Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 18

PGS TS Cao Văn Liên

07/06/2024 06:14

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 18.

Tại hạ được phân công trấn giữ đồn Thuộc Nhiêu [1] liền cho xây một đồn mới trên nền đồn cũ, có lũy tre dày đặc bao quanh gọi là Tân Thành Mỹ Quý  [2]. Thành Mỹ Quý dài 130m, chiều ngang 60m, cách thành 500m là lũy tre dày đặc, kế đến là hệ thống hào sâu 3m, rộng 4-5m, dưới hào có cắm chông tre, tường thành dầy 3-4m. Bốn góc thành có 4 pháo đài, trên có 4 khẩu thần công hướng ra bốn phía, sẵn sàng nổ vào quân Pháp. Xin cảm ơn quý vị và chủ tướng Trương Công Định.

Trần Xuân Hòa chắp tay chào mọi người rồi ngồi xuống. Trương Công Định nói:

-Đa tạ ngài tri phủ Trần Xuân Hòa. Các quý vị biết tri phủ Trần Xuân Hòa là người tàn tật nhưng đã quyết tâm vượt qua bệnh tật để chống Pháp, nêu một tấm gương về lòng yêu nước sáng chói cho chúng ta. Xin kính mời ngài Hồ Huân Nghiệp.

Hồ Huân Nghiệp đứng dậy dáng một nhà Nho chắp tay chào:

-Kính chào chủ tướng Trương Công Định, chào các quý vị, tại hạ là Hồ Huân Nghiệp, tự Thiệu Tiên, sinh năm Kỷ Sửu 1829 tại làng An Định, Tổng Dương Hòa, phủ Tân Bình, trấn Phiên An [3]. Ông nội tại hạ là Hồ Văn Thuận, ký lục trấn Phiên An, thân phụ là Hồ Lợi, một danh sĩ nổi tiếng khí tiết đương thời. Từ nhỏ tại hạ được chăm sóc giáo dục chu đáo, lớn lên cũng có chút tiếng tăm văn hay chữ đẹp, có ý chí, được mọi người kính trọng. Khi thân phụ mất, để trông nom mộ tại hạ phải làm nhà bên cạnh mộ để vừa trong nom mộ vừa dạy học trò lấy tiền nuôi mẹ già.

Khi quân Pháp đánh Gia Định, thành Gia Định và Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Công Định kéo quân về Gò Công lập căn cứ chống Pháp. Tại hạ phải đưa thân mẫu về Chợ Đêm[4], lấy vợ để có người chăm sóc mẹ rồi mới nhận lời mời của chủ tướng Trương công Định, làm Tri phủ Tân Bình để lo việc dân và việc quân. Khi đó Gia Định đã bị quân Pháp chiếm đóng, các quan lại phủ, huyện do chủ tướng Trương Công Định đặt ra đều phải ẩn náu trong nhà dân mà làm việc. Tại hạ đã cố gắng điều động người tham gia nghĩa quân và tiếp tế lương thực. Trước mắt sự nghiệp chống Pháp còn nhiều khó khăn gian khổ hy sinh, tại hạ sẽ làm hết sức mình để góp phần nhỏ vào sự nghiệp cứu nước. Xin đa tạ chủ tướng, đa tạ quý vị.

Hồ Huân Nghiệp chắp tay vái chào và ngồi xuống. Trương Công Định nói:

-Ngài Hồ Huân Nghiệp là một nhà Nho, nhà giáo, một vị quan do ta bổ nhiệm hoạt động trong vùng kiểm soát của Pháp rất khó khăn nguy hiểm nhưng ngài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà nghĩa quân giao phó, thật là tấm gương hiếm có.

Hồ Huân Nghiệp đứng dậy chắp tay đáp:

-Đa tạ chủ tướng.

Trương Công Định gọi tiếp:

-Xin mời ngài Đốc binh Chấn.

Đốc binh Chấn đứng dậy vái chào:

-Xin kính chào chủ tướng, chào các quý vị, tại hạ đang phục vụ dưới lá cờ của chủ soái Trương Công Định, tên thật là Nguyễn Ngọc Chấn, sinh năm Nhâm Thìn 1831 tại Giồng Tháp, làng Tân Niên Tây [5]. Khi Pháp xâm lược, tại hạ đã tham gia chống Pháp trong quân của chủ tướng Trương Công Định, được giữ chức Đốc Binh. Tại hạ vui mừng vì hôm nay phong trào đã quy tụ được nhiều anh hùng nghĩa sĩ cứu nước để bảo vệ quê hương. Xin đa tạ chủ tướng, đa tạ các quý vị đã về đây vì đại nghĩa. Xin đa tạ.

Trương Công Định đứng dậy mời tiếp:

-Xin mời ngài Lê Quang Quyền

Lê Quang Quyền đứng dậy chắp tay chào:

-Kính chào chủ tướng, xin chào các quý vị, tại hạ là Lê Quang Quyền, sinh năm 1812 tại huyện Hương Trà, kinh đô Huế. Năm 1859 tại hạ chiến đấu ở Gia Định. Ngày 17-4-1859 thành Gia Định thất thủ, tại hạ lui về Tân Hòa kháng Pháp dưới cờ của chủ tướng Trương Công Định. Cảm ơn chủ tướng, cảm ơn các quý vị đã về đây tỏ lòng yêu nước, phối hợp đánh pháp, bảo vệ quê hương. Xin đa tạ, đa tạ.

Trương Công Định đứng dậy nói:

-Xin mời ngài Huỳnh Công Tấn.

Huỳnh Công Tấn đứng dậy, khuôn mặt dài cộng đôi mắt gian xảo nom rất gian manh. Huỳnh Công Tấn chắp tay chào:

-Xin kính chào chủ tướng, chào các quý vị, tại hạ là Huỳnh Công Tấn, sinh năm 1837 tại Tân Hòa, Gò Công, Định Tường. Nay tại hạ tham gia chống Pháp trong nghĩa quân của chủ tướng Trương Công Định. Xin cảm tạ chủ tướng, đa tạ các quý vị.

Huỳnh Công Tấn chắp tay chào và ngồi xuống. Trương Công Định nói tiếp:

-Xin mời ngài Đỗ Quang.

Đỗ Quang đứng dậy chắp tay vái chào:

-Xin chào tướng quân Trương Công Định, xin chào các quý vị, tại hạ tên là Đỗ Quang, sinh năm Đinh Mão 1807 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng ở huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1827 tại hạ sung chức hành tẩu Bộ binh. Kỳ thi năm 1832 tại hạ đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ, trải qua các chức vụ Tri phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Án sát tỉnh Quảng Trị, Công bộ Thị Lang, Lang Trung, Thư tham tri Bộ lễ, Toản tu Quốc tử giám, Giám khảo thi hương, duyệt quyển thi đình. Tháng 2 năm 1859 thành Gia Định thất thủ. Năm 1860 triều đình cử tại hạ vào Nam giữ chức Tuần phủ Gia Định chống pháp. 24-2-1861 Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, tại hạ chạy lên Biên Hòa, sau đó về Gò Công hiệp sức với Lãnh binh Trương Công Định đánh Pháp. Xin đa tạ tướng quân Trương Công Định, đa ta quý vị đã về đây tụ nghĩa đánh Pháp.

Trương Công Định nói:

-Như vậy các ngài đã nghe hầu hết thân thế sự nghiệp các anh hùng hào kiệt đang đánh Pháp khắp các tỉnh miền Đông, cho nên Gò Công cũng chỉ là một trong nhiều trung tâm kháng chiến chống Pháp. Về dự hôm nay còn thiếu vắng rất nhiều vị còn bận tổ chức đánh Pháp ở các địa phương không về được như là ngài Lưu Tuấn Thiện, Trình Viết Bàng, Huỳnh Trí Viễn, cử nhân Bùi Tấn, Cử nhân Bùi Khắc Kiệm, Cử nhân Lý Dung Phiên, Cử nhân Hà Mậu Đức, các tú tài Nguyễn Văn Trung, Tú tài Huỳnh Văn Đạt, Tú tài Bùi Văn Lý, Tú tài Mai Phương Mỹ, Tú tài Nguyễn Duy Thận, quan lại triều đình như Đặng Văn Duy, Phạm Tiến, tướng lĩnh bình dân như Phó đốc binh Chung, Phó tướng Trương Dự, Đặng Kim Chung, Lưu Hải Đường. Trong quân của Gò Công còn có bốn Đầu lĩnh Phan Văn Dũng, La Văn Bản, Phan Văn Tiết, Tạ Văn Thái, còn có nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông cũng cộng tác với nghĩa quân Gò Công. Trong quân Gò Công còn có các ông Hòa, ông Quới, còn có các nữ nghĩa quân như bà Lưu, bà Viết...

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Cai Lậy, Tiền Giang.

[2] . Thuộc Ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, Tiền Giang.

[3] .Nay là Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] . Nay là Tân Túc, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] . Nay là Tấn Tây, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 18" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com