Một giọng thơ yêu đương và yêu thương

 Lê Ngọc Minh

30/04/2022 21:12

Theo dõi trên

Mùa lá in tất cả 63 bài thơ được tác giả chia làm hai phần: Phần thứ nhất- Nỗi yêu, 46 bài ; Phần thứ hai- Niềm thương, 17 bài. Tôi cũng bám vào nội dung của từng phần đã chia để viết thành hai cảm nhận gắn với các mục: yêu đương và yêu thương.

tap-tho-mua-la-1651327852.jpg
             

 

1.Mặc dù đã có bộ phim  Người đàn bà hát; có những truyện ngắn, tản văn  mang tên Khi người ta trẻ; Khi người ta yêu; Người đang yêu khi không còn trẻ,…, tôi vẫn phải điệp lại ý tứ đó mà đặt cái tên Một giọng thơ yêu đương và yêu thương cho bài viết về tập Mùa lá  của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh ( Kim Khánh)

Với tác giả này, tôi đã tình cờ được đọc chùm thơ ba bài: Mùa ủ dột, Nghĩ dại Trôi của chị trong lần đến thăm nhà thơ Văn Đắc, hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Thi Thanh, một Tao đàn của đông đảo người làm thơ và yêu thơ ở Thanh Hóa. Chùm thơ thượng dẫn là các bài đã in trong tập san của Tao đàn Thi Thanh.

Đọc bài Mùa ủ dột , tôi sững người khi gặp câu thơ ngàn ngạt đến tức thở: “ Đường thống vắng một chiếc xe mất lái/ Hú hồn,  nhưng liền đó  gặp ở bài Nghĩ dại một ý thơ đầy mầm chồi yêu đương lực lưỡng chưa kịp nẩy lộc, tỏa hương: Tình đầy bồ, chưa kịp đổ ra xay, dù người thơ đã đặt cái tình đó trong trạng huống “ nghĩ dại”,  nghĩa là cái nghĩ tuy không hoài vọng may mắn nhưng chưa hẳn đã liên quan đến mệnh hệ sinh tử, mất còn…

Đọc hết chùm thơ, không đừng được phản ứng trực giác tôi thưa với nhà thơ  trường tràng của Tao đàn Thi Thanh: “Cô này quái đây!”. Văn Đắc liền đưa ngón tay like và nói thêm: “ Giọng điệu lạ, chữ nghĩa tiết chế đến từng phụ âm, đang là cây bút trụ cột của Tao đàn Thi Thanh đấy!”.

Từ bấy, tôi có ý thức đọc một cách hệ thống sáng tác của nhà thơ Kim Khánh in trên tập san Thi Thanh, trên tạp chí chí Xứ Thanh, trên báo Thanh Hóa và báo Văn nghệ… Rồi tiếp tục đọc các tập Vườn tháng Giêng ( 2014), Hai ngọn gió ( 2016), Cõi vọng ( 2018),… được in bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tôi càng thấy cảm nhận trực giác đầu tiên của mình về thơ Kim Khánh được củng cố, hơn thế lay thức sự suy ngẫm, sự nghiệm trải, hấp thu ấn tượng... Ở bài viết này, tôi dồn tập trung vào tập thơ mới nhất của chị, tập  Mùa lá ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021).

Mùa lá in tất cả 63 bài thơ được tác giả chia làm hai phần: Phần thứ nhất- Nỗi yêu, 46 bài ; Phần thứ hai- Niềm thương, 17 bài. Tôi cũng bám vào nội dung của từng phần đã chia để viết thành hai cảm nhận gắn với các mục: yêu đươngyêu thương.

2. Đọc, đọc… rồi đọc chậm lại toàn bộ 46 bài thơ ở phần Niềm yêu, thấy nổi lên nét cảm xúc rất chủ đạo của tác giả là một người thơ đang trong tâm thế tha thiết yêu đương; yêu đương không thời gian, không tuổi tác, yêu đương đang ở cái thì đón nhận quả ngọt, trái lành và yêu đương đang trong những cuộc hẹn hò trẻ trung, đắm say đến mụ mị cả người: Nàng vừa đi vừa hát/ Bài gì điệu gì không rõ…/ Nàng  nghĩ ra các điệu tình ca/ Miên man/ Mê man,… / Như nàng roi rói xuân thì (Hẹn). Cái đắm say mụ mị ấy lại rất đỗi nữ tính, một thứ nữ tính miên thắm, nhí nhảnh, hồn hậu: Người đang yêu cây nào cũng có hoa/ Ai cũng hiền hòa/ Không biết mùa nào đang nở ( Người đang yêu).

Đã yêu thì phải đắm say! Nói như Xuân Diệu: Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt ( Biển). Bởi đắm say yêu, đắm say trong dào dạt nên người thơ giống nữ trong thơ Kim Khánh đã dám vượt lên thứ quy phạm nữ tính thường tình, dám rủ rê kiểu “đón long”: Anh ơi chỗ này bến kín/ Chỗ này vắng người/ Em sẽ tắm dòng anh khơi nguồn…./ Kìa phiến vai/ Núi ngực em đang hát lời luyến thương ( Tắm tiên).

Người đang yêu ấy không những phô núi ngực, không những mời gọi bằng lời luyến thương mà còn sợ, rất sợ từng tích tắc của thời gian tình yêu qua đi. Nó không những qua đi theo nhịp đơn điệu thôi thúc vô hình mà còn: “…Đốt thời gian tôi; … Ăn tình yêu của tôi ( Tích tắc). Câu thơ lạ đã hút, đã neo nhiều đồng cảm dư chấn bởi bối cảnh trong tình yêu của người thơ là: Ngày trong nhau vằng vặc ( Gọi); là cuống quýt hạnh ngộ nhân duyên: Một hôm ta tìm thấy ta/ Từ trong kiếp trước bước ra ảo huyền/ Như ma như quỷ như tiên/ Như bụt ngự giữa một miền quế hương ( Một hôm)…

Kim Khánh đến với thơ khi chị đã tuổi bánh tẻ thế nhưng trước đó chị đã là sinh viên ngành học văn chương, rồi giáo viên dạy văn có thứ hạng, một cây ca khúc sô lít ( sollde) trong các cuộc liên hoan, hội hạp liên tài. Thế nên cái tuổi biếc xanh neo vào hồn thơ chị như một bức tổng quan cảm xúc trẻ tươi, bất lão: Ta ngày nay cho ta/ Vết ngày xanh còn hằn, mùa tím còn xa ngái/ Ta biếc ta? Mùa biếc/ Pha màu xanh hôm qua vào màu tím chưa thành/ Ta làm / Biếc/ ( Biếc).

Có lẽ lý do biết cách “ Ta làm” cho ta “Biếc” nên thơ tình Kim Khánh dù là hanh thông nụ cười viên mãn hay đớn đau hờn giận, tác giả vẫn cứ luôn nhìn vào cái thực tại, cái tình yêu đang có, chẳng hề đổ lỗi cho thời gian, cho khoảng cách trừu tượng, cho những trở ngại tâm linh như số phận loài Đỗ Quyên cuối hè, như địa lý đôi bờ sông sao Ngân Hà mênh mang như bể, như cầu quạ Ô Thước khắt khe mỗi năm chỉ hợp long thông tuyến một lần…

Bởi thế người đang yêu trong thơ Kim Khánh là người luôn biết: Hơn một điều thú vị/ Điều không thể/ Làm nên từ / Phá lệ- Tình yêu…( Phá lệ ). Và, cách phá lệ của Kim Khánh là: Gạt bỏ hương hoa/ Những kiến giải bất ngờ/ Một lối cấu tứ riêng/ Một pho thi liệu roi rói/ Một luận giải cởi trói ( Phá lệ); và còn là: Đường thiên lý thi pháp/ Hãy tìm cho em / Ái pháp / Mịt mờ thương em biết có hay không?( Thi pháp và Tình yêu). Ái pháp, chưa dám nói là tuyệt diệu hảo từ nhưng mà mới, rất mới,cá nhân người viết bài này coi Ái pháp là  lần đầu đọc đầu tiên.

Lâu nay không ít người làm thơ, và cũng không hề ít người bàn về thơ cùng một số chủng văn chương nghệ thuật khác hay nói đến những khái niệm: hiện sinh, hiện đại, hậu hiện đại… Nói bằng nhiều kiểu, dẫn ra nhiều chưởng nhưng đưa mấy khái niệm bên trên vào thơ khá trôi thì tôi gặp không nhiều, chỉ vài ba trường hợp trong số này có Kim Khánh. Chị đã không ngại ngần đặt tên Thi pháp và Tình yêu cho một bài thơ và lý giải khái niệm đó thành những câu không kém phần thơ: Hiện đại- hậu hiện đại/ Mải miết anh/ Phối ngẫu/ Chân lí thi ca/…Em cứ lơ ngơ đâu thiết cao xa/ Cứ mặc mình thơ ấu/ Cứ đem lòng biếc xanh/ Tha thiết với tình vàng/ Thao thiết về tím biếc/ Mà yêu anh đêm sáng trưa chiều / Cứ thế một màu da diết ( Thi pháp và Tình yêu). Đọc câu thơ: Mà yêu anh đêm sáng trưa chiều / Cứ thế một màu da diết khiến tôi bỗng nhớ lại hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, có một nhà thơ lớn được mệnh danh là ông hoàng thơ tình đã quyết liệt phê phán câu: Yêu em cả ngày của một nhà thơ trẻ.  Lý do mà hoàng đế thơ tình ngày ấy phê là: “ Có thể yêu cả đời, chứ làm sao yêu được…cả ngày?”. Kim Khánh đã giải thiêng câu nói của ông hoàng thơ tình đã dẫn bằng năng lượng tình của người đang yêu hôm nay, người đang yêu thời nay: Yêu anh đêm sáng trưa chiều. Không những thế mà người thơ còn biết yêu với thi pháp: “ Một màu da diết”. Vậy, đây có phải  là hậu hiện đại không? Theo tôi, bài Thi pháp và Tình yêu đã là một câu trả lời thuyết phục. Chưa hết, còn thêm nữa, dù chỉ là tưởng tượng thì cũng là dạng thức tưởng tượng từ điểm xuất phát của hậu hiện đại, của tính linh Ái pháp: Ngựa tơ không biết mỏi/ Hướng dốc/ Cứ thế phất…./ Chàng và nàng cười/ Ngất ngư/ Mệt nhoài/ Oải ra/ Thả người/ Trên đá/ Xung quanh/ Mùa đang dậy thì.( Tưởng tượng).

Niềm yêu nên bên cạnh hoan hỷ, có lúc người đang yêu cũng phải chấp, phải nuốt vào lòng khi là hoài nghi, hờn tuỉ: Ta bỗng thấy người tằn tiện nỗi thương/ Như chia đi một khối vốn cần tròn ( Linh tính); Và khi còn là cả một niềm đau: Anh chờ em hỏi/ Chờ em tìm/ Anh bên người con gái khác/ Như xác tín tình yêu , nỗi ghen ( Phép tách). Đắng đót là vậy nên người thơ đã thú nhận: Lẽ nữ nhi không cau mày cũng rơi nước mắt ( Phép tách). Nhưng sau thú nhận, người thơ biết cách tìm lại danh dự cho mình, của mình: Em tách em mọi cũ càng/ Những hình dung thường thấy…/ Mặc em/ Với con tim/ Lần đầu/ Khôi nguyên ( Phép tách); Tìm lại được ứng xử: Thôi đành vậy cũng xin đừng bằng lặng/ Bặt những điều vàng đá ở trong nhau ( Bặt); Và, trái tim yêu của người thơ chẳng khi nào nguôi ngoai sự bao dung: Nói một mình cũng là nói với anh/ Nói với anh cũng là nói một mình/ Tình mình từ kiếp nào/ Nói hay không cũng xôn xao ( Thoại); Ta thêm củi thắp tình hết cả mùa đông ( Tình ơi); Em thêm những hợp vào tan/ Thêm em vào mạn chiều tàn thuyền yêu (Thêm).

nha-tho-kim-khanh-1651327852.jpg
 

3. Phần thứ hai, phần Niềm thương trong Mùa lá, số lượng bài chỉ bằng non nửa so với phần I, tuy nhiên cảm quan của tác giả vẫn vươn tỏa được một không gian thơ rộng lớn; Thi ảnh thơ vẫn bao quát được nhiều bối cảnh thơ, bối cảnh thiên nhiên quê hương đất nước; Tình cảm thơ đã miệt mài len lỏi chia vợi niềm thương cho không ít phận đời.

Sông Mã phát nguyên từ Tây Bắc, chảy qua Sơn La, qua Lào rồi vào Thanh Hóa trước khi đổ ra biển Đông tạo nên hai bên lưu vực quê hương Cẩm Thủy của tác giả. Đó là một cõi núi sông gấm vóc mà làng xã nào cũng mang tên Cẩm ( Cẩm là Gấm- chú thích của người viết): Cẩm Vân, Cẩm Tú, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Yên…; Tạo nên Cửa Hà lồng lộng bóng soi/ Nước non tương thế lòng người tương tư ( Thơ TNT); Tạo nên ngọn nguồn suối thiêng Cẩm Lương với ngàn vạn cá thần, là những đồ đệ, những cảnh vệ kiên trung ngư chủng duyên dáng bảo trọng cho một thiên tình sử có tuổi thọ ngang với tạo hóa.

Con sông ấy, giang sơn cẩm tú ấy đã vào thơ Kim Khánh như một sự tiếp nhận tự nhiên, hồn nhiên chẳng khác gì sự tuần tự của thời gian và cuộc sống: Nơi tuổi thơ ta/  Mẹ giặt tơ ủ sợi héo tay/ Tháng chạp theo bạn ra sông rửa lá/ Tập đội váy tắm tiên thẹn cả ngày/ … Cửa Hà đứng bên, sơn thủy thành đôi/ …Soi sông biết mình xanh thẳm/ Núi dầm chân nhìn mãi phía sông xuôi (  Sông quê thác réo).

Nơi con sông quê hương có bản làng có rừng núi kề cạnh yêu dấu ấy, bao người mẹ cứ đến cữ đến tuần là toan lo việc: Sắm một cỗ tình này/ Hương hoa vụ đầu/ Trái cơm vụ mới/ Ơi vía/ Về đây! ( Gọi về đủ vía). Có thể các vía chỉ về trong tâm linh vô hình vô ảnh, còn lời cầu mong của mẹ là mùa thật, là hữu hình, là mùa đoàn viên: Con về mùa màng đầy đặn ( Mùa của mẹ).

Trước quê hương, trước “ Mùa của mẹ”, người thơ đã ngấm đã thấm cái niềm thương đất đai cốt nhục cắt rốn chôn rau. Về quê nhìn thấy cảnh chuồn chuồn đổ ra khác thường, dẫu chỉ là liên tưởng đến bài học thiếu thời: Tháng bẩy heo may/ Chuồn chuồn bay thì bão ( Tục ngữ) Kim Khánh đã thành tâm lời nguyện: Mùa thu có hôm nắng vàng ươm/ Nhưng chuồn chuồn bay nhiều con sốt ruột/ Mùa vẫn đến mà chắc xanh chưa chín/ Cầu mong đồng không phụ công lao ( Chuồn chuồn còn bay). Chứng kiến cảnh môi trường rừng bị tàn phá, tác giả bồn chồn không ngủ: Tiếng đồi rên nỗi trọc/ Mưa xói lở bờ vai…./  Người không còn chỗ náu/ Người không còn bóng nương/ Người mênh mông giữa tai ương ( Tiếng đêm).

Từ quê hương sinh hạ, tác giả liên tưởng đến quê hương lớn, dải đất hẹp miền Trung, thắt đáy như eo lưng người mẹ gầy, nơi vẫn thường xảy ra: Trận ác lũ muốn rửa trôi sự sống. Và, hồng phúc biết bao khi cuộc đời vẫn còn có:  Mẹ kiên gan bám lấy đất nghèo/ Ôi rốn lũ là quê ta eo mẹ/  Ta neo vào kẽo kẹt đòn tre  (Eo mẹ).

Dù vậy, tác giả vẫn kiên trì cảnh báo: Sông cần sạch trong gột rửa lòng mình/…Không phải hoa và rau chết/ Đâu chỉ mình sông chết/ Ta mỗi ngày bị chết chóc lấn sân thêm (Tiếng kêu).

Không còn sự sống khỏe mạnh, hanh hoạt thì cũng sẽ không còn: Thung xưa làng lại vào mùa/ Cơm mới cúng thần núi/ Cá nướng thờ ma rừng/ Lạy thần núi/ Vái hồn rừng/ Về lại  ( Gọi vía rừng)

Là một  Niềm thương da diết nên Kim Khánh đã chia sẻ thật cảm thông với những F1, F2 về ẩn tránh ở quê cha đất tổ thời Covid đang ở đỉnh dịch: Anh gõ cửa nhà mình/ Sau đằng đẵng bẵng biệt/ Nói câu dễ mềm lòng: Thật may mắn cho anh! (Mùa biến động)

Trong Niềm thương, tác giả còn chia sẻ với nhiều cảnh huống, phận người khác. Ước mơ không nguôi ngoai của chị là thiên nhiên phải được hài hòa như  một quy luật tự nhiên, kể cả quy luật tồn tại của ghềnh thác. Đó là: Khi gặp nước/ Đá bỗng mượt mà đá/ Cười reo bên nước/ Dốc ngược/…Đá và nước/ Âm vang/ Thành thác/ Sinh sôi muôn ngàn thanh sắc ( Thác).

4. Nhà thơ Kim Khánh là người thơ khá tinh tế trong lựa chọn từ ngữ thơ. Chị cũng rất kiệm từ, kiệm đến từng phụ âm như nhận xét của nhà thơ trưởng tràng Tao đàn Thi Thanh, Văn Đắc. Trong thơ chị, tôi cố vạch từng kẽ lá con chữ mà khó tìm ra được một quán ngữ sáo mòn. Và, xin được kết thúc bài viết với các dòng thơ: Không có núi bên sông đâu còn sơn thủy/ Không có sông qua sao thể hữu tình/ Thôi là thế, núi à không khác được/ Núi núi sông sông hai chúng mình ( Núi núi sông sông). Bởi sự kết thúc này, với tôi đã có cái long lanh dào dạt của đôi mắt, của trái tim người đang yêu và có cả cái niềm thương vô hạn độ, cái thủ thỉ miên trường với Thiên nhiên tạo hóa, Đức Quang Minh Chính Đại bao giờ cũng ấm ấp bao dung, bao giờ cũng mùa vụ, cũng phù độ muôn loài./.

#LNM                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

 

Bạn đang đọc bài viết " Một giọng thơ yêu đương và yêu thương" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn