Mùa chim dòng dọc làm tổ

Trong ký ức tuổi thơ miền quê, mùa me nước (me keo) chín cũng là mùa chim dòng dọc làm tổ. Những trái me nước khi còn non thì màu xanh, đặc biệt khi chín thì màu trắng sữa, vỏ nứt ra có thể nhìn thấy những “mắt” me màu trắng ngon bên trong không chỉ có loài chim trao trảo thích ăn mà trẻ con cũng rất thích vì nó có mùi vị rất lạ, một loại trái cây hoang dại, rất đồng quê và ghi đậm vào hoài niệm một thời thơ ấu của bất kỳ ai luôn thổn thức với nỗi nhớ quê nhà...!
chuy-que5z-1632021225.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Thủa ấy, nhớ không chính xác bằng ngày tháng, chỉ khi một sáng thức đậy thấy hàng bắp của mẹ trái no tròn, ngậm những tua râu hung hung đỏ nhưng chưa tới lúc hạt dày, đang đợi ngày hái trái và thảm lúa trên cánh đồng trước mặt đang trĩu bông, ngã màu vàng ươm như nắng mai thì cũng là lúc trên hàng me trĩu trái chín chi chít lũ chim dòng dọc đang về xây tổ, đẻ trứng.

Những đôi vợ chồng chim dòng dọc tha “nguyên vật liệu” xây dựng từ trong thiên nhiên về chăm chỉ xây tổ hình chiếc vớ to trên những nhánh cây. Có lẽ trong họ hàng nhà chim không loài nào siêng năng, cần mẫn, chăm chỉ và kỳ công xây chiếc tổ đẹp lạ lùng như chim dòng dọc.

Mỗi ngày từ sáng sớm đôi vợ chồng dòng dọc khoác bộ cánh nâu, sọc đen trống mái phân biệt rất rõ bởi chim trống có cái đầu màu vàng nghệ (nên còn gọi là dòng dọc nghệ) bay đi bay về, miệng ngậm một sợi chỉ rất mảnh, đó là chỉ mà đôi vợ chồng chim dùng chiếc mỏ nhỏ xíu tướt trên những cọng lá tranh, lá sả, cỏ, yếm bọc buồng dừa… để về đan tổ. Bởi thế nên tổ chim dòng dọc ngoài sự kỳ công còn có mùi thơm đặc trưng của mùi lá sả, lá tranh mãi đến khi chúng ấp trứng nở con.

Thế mà trong thời gian ngắn những đôi chim dòng dọc chăm chỉ ấy đã hoàn thành những chiếc tổ màu xanh lá cỏ hình chiếc vớ dành cho chim mái ấy và treo lủng lẳng khắp hàng me bên cạnh những chiếc tổ dành cho chim trống đứng bảo vệ thời kỳ chim mái ấp trứng được đan kết đơn giản hơn giống như nửa quả bóng cao su của trẻ con chơi úp lại có một sợi dây kéo ngang cho chim trống ngủ.

Và rồi cũng trong chớp mắt khi lúa chín vàng đồng cũng là lúc tiếng chim non kêu lít nhít đòi chim bố mẹ mớm mồi trên những chiếc tổ đã ngã màu vàng rơm. Thường một tổ chim dòng dọc nở 3-4 con chim non.

Và cũng kỳ lạ thay, hết mùa chim non này tới mùa chim non khác, những bầy chim dòng dọc đông đảo dần cho đến một hôm cánh đồng quê làng xong vụ gặt thì chúng đã rời tổ bay khỏi những hàng me để lại những chiếc tổ hình “dạ dày”, hình “vớ” lắt lẻo, đong đưa, hoàn toàn trống vắng, lặng im trên những nhành me trong gió lộng.

Không ai biết bầy chim dòng dọc bay về phương nào cho tới mùa lúa năm sau chúng lại rủ nhau về tíu tít, bận rộn đan những chiếc tổ mới bên cạnh những chiếc tổ cũ cái còn, cái mất vì bọn trẻ con. Loài chim dòng dọc không bao giờ sống trong tổ cũ mà phải xây chiếc tổ mới và cũng chỉ trong chớp mắt trên những hàng me lại lủng lẳng những tổ chim hình chiếc vớ và lại ríu rít tiếng chim non...!

Theo Chuyện quê