“Lúa chín”, một tiếng quê tha thiết của Nguyễn Duy

Bài thơ “Lúa chín” của nhà thơ Nguyễn Duy là một bài thơ lục bát rất hay. Bằng những từ ngữ giản dị, dân dã kết hợp với một số biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc nhà thơ đã đem đến cho người đọc một bức tranh lúa chín ở đồng quê giữa trưa hè rất đẹp và gợi lên một mùa vàng bội thu cùng niềm vui phấn khởi của người nông dân.

mua-lua-chin-1716717719.jpg

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Bài thơ như sau:

Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời
 (Trích “Tiếng hát mùa gặt”, tập thơ “Cát Trắng”  Nguyễn Duy, NXB Quân đội nhân dân, 1973)

Bài thơ nằm trong chùm thơ có tên gọi là “Tiếng hát mùa gặt”, gồm có năm bài (phần) được sáng tác vào mùa lúa chiêm năm 1971 ở xã Đông Vệ huyện Đông Sơn, nay là phường Đông Vệ thuộc thành phố Thanh Hóa, quê hương của nhà thơ. Chùm thơ năm bài có tên như sau: Lúa chín, Gặt lúa, Tuốt lúa, Phơi khô, Quạt sạch. Đó là một quy trình thu hoạch lúa, từ khi đồng lúa chín, chuẩn bị thu hoạch đến khi thu hoạch và hoàn tất các công đoạn việc sau khi thu hoạch xong.
Mạch cảm xúc chính của bài thơ là cảm hứng ca ngợi cảnh đẹp tươi sáng thanh bình, ấm no của quê hương nhà thơ nhưng cũng là cảnh vật của làng quê Việt Nam nói chung qua bức tranh lúa chín vàng trên cánh đồng lộng lẫy và vô cùng thoáng đãng. Bức tranh phóng khoáng, đẹp đẽ đầy chất thơ ấy đã được nhà thơ vẽ lên bởi một nét bút rực rỡ sắc màu về nắng, về gió, về những cánh cò tung bay trên các thảm lúa óng vàng, trĩu bông của những cánh đồng quê hương mênh mông, bát ngát.
Nét nổi bật của bài thơ là hình ảnh của một cánh đồng lúa chiêm đang chín hiện lên ngập tràn màu sắc và rất sống động. Bức tranh ấy không chỉ có màu của nắng, màu của lúa vàng mà còn có hình ảnh của ngọn gió, của những cánh cò, của những ruộng lúa đang uốn câu như lưỡi hái. Đó là những hình ảnh vốn rất thơ mộng, gần gũi, thân quen với bất kỳ ai đã từng sinh sống ở làng quê Việt Nam. Bởi thế đọc bài thơ người ta như được sống lại với những cảnh vật quen thuộc của quê hương; sống lại với những năm tháng trên cánh đồng quê với biết bao nỗi niềm nhung nhớ.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong bài thơ không chỉ là các hình ảnh bình dị, gần gũi, quen thuộc mà còn là cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật tu từ rất tài hoa của Nguyễn Duy để làm cho bức tranh đồng lúa hiện lên một cách rất gợi cảm. Có thể thấy bao trùm lên cả bài thơ là nghệ thuật nhân hóa được sử dụng xuyên suốt cả bốn câu thơ: “đồng chiêm phả nắng”, “cánh cò dẫn gió”, “gió nâng tiếng hát”, “lưỡi hái liếm ngang chân trời”; bên cạnh đó nhà thơ còn kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ và nghệ thuật đảo ngữ để gây ấn tượng và tác động mạnh mẽ đến thị giác và thính giác của người đọc khi ngắm nhìn bức tranh đồng quê. Đọc bài thơ ta thấy dường như các hình ảnh mới chỉ tạo nên phần xác của bức tranh còn nghệ thuật tu từ nhân hóa mới thực sự làm nên phần hồn cho bức tranh ấy hiện lên tươi vui với những cảnh vật vô cùng sống động; mới lột tả được cảnh sắc vừa thực vừa thơ của những cánh đồng bội thu. Ở câu thơ thứ nhất, từ “phả” được sử dụng rất độc đáo.

Nó vừa gợi lên màu của nắng vừa gợi lên được khí trời của mùa hạ. “Phả” có nghĩa là hơi nóng tạo thành luồng rồi bốc lên hoặc tỏa ra một cách mạnh mẽ vào không gian. Câu thơ không nói mặt trời tỏa nắng xuống đồng lúa mà ngược lại. Cách nói ấy thật thi vị làm người ta liên tưởng tới cánh đồng lúa chiêm đang trĩu cành, vàng rộm trải ra mênh mông dưới ánh sáng mặt trời như thể đang tỏa nắng, hắt ngược lên trời cao. Ở câu thơ thứ hai từ “dẫn” làm người ta hình dung ra cảnh những cánh cò đang sải cánh chao lượn trên bầu trời rực rỡ màu vàng của các thung lúa. 

Cánh cò ấy không chỉ bay mà còn đem gió về thổi mát cánh đồng. Nhờ có cánh cò “dẫn gió” mà người đọc không cảm thấy khí trời nóng bức, oi nồng, ngột ngạt cho dù nắng cũng có “chói chang”. Cái hay của cách nói nhân hóa này là nhà thơ vừa gợi lên được cái thoáng đãng của không gian với bầu trời cao rộng với những cánh đồng mênh mông để cho đàn cò mặc sức tung cánh vừa cho thấy cái tươi mới, mát mẻ của những làn gió nồm nam đang thổi về trên các thung lúa chín vàng để làm dịu đi cái nóng nắng gắt gỏng. Ở đây nhà thơ không tả màu trắng nhưng hình ảnh của những cánh cò dễ làm người ta liên tưởng tới màu trắng. Màu trắng ấy chuyển động trên các “thung lúa vàng” quả là một sự phối màu tuyệt đẹp. Nó vừa điểm xuyết cho bức tranh thêm thơ mộng vừa làm dịu đi cái nắng hầm hập đang “phả” ra trên các ruộng lúa chín vàng. Ở câu thơ thứ ba phép nhân hóa được nhà thơ kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “tiếng hát chói chang” để vừa gợi lên cái nắng, cái gió trên những cánh đồng vừa gợi lên không khí hát hò sinh hoạt vui vẻ của con người. Trong cái nhìn của Nguyễn Duy, hóa ra không chỉ có nắng chói chang mà còn có cả “tiếng hát chói chang”. Cái nhìn ấy làm cho câu thơ hiện lên thật thú vị. Nhà thơ không tả người nhưng con người vẫn hiện lên rất rõ với một tâm trạng ngập tràn niềm vui. 

Tiếng hát ấy, niềm vui ấy như thể hòa vào trong nắng, hòa vào trong gió; theo gió, theo nắng lan tỏa ra khắp mênh mang đất trời bao la. Hiểu như thế ta thấy tầm vóc con người hiện lên quả không hề nhỏ bé. Con người trong câu thơ mang tầm vóc của vũ trụ, hòa vào vũ trụ bao la, thậm chí có phần như thể đang lấn át cả thiên nhiên. Phải chăng nhà thơ thông qua nghệ thuật ẩn dụ này đã phát hiện ra sức mạnh của con người, chủ nhân của những cánh đồng lúa chín đang hứa hẹn những mùa bội thu sắp tới. Và ở câu thơ cuối cùng, nghệ thuật nhân hóa được nhà thơ kết hợp với một từ láy “long lanh” và nghệ thuật đảo ngữ “long lanh lưỡi hái” để gợi lên vẻ đẹp đầy ấn tượng của cánh động lúa chín. “Long lanh” là thứ ánh sáng phản chiếu. Thứ ánh sáng này tạo lên vẻ trong sáng, hấp dẫn, sinh động. Đây là một câu thơ tả cảnh. Phải chăng Nguyên Duy đang miêu tả những tia sáng của ánh mặt trời chiếu xuống cánh đồng lúa đang uốn câu trĩu bông, cong như những lưỡi hái, trải dài trên bao la của những cánh đồng, tít tận trân trời. 

Những bông lúa chín vàng ấy phản chiếu ánh mặt trời tạo thành những tia sáng lung linh, long lanh, lấp lánh. Đến đây, ta thấy việc sử dụng từ láy và cách nói đảo ngữ kết hợp với nghệ thuật nhân hóa trong câu thơ như thế đã giúp nhà thơ vừa dựng lên một bức tranh đồng quê tươi tắn vừa cho thấy một cánh đồng bội thu như thể hứa hẹn một mùa vàng no ấm đang hiện ra trước mắt. Bức tranh đồng quê như thế bảo sao người ta không yêu, không thích cho được.
Bài thơ khép lại với một cánh đồng tương lai đầy hứa hẹn đã phản ánh một tâm hồn tươi trẻ, một tinh thần lạc quan, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống của nhà thơ. Hơn thế nữa, nó còn thể hiển một nhãn quan nhạy cảm, một tâm hồn rất tinh tế, một khả năng quan sát diệu kỳ cùng với một sự gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước của nhà thơ. Niềm vui được mùa trong bài thơ hẳn không phải chỉ là của riêng bà con nông dân mà còn là của cả chính nhà thơ nữa. Và qua niềm vui trong bài thơ như thế chúng ta thấy nhà thơ quả là đã hòa cùng nhịp sống của nhân dân, hòa cùng “xương thịt” với nhân dân.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, bài thơ “Lúa chín” đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Phải nói rằng, đây là một bài thơ rất hay về đồng quê Việt Nam. Bài thơ phản ánh chân thực cuộc sống của nông thôn Việt Nam bằng một bức tranh đẹp đẽ, rực rỡ, tươi sáng, đầy hứa hẹn. Có thể nói nếu không có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế kết hợp sự tài hoa của riêng mình thì Nguyễn Duy không thể cất lên được một tiếng lòng sâu nặng tha thiết với yêu quê hương thương yêu đến như vậy. Bởi thế, cùng với “Hơi ấm ổ rơm”, “Tre Việt Nam” … “Lúa chín” của Nguyễn Duy cũng sẽ là bài thơ đi cùng năm tháng và sống mãi với đồng quê Việt Nam.