Lưới chuồn biển ngang

Phạm Thông

05/06/2022 19:42

Theo dõi trên

Vào tiết tháng hai, tháng ba, tháng tư âm lịch ở các chợ trên đất Quảng Nam có nhiều cá chuồn. Nhưng cá chuồn ngày nay không được đánh bắt từ một loại lưới chuyên biệt như gần bốn mươi năm về trước. Ngày ấy, sau tết âm lịch, trời bắt đầu nắng ráo, người dân ở các vạn chài biển ngang Quảng Nam bận rộn chuẩn bị dọn ghe, thúng, ngư lưới cụ cho nhiều loại nghề đánh bắt cá trên biển. Trong đó, lưới chuồn là nghề chạy gạo cấp bách nhất của ngư dân vốn nghèo khó, hụt bữa sau những ngày tết nhứt.

luoi-chuon-1654432941.jfif
 

 

Lưới chuồn ở biển ngang là nghề đánh bắt gần bờ. Ngư dân thường sử dụng loại ghe nhỏ, cùng cỡ với “ghe câu” hoặc thúng tròn hay thúng méo thường gọi là “thúng chai”. Ghe có chiều dài khoảng 4,5 mét, chiều rộng ở khoang lòng chừng 1,4 mét; thúng chai thì đường kính của vành độ 2 mét. Be ghe, vành thúng, giẻ ghe, giẻ thúng đều bằng tre, dầu rái là chất liệu trắc giẻ chống thấm nước. Nghề lưới chuồn đánh bắt gần bờ, ở độ sâu 12 đến 18 sải nước, mỗi ghe hoặc thúng chỉ có hai lao động thường là cha con hay anh em một nhà, ngư lưới cụ nhẹ nhàng, không chạy buồm mà bơi tay nên không cần sử dụng ghe lớn, bơi chậm thiếu linh hoạt, nhanh nhẹn.

Mỗi ghe hoặc thúng sắm từ 7 đến 10 tay lưới. Vào mùa đông biển động, ngư dân ngồi nhà đan lưới chuồn. Mắt lưới nhỏ, chỉ xỏ lọt hai ngón tay nên gọi là lưới hai. Chất liệu đan lưới là nhợ gai. Ngư dân mua gai (một loại vỏ cây đặc biệt) từ những nhà buôn ngư lưới cụ về tước nhỏ, xe tay chắp thành sợi lơi rồi dùng xa quay săn thành sợi nhỏ chừng nửa que tăm, rất chắc gọi là nhợ. Chắp xong nhợ đến cung đoạn đan lưới. Đan xong, đem lưới bỏ vào vôi nấu cho sợi nhợ gai mềm ra. Vớt lưới phơi khô, dùng sức kéo căng để các gút lưới siết chặt thêm và sợi nhợ thẳng ra. Dùng huyết bò nhuộm cho màu sợi sẫm bớt mới cột thành tay lưới. Lưới chuồn đánh cá nổi sát mặt nước nên chỉ có độ rộng non một sải, cần mỗi viền phao, không cần viền chì. Phao làm bằng thân cây đốt, dài hơn một tấc tây, khoảng cách giữa các phao chừng 40 phân. Để hoàn thành một tay lưới 40-50 sải tay phải mất một tháng công. Nhà nào thiếu lao động  thì mua lưới đan sẵn về cột thành tấm theo ý muốn của mình. Một đơn vị thuyền, thúng với 10 tay lưới, đó là tài sản không nhỏ của ngư dân nghèo khó thời ấy.

Hằng năm, vào đầu tháng hai âm lịch, khi bầu trời văng vẳng tiếng tu hú đó đây, dân biển ngang bắt đầu hành nghề lưới chuồn vào những đêm trăng tỏ. Mỗi chiều, khi mặt trời còn độ một sào thì những chiếc ghe câu, thúng chai lách sóng ra biển. Thúng đi ra chớn nước 10-12 sải nước, gần bờ hơn. Ghe câu ra chớn 17-18 sải nước, cách bờ 5- 7 cây số.

Trăng vừa tỏ dạng, ngư dân bắt đầu thả lưới. Tất cả các tay lưới được nối lại thành giàn lưới. Dọc theo giàn lưới, mỗi khoảng cách bằng chiều dài tay lưới có buộc một cái bè. Bè làm bằng ba ống tre một lóng (gọi là ống một). Ba ống tre ghép lại thành hình tam giác, trên mặt tam giác có một miếng ván liên kết để bè thêm chắc chắn. Chính giữa miếng ván cũng chính là tâm của tam giác có cái lỗ để tra cán của cây mẽn (chuông tự tạo). Mẽn cấu tạo bởi cái cổ chai luồn và một vỏ đạn treo bên trong. Mẽn được treo trên cây cán cắm đứng chính giữa bè. Bè đỡ mẽn trôi trên mặt nước, sóng bập bềnh, bè chao nghiêng, vỏ đạn đong đưa va vào cổ chai kêu leng keng báo hiệu cho ngư dân biết lưới của mình đang ở đâu.

Lưới không có chì, phao kéo triêng nổi trên mặt biển, lườn thòng xuống, cá chuồn đi sát mặt nước, gặp lưới là mắc ngay. Cá chuồn đi từng đàn. Dầm khua, cá giật mình bay lên va vào lườn ghe, lườn thúng nghe bom bóp. Có lúc gặp những đàn cá lớn, chúng bay rần rật hàng ngàn, hàng vạn con, lấp lánh cả một vùng rộng lớn. Thỉnh thoảng có con bay cao, rớt luôn vào ghe, vào thúng. Những lúc như vậy, mới vừa thả lưới cá đã đóng dày, ngư dân lập tức khua dầm bơi ngược lại đầu kia lần lưới gỡ cá. Và cứ như vậy, họ bơi đi, bơi lại gỡ cá suốt đêm dưới ánh trăng sáng vằng vặc giữa biển khơi. Đánh lưới ở chớn 10-12 sải nước, thường chỉ được cá chuồn mít, chuồn thoi nhỏ mà không ngon, giá rẻ. Đánh lưới ở chớn khơi hơn thường trúng chuồn cồ, chuồn xanh, chuồn gành to, ngon, được giá.

Tuy nhiên, tháng ba, tư âm lịch, ngư dân biển ngang ban ngày phải hành nghề mành chốt (mành chà) nên một thân không thể xẻ làm đôi. Lúc này, nghề lưới chuồn trở thành nghề phụ, nghề tranh thủ để kiếm thêm sét khoai, ang lúa. Mỗi chiều, khi chạy ghe mành chà cập bến, để ý thấy cá chuồn bay nhiều, ngư dân về nhà ăn quấy quá đôi ba miếng, lập tức trở ra để đánh bắt. Vòng quay thời gian quá gấp nên phải đi gần, mặc cho chuồn xanh, chuồn cồ bay dày ở chớn nước khơi hơn. Bởi họ phải vào bờ sớm, hai, ba giờ sáng lại lên ghe ra khơi hành nghề mành chốt trong ngày mai.

Đêm lưới chuồn, ngày mành chốt, ngư dân biển ngang làm ăn vất vả như vậy, nhưng được mất thất thường. Lúc khá thì mỗi đêm được vài trăm cá, lúc mất mò mẫm suốt đêm chỉ được chục, vài chục chuồn mít là coi như thức không cùng đêm trắng.

Ngày xưa ở đảo Lý Sơn, Cửa Đại, cửa An Hoà, ngư dân hành nghề mành chuồn qui mô lớn hơn lưới chuồn biển ngang Bình Dương, Bình Đào nhiều. Ghe lớn như ghe bầu với sáu bảy lao động, đi khơi đến trăm sải nước, cách bờ cả trăm cây số, nằm lì ngoài biển khơi năm ba ngày. Thời ấy, thông tin về thời tiết không có, ngư dân nhìn mây đoán trời. Trong hoàn cảnh ấy, mành chuồn thật sự là nghề nguy hiểm, nghề hồn treo giữa vời. Tháng hai, tháng ba gió mưa bất thường, thinh không trời nổi bấc, nổi chướng gãy lái, bẻ buồm. Có một lần đã rất lâu, vào đêm mồng 10 tháng 3, trời nổi tố bất ngờ, mành chuồn ở Thanh Khê, Hà Khê bị lật ghe, người chết vô kể. Từ đó dân gian truyền tụng cái lệ tháng ba rằng: “Mồng mười tháng ba giỗ cha thằng chuồn”.

Lưới chuồn là nghề phụ của ngư dân biển ngang, nhưng cá chuồn lại là một hải sản mang dấu ấn đặc biệt đối với xứ Quảng. Ngày xưa, đầu tiết xuân hè, sáng sớm đã có chuồn tươi, chuồn thính, chuồn muối được bày bán khắp các chợ, các làng quê. Cá chuồn được rộ dưới biển thì trên nguồn mít cũng sây trái. Cá chuồn kho với mít non rất hợp. Cá chuồn cần mít non như trầu cần vôi vậy. Vì thế các chàng trai, cô gái nguồn - biển coi đó là sản vật trao duyên, gợi tình: “Ai về nhắn với bậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”.

Hiện thời, cá chuồn tươi biển ngang hoàn toàn biến mất tại các chợ mai Quảng Nam. Ngư dân cũng hiếm khi thấy cá chuồn bay trên biển. Thời ấy, ngoài khơi có rất nhiều đám lán rong biển rất lớn trôi dạt bồng bềnh. Lán là nơi sinh sản của loài cá chuồn. Chúng đẻ từng dề trứng đôi ba ký, trứng bám vào rong biển, từ đó nở cá con. Hiện giờ rong biển ở các rạn ven bờ bị người dân khai thác cùng kiệt, lán biển không còn, cá chuồn khó tìm nơi sinh sản.

Nghề lưới chuồn ở biển ngang không còn nữa là lẽ thường tình của biến động tiến bộ nghề nghiệp. Thời hiện đại ngư trường được mở rộng, ngư dân đánh bắt cá bằng nhiều loại ngư lưới cụ tân tiến, hiệu quả gấp nhiều lần lưới chuồn ngày trước. Tuy nhiên, hiện tượng lán rong biển không còn trôi, tiếng tu hú gọi cá chuồn cũng thưa thớt dần. Đó là lời cảnh báo của thiên nhiên rằng con người hãy coi chừng: Câu ca dao về mít non nấu với cá chuồn có thể biến mất theo thời - “ngày càng hiện đại”!

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Lưới chuồn biển ngang" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn