Món mít trộn (còn gọi là gỏi mít) là món ăn rất phổ biến ở Quảng Nam, miền Trung nước ta. Món ăn này được làm từ quả mít non luộc vừa chín tới, kết hợp với nhiều loại gia vị, rau củ và thịt, tôm, tép… tạo nên một món ăn vùng miền có hương vị độc đáo và hấp dẫn. Đặc biệt, món mít non trộn của người Quảng Nam - Đà Nẵng thường được chế biến đơn giản, không có quá nhiều gia vị hoặc nước chấm phức tạp, nhưng vẫn đảm bảo được sự đậm đà, tinh tế, hòa quyện với nhiều hương vị.
Ở quê tôi miền trung du thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) nên vườn nhà nào cũng trồng cây mít, đến mùa hái trái non, già hoặc chín để chế biến các món ăn như làm gỏi, kho với cá chuồn hay là mang chúng ra chợ Hòa Liên bán lấy tiền mua mắm muối hay các thứ cần dùng khác.
Thông thường khoảng tháng 2 – 3 (ÂL), khi nghe con tu hú gọi bầy trong không trung vọng về vào buổi chiều quê với điệp khúc “tu hú – tu hú”, thì cũng bắt đầu một mùa mít non đeo lủng lẳng, bu bám trên cành trong khu vườn quê của mỗi nhà. Song, năm nay, có một số cây mít ở quê tôi đã cho trái sớm vào tháng Giêng.
Trên đường đi đến chợ quê, tại các điểm “đón đàng”, người mua chất hàng gánh mít non bên lề đường. Tại chợ vùng quê như: Túy Loan, Đại Hiệp, Hòa Sơn, Hòa Liên… mít non cũng nhiều, nhưng chủ yếu là các bạn hàng ở thành phố Đà Nẵng, Cẩm Lệ…mua về bỏ lại cho các tiệm ăn ở nội thành. Trong chợ quê cũng có vài điểm bán mít non đã luộc cho nên chế biến món “mít trộn” hay “mít non trộn sứa” với nguyên liệu rất rẻ và dễ tìm.
“Chị Hai” trú thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên) là “chuyên gia” chế biến món mít trộn rất ngon, nổi tiếng trong vùng nên được mọi người phong cho chức danh nghe rất dân dã, dễ thương là “Chị Hai mít trộn”. Chị Hai cho hay, ở quê, khách đến chơi nhà, không cần phải “cao lương mỹ vị”, cứ ra vườn chọn trái mít non vừa tầm (cỡ bắp vế người lớn), chọn trái đều đặn, không u nần, sâu bệnh, như vậy sẽ ít xơ, ăn ngọt và bùi hơn.
Sau khi cắt bỏ phần có cuốn khoảng 5 phân, dùng một cây (cọc) nhọn (nhỏ hơn cán liềm), đầu nhọn đóng vào phần lõi vừa cắt của trái mít. Tiếp đến, một tay nắm cọc đã đóng, tay kia cầm dao, liềm… để gọt vỏ. Sau đó cắt dọc từng miếng nhỏ, dày khoảng 5cm, rửa sạch mủ, lạng bỏ lỏi mít và bỏ vào nồi nước sôi để luộc. Bí quyết của công đoạn này là chỉ nên luộc chín tới khi chế biến ra thành phẩm mới ngon. Nếu dùng “ xắt phay” thì xắt dày, trộn với vài cọng rau thơm như rau húng, rau quế… chấm mắm tôm, mắm nêm… tỏi, ớt ăn thật ngon và bùi vì “lạ miệng”. Nếu để trộn thì xắt nhỏ.
“Món mít non trộn với tép rất dân dã nhưng lại khá ngon. Chỉ cần lấy một lon tép khô, rửa sạch, để ráo. Khử dầu phộng (thứ thiệt) bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị… sau đó đổ mít trộn đã xắt nhỏ vào soong đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phộng rang, giã dập, rau húng, rau răm, mùi tàu lên. Dùng bánh tráng nướng vàng ươm xúc, nhai thơm rôm rốp, đậm hương vị nhà quê…”- Chị Hai cho biết.
Ngoài ra, món mít non trộn sứa được chế biến như sau: Sứa tươi mua về rửa lại nhiều lần cho sạch, trụng qua nước sôi để ráo và trộn sứa với các lát chuối chát, hoa mít… để sứa săn lại và ăn được giòn, dai hơn. Sau đó, cắt sứa vừa ăn, cho vào sứa mít non đã xắt và các loại như rau thơm, nước mắm chanh, ớt, tỏi, mì chính vào trộn đều, rồi rắc đậu phộng rang, bánh tráng nướng bóp vụn vào.
Nhìn đĩa mít non trộn sứa với nhiều màu sắc bắt mắt như màu ngà của mít non, màu “trong xanh” của sứa, màu xanh lá cây của các loại rau gia vị hòa quyện với màu đỏ của ớt chín trông rất bắt mắt. Thời tiết cuối xuân chuyển sáng đầu hè nắng nóng, thưởng thức món mít non trộn sứa đầy hương vị “miền núi và biển khơi” trông rất thú vị và mát mẻ trong người.
Ngoài ra, ở xứ biển hoặc có nơi, người ta còn bán món mít non trộn với sứa, hoặc bán món bún mắm nêm trộn với mít non… món ăn dân dã nhưng hấp dẫn khó có gì sánh bằng.
Giờ đây, dù xa quê, nhưng khi liên tưởng đến món mít non trộn sứa, thịt heo ba chỉ, tôm…, thơm lừng khiến tôi cũng râm ran… trong vòm miệng. Cho nên vùng quê tôi vẫn còn câu ca: “Sứa biển mà trộn mít nguồn / Mời anh ăn thử có buồn cũng vui…” hay là “Ai lên nhắn với bạn nguồn / Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”./.