Mẹ tôi

Mẹ tôi đi làm dâu từ năm hai mươi tuổi. Do sự sắp đặt của bố mẹ hai bên,do sự khéo nói của bà mối,và cũng theo thói quen của xã hội. Con gái lớn ở trong nhà có người hỏi thì phải gả chồng. Thoạt nhìn nàng dâu tương lai khỏe mạnh, thân hình nở nang ông bà nội tôi đã vui mừng không để đâu cho hết.

Chả biết tính tình ra sao, cái đó còn do phúc phận nhà chồng sau này rèn giũa. Bà nội tôi thầm thì với chồng: “Cái tạng người “lưng chữ gụ vú chữ tâm” cứ gọi là đi qua đầu giường cũng đủ để mang thai”.

Ngày xưa, do thiếu người làm nên các bậc cha mẹ thường cưới vợ cho con trai từ rất sớm, để lấy người về lo chuyện đồng xa, ruộng gần, để hầu hạ bố mẹ chồng. Nhưng ông bà nội tôi lại không thế. Trước đây tôi không rõ, chứ từ đời cụ nội, đến ông nội tôi chỉ sinh có một người con trai duy nhất. Nó như định mệnh truyền từ đời này sang đời khác. Cả làng gọi ba đời nhà tôi là “độc đinh”. Kẻ xấu mồm, xấu miệng đơm đặt đủ điều. Có lẽ vì thế mà các vấn đề như nhan sắc, tính nết, hay bất kỳ điều gì khác của mẹ tôi cũng đều đặt vào hàng thứ yếu. Ông bà nội tôi chỉ cần mẹ tôi thật mắn đẻ. Đẻ càng nhiều càng tốt. Đẻ đàn, đẻ lũ toàn con trai, để vả vào những cái miệng độc địa kia, để xoá đi cái định mệnh “độc đinh” mà họ nhà tôi ba đời đeo đẳng.

ch1dvh5-1659259602.jpg
Hình minh hoạ do tác giả sưu tầm.

 

Ấy vậy mà phải đến hơn hai năm sau mẹ tôi mới sinh ra anh Khải. Chuyện muộn con được bố tôi giải thích với ông bà nội tôi như sau: “Con bận quá. Hơn nữa cả nước còn đang phải đánh Tây. Bố mẹ thì lúc nào cũng...”. Ông nội tôi cười thâm thuý: “Anh không phải nhắc nhở, tôi biết quá đi chứ. Nhưng Cụ Hồ kêu gọi "Kháng chiến trường kỳ". Vậy ai cũng như anh chị, thử hỏi lấy đâu ra người đánh Pháp, nếu cuộc kháng chiến này kéo dài hai, ba mươi năm nữa?”. Trước cái lý của cụ, bố tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng dạ. Gia cảnh ông bà nội tôi tùng tiệm cũng đủ ăn. Khi mẹ tôi sinh anh Khải, ông bà nội tôi mở tiệc khao làng. Cứ gọi là nhộn nhịp đến vài ngày. Cuộc khao làng lần ấy ông bà nội tôi mang công mắc nợ, phải mất hơn năm mới trả hết. Nhưng ông bà nội tôi lại không lấy điều đó làm phiền lòng. Lúc nào ông bà cũng tươi hơn hớn: “Công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh”. Ông nội tôi thường động viên mọi người trong gia đình bằng câu nói cửa miệng như vậy.

Ấy là lúc anh em chúng tôi lần lượt ra đời, năm anh em toàn con trai, cứ năm một, chênh nhau nửa cái đầu. Sau anh Khải là anh Khuê, anh Khang, anh Khương rồi đến tôi. Hoàn cảnh ông bà nội tôi từ chỗ tàm tạm đủ chi dùng nhanh chóng chuyển sang thiếu thốn. Gia đình bắt đầu phải ăn độn khoai, độn ngô. Thế mới biết cái danh nhiều khi cũng khiến cho người ta phải điêu đứng đến khổ sở. Nhưng ông nội tôi lại sống theo dạng “quân tử Tàu”. Thiếu đói một chút không sao cả. Bù lại là niềm vui sướng của ông bà nội tôi không để đâu cho hết. Đi đâu ông bà cũng khoe về năm thằng cháu nội nghịch như quỷ cướp, ăn như hùm đổ đó. Ông nội tôi nói đùa: “Giá như đất mà ăn được chắc “lũ quỷ” nhà tôi cũng chẳng từ”. Không một ai trong làng còn chê bai, dè bỉu gia đình “độc đinh” như trước nữa. Họ đã nhìn ông bà nội tôi bằng con mắt khác. Tôn trọng hơn, kính nể hơn.

Một lần bà nội tôi nói với mẹ tôi: “U rất mang ơn con đã giúp mẹ cái điều mà mẹ không làm nổi. Con dâu của u đã làm rạng rỡ cho ba đời đằng nội”. Mẹ tôi xấu hổ vì lời khen có phần hơi quá của mẹ chồng. Làm vợ, sinh con nối dài dòng giống cho gia đình nhà chồng là trách nhiệm của người đàn bà. Cả nước Việt này đều thế chứ đâu chỉ có riêng mình. Trước câu khen ngợi của bà nội, mẹ tôi lý nhí: “Thưa u. Con đâu dám nhận lời khen của u”. Bà nội tôi cười ra chiều hài lòng với câu trả lời khiêm tốn của nàng dâu. Nhưng hình như mẹ tôi vẫn còn điều gì đó vướng vất trong lòng nên vẻ mặt lúc nào cũng có nét buồn phảng phất. Mãi sau này mẹ tôi mới thổ lộ: "Mẹ mong mỏi có thêm một đứa con gái nữa cho có nếp có tẻ, để chấy rận sau này". Quả trời không phụ lòng người, hơn hai năm sau, mẹ tôi sinh cái Khoa.

Cứ mỗi lần sinh nở, mẹ tôi được ăn cơm gạo trắng với giò, với chả quế rim nhạt. Chẳng rõ bà nội tôi kiếm được ở đâu ra. Mẹ tôi được ăn một mình một mâm, được ngồi ở nhà trên. Mỗi lần đến bữa cơm, mẹ tôi lại len lén tránh không để ông bà nội biết, xuống nhà dưới san cơm trắng, giò chả cho chúng tôi. Mẹ xoa đầu từng đứa, rồi bảo: “Anh Khải chia đều cho các em nhé!”. Mẹ tôi lại bưng bát toàn khoai độn.

Sáu anh em chúng tôi lăn lóc bờ ruộng, góc ao cứ thế lớn lên. Ông nội chiều chúng tôi lắm, chưa bao giờ mắng đứa nào. Chúng tôi cãi nhau chí choé suốt ngày. Mỗi lần có đứa mách tội nhau, bà nội tôi bảo ông nội: “Kìa quan công sứ, mời ngài xử kiện đi”. Ông nội tôi cười khà khà: “Thế mới vui nhà, vui cửa. Nhà này ba đời đã khi nào vui như bây giờ đâu”. Được thể, năm anh em tôi cãi nhau chán rồi nhảy bổ vào nhau đấm đá túi bụi, mặc bà nội tôi gào thét đến mỏi miệng. Ông nội tôi vẫn cười. Mẹ tôi ngồi võng cho cái Khoa bú. Cái Khoa nằm trong lòng mẹ, miệng ngậm vú nhay nhay. Chẳng hiểu sao mẹ tôi cứ xuýt xoa nơi đầu lưỡi, mặt hơi nhăn lại. Chắc mẹ đau lắm. Lúc bấy giờ ai cũng tưởng mẹ tôi đau vì cái Khoa ngứa lợi nên nhay vú. Sau này có vợ con rồi tôi mới biết do mẹ ít sữa quá.

Từ khi đủ trí tuệ để nhớ tôi chưa thấy mẹ cầm roi vụt đứa nào. Nhìn chúng tôi vật nhau, đánh nhau huỳnh huỵch cùng với tiếng khóc ré lên của tôi, của anh Khương lẫn vào tiếng ru của mẹ: “À ơi...Khôn ngoan đối đáp người ngoài . Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau...À...ơi...”. Tiếng mẹ tôi ru buồn buồn, rầu rĩ. Bốn người anh trên tôi nem nép nơi cửa buồng. Tôi ngồi giữa sân đội nắng khóc hu hu. Mẹ gọi cả năm anh em tôi lại gần bảo: “Anh em các con chung một bố mẹ, cùng chung giọt máu, là khúc ruột trên khúc ruột dưới. Nói nặng lời với nhau đã xót xa lắm rồi. Nay lại còn đánh nhau nữa, các con có thấy đau lòng không? Mẹ buồn lắm!”. Rồi mẹ tôi nhắc anh Khải, anh Khuê, anh Khang từ nay không được đánh các em. Mẹ lại bảo anh Khương và tôi phải xin lỗi các anh. Năm anh em chúng tôi khoanh tay trước ngực xin lỗi mẹ và hứa lần sau không dám thế nữa. Mẹ tôi cười mãn nguyện, khen các con ngoan, biết vâng lời. Bà nội tôi quay mặt đi giấu niềm xúc động. Ông nội tôi không thể cười được nữa.

Trẻ con chúng tôi mau nhớ, mau quên. Mỗi sáng mẹ tôi đi chợ về là anh em chúng tôi lại một lần chí choé tranh giành nhau cái bánh, cái kẹo. Mẹ tôi lại phải an ủi mấy người anh lớn, vỗ về tôi và anh Khương. Về sau, mẹ tôi mua cái gì cũng bằng nhau chằn chặn, cùng loại, cùng số lượng. Xong xuôi cho đàn con, mẹ tôi mới vào bếp làm cơm. Sáu anh em tôi lại đuổi nhau ầm ầm ngoài sân dưới trời nắng, giành nhau con dế mèn, dóng mía, hoặc cái kẹo vừng chợ quê. Ông bà nội thì chiều cháu. Bởi hai cụ coi chúng tôi là niềm tự hào của cả cái dòng họ ba đời độc đinh, luôn bị chèn ép giữa các dòng họ lớn trong làng. Ông nội tôi thường nói với chúng tôi: “Ông bà chỉ mong sau này các cháu lớn lên làm rạng danh cho gia đình, cho ông bà, bố mẹ”. Rồi cụ quay sang mẹ tôi nói tiếp: “Bố mẹ rất biết ơn con đã sinh cho bố mẹ một đàn cháu nội. Con hãy cố gắng bảo ban chúng trở thành người có ích”. Mẹ tôi cúi đầu, mặt đỏ bừng, giọng như hụt hơi: “Con xin nghe lời dạy bảo của thầy u”.

Anh em chúng tôi cứ thế lớn lên. Và chúng tôi đã có tuổi thơ êm đềm như thế trong một gia đình thôn quê không có nhiều ước vọng lớn lao.

Rồi chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ lan tới quê tôi. Bom thù dội xuống từng luỹ tre, mái rạ. Máu dân lành đã đổ. Rất nhiều vành khăn trắng thắt ngang trên mái đầu của những đứa trẻ lên ba. Đất nước lâm nguy. Tuổi trẻ náo nức lên đường tòng quân cứu nước. Vào đúng thời điểm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Bốn người anh trên tôi lần lượt lên đường nhập ngũ. Chỉ còn tôi lúc này chưa đầy 16 tuổi, đang học lớp 8/10 nên không đơn vị nào chịu nhận. Họ bảo nhận tôi là vi phạm chính sách nghĩa vụ quân sự. Có lần vui chuyện, tôi ướm hỏi: “Mẹ cho con đi bộ đội nhé?”. Mẹ tôi bảo: “Mẹ không bao giờ cấm đoán những việc làm tốt đẹp của các con. Nhưng bốn anh con đã đi rồi, nay con lại đi nốt thì mẹ ở với ai?”. Tôi cười xoà lấp liếm: “Mẹ ơi! năm anh em con đi đánh giặc. Hòa bình năm anh em con lại về. Ở nhà đã có cô Khoa. Bây giờ nam nữ bình đẳng rồi, con nào chẳng là con”. Mẹ tôi im lặng.

Tôi nhớ mỗi lần các anh tôi nhập ngũ, mẹ tôi thường dắt tôi và cái Khoa tiễn các anh ra tận nơi giao nhận quân. Lần anh Khải đi, mẹ tôi cười, nụ cười tươi rói. Rạng rỡ và tự hào. Mẹ tôi như trẻ lại. Mẹ cầm tay anh Khải âu yếm dặn dò: “Chúc con lên đường được chân cứng đá mềm. Hết giặc giã, con lại về với mẹ”. Mẹ tôi tin chắc một ngày không xa nữa, anh Khải tôi sẽ trở về khoẻ mạnh, bình an.

Đầu năm sau anh Khuê lại tiếp tục nhập ngũ. Nụ cười mẹ tôi chừng như bịn rịn. Vẫn cái nắm tay nhè nhẹ: “Con đi mạnh giỏi. Cố gắng phấn đấu cho bằng anh, bằng em”.

Thêm một năm nữa trôi qua, đến lượt anh Khang, anh Khương. Mẹ tôi vẫn cười. Nhưng nụ cười méo mó và héo úa làm sao. Hàm răng đen nhức của mẹ tôi bập vào môi tưởng bật máu. Mẹ tôi cố giấu đi nỗi niềm xa xót những đứa con khoẻ mạnh, trai tráng từ nay rời vòng tay mẹ đi vào nơi mũi tên, hòn đạn. Cái sống, cái chết cách nhau trong gang tấc. Để yên lòng hai người anh tôi, mẹ tôi cố nén lại dòng nước mắt. Chẳng điều gì có thể nói trước được, nhất là trong chiến tranh.

Trên đường về mẹ tôi khóc, khóc nhiều lắm. Tôi và cái Khoa cứ lặng lẽ đi bên mẹ. Hàng cây phi lao do các cụ phụ lão trồng hai bên vệ đường, lạ thế, cứ uốn éo vi vút trong gió. Có lẽ vì căng thẳng thần kinh hoặc do quá mệt mỏi, mẹ tôi dừng lại tì một tay vào thân cây phi lao già, tay kia nâng vạt áo lau nước mắt. Tôi bỗng nhận ra mẹ tôi già đi đến chục tuổi. Cái lưng mẹ tôi còng xuống nhiều lắm rồi.

Năm 1971 đến giữa năm 1972, bốn cái tang liên tiếp dội xuống gia đình tôi, dội xuống đầu mẹ tôi. Ông bà nội tôi già cả, không chịu nổi sự đau đớn tột cùng nên ngã bệnh và lần lượt mất sau đó ít tháng. Mẹ tôi không khóc. Đôi mắt mẹ ráo hoảnh đến thẫn thờ. Mẹ tôi nhìn trừng trừng vào bốn tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công. Dường như mẹ tôi muốn tìm lại hình bóng của bốn đứa con thân yêu trong đó. Mấy tháng trời, mỗi buổi chiều đi làm đồng về, bao giờ mẹ cũng móc trong giỏ ra, lúc thì con dế mèn, khi thì con châu chấu voi xanh biếc. Mẹ tôi buộc chỉ cẩn thận rồi đặt lên bàn thờ các con. Mẹ tôi thầm thì điều gì đó không ai nghe rõ. Trong mắt người mẹ, các con dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là những đứa trẻ ngây thơ, khờ dại.

Làm xong phần việc cho các con, mẹ tôi ra ngồi xuống bậu cửa cúi đầu gỡ tóc. Mẹ tôi tỉ mẩn nhặt từng sợi tóc tướp táp, xơ cứng. Mẹ tôi dạo này ăn uống thất thường. Bố tôi lo lắng lắm. Ông lo bà nghĩ ngợi quá nhiều, hậu quả không thể nào lường trước được. Trong vòng có mấy năm, gia đình tôi phải chịu sáu cái tang. Chỉ có thần kinh bằng thép mới đứng vững nổi. Bố tôi không dám rời mẹ tôi nửa bước, chỉ lo bà quẫn lên làm điều gì dại dột.

Nhà tôi sau ngày bốn anh tôi nhập ngũ vốn đã vắng vẻ hiu quạnh, nay mất thêm ông bà nội nữa nên cảm giác trống vắng càng lớn. Cái hoang lạnh đến rợn người. Mẹ tôi đi, về như cái bóng. Bố tôi thủ thỉ: “Nếu khóc được, mình nên khóc lấy một chút cho vơi đi nỗi đớn đau. Chứ cứ như thế này tôi sợ lắm. Con mình hy sinh vì dân, vì nước thì mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy”. Mẹ tôi ngước nhìn bố tôi rồi đưa hai bàn tay khô gầy cho ông chậm rãi dìu vào trong nhà. Mẹ tôi ngồi xuống cạnh giường ôm lấy tôi, ôm lấy cái Khoa. Ba mái đầu chụm lại như truyền chút hơi ấm còn sót lại cho nhau. Trong giây lát, mẹ tôi hình như tìm lại được điều gì đó, cái gì đó không thể gọi thành tên, thành lời. Tôi thấy má tôi ướt đầm, vị mặn chát đắng trên môi. Không biết là nước mắt của mẹ tôi, hay của tôi, hay của cái Khoa. Bố tôi lặng im đứng nhìn. Hai giọt nước mắt to tròn sậm sịt, đặc quánh màu máu từ từ lăn trên gò má sạm đen của ông.

Tôi tình nguyện nhập ngũ giữa năm 1973 khi vừa tốt nghiệp cấp 3. Mẹ tôi vẫn là người đưa tiễn như bốn người anh trên tôi. Mẹ tôi không hề ngăn cản việc tôi làm. Gia đình tôi đã có bốn liệt sĩ nên tôi trong diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Mấy hôm trước, mẹ tôi phải lên huyện đội ký giấy đồng ý cho tôi nhập ngũ đợt này. Mẹ tôi nói với ông huyện đội trưởng: “Vâng theo lời Cụ Hồ kêu gọi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tình nguyện hiến dâng cho Tổ quốc đứa con cuối cùng. Mong các anh đồng ý cho nó lên đường đền nợ nước, trả thù nhà”. Nói vậy thôi chứ tôi biết mẹ tôi buồn, buồn lắm. Người mẹ tôi cứ như muốn rũ xuống. Chẳng qua mẹ tôi cố ngoài mặt làm vui để cho tôi yên lòng lên đường thôi.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, tôi trở về lành lặn nguyên vẹn như lời chúc của mẹ lúc tôi lên đường. Mái tóc mẹ tôi giờ đây không còn sợi đen nào. Lưng mẹ tôi còng xuống nhiều hơn. Những bước chân chậm chạp run rẩy, giọng nói đã bắt đầu méo mó, hai hốc mắt lõm sâu. Mẹ tôi đấy. Một người đàn bà như biết bao bà mẹ Việt Nam, bình dị như cây cau trước sân nhà suốt đời ấp bẹ vun hoa, để rồi bung ra những lứa quả ngọt cho đời. Mỗi lần bẹ cau rụng xuống để lại vết hằn sâu trên thân cây soi vào năm tháng.

Hôm nay, Ủy ban nhân dân xã thay mặt nhà nước CHXHCN Việt Nam long trọng tổ chức lễ tuyên dương công trạng và phong tặng danh hiệu cao quý cho mẹ tôi: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Mẹ tôi đi giữa hàng kiêu binh danh dự trong bộ quân phục trắng toát, bồng súng đứng nghiêm. Chào. Mẹ tôi đi trong tiếng kèn đồng vang lừng rộn rã. Mẹ tôi đi trong tiếng hát hào hùng của lực lượng vũ trang. Cả đời mẹ tôi hay lam hay làm, quẩn quanh việc nhà, việc đồng áng, chưa bao giờ xuất hiện chốn đông người. Bước chân mẹ tôi run lắm. Không biết có bao giờ mẹ tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ xuất hiện trước các quan chức cấp cao từ trung ương đến xã, trước ống kính phóng viên như hôm nay? Chắc chắn là không. Tôi chỉ thấy mẹ tôi sợ. Mẹ tôi sợ mình quê mùa sơ ý làm điều gì đó, nói câu gì đó thất thố trước mặt mọi người. Mẹ tôi sợ cái không khí trang nghiêm đến thiêng liêng của buổi lễ. Mẹ tôi sợ nhiều thứ. Thậm chí mẹ tôi còn không dám đặt tay lên chiếc khăn trải bàn trắng tinh trước mặt.

Rất nhiều người khóc. Mẹ tôi không khóc. Mẹ tôi khóc nhiều rồi. Đêm nào mẹ tôi cũng khóc. Nước mắt mẹ tôi tưởng như đã cạn kiệt. Chỉ khi tấm huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được cài lên ngực áo, mẹ tôi mới gục vào vai cô gái đứng bên cạnh nức nở.

Tôi lặng nhìn mẹ. Ngọn gió từ đâu thổi tới vô tình lật đi, lật lại tấm huy chương lóng lánh màu vàng tươi trên tấm áo nâu bình dị của mẹ tôi. Tôi chợt hiểu. Sống mũi tôi say sè. Mắt tôi rưng rưng. Phía sau tấm huy chương kia là cả một hành trình dài dằng dặc đầy máu và nước mắt, đầy mất mát hi sinh của mẹ tôi, của biết bao bà mẹ như mẹ tôi, của dân tộc ta để đi đến Độc lập - Tự do. Và cũng phía sau tấm huy chương anh hùng ấy, dưới làn áo mỏng bạc phếch vì nắng mưa, là trái tim vĩ đại của những người mẹ Việt Nam đã trụ vững với thời gian...!

Trái tim người lính