Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi

Nghịch lý ở đây lại xuất phát từ một logic “thuận lý” trong quan niệm ẩm thực của ông cha ta.
qua-hong-1634213499.jpg
Hồng. Ảnh internet

Có lẽ rất nhiều người đã biết và thuộc bài ca dao hài hước:

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ hời, mẹ hỡi mua tôi đồng riềng.

Nghịch lý ở đây lại xuất phát từ một logic “thuận lý” trong quan niệm ẩm thực của ông cha ta. Ai cũng biết món gà luộc phải có lá chanh (thái nhỏ rắc lên) mới thực ngon và hấp dẫn. Thịt lợn khi chế biến (kho, rang, xào...) phải có hành đập dập, băm nhỏ mới thơm, đậm đà (Đểnh đoảng như thịt không hành, canh không mắm). Riêng về “cầy tơ bảy món” thì chẳng món nào lại thiếu gia vị riềng cả (Không riềng, mẻ thì thịt chó kia đâu còn là... thịt chó nữa)... Kinh nghiệm về ăn uống như vậy đã được tổng kết qua một bài ca dao nói ngược. Đây là lối nói khác lạ, gây ấn tượng và rất đắc dụng trong việc diễn đạt ngữ nghĩa. Điển hình cho lối nói này là bài ca dao “Bao giờ cho đến...”:

Bao giờ cho đến tháng ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi

Năm xôi nuốt trẻ lên mười

Con gà, be rượu nuốt người lao đao

Lươn nằm cho trúm bò vào

Một đàn cào cào đuổi đàn cá rô

Thóc giống đuổi chuột trong bồ

Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu.

Mỗi câu thơ trong bài ca dao trên đều nhằm mô tả một sự tình “trái khoáy” của đời thường muôn mặt. Nó được xây dựng trên sự đối chọi ngược trong quy luật sinh tồn: Kẻ bị săn đuổi, tiêu diệt lại trở thành kẻ săn đuổi trở lại. Chuyện “ếch cắn cổ rắn”, “lợn liếm lông hùm”, “cào cào đuổi cá rô”,... không bao giờ có trong thực tế cả. Dân gian biết là thế nhưng vẫn cứ nói thế. Để “trêu ngươi” hay nói tếu táo cho vui chăng? Không! Chính cách nói “lật lại vấn đề” như vậy lại làm nên cái độc đáo, cái hay cho ngữ nghĩa thông điệp. Hơn thế nữa, người ta còn tận dụng cái lẽ thường hiển nhiên, cái logic ngàn đời kia để xây dựng các cấu trúc lập luận chặt chẽ, nhiều khi rất đanh thép: “Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta/ Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình” (ca dao) “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực), v.v.

Những lối nói ngược để nhằm tới một mục đích diễn đạt nào đó đều phải dựa trên một luận cứ: Điều nêu ra phải dựa trên nền tảng một chân lí hiển nhiên (mà tất cả mọi người đều đã biết và chấp nhận). Đó là: cá chạch mãi mãi chỉ sinh sống và đẻ trứng dưới nước; chim sáo chỉ làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng và nuôi con trên cây và chẳng có ai nhổ hết được cỏ (ngay trên ruộng nhà mình chứ đừng nói trên toàn lãnh thổ một đất nước)... Người ta cố tình “nói ngược” nhưng người nghe bắt buộc phải “hiểu xuôi” thì thông điệp gửi đi mới hay và có giá trị.

Để kết thúc, và để “điểm xuyết” thêm cho sự nói “ngược nghĩa” tương tự, tôi xin dẫn bài thơ vui của Silva Kaputikian (người Armenia) đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam: “Em bảo: Anh đi đi/ Sao anh không dừng lại?/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh vội về ngay?/ Lời nói thoảng gió bay/ Đôi mắt huyền đẫm lệ/ Sao mà anh ngốc thế/ Không nhìn vào mắt em?”