Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan viết tự sự: “Từ một gia đình cán bộ rất bình thường (lúc đó ba tôi làm cán bộ công đoàn tại một xưởng thủy tinh nhỏ) tôi bước vào một gia đình “thượng lưu" trí thức với tư cách là một chàng rể tương lai.
Gia đình GS Hồ Đắc Di - nhạc gia của ông Vũ Khoan là một danh gia vọng tộc ở kinh đô Huế. Đó là dòng họ “Hồ Đắc” ở làng An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên- Huế. Ông nội GS Hồ Đắc Di là Hầu tước Hồ Đắc Tuấn. Bà nội là Công nữ Thức Huấn con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thân phụ của GS Hồ Đắc Di là Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, kiêm Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công, Sau sung chức Đông các Đại học sĩ, Cơ mật đại thần dưới triều vua Duy Tân và Khải Định.
Trong gia đình, ông anh cả là GS Hồ Đắc Khải làm quan Thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ Mật viện. Ông Hồ Đắc Liên Kỹ sư mỏ-địa chất tại Pháp về nước giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học Thanh Hoá; năm 1955 làm Giám đốc Nha Địa chất (tiền thân của Tổng cục Địa chất). Luật sư Hồ Đắc Điềm tốt nghiệp Tiến sĩ Luật tại Paris về nước làm ở Toà Thượng thẩm Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng 8 làm Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội rồi giữ chức Phó Chủ tịch UBND Hà Nội. Hai ông Hồ Đắc Di và Hồ Đắc Ân cùng sang Pháp học; một người ngành Y, một ngành Dược. Ông Hồ Đắc Ân về Sài Gòn tham gia kháng chiến với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Năm 1919, GS Hồ Đắc Di về nước. Cách mạng Tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử GS làm Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Tổng Thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Vụ Đại học và Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy. Năm 1975 đất nước thống nhất, gia đình Hồ Đắc có 4 anh em ruột đều tham dự Đại hội Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1977. Họ đến từ 3 thành phố tiêu biểu giới thiệu: TP. Hà Nội giới thiệu Luật sư Hồ Đắc Điềm và Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di. TP. Hồ Chí Minh giới thiệu Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân. Tỉnh Thừa Thiên- Huế giới thiệu Sư bà Diệu Không (thế danh là Hồ Thị Hạnh).
Ông Vũ Khoan kết hôn với bà Hồ Thể Lan, con gái đầu của GS Hồ Đắc Di. Họ là bạn học trường Thiếu sinh quân ở Việt Bắc, rồi cùng sang Quảng Tây học phổ thông. Năm 1954 hai người cùng đi học tiếng Nga ở Mát-xcơ-va. Đôi bạn đồng môn đã nảy sinh tình cảm như ông Vũ Khoan tự sự. Ông Vũ Khoan sau ngày miền Bắc được giải phóng, đang học thì được lấy vào Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Sau này sự nghiệp của ông chủ yếu tiếp tục thăng tiến trong ngành ngoại giao. Còn bà Hồ Thể Lan về nước rồi làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí từ năm 1987- 1996.
Làng An Truyền ngày nay là điểm du lịch “đầm phá” thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Cách TP. Huế 10 km, đi theo tỉnh lộ 10 khoảng 6 km và rẻ trái 4 km, qua cầu Lu Bụ thì đến cổng làng An Truyền. Làng xưa đã nổi tiếng nghèo khó nhưng hiếu học thì nay cũng vậy. Năm 2016 em Hồ Đắc Thanh Chương (học sinh trường Quốc Học - Huế) đạt giải vô địch Olympia, xác lập kỷ lục “chung kết” 340 điểm. Ngôi đình làng và nhà thờ Hồ Đắc nằm khá gần nhau. Các bô lão còn cho biết: nhân vật Hồ Đắc Tuấn (ông nội của GS Hồ Đắc Di) đỗ cử nhân làm quan tri phủ, với ông Đoàn Hữu Trưng (người cầm đầu cuộc khởi nghĩa Chày vôi) là đồng hương. Hai người là “anh em cọc chèo” làm rể Tùng thiện vương Miên Thẩm.