Mùi khói đốt đồng

Lâm Hùng

26/09/2021 08:27

Theo dõi trên

Cái nắng tháng chín vừa oi vừa đầy mùi cỏ ngọt của miền Tây tràn về. Thiệt ra, cái mùi khói ám màu rơm rạ ấy đã ăn vào ký ức thành một vệt dư âm rất đậm đặc. Thành ra, dù có xa đồng cách mấy, xa quê cách mấy, vẫn không thể nguôi đi nỗi nhớ.

chuy-que1z-1632619580.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Ngày trước, đến mùa khói tỏa lam, khen khét thì lũ nhỏ lại í ới gọi nhau đi đào trộm khoai lang, bắp trái về vùi trong đống rạ đang hun hút cháy, rồi hả hê, nô đùa. Tụi nhỏ cứ tự vẽ nên cho riêng mình những câu chuyện thần tiên thật đẹp. Xóm làng sau mùa gặt bỗng mơ hồ trong những cụm khói xám, nghi ngút hương đồng, phảng phất mùi rạ khô.

Mùi khói rất thơm ngọt bay trong buổi chiều hanh khô. Lửa cháy kèm theo những tiếng lách tách. Đó là mấy hạt lúa còn mắc kẹt lại trong rơm. Lẫn trong không gian khói sương đó là tiếng trẻ nhỏ đùa nghịch, chạy quanh các bờ ruộng chơi trốn tìm với khói, thoắt ẩn rồi lại thoắt hiện giữa bao la khói. Đứa nấp bên hông trâu, đứa nằm ép xuống bờ ruộng, đứa nhanh chân chạy tìm gò đất. Những con trâu chốc chốc dừng ăn nghển cổ gọi đàn.

Hết trốn tìm lại đi lật tìm trong tro tàn những con cua đồng cháy sém, những hạt thóc sót sau mùa gặt đã nở bung trắng xóa. Rồi nào bắp, nào sắn, nào khoai cứ đem lùi cả vào những đám tro đang còn âm ỉ cháy. Sau chiều, mặt đứa nào đứa nấy đầy lọ lem, vậy mà, cái vị ngọt thơm rất khó mà biến khỏi ký ức của những đứa trẻ quê ấy. Mãi khi lớn lên mới hiểu đó là thứ kỷ niệm ngọt ngào nhất của đời người do quê hương mình tặng thưởng.

Khói đốt đồng gợi ta nhớ về nơi mình sinh ra, lớn dần theo tuổi ấu thơ. Ở đó có hình ảnh của mẹ cần cù, tần tảo với sớm nắng mưa chiều để đến mùa khói đốt đồng cho ta ăn no mặc đẹp, cho ta yêu thêm cánh đồng vào những ngày mùa phụ mẹ đội rơm châm lửa đốt đồng còn ba thì dắt con trâu với cái cộ đưa lúa về sân phơi cho kịp nắng.

Nỗi nhớ nhiều lúc mênh mang, có lúc như dâng trào, rồi lại có những lúc hơi nghèn nghẹn. Bây giờ cũng còn đó biết bao cánh đồng có gốc rạ thân quen hôm nào. Cũng còn đó mùi rơm khô, mùi khói đốt đồng. Nhưng vẫn còn thiếu những cái dáng nho nhỏ nô đùa trên đó.

Cái mùi khói ám màu rơm rạ ấy đã ăn sâu vào ký ức tôi thành một vệt dài nổi nhớ, nên dù có xa đồng cách mấy, xa quê cách mấy tôi vẫn không nguôi đi nỗi nhớ.

Trên chuyến xe chiều từ Sài Gòn về quê, lòng bỗng nghe xốn xang biết bao khi thấy những vệt khói dài mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng còn trơ gốc rạ đen sì.

Vậy là mùa đốt đồng đã đi qua mảnh ruộng ấy.

Ai đã từng có một thời “trẻ trâu” hay ho trên những cánh đồng vàng ngút mắt của nắng và màu lúa chín thì chắc hẳn sẽ hạnh phúc biết bao khi thấy nụ cười phơi phơi của người lớn, tay nặng trĩu với từng bó lúa chuyền vào máy đập. Điều mà bọn trẻ con chờ đợi nhất là từng ụ rơm vàng ươm. Đó sẽ là những lúc bạn được chạy nhảy, lăn lộn trên những ụ rơm ấy, mặc tình người lớn cằn nhằn.

Đốt đồng trở thành một văn hóa trong nông nghiệp của người dân Nam Bộ.

Thiệt ra, tập quán đốt đồng đã có từ rất lâu đời. Theo các cụ già thì ngày trước, người dân quê mình muốn gieo trồng vụ sau thì phải tốn công sức và thời gian cho việc thu dọn rơm để lên bờ. Thấy bất tiện, bà con nảy ra sáng kiến đốt rơm. Khói đốt đồng vì thế có dịp trở thành ca từ của một bài hát “coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”.

Khói đốt đồng gợi ta nhớ về một thời còn trẻ con chạy theo chân mẹ ra đồng.

Rơm được đốt, lửa cháy, những làn khói nghi ngút cuộn trắng bay lên không trung. Rơm cứ thế cháy dần, cháy dần, làm thành hình ảnh rất đặc trưng của đồng quê Nam Bộ – khói đốt đồng.

Có người nói, khói đốt đồng âm ỉ cháy không chịu tắt dù trời có mưa như thể tính cần mẫn và nhẫn nại trong công việc đồng áng của cư dân vùng đất có cây ngọt, trái lành trĩu quả quanh năm. Khi khói đốt đồng tàn, tro đọng lại để rửa phèn cho đất. Và rồi một vụ mùa mới được sinh ra cho cây lúa tốt tươi.

Nắng trong, gió vi vu thổi, khói đốt đồng ngun ngút trắng đục một vạt đồng toàn những chân rạ vàng ong mới cắt bởi tay người. Khói đốt đồng vào mắt thì cay mà mùi khói thì thơm lừng mùi đất mẹ pha lẫn trong hương lúa nổ lép bép khi đốt rơm. Những hạt lúa theo rơm bay ra gặp lửa đốt cháy thành những hạt cốm trắng tinh. Trẻ con đợi lửa tắt, sẽ lấy cây khều ra những hột gạo thơm nở bung trắng xóa nổi bật giữa đám tro đen ngòm, cứ vậy mà đưa luôn lên miệng nhấm nháp rất hể hả. Thuở ấy, đã bao lần tôi mê món ăn tại ruộng này. Mãi khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là thứ kỷ niệm ngọt ngào nhất của đời người do quê hương mình tặng tưởng.

Cực nhọc đấy, vất vả đấy nhưng vui. Cái vui của người nông dân khi thấy khói đốt đồng là cái vui của người làm ra hạt gạo. Điều đặc biệt là sau khi đốt đồng, một ít rơm còn lại thành đống sau một thời gian sẽ mọc ra nấm rơm đồng tự nhiên ăn ngọt đến vô cùng.

Khói đốt đồng làm mùa mưa trôi đi trong nỗi nhớ nghẹn ngào về làng quê có con trâu gặm cỏ. Khói đốt đồng ngấm sâu vào ráng chiều cũng là lúc cánh cò trắng bạt gió bay về.

Mọi người cũng đã lớn, cái kỷ niệm trên cánh đồng ngày nào giờ chỉ còn là một miền ký ức xa xôi. Vẫn nhớ, như những cánh đồng cứ đều đặn thu hoạch sau những tháng ngày cày ải, chăm bón…Không biết bao nhiêu người con từ làng quê ra đi còn mang theo trong kí ức ..mùi khói đốt đồng...

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Mùi khói đốt đồng" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn