Lợi nhuận nghiền nát di sản !

Cho đến nay, lăng mộ thật của Hưng Đạo Đại Vương vẫn chưa ai biết ở đâu. Cũng không hề có sách vở nào ghi chép cả. Vài năm trước, tôi có người bà con xa làm công nhân khai thác đá cho nhà máy xi măng Hoàng Thạch ở Kinh Môn (Hải Dương) kể tôi nghe câu chuyện rất đáng buồn, có thể nói là còn rất đáng giận.
chuvbl2-1640051706.jpg
Một góccủa Kinh Môn. Ảnh: Tư liệu do tác giả cung cấp.

 

Nhà máy xi măng cần nổ mìn phá đá núi làm nguyên liệu. Mấy quả núi đá xung quanh dần dần biến mất tiêu. Môi trường thiên nhiên bị phá hủy nghiêm trọng, chẳng nói thì ai cũng biết. Một hôm, công nhân nổ mìn phá đá, bỗng phát hiện ra một cái hang rất bí mật. Trong hang thấy nhiều hiện vật cổ, đoán là từ đời Trần. Một tấm bia đá to bằng cái chiếu vẫn còn nguyên vẹn. Thấy hiện trạng trong hang có nhiều bí hiểm, công nhân dừng khai thác và báo cáo lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, câu trả lời của cái công ty chủ quản là cứ việc phá tiếp. Vậy là bao nhiêu cổ vật, trong đó có cả bảo vật trong hang, kể cả tấm bia đá, bị nghiền nát thành xi măng ráo cả. Nghe kể chuyện mà xót xa buồn lòng tiếc nuối. Kẻ làm kinh doanh chỉ biết đến lợi nhuận, chứ họ đâu cần đến khảo cổ với lịch sử, văn hóa là gì (!). Biết đâu trong hang ấy lại là nơi cất giấu tro cốt hay là di cốt (đã hỏa thiêu) của Hưng Đạo Đại Vương?

chuyvbl1-1640051768.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Tôi giải mã thơ ca đời Lý Trần, thấy ông Phạm Sư Mạnh quê ở hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, nay thuộc thị xã Kinh Môn, từng là học trò thầy Chu Văn An, làm quan đến chức Tổng binh, Tả Bộc xạ, đã miêu tả quang cảnh khu vực Kinh Môn đẹp như vịnh Hạ Long.

Nếu như A Sào (Quỳnh Phụ, Thái Bình) là đất phong của Phò Mã Trần Liễu, khi công chúa Thuận Thiên (con gái vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung) được gả cho Trần Liễu, thì Kinh Môn là ấp phong của Thái úy Trần Liễu. Có thời kỳ, Đông Triều và Kinh môn đều thuộc Hải Dương. Thị xã Đông Triều nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

chuyvbl3-1640051810.jpg
Chùa Cao trên núi Yên Phụ, nơi có rất nhiều tao nhân mặc khách từ cổ chí kim đã đến vãng cảnh nơi đây ! Ảnh: Tư liệu do tác giả cung cấp.

 

Kinh Môn ngày ấy nước ngập mênh mông, Phạm Sư Mạnh đi lại thăm thú nơi này nơi khác đều phải dùng thuyền buồm. Rất nhiều núi đứng núi ngồi miên man giữa biển nước trong veo, trên là bầu trời xanh biếc, tuyệt vô cùng. Bây giờ Kinh Môn nhiều quả núi lớn nhỏ đẹp xinh như cô tiên đang ngồi chải mái tóc xanh như ngọc, đã bị người ta nhổ đi mất tiêu rồi, nhưng vẫn còn nhiều núi non như vậy. Chỉ có sông Kinh Thầy lặng lẽ chảy qua. Nhiều quả núi đã bị phá hủy, lấy đá làm đường, làm xi măng phục vụ lợi ích kinh tế. Tiếng mìn nổ đêm ngày đinh tai nhức óc, chả biết đến bao giờ mới ngừng. Còn biết bao di sản, biết bao câu chuyện lịch sử, văn hóa bí mật nữa chưa được khai quật ở đây?

Sự vô cảm với quá khứ dân tộc, chẳng phải cũng là một tội ác hay sao?