Mời đọc “Đồng dao trên núi” - Tập thơ thiếu nhi của Phạm Thị Phương Thảo

 VH&PT   - Đó là tên tập thơ thiếu nhi của tôi vừa ra mắt dành tặng cho các bé và bạn bè nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6! Cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ cấp phép tháng 4/2022 và Công ty sách Thiên Sơn Book in ấn và phát hành. Cuốn sách gồm 87 bài thơ viết cho trẻ em. Một tập thơ xinh xắn, với phông chữ to cho trẻ em dễ đọc và có nhiều hình ảnh yêu thích, ngộ nghĩnh dành cho các bé.

 

Hoàn cảnh ra đời tập thơ “Đồng dao trên núi” - Phạm Thị Phương Thảo

Sau hơn hai năm đại dịch Covid vừa qua, tôi đã trở thành “bà bảo mẫu” cho hai đứa cháu ngoại của mình. Bà bảo mẫu bất đắc dĩ rất chi là cặm cụi, vừa trông cho cháu học online, bà ngoại vừa tranh thủ viết thơ thiếu nhi. Thơ viết tranh thủ lúc rảnh rỗi trong suốt hai năm Covid vừa qua. Cộng với số bài thơ thơ thiếu nhi bà ngoại Cu Bi đã từng viết rải rác từ trước đó, tôi đã có hơn trăm bài. Thôi thì, bà ngoại cu Bi tạm chọn 87 bài để in trước một cuốn thơ thiếu nhi, dành tặng cho các bé và bạn bè yêu trẻ em, kịp có sách trước dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 cho vui!

Viết cho trẻ con thật là vui! Viết như là hơi thở, viết như là niềm vui sống cùng lũ trẻ, viết như ta đang được trở về là trẻ con. Nhớ về những ký ức tuổi thơ ngày tác giả tôi từng sống ở miền núi cao Lào Cai. May mắn vì có những chuyến đi miền núi cao lên: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang hay Sapa, Bắc Hà, Lào cai… Tự thấy mình may mắn khi được lây cái sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ của trẻ con. Bỗng thấy tâm hồn mình trở nên tươi non lạ lùng cùng với các bé.

Tự nhiên tôi nhớ lại rất rõ ký ức đẹp đẽ từ những ngày còn thơ bé. Tôi từng sống nơi miền núi với bao kỷ niệm về những khu vườn, những đồng lúa, ruộng bậc thang, những nương ngô, những nếp nhà nghèo khó. Đặc biệt, nhớ những ngày phơi nắng vui chơi ngoài vườn, đi đuổi bắt bướm, chuồn chuồn thật vui. Khi viết về những ký ức tuổi thơ, hình ảnh: loài chim bói cá, dế mèn, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, ong, bướm… luôn hiện lên rất sinh động.

Tập thơ này sẽ là một món quà tinh thần mà tôi muốn gửi tới các em nhỏ không chỉ ở miền núi, mà các em nhỏ ở thành phố cũng khó có cơ hội hiểu biết về các loài côn trùng. Tôi mong sao được góp một chút tình cảm, sức lực của mình, được dành tặng một phần để ủng hộ cho các tủ sách nhà trường và trẻ em ở nơi vùng sâu vùng xa! Cảm ơn các bé con yêu quý đã cho bà ngoại Cu Bi được gần gũi, quan sát, yêu thương, gắn bó để viết nên những câu chuyện nhỏ xinh và hồn nhiên. Hy vọng, những câu thơ thiếu nhi được bà ngoại Cu Bi viết ra trong những mùa covid sẽ mang đến thật nhiều niềm vui cho các bé con!

 

Nội dung chính trong tập thơ “Đồng dao trên núi” - Phạm Thị Phương Thảo

 

Một thế giới thiên nhiên bí ẩn và tuyệt diệu của trẻ thơ cần được trẻ con thành phố biết đến và hiểu nhiều hơn. Thế giới ấy đang có nguy cơ bị công nghệ mạng, cùng với thời gian và những biến động xã hội làm mất dần! Viết về cuộc sống trẻ con miền núi, nơi vùng sâu vùng xa là viết về cả một miền quê thiên nhiên trù phú, tươi đẹp và những lớp học trên núi cao! Tình yêu với núi non, sông suối, trâu bò, lợn gà và muôn lũ côn trùng, chính là điều thú vị khi ta đang được sống lại ký ức tuổi thơ ấu đã đi qua của mỗi người lớn. Dầm mưa, giãi nắng trên núi đồi, trên đồng ruộng, từng được lội suối, trèo nương, đi vào rừng, trẻ em miền núi phải tự đi bộ rất xa đến trường. Đặc biệt, những dịp được lang thang đi hái hoa bắt bướm trong lòng thung, là niềm vui, đó là kỷ niệm khó quên, là sở trường vui chơi của các bà, các cô đã từng sống ở miền núi cao từ nhỏ như chúng tôi.

Thật hạnh phúc khi người lớn chúng ta cũng được trở về với ký ức những ngày thơ ấu xa xưa. Những ngày đầy gian khổ nhưng xiết bao hạnh phúc. Ta từng lội suối, trèo nương, từng được sống yên vui trong mỗi nếp nhà, trong mỗi gia đình cùng với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Trở về với tuổi thơ, mỗi chúng ta sẽ được vui vẻ hơn, sống chan hoà hơn giữa lòng mẹ thiên nhiên. Nơi ấy, là bao nhiêu phong cảnh non xanh nước biếc với núi đồi, sông suối, sương mù, nhà sàn, bản làng… Sau chuyến đi thực tế của đoàn VNS lên với huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, chúng tôi đã được ở nhà sàn trong những bản làng người Tày thuộc thôn Nà Liềm, Nà Đong và được đi thăm bản người Mông, xem hát Then, xem người Dao múa lửa, dự lễ cấp sắc… trên núi cao thật thú vị. Nhiều bài thơ thiếu nhi đã được tôi hào hứng viết luôn ngay sau chuyến đi này!

Một thế giới thiên nhiên thuần khiết và trong lành. Nơi mà xung quanh ta là tiếng chim hót, những dòng suối, những khu vườn, những đồng lúa, nương ngô xanh tốt. Nơi ấy có bao nhiêu thứ hoa cỏ và cây trái. Quan sát, đồng cảm, chia sẻ, rồi chiêm nghiệm từ thế giới thiên nhiên miền núi, đặc biệt là những nơi vùng sâu vùng xa, ta càng thấy thương quý hơn những trẻ em miền núi cao và biết ơn các thầy cô giáo đang ngày đêm phải cắm bản trên núi cao.

Nhà thơ nào cũng yêu trẻ con, nhưng khi tìm đọc văn thơ các nhà văn viết tặng cho các bé thì dường như vẫn còn rất ít. Vì yêu các bé, bà ngoại Cu Bi luôn được dịp trò chuyện, lắng nghe, được vui chơi cùng các bé. Đôi khi bà ngoại cũng phải tự học thêm môn bóng đá hay bóng rổ để chơi cùng với cháu. Cái gì ta kém thì phải chịu khó học thôi! Chơi với trẻ con, chung ta cũng học được nhiều điều từ các bé! Riêng khoản mê hái hoa bắt bướm thì bà ngoại cháu rất thạo!

 

Thông điệp của tập thơ “Đồng dao trên núi” - Phạm Thị Phương Thảo

Cuốn sách nhỏ này không chỉ dành cho các bé, cho những trẻ em đang thích được tìm hiểu thế giới thiên nhiên xung quanh mình. Trẻ còn luôn trong trẻo, hồn nhiên và sẽ gắn bó hơn với bản làng, quê hương đất nước. Người lớn cũng có thể đọc, để được trở về, được sống lại những ký ức tuổi thơ của mình, để được làm bạn, được hoà nhập với lũ trẻ con trong những câu chuyện đáng yêu.

Hãy mở ra “Đồng dao trên núi “ để đọc cho trẻ con, cho chính mình, để người lớn chúng ta cũng thấy vui hơn, yêu đời hơn, thấy yêu hơn sự trong trẻo, hồn nhiên, thuần khiết như búp non của các bé.


(Sách có bán tại Thiên Sơn Book, giá bìa 80.000 đ)

Một số bài thơ nhỏ trong tập thơ “Đồng dao trên núi” - Phạm Thị Phương Thảo


 Concept Video: Bình An