Mốc son lịch sử của đời tôi

Thủy Lê

02/08/2022 07:58

Theo dõi trên

Bước vào những ngày cuối tháng 7 năm nào cũng vậy, trong lòng tôi luôn có một niềm bâng khuâng, xốn xang khó tả, dù rằng đến nay cũng đã 42 năm trôi qua và con người cũng đã khô héo nhiều do thời gian và sự mưu sinh tàn phá.

ch1dvh2e-1659401757.jpg
Ảnh do tac giả cung cấp.

Ngày ấy, 30/7/1980 chúng tôi lên đường, thẳng tiến lên biên cương xứ Lạng, nơi có Sư đoàn 337 - "Cánh cửa thép Lạng Sơn" chót giữ. 31/7 phân đội tôi thẳng hướng Đồng Đăng về với Trung đoàn 4, một Trung đoàn anh hùng của Sư đoàn từ thời đánh Mỹ. Ngày 1/8 chúng tôi bắt đầu hành trình đi đến với các chốt tiền tiêu của E4 để làm nhiệm vụ của những đội viên TNXK trường ĐHSPHN I đối với đơn vị kết nghĩa của nhà trường- F337. Có Trời mới biết được ngày hôm đó lại trở thành một mốc son của đời tôi sau này. Sáng hôm ấy, tại chân đồi của tiểu đoàn bộ D1, dưới tán của một cây đa to, tạm gọi là "SÂN KHẤU", chúng tôi đã hát lên những ca khúc về biên giới, những ca khúc cách mạng mang hồn của thời đại lúc bấy giờ, những câu hát dân ca mang nặng tình quê hương xứ sở, để giành tặng cho bộ đội của tiểu đoàn 1. Nếu đứng ở thời đại này nhìn lại nhóm công tác của chúng tôi ngày đó thì trình độ ca hát của chúng tôi chỉ xứng tầm "văn nghệ xóm".

ch1dvh2d-1659401835.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhưng ngày đó, thời mà chỉ có lửa đạn, đói rét, sự mong manh giữa sống và chết luôn rình rập ngày đêm, thì những tiếng ca hát lên bằng cả trái tim của những cô cậu sinh viên năm nhất, năm hai của ĐHSPHN I đã được tất cả các anh bộ đội đón nhận cũng bằng cả trái tim của mình, có thể nói là tiếng hát sinh viên của chúng tôi nơi chiến hào biên giới đã đi thảng từ "trái tim đến trái tim". Cho đến giờ đã là U70, nhưng tôi không bao giờ quên những ánh mắt chăm chú, háo hức ngắm nhìn chúng tôi 'BIỂU DIỄN" của các anh bộ đội, họ như "uống" lấy từng câu hát của chúng tôi cho thỏa "cơn khát" văn hóa văn nghệ của lính chốt thời bấy giờ. Trong muôn vàn ánh mắt đó, có ánh mắt của một đôi mắt sáng từ một người lính mặt mũi đen nhẻm, đầu đội mũi cối tàu, quần xắn móng lợn, đi chân đất, anh nhìn tôi với ánh nhìn "chỉ có đôi mắt sáng, nhìn chúng em cười tươi tươi" (lời một câu hát). Ánh nhìn đó đã được Nguyệt lão biến thành "tia chớp ái tình" bắn thẳng vào tim tôi, tôi đã bị "trúng sét" và "chết" luôn vì anh kể từ giây phút đó.

Ông Nguyệt lão đã cơ cầu trêu ghẹo chúng tôi suót 2,5 năm trời, với biết bao nhiêu những lá thư đi- về giữa HN và biên giới (từ 1 đến 2 lá thư/tuần), với biết bao nhiêu nước mắt nhớ thương mong chờ, lo lắng của chúng tôi giành cho nhau, để rồi đến một ngày "đẹp trời" ông Tơ bà Nguyệt đã xe duyên cho chúng tôi nên vợ nên chồng. Hanh phúc của cô giáo trẻ và anh lính miền sơn cước thật không có gì có thể đong đếm được, bởi vậy mà cho đến tận bây giờ- sau mấy chục năm vượt qua "mọi sự bể dâu", chúng tôi vẫn luôn vì nhau và trân trọng những gì mà cuộc đời đã ban tặng cho đôi chúng tôi. Tôi vẫn luôn cùng anh mang tiếng hát U70 của mình đến tặng các hội CCB là đồng đội của anh trên mọi miền Tổ Quốc vào những dịp kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị. Đến với người lính, lòng tôi vẫn luôn dạt dào một tình cảm yêu thương như ngày xưa ấy, nên tiếng hát cho dù không còn được khỏe như xưa nữa, nhưng vẫn được các anh đón nhặn với tất cả tình cảm chân thành của người lình Bác Hồ.

Chẳng biết Nam Tào cho tôi hát được đến tuổi nào, nhưng còn hát được thì tôi vẫn còn hát cho bộ đội nghe, hát bằng cả trái tim trọn đời giành cho lình, mộc mạc thôi nhưng luôn gây bồi hồi xao xuyến cho người nghe, phải thế không những người lính của tôi ?

Yêu mãi ngày mùng 1/8, ngày "NHẬP NGŨ" của tôi.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Mốc son lịch sử của đời tôi" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn