Ngắm bức ảnh "Mùa bình thường" lại nhớ Mùa xuân đầu tiên

Mùa xuân đầu tiên là ca khúc của Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào giáp Tết Bính Thìn (1976). Đây là ca khúc đầu tiên của ông sáng tác và được phổ biến, sau 20 năm kể từ lần cuối cùng Văn Cao tuyên bố gác bút, từ bỏ sự nghiệp sáng tác và kể từ khi ông bị cô lập sau khi tham gia vào nhóm Nhân văn Giai phẩm và được xem là tác phẩm cuối cùng của ông.
buc-anh-1669275840.jpg
Ảnh tác giả lựa chọn

 

Văn Cao đã tìm cho mình một góc thăng hoa riêng về sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 để viết ra Mùa xuân đầu tiên với mong muốn khép lại một thời chiến tranh mà ông đã mô tả trong Tiến quân ca. Ông nói với con: "Cha viết bài này mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ"

"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng cho bao tâm hồn..."

Bài hát đã được nhạc sĩ Văn Cao lên ý tưởng từ sau khi hiệp định Paris được ký kết, nhưng phải đến mùa xuân đầu tiên sau khi đất nước thống nhất năm 1976 ông mới viết và hoàn thành.

Theo đơn đặt hàng của báo Sài Gòn Giải Phóng, Văn Cao nhận lời và viết Mùa xuân đầu tiên vào dịp giáp Tết Bính Thìn, và ca khúc được đăng lần đầu tiên trên số báo Xuân Sài Gòn Giải Phóng 1976. Nhưng ca khúc bị phê bình là "nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp", "ủy mị, yếu đuối" và bị xem là "lạc điệu" so với những bài hát nhạc Đỏ "hào hùng, sảng khoái, ca từ hân hoan, hừng hực khí thế chiến thắng" lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, các chương trình phát thanh tiếng Việt tại Moskva vẫn cho trình bày bài hát, và nhờ vậy Mùa xuân đầu tiên đã không bị lãng quên. Ông Văn Thao, người con trai của Văn Cao, tiết lộ tiếp rằng: "Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua đại sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: "Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu. Còn tại Việt Nam, ca khúc vẫn chưa được phép phổ biến.

"Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người..."

Số phận long đong của Mùa xuân đầu tiên phải kéo dài tới 20 năm, thật sự là phải đến sau ngày Văn Cao mất (ngày 10 tháng 7 năm 1995), bài hát mới được phổ biến rộng khắp nơi. Vào dịp giỗ 49 ngày của ông, trong hội diễn toàn quốc diễn ra ở Đà Nẵng, một đêm nhạc Văn Cao diễn ra với sự trình diễn của tốp diễn viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội, mà trong đêm ấy, Mùa xuân đầu tiên đã được một tốp ca nữ trình diễn. Cùng năm ấy, đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện phim ca nhạc "Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật", trong đó bài hát Mùa xuân đầu tiên được ca sĩ Thanh Thúy, lúc đó mới 17 tuổi, trình bày. Từ đó, Mùa xuân đầu tiên càng ngày càng lan tỏa ra đời sống.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông

Mùa xuân đầu tiên đến với Nhạc sĩ Văn Cao, đến với kiếp người mòn mỏi chờ mong sau mấy chục năm đau thương, ly biệt. Với ông, đó là Mùa bình thường. Nhưng để đến được cái bình thường, hiển nhiên ấy như bức ảnh chụp người đẹp Sơn Tây thật không dễ chút nào...

Chuyện Quê