Đặc trưng tiêu biểu của chính thể quân chủ là quyền lực tối cao thuộc về một người - nhà vua. Vua được xem là con trời - thiên tử, “thế thiên hành đạo". Triều Nguyễn cũng là một hình mẫu quân chủ chuyên chế như thế, cũng có các biểu tượng vương quyền như các triều đại phong kiến đi trước.
Ngai vàng hay còn gọi là “ngai rồng” của các vua nhà Nguyễn được làm bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, chạm khắc rất tinh xảo. Ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai vàng có bửu tán gồm ba lớp, thếp vàng lộng lẫy. Dưới ngai là bệ 3 tầng cũng làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Ngai vàng, bửu tán và bệ rồng được chạm khắc hình tượng rồng, biểu trưng cho quyền lực của hoàng đế. Trong suốt lịch sử tồn tại của nhà Nguyễn, vị trí ngai vàng trong điện Thái Hòa theo phong thuỷ, tuyệt đối không bao giờ dịch chuyển.
Quốc ấn cũng là biểu tượng của quyền lực hoàng gia thời phong kiến. Ngày nay, nhiều ấn vàng của nhà Nguyễn vẫn còn được lưu giữ, tiêu biểu hạng nhất trong số đó là quốc ấn "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo". Ấn này do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm 1709. Truyền đến thời vua Gia Long, vẫn được chọn làm báu vật truyền ngôi của triệu đại nhà Nguyễn.
Bảo kiếm của nhà vua theo quan niệm thời phong kiến là biểu trưng của vương quyền, là trọng khí quốc gia. Ngày nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ An dân bảo kiếm, thanh kiếm của vua Khải Định. An dân bảo kiếm có chiều dài khoảng 90 cm, trọng lượng 580 gram, được chế tác rất tinh xảo từ các chất liệt sắt, vàng, ngọc, đồi mồi. Rồng là hình tượng trang trí nổi bật, được đặt ở đốc kiếm và các phần bọc vàng ở vỏ kiếm. Hình tượng đầu hổ nằm ở chuôi kiếm, hai mắt hổ là hai viên bảo ngọc.
Áo vua gọi là “Long bào” theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ là áo nhà vua mặc trong lễ đại triều và các dịp Tết Nguyên đán. Áo thêu hình 1 con rồng bay lên (rồng thăng), hai con rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật), điểm xuyết các tầng mây, sóng nước (thủy ba). Trong lễ thiết thường triều hàng ngày, vua Nguyễn mặc hoàng bào, thêu rồng cuộn tròn (viên long) xen kẽ bát bửu, hoa lá, thủy ba, chữ thọ. Với quan niệm hoàng đế là bậc anh minh, thay trời trị dân, do đó trang trí hình rồng trên trang phục vua có chân 5 móng được thể hiện dưới các kiểu thức phi long (rồng bay) hay hồi long hướng nhật (rồng quay đầu về phía mặt trời). Mặt trước và sau long bào cũng có biểu tượng rồng 5 móng ẩn hiện giữa những tầng mây.
Mũ vua gọi là “Long cổn” được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam, mũ thượng triều của vua nhà Nguyễn là chiếc mũ được vua nhà Nguyễn sử dụng khi thiết triều, hay trong những dịp đặc biệt của quốc gia. Mũ có trọng lượng 600 gr, nền là vải sa màu đen, được trang trí rất cầu kỳ bằng vàng và cẩn nhiều loại ngọc quý, san hô. Ấn tượng đặc biệt từ chiếc mũ là 35 con rồng năm móng bằng vàng ròng được gắn ở nhiều vị trí khác nhau. Ngoài rồng, còn có các chi tiết khác như mặt trời, mây, sóng nước, hổ phù...Các đường viền mũ làm bằng vàng, đính ngọc màu trắng. Phía sau mũ có hai cánh chỉ lên trời, nên mũ thượng triều còn gọi là mũ xung thiên.