Tranh Đông Hồ xứ Kinh Bắc là tài sản quý báu của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại… Vượt ra khỏi làng quê, tranh Đông Hồ đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thời trang, gốm sứ, mang lại sức sống mới cho dòng tranh đã trải qua thăng trầm của thời cuộc.
Hơi thở của làng Việt
Làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh truyền thống từ bao đời nay. Nhắc đến tranh dân gian Đông Hồ là nhắc đến dòng tranh độc đáo bậc nhất ở nước ta, với sự kết hợp hết sức tinh tế, vừa giản dị mà trang trọng.
Để tạo ra được một sản phẩm tranh Đông Hồ hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức đề tài, bố cục, màu sắc và thơ, chú thích đòi hỏi sự tài hoa của nghệ nhân trong từng nét vẽ, nét khắc và súc tích, ý nhị trong việc đặt câu đối nhưng vẫn nêu lên được đầy đủ ý nghĩa.
Tranh sẽ được vẽ lên trên tờ giấy dó, loại giấy được đặc biệt sản xuất từ thân cây dó. Sau đó sẽ xử lý và quết lên bề mặt một lớp mỏng vỏ con điệp, tán nhỏ trộn với hồ. Loại giấy này được gọi với cái tên giấy điệp.
Tranh thường có 4 gam màu chính. Màu đen làm từ than quả xoan hoặc than lá tre. Màu xanh lục tạo tác từ gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao Lạng. Màu vàng chiết suất từ hoa hòe, quả giành giành. Màu đỏ từ sỏi son hoặc gỗ vang.
Với gam màu mộc mạc và cách thể hiện gần gũi, mỗi bức tranh Đông Hồ đều hàm ẩn những tầng nghĩa mang thông điệp nhân văn khác nhau, gắn liền với đời sống và những ước vọng hàng ngày của người dân.
Tranh Đông Hồ trong đời sống đương đại
Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, song nguyên tắc về kỹ thuật khắc ván, in tranh Đông Hồ hầu như vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Sự thay đổi dường như chỉ ở đề tài hoặc chất liệu tạo nên sản phẩm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, ngoài những bức tranh truyền thống, gia đình đã tận dụng đồ vật xung quanh như sổ tay, hộp quà, thời trang, gốm sứ, túi, cốc…vẽ nên một bức tranh Đông Hồ mang nét hiện đại riêng để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.
Sổ tay tranh Đông Hồ
“Trong không gian sống hiện đại bây giờ người ta sẽ nghĩ rằng tranh dân gian không hợp nên những người làm nghề như chúng tôi phải là làm sao cho hình thức phải phù hợp với không gian sống hiện đại, để dần dẫn hình ảnh tranh dân gian sẽ đi vào cuộc sống hơn”, ông Chế nói.
Tranh Đông Hồ Đám cưới chuột ứng dụng trên gốm
Để văn hóa dân gian “sống” và phát triển, ông Chế còn thành lập một Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian Tranh Đông Hồ ngay tại nhà của mình. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 100 bản khắc gỗ cổ và gần 1.000 bản khắc mới được ông và gia đình thu thập, lưu giữ từ năm 1991 đến nay.
Tại trung tâm này, khách tham quan được tận mắt tìm hiểu các công đoạn sản xuất tranh cũng như chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh Đông Hồ trên chất liệu giấy dó Đống Cao hay đồng Đại Bái, hoặc tranh ở dạng âm bản. Du khách có thể trải nghiệm quy trình hoàn thiện một bức tranh với kỹ thuật đã được lưu truyền hàng trăm năm nay.
“Nếu chỉ nhiệt huyết và đam mê với nghề thôi cũng chưa đủ, phải đánh thức dòng tranh này phát triển. Để làm được điều đó thế hệ trước không chỉ truyền nghề, mà phải truyền đam mê, để những thế hệ đi sau vững tâm gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc" - ông Chế chia sẻ.
Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian Tranh Đông Hồ thu hút nhiều khách đến tham quan.