Tác giả Ly Ly đã tổng hợp trên new.zing.vn 5 bài hát nói về thời hậu chiến như sau:
“1. Cỏ non thành cổ
...Nhạc sĩ hồi tưởng lại quá trình sáng tác bài hát: “Tôi đến Thành cổ Quảng Trị vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới mặt đất, những thảm cỏ non xanh rờn trải rộng. Khi đến nhà lao Quảng Trị... vẫn cỏ non xanh như thế. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đi cùng tôi cất tiếng: "Anh Huyền ơi, dưới thảm cỏ này là máu xương của chiến sĩ ta đã đổ xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ. Anh nên viết một bài hát về quá khứ chiến tranh hào hùng và khốc liệt". Trong tôi chợt bật lên giai điệu đầu tiên của bài hát: Cỏ non Thành cổ, một mầu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về..."
Sau khi trở về nhà, Tân Huyền bâng khuâng với suy nghĩ: Một là có những cái chết tạo dựng nên sự sống cũng như xương máu các chiến sĩ đã ngã xuống cho lớp cỏ non mọc xanh tươi như mùa xuân ngày hôm nay; hai là nhiều lúc chúng ta vô tình quên đi quá khứ hào hùng của các thế hệ trước, quá khứ hào hùng ấy lại được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người.
Vì vậy, đến lời của đoạn hai bài hát này Tân Huyền viết: “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh...” Một tuần sau, ca khúc hoàn thành, ông đã hát cho mọi người nghe. Tất cả đều rưng rưng nước mắt. Tân Huyền coi đây là những giây phút hạnh phúc nhất, hiếm có của đời mình... Cỏ non Thành cổ được Nhã Phương, Lệ Thu, Thái Bảo, Kim Tiến, Minh Huyền... thể hiện và nhanh chóng lan tỏa rộng rãi.
Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, được đặt hàng cho bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, nhạc sĩ lại thừa nhận bài hát được ông viết nên để trả nợ chính mình.
Phạm Minh Tuấn có 15 năm đeo ba lô, ôm súng ngang dọc khắp chiến trường miền Nam. Ông tận mắt chứng kiến những gian khổ, tự tay đào huyệt chôn những đồng đội hy sinh, và đau đớn hơn cả là phải chứng kiến đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi của mình qua đời. “Trong một lần hành quân, cả đoàn lọt vào ổ phục kích của giặc, lúc ấy vì sự an toàn của mấy chục anh em chiến sĩ nên khi con tôi khóc, vợ tôi đã phải ôm cháu vào lòng thật chặt cho giặc không phát hiện ra tiếng khóc. Khi trận càn qua đi, cả đoàn đã an toàn thì con tôi đã ngừng thở”, nhạc sĩ kể lại.
Có lẽ bởi vậy mà Bài ca không quên thấm đẫm những giá trị tình cảm thiêng liêng nhất. Đó là tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa… Cẩm Vân là người hát đầu tiên và để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở ca khúc này. Nữ danh ca kể lại rằng rất nhiều người đã khóc khi nghe cô hát và bản thân cô cũng rất nhiều lần không cầm được nước mắt. Bài hát đã đưa Cẩm Vân đến một nấc thang mới trong sự nghiệp và cũng là niềm tự hào của gia đình cô.
...Về hoàn cảnh sác tác ca khúc này, nhạc sĩ Trần Tiến cho hay: Vào năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), ông bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên là “Vết chân tròn trên cát.”
...Kể từ khi ra đời, bài hát Vết chân tròn trên cát từng được khá nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên, khán giả ấn tượng hơn cả với hình ảnh đích thân nhạc sĩ Trần Tiến ôm đàn guitar hát ca khúc này.
Nhạc sĩ Trần Tiến đã vẽ nên một mối tình thât đẹp, thơ mộng và lãng mạn giữa một "em gái trên thảo nguyên xanh" và "anh chàng thương binh trở về làng quê cũ với cây đàn t'rông xưa". Ca khúc mang âm hưởng nhẹ nhàng, tươi vui và phóng khoáng.
5. Màu hoa đỏ
Ca khúc nổi tiếng này được viết dựa trên bài thơ cùng tên của Nguyễn Đức Mậu...
...Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ khá nhiều bài thơ thành những ca khúc hay, đặc biệt là những bài thơ viết về chiến tranh và người lính. Với Màu hoa đỏ, không phải là khổ thơ vần, song ông đã phổ nên một giai điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe. Bài hát đã được Bộ Quốc phòng trao tặng giải thưởng. Ca sĩ Thanh Lam thể hiện thành công nhất ca khúc này.”
Còn một bài mà tôi được nghe ca sĩ Ngọc Anh hát trong chương trình “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ“ năm 1985, nói lên nỗi đau xé lòng về những thân phận bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải trên đất miền Nam thời chiến tranh. Đó là bài Vì sao em chết? của nhạc sĩ Thanh Trúc:
“Đường phố đã vào hè
bạn bè đã vào hè
mà sao em còn trong mê mải
Đường phố đã vào hè
con ve đã kêu hè
mà sao em còn trong đớn đau
Ôi đứa em tôi đứa em cút côi
từ nay không còn nhìn đâu thấy nữa
Ôi đứa em tôi đứa em cút côi
từ nay không còn ca hát nữa
Chúng nó giết em rồi
chúng giết bằng chất độc mầu da cam
chúng giết bằng chất độc mầu da cam
Chất độc mầu da cam năm xưa
đã giết chết mẹ tôi trong một trận càn
để lại cho tôi đứa em cút côi
tôi nuôi từng giọt đời từng giọt nắng
Giành lại cho em từ bóng đêm
từng giọt hồng cuộc sống
Nhưng giờ đây dư âm của chiến tranh
là chất độc mầu da cam
đã tàn phá em tôi đã vào cơ thể của em tôi
Mẹ ơi! không thể nào, không thể nào còn gặp lại em yêu
Không thể nào còn gặp lại em yêu”
Bài hát nói lên nỗi đau của một người chị mất em vì di chứng da cam, qua đó nói tới nỗi đau dai dẳng của nhân dân ta bởi những di chứng thảm khốc của chất độc da cam ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt, tới nay vẫn chưa chấm dứt.
Điểm qua như vậy, để thấy âm nhạc sau chiến tranh 1975 đã soi rọi vào những góc khuất của chiến thắng, bên cạnh hùng ca còn có bi ca. Nhưng, dù sao, âm nhạc không phải là văn học, càng không phải là báo chí, cho nên, âm nhạc, nhất là ca khúc, chủ yếu hướng vào những mặt tích cực, tốt đẹp, phát triển của đời sống để thăng hoa, tạo nên sự thanh thoát giúp con người thêm động lực xây dựng cuộc sống. Bởi vậy, âm hưởng chính của âm nhạc giai đoạn này vẫn là ngợi ca, hoan ca, tình ca. Âm nhạc phong phú hơn, với nhiều thể loại, nhiều chủ đề, nhiều phong cách. Ở đây, tôi xin điểm lại những ca khúc mà tôi được trực tiếp tiếp cận trong quá trình công tác của mình.
Khi tôi công tác ở Bộ Văn hóa, nhạc sĩ Trần Hoàn là Bộ trưởng. Bên cạnh thời gian làm nhiệm vụ của một nhà quản lý, ông vẫn dành thời gian để sáng tác ca khúc. Chúng tôi được nghe khá nhiều ca khúc mà ông sáng tác do chính ông ôm đàn ghi ta và hát, khi chưa công bố. Một trong những bài hát đó là “Lời Bác dặn trước lúc ra đi...” Sau này, nghệ sĩ Thái Bảo được nhạc sĩ Trần Hoàn mời đến trụ sở Bộ tập, rồi chị biểu diễn rất thành công bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa:
“Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi,
Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế.
Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ,
Bác đành nằm yên.
Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví,
Nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ,
Mà xung quanh vẫn lặng như tờ.
Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi.
Bác muốn nghe một câu hò Huế,
Bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền.
Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ,
Bởi làng Sen day dứt trong tim.
Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca.
Trước lúc đi xa, qua bên kia bầu trời
Người muốn đem tận vô cùng.
Bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.
Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi,
Bác muốn nghe một câu hò Huế,
Bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền.
Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ,
Bởi làng Sen day dứt trong tim.
Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh
Bác muốn nghe một đôi làn quan họ.
Ôi may sao, bỗng có em gái nhỏ,
Bước vào gần Bác.
Rồi căn phòng xao động trong nước mắt,
Những lời ca nức nở tái tê.
Rằng " người ơi người ở đừng về ".
Bác nhìn em rơm rớm hàng mi.
Bác muốn nghe một câu hò Huế,
Hoặc muốn nghe câu hát dặm quê mình
Bác muốn nghe một đôi làn quan họ,
Bởi bài ca đất nước sao quên.
Lúc đi xa lời di chúc đơn sơ
Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò,
Rằng muốn yêu Tổ quốc mình,
Càng yêu thắm thiết những câu hát dân ca.
Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa.........
Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa.........”
Khi mới nghe nhạc sĩ Trần Hoàn hát cho nghe, chúng tôi hơi băn khoăn, lẽ nào Bác muốn nghe một câu hát dân ca mà lại khó thế? Nhưng, đọc kỹ ca từ, tôi thấy các làn điệu dân ca chính là biểu tượng của các vùng miền, mà lời hát dân ca quanh Bác chính là biểu tượng của sự thống nhất đất nước, cũng là niềm khát khao của Bác, khi ấy chưa thành hiện thực. Em gái nhỏ hát “Người ơi người ở đừng về”, là nói lên nỗi lòng của nhân dân, muốn Bác sống mãi cùng đất nước.
Nhân đây, tôi xin nhắc lại chuyện tôi đã viết về nhạc sĩ Trần Hoàn trong “Hát mãi Trường Sa ơi!” (Phạm Việt Long - NXB Dân Trí, 2016) như sau:
“Vào năm 1991, tôi có chuyến công tác cùng nhạc sĩ Trần Hoàn và một số cán bộ của Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch vào Quảng Bình. Theo thói quen, bao giờ đi công tác, nhạc sĩ cũng đem theo một cây đàn Ghi ta. Hai thư ký của anh, Tô Long và Việt Hiển, đều là những giọng ca hay, đàn giỏi, là những người hòa thanh ăn ý của anh trong các buổi sinh hoạt nghệ thuật với quần chúng địa phương.
Khi tới thăm Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, anh Trần Hoàn được tặng một tập thơ của nhà thơ Xuân Hoàng. Là chỗ thân tình với nhạc sĩ Trần Hoàn, nên Nhà thơ Xuân Hoàng ngỏ ý nhờ anh chọn, phổ nhạc một bài thơ trong tập này. Trưa hôm đó, anh Trần Hoàn dành giờ nghỉ để đọc tập thơ. Buổi chiều, tới nhà anh Xuân Hoàng, anh Trần Hoàn nheo mắt cười hóm hình: “Tập thơ này của ông giống Nghị quyết Đảng ủy quá, mình không phổ nhạc được”. Nhà thơ Xuân Hoàng cười hồn hậu: “À, đợt này đang trong phong trào CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI mà. Không phổ nhạc thì cầm đọc cho vui vậy”. Căn phòng của hai vợ chồng nhà thơ Xuân Hoàng nho nhỏ, chúng tôi chia nhau người ngồi ghế, kẻ ngồi giường. Chợt, anh Trần Hoàn cầm tờ báo Quảng Bình nằm ở góc giường lên đọc lướt, rồi đọc chăm chú tới mức quên nói chuyện với mọi người. Anh Xuân Hoàng kéo anh Trần Hoàn ra khỏi cơn say đọc:“Này, uống nước đi chứ!”. Anh Trần Hoàn giật mình, dơ tờ báo lên: “Thơ để phổ nhạc đây rồi. Bài này hay quá”. Thì ra, trong tờ báo bị xé mất một nửa ấy, có bài thơ “Chỉ còn anh và em” của chị Bình, vợ anh Xuân Hoàng, với bút danh Thu Tịnh.
Tối hôm ấy, tại nhà khách của huyện Tuyên Hóa, tôi nghe văng vẳng tiếng Ghi ta trong phòng anh Trần Hoàn, mãi tới khuya vẫn bập bà bập bùng. Tôi biết, cũng tại Tuyên Hóa này, Nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác ca khúc Về Đồng Lê đậm đà chất dân ca Trung bộ, nghe mượt mà, trữ tình đến nao lòng.
Sớm tinh sương, anh Trần Hoàn đã gõ cửa phòng tôi, khua: “Dậy, dậy các cậu. Nghe bài hát mới của mình phổ thơ bà Bình, vợ ông Xuân Hoàng đây”. Trong không khí tĩnh lặng của buổi sớm miền sơn cước, tiếng Ghi ta sâu lắng và giọng hát ấm áp của anh Trần Hoàn nhè nhẹ trải ra. Ôi, một ca khúc trữ tình tuyệt vời. “Chỉ còn anh và em”, mặc dù được sáng tác bởi một phụ nữ miền Trung, trong môi trường miền Trung, nhưng khi thành ca khúc, lại không mang âm hưởng dân ca Trung bộ, mà mang tính chất một bản trữ tình bán cổ điển, với giai điệu thắm thiết, sang trọng, nói lên tình cảm chân thành, giản dị của đôi vợ chồng tuy đã qua thì xuân sắc vẫn tin tưởng vào mùa xuân của cuộc đời. Bài thơ xinh xắn, là loại thơ 5 chữ rất phù hợp với ca khúc. Nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trọn vẹn bài thơ, với cung Rê thứ buồn bảng lảng. Mở đầu, là cảnh sống bình dị của hai vợ chồng:
“Chỉ còn anh và em
Trong ngôi nhà bé nhỏ
Gió lùa qua song cửa
Cho vắng thêm căn phòng
Chỉ còn anh và em
Chăm bón vườn hoa nhỏ
Ước thầm trong giấc ngủ
Hoa kịp nở vào xuân”
Lời thơ viết là có hai người. Nhưng cảnh thơ cho thấy chỉ có một người ở nhà, còn một người đang đi xa! Người ở nhà chăm chút vườn hoa, cũng là biểu tượng của những tình cảm tốt đẹp, để chờ người đi xa trở về. Đợi chờ và dâng hiến, đó là hai chủ đề mà âm nhạc cần làm bật lên được. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết phần này dàn trải, mênh mang, tới đoạn cuối lắng đọng ở âm chủ, chuẩn bị cho sự chuyển sắc thái. Đúng như vậy, lời thơ và âm nhạc ở phần hai tươi sáng lên, dồn dập, quấn quýt bởi các nốt móc đơn, móc kép nối tiếp nhau, xen vào là những nốt luyến, rồi cao dần lên, thể hiện tình cảm thắm thiết, niềm tin mãnh liệt vào mùa xuân – biểu tượng của hạnh phúc:
“Hoa nở quên sầu muộn
Cành đào đem vào trong
Để phòng văn đỡ lạnh
Và hồng thêm má em
Chỉ còn anh và em
Một mình chia hai nửa
Nửa mùa đông thắp lửa
Nửa mùa xuân dần qua
Chỉ còn anh và em
Dù đường xa cách trở
Tuổi già ôi vắng vẻ
Vẫn nồng cháy tình xuân!”
Âm nhạc phát triển đến cao trào ở đoạn thơ giàu hình tượng:
“Chỉ còn anh và em
Một mình chia hai nửa
Nửa mùa đông thắp lửa
Nửa mùa xuân dần qua”
Đoạn này vừa phản ánh một hiện thực là cùng với năm tháng, sự trẻ trung, tươi xanh cũng sẽ phải lùi vào quá khứ, đồng thời nói lên niềm tin và nghị lực của con người - biết tin yêu, dâng hiến, luôn luôn “thắp lửa” cho cuộc đời! Bởi vậy, cái giá lạnh, u hoài của mùa đông sẽ bị xua tan, cái nồng ấm, vui tươi của mùa xuân sẽ dâng tràn cuộc sống…
Sau này, khi đi công tác Thái Lan về, Bộ trưởng Trần Hoàn bảo với tôi rằng bên Thái Lan mời đoàn nghệ thuật của ta sang, nhưng ông Bộ trưởng Văn hóa bên đó dặn đi dặn lại rằng tiêu chuẩn đầu tiên phải là những diễn viên trẻ đẹp. Ít lâu sau, đoàn nghệ thuật của Việt Nam sang biểu diễn tại Thái Lan, có Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung – không phải là một diễn viên trẻ đẹp, mà là người có giọng hát hay nhất nước ta hồi đó. Rồi, bài thơ của chị Bình – tức Thu Tịnh - do Trần Hoàn phổ nhạc “Chỉ còn anh và em” được Lê Dung hát vang giữa thủ đô Băng Cốc, làm rung động biết bao trái tim của khán giả Thái Lan.
Là một cán bộ lãnh đạo gắn bó với phong trào của quần chúng, anh Trần Hoàn rất chịu khó đi cơ sở. Đi với anh, tới đâu tôi cũng thấy anh có những người quen thân, trong đó có những anh chị cán bộ, nhân viên yêu văn nghệ. Để tỏ thịnh tình với anh, nhiều cơ sở tổ chức sinh hoạt văn nghệ vào tối anh đến thăm. Khi ấy, anh Trần Hoàn ôm Ghi ta cùng các trợ lý Tô Long, Việt Hiển hát những bài về quê hương, đất nước hoặc những bài về địa phương do anh Trần Hoàn sáng tác. Chao ơi, cả một kho “Tỉnh ca, huyện ca, xã ca” do anh Trần Hoàn viết tặng các địa phương trên đất Quảng Trị hoặc Quảng Bình và nhiều tỉnh khác mà anh từng gắn bó. Hàng loạt bài hát kiểu “địa phương ca” ấy vang lên, hồn nhiên, đằm thắm tình người. Có buổi tối trăng sáng, đoàn lên thuyền qua sông Nhật Lệ sang Bảo Ninh, quê của Mẹ Suốt, mấy anh em ngồi bệt trên bãi cát cùng bà con dân làng hát vui. Anh Trần Hoàn ôm Ghi ta, vừa đàn vừa hát hoặc đệm cho mọi người hát, tới thâu đêm vẫn chưa muốn dừng. Trong nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ, các cô cậu văn nghệ quần chúng hát ca khúc của anh, nhạc sĩ Trần Hoàn chăm chú lắng nghe. Hết buổi văn nghệ, khi anh chị em vây quanh, anh Trần Hoàn lại nheo mắt cười hóm hỉnh: “Các cô cậu làm cho ca khúc của mình có nhiều anh em quá!” Biết là nhạc sĩ nhắc khéo mình hát bài của anh mà sai nhạc chỗ này chỗ kia, các cô cậu không tự ái, mà cười vang, thân thiết.
Trong một số chuyến đi công tác địa phương, anh Trần Hoàn còn đưa một số ca sĩ cùng đi để phục vụ quần chúng. Là Bộ trưởng, nhưng anh không làm oai, xa cách, ngược lại rất xuề xòa, gần gũi. Có chuyến đi, gần tới nơi thì trời về trưa, không muốn làm phiền cơ sở phải cơm bưng nước rót, anh Trần Hoàn rủ bọn tôi ghé vào quán dùng bữa. Anh chỉ cần có mấy củ khoai lang luộc, quả chuối tiêu và cốc nước chè xanh là xong bữa. Anh ít thích cỗ bàn, vì anh bảo: “Mình cứ thấy bầy đầy thức ăn ra là đã ngán, không ăn được”. Hồi đó, Bộ trưởng cũng nghèo, chứ không giầu nứt đố đổ vách như một số vị bây giờ, đi công tác được địa phương biếu chút quà quê, là quý lắm, anh Trần Hoàn bảo chia đều cho nhau. Riêng phần mấy con mực khô, anh đưa hết cho chúng tôi, anh nói: “Vợ chồng mình răng yếu, không nhai được!”. (Sau này, vào năm 2003, khi đang trong chuyến công tác miền Nam, anh Trần Hoàn bị nhồi máu cơ tim, phải cấp cứu, bác sĩ chỉ định đặt Stent ở động mạch vành. Chi phí cho cuộc phẫu thuật là 100 triệu đồng, cả nhà anh chạy đôn chạy đáo mãi không đủ, sau đó, do chỉ phải đặt 2 Stent chứ không phải là 3 cái như dự báo, và được Nhà nước hỗ trợ một phần, mới đủ tiền chữa bệnh). Biết tính anh như vậy, nên anh chị em thường đùa vui cùng anh, có những ca sĩ còn dám hát “lời hai” (tức là lời bịa theo ca khúc) trong các buổi sinh hoạt văn nghệ giữa Bộ và địa phương mà anh Trần Hoàn chủ trì. Trong chuyến công tác Kim Bôi (Hòa Bình) của anh Trần Hoàn, có các ca sĩ Hồng Năm, Thanh Vinh, Mai Tuyết cùng đi, trong đó NSƯT. Thanh Vinh là một cây hài hước, hát “lời hai” khiến cả hội trường dào lên những đợt cười vui và vỗ tay rôm rả. Chẳng hạn anh hát “lời hai” của bài “Đoàn Vệ quốc quân”: “Người ta bảo tiến thì mình phải lùi/Người ta bảo lúi thì mình phải tiền”… hoặc “Một chiều anh Sáu Dân tê lê phôn cho anh Trần Hoàn/Anh bảo rằng dù kinh tế nhiều thành phần/Thì văn hóa chỉ một thành phần đừng nhiều cho phiền anh ơi!...”, đến anh Trần Hoàn, tác giả của ca khúc “Lời người ra đi” bị đặt “lời hai” ấy cũng bật cười ha hả.
Ham hoạt động, anh Trần Hoàn làm việc phục vụ văn hóa nghệ thuật cho tới ngày từ biệt cõi trần. Từ đó, người vợ thân thương của anh, chị Thanh Hồng, làm nốt những phần việc của anh. Chị cặm cụi lục lọi các tài liệu của anh để tìm lại những bản nhạc mà anh đã viết. Chị bảo, viết xong, có khi anh Hoàn không nhớ là mình đã để đâu. Nhiều khi, lục trong tập tài liệu này, trong cuốn sổ kia, chị lại bắt gặp một bài hát anh viết, có bài đã hoàn chỉnh, có bài đang dở dang. Chị thường đưa cho anh Việt Hiển chép lại sạch sẽ và chuyển cho ca sĩ hát. Còn bây giờ, chị đã tập hơn được tới gần 8 trăm bài hát của anh, toàn là nguyên gốc chép tay, rồi phân loại, xếp vào từng tập, ghi danh mục cẩn thận. Tôi đọc danh mục mà sửng sốt: Tình ca: 174 bài. Địa phương ca: 230, Ngành ca: 82, Bác, Đảng ca: 23, Xuân ca: 25, Thiếu nhi ca: 30 bài… Chị Hồng đã chọn lọc, cho xuất bản một tập ca khúc của anh (khác với các tập đã xuất bản) với tiêu đề “Lời ru cho anh” gồm 125 ca khúc. Trong số ca khúc được sưu tầm, phân loại này, tôi để ý thấy, chủ đề về Trường Sa đã sớm được anh Trần Hoàn quan tâm, và anh đã viết một ca khúc phổ thơ của một chiến sĩ Trường Sa là Trần Dực, với tiêu đề “Gửi Trường Sa”. Các bản nhạc cùng nhiều tài liệu quý về nhạc sĩ Trần Hoàn đã được chị Thanh Hồng trao gửi Cục Văn thư -Lưu trữ Nhà nước.”