậu xanh non mỗi mùa.

P.Đ.K 24/02/2023

Chuyện Làng quê