Nắng xế chiều hôm

Bãi chăn thả ấy là ruộng mạ, xưa, cứ hễ gieo mạ xong bãi ấy thường để hoang, mà thực ra nó chẳng phí, cứ hễ mạ xuống đồng hết, các ruộng mạ cỏ lại xanh um, thành bãi chăn thả của cả làng.
chieu-hom-1656320602.jpg
Tác phẩm: Nắng xế, sơn dầu của Lê Anh Thanh

 

Trẻ mục đồng cứ dong trâu ra đấy rồi lại thoả thê với vui thú tắm sông, rình chim rình bướm…Đấy gọi bãi Min. Vùng quê tôi cũng như các xã lân cận có các bãi ven sông đều gọi thế, là cánh đồng mạ, chả biết cái danh từ ấy có từ bao giờ…mà các bãi ấy đều gần nguồn nước và hay có những hàng kè đứng hiên ngang bất khuất qua bao trận giông bão.

Miền Trung du có cây cọ, miền Tây Nam Bộ có cây Thốt Nốt, thì quê tôi có cây Kè,mà gọi là các cụ Kè thì mới đúng, bởi khi còn là một thằng oắt con, đã thấy hàng Kè đứng đấy với đầy giai thoại của các cụ già trong xóm, giờ đã lớn quá lớn vẫn thây các cụ Kè oằn lưng theo hướng gió để chống chọi với phong ba bão táp vươn ngọn lên cao.

Ứng dụng của cây Kè trong cuộc sống người dân quê tôi hết sức ý nghĩa. Hình như nó sinh ra là để đáp ứng. Xưa, ở quê tôi thường là nhà mái lá, mà người ta hay gọi mái Kè,lá được chặt xuống tấp một đống ủ cho hoai rồi mới mang lên lợp, lá Kè lợp nhà thì bền lắm, phải được trên dưới 20 năm kia đấy chứ chẳng chơi. Nhất là lợp nhà bếp, do được hong bởi khói bếp nên cứ gọi là “trơ gan cùng tế nguyệt”.

Chỉ cần hai tàu lá buộc ép vào nhau bó dẹt  lại là ra cây chổi quét sân rất tiện và siêu bền. Ngoài ra các tàu lá non qua tay người thợ thủ công còn được dùng để làm nón làm mũ che mưa che nắng vừa nhẹ vừa mát.  Cái tay Kè (cuống lá) chẻ mỏng ra phơi se lại ngâm xuống nước là thành sợi lạt trói buộc đủ thứ chứ lấy đâu ra sợi kẽm như bây giờ.

Thân cây thì được làm cột nhà, dựng chuồng trâu chuồng bò hoặc xẻ ra làm ván , vách nhà…thay thế cho ván gỗ đắt tiền.  Trẻ con khoái nhất là tước và ăn bắp kè ( hay còn gọi là ăn cặc kè ) . Bắp kè mấy bác trèo lên chặt sát bồng , ném xuống trẻ con xúm lại đứa một cái . Tước ra ăn cái cồi non, còn cái bẹ thì xếp ngay ngắn lại cho bác trèo kè để lấy bẹ bắp kè về tước ra phơi khô , kết lại xe thành dây thừng , dây chảo kéo cày kéo bừa.

Nhưng ngày nay nhà xây nhà ngói đua nhau mọc lên, không ai lợp bằng lá kè nữa nên còn cây nào thì lá xum xuê, già vàng khô đỏ thì rụng xuống.  Người ta cũng chặt cây đi để xẻ ván bán cho các chủ thầu xây dựng làm ván cốt pha. Các bãi Kè dần thành nền thành lô. Thành khu công nghiệp có những ống khói nghi ngút trời mây.

Rồi một ngày nào đó đứa trẻ hỏi ” ông ơi cây Kè là cây gì ạ”?

Chuyện làng quê