Huyện Lục Yên việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Ở Yên Bái, dân tộc Dao gồm có 4 nhóm chính là Dao đỏ, Dao quần trắng, Dao quần chẹt và Dao làn tuyển, tập trung sinh sống ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và Lục Yên. Mỗi nhóm người Dao nơi đây lại mang những nét độc đáo riêng trong phong tục tập quán. Một trong những nét độc đáo đặc trưng cho mỗi nhóm dân tộc được thể hiện rõ nét nhất là trong nghi lễ cưới hỏi của người Dao - Một lễ cưới theo đúng phong tục tập quán của người Dao mà hiện giờ không còn nhiều nơi tổ chức.
Bà Nông Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, “Huyện Lục Yên luôn xác định công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện”.
“Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có dân tộc Dao đỏ, UBND huyện tham mưu BTV Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 21/01/2021 của Huyện ủy Lục Yên về phát triển du lịch huyện Lục Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Lục Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hằng năm ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết và Đề án phát triển du lịch của huyện, trong đó xác định giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những nội dung quan trọng để phát triển du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Kinh tế – Xã hội của huyện”. Bà Nông Thu Hà cho biết thêm.
Với người Dao đỏ, một đám cưới không chỉ là ngày vui của một gia đình mà còn là ngày hội của cả làng bản. Người Dao quan niệm, hôn nhân là việc hệ trọng của cả đời người, đôi trai gái người Dao đỏ được ghép đôi theo nguyên tắc ngoại hôn dòng họ, nếu cùng họ cũng phải cách chín đời và đặc biệt rất coi trọng hợp tuổi của lứa đôi vì vậy cha mẹ chàng trai phải nhờ thầy bói làm giúp lễ soi tuổi.
Bà Nông Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ thêm, “Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số: Thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ- HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2021 đến nay, huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí thành lập mới bảy đội văn nghệ truyền thống dân tộc Dao đỏ với tổng kinh phí hỗ trợ là 420 triệu đồng, trong đó xã Phúc Lợi được hỗ trợ 02 đội văn nghệ, xã Khai Trung hỗ trợ hai đội văn nghệ; hỗ trợ Làng nghề thêu dệt thổ cẩm thôn hai Túc, xã Phúc Lợi 20 triệu đồng năm 2022.
Thực hiện Dự án sáu trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã phân bổ kinh phí Hỗ trợ hoạt động cho 01 đội văn nghệ truyền thống dân tộc Dao của xã Phúc Lợi với kinh phí 60 triệu đồng.
“Đám cưới người Dao đỏ rất đặc sắc, độc đáo, do đó huyện đã quan tâm chỉ đạo tổ chức các lễ hội để bảo tồn và phát huy; năm 2023, chỉ đạo xã Tân Phượng tổ chức Ngày hội văn hoá dân tộc Dao, thu hút đông đảo du khách và nhân dân, trong đó chương trình lễ hội có nội dung trích đoạn Lễ cưới của người Dao đỏ. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì và phát huy”. Bà Nông Thu Hà khẳng định.
Bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đám cưới người Dao đỏ là vấn đề cấp thiết
Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, “Trong tương lai nghiên cứu xây dựng tạo không gian để trưng bày các hiện vật, tư liệu về đám cưới của người Dao. Để người dân có thể tìm hiểu và khám phá văn hóa của mình”.
“Về phía chính quyền địa phương cũng rất khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi văn hóa của người Dao trên địa bàn. Hơn thế nữa việc tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân là một quá trình dài và liên tục. Cần có sự hợp tác và đồng lòng của cộng đồng để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa như đám cưới của người Dao trên địa bàn xã”. Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND chia sẻ thêm.
Bà Nông Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, “Trên địa bàn huyện Lục Yên, người dân tộc Dao đỏ tập trung đông nhất tại ba xã Tân Phượng, Khai Trung, Phúc Lợi. Nhằm lưu giữ được những bản sắc tốt đẹp của dân tộc Dao đỏ trên địa bàn huyện, đặc biệt là lễ cưới truyền thống, huyện Lục Yên sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, hội viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên, các chức sắc tôn giáo, biết và hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao, từ đó bảo tồn, giữ gìn và phát triển, trong đó có lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ.
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Dao đỏ thông qua: phát thanh, truyền hình; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết dịp 18/11 hàng năm và các lễ, hội của đồng bào Dao để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, gìn giữ và phát huy.
Hàng năm, đưa nội dung tổ chức Ngày hội văn hoá dân tộc Dao vào kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên về tổ chức các lễ hội trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổ chức các ngày hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, lựa chọn các hoạt động đặc sắc, trong đó có nội dung về đám cưới truyền thống của người Dao đỏ về biểu diễn, diễn diễu tại các chương trình, sự kiện lớn của huyện, của tỉnh, qua đó nhằm giới thiệu với cộng đồng các dân tộc về bản sắc văn hóa dân tộc Dao.
Chỉ đạo các địa phương triển khai nghiêm túc các chương trình, Dự án liên quan về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung, bản sắc VH dân tộc người Dao đỏ nói riêng, từ đó từng bước cụ thể hóa Nghị quyết, đề án về phát triển du lịch của huyện, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hoá - Dân tộc TS - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Đối với người dân, cần thực hiện tốt các Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng họ, chủ hộ trong việc duy trì, thực hiện các lễ cưới theo truyền thống của người Dao nhưng cần phải giảm bớt các lễ vật trong đám cưới để phù hợp hơn trong xu thế phát triển hiện nay”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, trong việc bảo tồn văn hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân là yếu tố quyết định, vì đồng bào chính là chủ nhân của di sản. Tuy nhiên, để bảo tồn văn hóa truyền thống của một dân tộc, bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh. Có nghĩa là, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa phải vừa định hướng, vừa gợi mở, đồng thời tuyên truyền cho đồng bào hiểu và chủ động tham gia. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh phí, để bà con thực hiện, bởi bảo tồn để phát triển cần đầu tư nhiều, cả trong nghiên cứu, đầu tư cả trong thực thi, đầu tư cả xây dựng môi trường bảo tồn di sản văn hóa đó.
Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương cũng cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Có thể thấy rằng, phong trào gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đám cưới của người Dao ở xã khai trung, xã Phúc Lợi nói riêng và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói chung đã thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong gìn giữ bản sắc văn hóa. Đây là yếu tố quan trọng, giúp người Dao Đỏ bảo tồn, mãi lưu truyền được mạch nguồn văn hóa, tài sản quý báu của cha ông đến thế hệ mai sau.