Chuyến đi Lâm Hà nhân dịp huyện nhà đang có các hoạt động tiến tới kỷ niệm 35 năm thành lập huyện của đoàn VNS Hội VHNT các DTTSVN diễn ra thật vui vẻ và bổ ích.
Một ngày đẹp trời, đoàn các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh…của Hội VHNT các DTTSVN đang dự trại sáng tác tại Đà Lạt được đi thực tế tại huyện Lâm Hà - Lâm Đồng. Đoàn do nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTSVN, HS Trần Thái - Trưởng Ban Hội Viên và nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Trại trưởng cùng đi. Xe qua đèo Tà Nung - nơi nối liền Thị trấn Nam Ban - Lâm Hà với Đà Lạt. Đây là huyện nằm cách không xa thành phố Đà Lạt, chỉ khoảng 50 km với thời gian xe chạy chừng hơn một giờ đồng hồ. Xe đi qua khu vực thác Pren khá đẹp ngay trên đường ra sân bay Liên Khương, Đà Lạt. Đã thấy những dải đồi đất đỏ và những trang trại cây trái tươi tốt, sum suê.
Nơi đây, có khá nhiều cảnh quan thiên đẹp nổi tiếng như Chùa Linh Ứng, Thác Voi, các khu du lịch sinh thái với những trang trại rau xanh, cà phê và những vườn ớt chuông, cà chua…khá tươi tốt. Được biết, đây là một huyện có tiềm năng phát triển kinh tế và đang phát triển du lịch cộng đồng. Một vùng đất có nhiều người dân từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã xung phong đi vào đây lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm tám mươi. Lâm Hà là tên gọi tắt của Lâm Đồng và Hà Nội, một vùng đất ba zan màu mỡ, giàu tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch. Nhìn ngắm không gian xanh mướt của những đồi cà phê, dâu tằm và những vườn cây trái, đủ biết Lâm Hà đang thay da đổi thịt từng ngày.
Được biết, đây là một huyện đang được quan tâm và rất phát triển với điều kiện tự nhiên tốt, nơi có đất đai và thiên nhiên trù phú. Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển. Những địa danh tên làng, tên đất đều lấy tên địa danh của vùng Sơn Tây, Hà Tây, Ba vì, Sóc Sơn, Mê Linh… Hà Nội để đặt tên nên nghe khá thân quen vì là người dân những vùng quê miền Bắc đã vào đây xây dựng kinh tế mới từ những năm tám mươi.
Xe chở đoàn đi qua nhiều khu vườn trang trại đẹp. Những ngọn đồi thoai thoải. Nhìn vườn cà phê nào lá cũng xanh mướt. Cà phê đang mùa sai quả nhưng còn xanh, vẫn chưa đến tháng thu hoạch. Những triền đồi trồng nhiều dâu nuôi tằm. Lâm Hà là miền đất đỏ bazan. Đất tơi xốp, rất phù hợp với việc trồng các loại cây như chè, cà phê, dâu tằm. Nhìn những khu vườn trồng cà phê, dâu tằm tươi tốt, ai cũng thấy vui lây. Đi thăm một trang trại bò sữa và nhìn ngắm đàn bò béo mượt thật vui mắt.
Qua giới thiệu của những cán bộ tại địa phương, được biết, khí hậu Lâm Hà có hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700ml/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80%. Thế nên, khi bạn đến Lâm Hà, bạn sẽ thấy một ngày ở đây mang theo khí hậu của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21- 22 độ c, vào tháng 12 và tháng 1 sẽ có nhiệt độ trung bình thấp nhất, chỉ khoảng 18-19 độ c. Vào tháng 4, tháng 5, nhiệt độ trung bình cao nhất cũng chỉ khoảng 24– 25 độ c. Đúng là một vùng đất đẹp được thiên nhiên ưu đãi nên mát mẻ quanh năm.
Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây khá thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi, và phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái mới miền quê thôn dã. Lâm Hà có nhiều sông, suối bắt nguồn từ các vùng núi cao. Sông Đạ Dâng bắt nguồn từ vùng núi Lang Biang chảy theo hướng Đông – Nam; Suối Cam Ly, Đạ Mê, Đạ SeĐang Chảy theo hướng Bắc – Nam. Các dòng sông, suối trên địa bàn huyện là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tiềm năng để xây dựng các nhà máy thuỷ điện, xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Lâm Hà có những ngọn thác đẹp như tranh vẽ. Đó là thác Voi nổi tiếng ở Nam Ban, thác LiêngTrênha ở Tân Thanh, thác Cam Ly ở Mê Linh… các ngọn thác này tạo ra những vẻ đẹp sơ khai, là tiềm năng phát triển du lịch. Điều đáng mừng là hiện na, thác Voi đã được nhà nước xếp hạng là thắng cảnh cấp quốc gia. Những con đường đi xuống thác là nơi có một quán cà phê lớn, chúng tôi được thưởng thức cà phê Lâm Hà và tận mắt xem quy trình sản xuất rang xay hạt cà phê nguyên chất ngay tại chỗ. Đi xuống phía dưới là con đường đến Thác Voi, dọc hai bên lối đi nở đầy hoa.
Đoàn VNS đã được nhà thơ Trần Ngọc Trác - nguyên Chủ tịch Hội VNNT Lâm Đồng đưa chúng tôi đi thăm quan một số địa danh và cơ sở trồng ớt chuông, cà chua, và dệt truyền thống. Anh là người gắn bó nhiều năm với vùng đất này nên khá am hiểu đời sống của người dân nơi đây. Nghề dệt truyền thống của người K'ho ở Đam Pao, Đạ Đờn, Lâm Hà cho đến nay vẫn được bảo tồn và phát triển. Theo thống kê năm 2009, Lâm Hà có 30 dân tộc sống xen kẽ ở 16 xã, thị trấn. Trong đó có dân tộc K’ho, Mạ là dân tộc gốc Tây Nguyên. Ai cũng hào hứng khi xem những chiếc khăn lụa tơ tằm óng ả và đã hào hứng mua về làm quà.
Trải qua quá trình biến đổi của lịch sử, các dân tộc Mơnông, Churu, Raglây, Xtiêng… cũng di cư đến sinh sống tạo nên một cộng đồng dân tộc bản địa đa dạng, phong phú. Cộng đồng các dân tộc ở Lâm Hà luôn đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Dân tộc K’ho, theo tiếng Chăm cổ K’ho có nghĩa là người ở trên cao, người miền núi, là dân tộc bản địa có dân số đông nhất tại huyện Lâm Hà với dân số trên 17 ngàn người, sống ở các xã, thị trấn (thị trấn Đinh Văn, Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô, Mê Linh, Tân Thanh, Đan Phượng).
Tìm hiểu về nếp sống dân tộc K’ho, rất thú vị khi biết họ vẫn theo chế độ mẫu hệ. Chúng tôi được biết thêm là con cái họ khi sinh ra sẽ được lấy theo họ mẹ. Đặc biệt, con gái khi cưới chồng, sẽ được quyền thừa kế tài sản. Chú rể sau hôn lễ phải về ở bên nhà vợ. Tập tục cổ truyền người K’ho tuyệt đối cấm kỵ việc kết hôn giữa người trong cùng một dòng họ, nhất là cùng một địa phương.
Tham dự một lễ hội Cồng chiêng ở đây, ta thấy họ có các loại khèn, các làn điệu dân ca, các điệu nhảy, các điệu múa khá nhẹ nhàng. Người biểu diễn cho khách du lịch xem chính là các cô gái dân tộc. Họ múa khá mềm mại. Đó là đặc trưng nổi bật trong văn hoá của ngưởi K ‘ho. Tìm hiểu về các tư liệu sản xuất hay sinh hoạt trong đời sống mang tính truyền thống. Ngoài những dụng cụ sản xuất thông thường còn có ché, nồi đồng.
Người K’ho có nhiều nghề thủ công, phổ biến nhất là tự dệt thổ cẩm để mặc và trao đổi, buôn bán. Họ có nghề đan lát đồ mây tre và chế tạo ra các nông cụ sản xuất. Người K’ho đa số theo đạo công giáo. Cho đến nay, các phong tục cổ truyền của người K’ho tiếp tục được bảo tồn. Hiện nay, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của người K’ho đã được nâng lên rõ rệt. Họ đang từng ngày lo phát triển kinh tế, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chuyến đi Lâm Hà nhân dịp huyện nhà đang có các hoạt động tiến tới kỷ niệm 35 năm thành lập huyện của đoàn VNS Hội VHNT các DTTSVN diễn ra thật vui vẻ và bổ ích. Các VNS trong đoàn đã được các anh chị lãnh đạo và bà con tại địa phương Nam Ban, Lâm Hà đón tiếp rất thịnh tình và chu đáo. Những cuộc trò chuyện, quan sát, tìm hiểu và ghi chép đã được nhiều nhà văn thực hiện rất nhiệt tình và hứng khởi. Một vùng đất mới, con người mới và những câu chuyện thú vị với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch mang đầy hứa hẹn của Lâm Hà đang mở ra trước mắt họ. Nhớ mãi Lâm Hà- một vùng đất mới thật ấn tượng đang thay da đổi thịt từng ngày.