Theo cảm nhận của tôi, nhạc Bolero, khi du nhập từ châu Mỹ La tinh về, đã được Việt hóa, sử dụng nhiều yếu tố của các làn điệu dân ca Nam bộ, cho nên giai điệu ngọt ngào, dễ thấm, dễ thuộc. Về nội dung, các ca khúc thuộc loại này phần lớn nói về những chuyện đời thường, dung dị, trong đó có những lời than thở về kiếp nghèo, về tình lỡ, về sự ngang trái, về mối tương tư... Nhìn chung, các ca khúc loại này buồn, nhiều khi xót xa, quặn thắt. Vì những lẽ đó, loại nhạc này đã có sức sống âm thầm nhưng khá bền bỉ, tỏa rộng trong đời sống, nhất là đời sống của những lớp người nghèo thành thị, nông thôn. Trong dòng nhạc này, tôi thích nghe một số bài hát về quê hương (Đà Lạt hoàng hôn, Ai lên xứ hoa đào), về thân phận con người (Kiếp nghèo, Tủi phận), về tình yêu, hoài niệm (Những đồi hoa sim, Về thăm trường cũ, Chuyến tàu hoàng hôn, Thu ca, Nỗi buồn gác trọ, Hoa sứ nhà nàng, Đôi mắt người xưa)... Bài hát Kiếp nghèo của nhạc sĩ Lam Phương như sau:
“Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi
Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu thương
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung
Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai”
Nhân vật trong bài hát này than thân trách phận nghèo và cầu xin được hạnh phúc, giai điệu buồn, nhưng do sử dụng điệu Tango cho nên nghe hấp dẫn, không tạo ra không khí thê lương.
Bài hát “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên, với ca từ mỹ miều, giai điệu êm ái, được đánh giá là ca khúc hay nhất về Đà Lạt, tôi đã nghe nhiều ca sĩ hát, nhưng có sức hút mạnh mẽ với tôi lại là giọng hát của một cô giáo trẻ, đó là Hà Thu Hiền. Tiếc rằng không có bản ghi giọng hát Hà Thu Hiền, nên tôi chọn giới thiệu giọng hát Hà Thanh thu thanh bài Ai lên xứ hoa đào từ trước năm 1975:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần, rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.”
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trên thanhnien.vn, thì Tác giả của “Ai lên xứ hoa đào” là Hoàng Nguyên, “sinh ngày 3.1.1932 tại Quảng Trị; tên thật là Cao Cự Phúc. Ông có thời gian học ở Trường Quốc học Huế, đầu thập niên 1950 có tham gia hoạt động chống Pháp ở vùng trung du, nhưng sau đó trở lại thành phố. Trước khi lên Đà Lạt, Hoàng Nguyên từng viết bài “Anh đi mai về” với một tâm thế kháng chiến rõ ràng và “Đàn ơi xa rồi”, tờ nhạc đều do Nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) ấn hành, khá phổ biến.
...Thời kỳ ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên thuộc ban Việt văn, dạy lớp đệ lục ở Trường tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang (khu số 4, Đà Lạt), do thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng.
...Trong một lần, Hoàng Nguyên và Hoàng Thi Thơ tổ chức đại nhạc hội tại Đà Lạt, Trưởng ty Cảnh sát Đà Lạt đã “chụp mũ” cho đây là hình thức tổ chức hoạt động văn hóa để quy tụ lực lượng, chống phá chính quyền, nên đưa người đến bắt và khám xét căn nhà trọ của Hoàng Nguyên. Trong tủ sách của chàng nhạc sĩ nhập cư lúc bấy giờ có giữ hai bản nhạc “Tiến quân ca” và “Thiên thai” của Văn Cao. Đây là bằng chứng dẫn đến việc Hoàng Nguyên bị buộc tội “tàng trữ” sản phẩm văn nghệ phía Bắc. Nhạc sĩ bị bắt đi đày Côn Đảo.
...Ở Đà Lạt chỉ một quãng thời gian ngắn nhưng Hoàng Nguyên kịp để lại hai ca khúc: “Bài thơ hoa đào” và “Ai lên xứ hoa đào”.
...Năm 1973, nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh từ giã cõi đời vì tai nạn giao thông ở Vũng Tàu.”
Cũng viết về Đà Lạt, ca khúc Đà lạt hoàng hôn của Minh Kỳ và Dạ Cẩm nghe hơi nỉ non, nhưng tha thiết, thấm đẫm tình người, và nếu lắng lại suy tư, thật bất ngờ, ta sẽ tìm thấy niềm vui trong nỗi buồn:
“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ.
Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ.
Từng đôi đi trên phố vắng,
bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm.
Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông.
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường
Giờ đây hơi sương giá buốt biết ai thương bước cô liêu
một người đi trong sương rơi.
Đà Lạt ơi! Có nghe chăng Cam Ly
khóc tình đầu dang dở.
Đêm xuống Than Thở vang cung hờn,
thêm sắt se tâm hồn
người đi trong bóng cô đơn.
Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ.
Nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ.
Gần nhau, xa nhau mấy nỗi
Hỡi quê hương xứ sương rơi
Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi!”
Theo kontumquetoi.com, “Nhạc sĩ Minh Kỳ vốn gắn bó với phố biển Nha Trang với nhiều ca khúc nổi tiếng. Nhưng lạ thay, người nghe lại nhớ nhiều những bài ông viết về Đà Lạt tới mức, nhắc tới ca khúc về Đà Lạt là không thể thiếu vắng Minh Kỳ. Minh Kỳ viết về Đà Lạt khá nhiều, từ Má hồng Đà Lạt, Chuyện tình bên hồ Than Thở, Đà Lạt hoàng hôn cho tới Thương về miền đất lạnh, bài hát nào cũng ghi dấu ấn trong lòng người yêu nhạc, yêu Đà Lạt. Với tông nhạc chủ yếu là dòng Bolero chậm buồn, Minh Kỳ đã để lại trong lòng người nghe một cảm xúc về Đà Lạt thật lặng lẽ, trầm, buồn và chậm. Đặc biệt, ca từ trong ca khúc về Đà Lạt của Minh Kỳ đẹp đến nao lòng, vẻ đẹp của khói sương, của mộng mơ và những tình yêu da diết. Dẫu chưa một lần tới Đà Lạt, nghe ca khúc Minh Kỳ sẽ cảm ngay một phố núi mờ sương bảng lảng, với thông, với dốc quanh co, với những mối tình tha thiết mà tuyệt vọng. Lời và nhạc trong ca khúc Minh Kỳ quyện vào nhau một cách thật hòa nhịp, đi sâu vào lòng người bởi sự cảm, sự yêu chân thật và sâu lắng. Nhiều người khi tới Đà Lạt đã thừa nhận rằng, nghe những bài hát về Đà Lạt của Minh Kỳ và nảy sinh mong muốn được một lần đắm mình vào không gian ấy. Bởi vậy, dù không phải cư dân Đà Lạt nhưng nhắc tới Minh Kỳ, không thể không nhớ tới người nhạc sĩ tài hoa đã cho Đà Lạt những ca khúc bất hủ và một tình yêu không cần đền đáp.
Bài hát Đà Lạt Hoàng Hôn này được nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác chung với nhạc sĩ Anh Bằng tức Dạ Cầm.”
Bài hát Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương như sau:
“Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên
Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ quanh tường
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi
Hôm qua mẹ bảo tôi, nhờ hoa sứ nhà nàng
Ướp trà thơm đãi khách họ hàng cô bác đều khen
Nhờ nàng hái giùm tôi, màu hoa thắm chưa tàn
Nụ hoa còn giữ nhụy vàng, Chắc nàng hiểu tình tôi
Nhưng đêm trở sầu, em bước qua cầu
Cuộc tình tan theo bể dâu, biết chăng ngày sau
Khi ngõ về gần nhau, tình yêu đã vội phai mầu
Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ bẽ bàng
Nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn
Làm sao nàng nỡ phụ phàng, để tình tôi dở dang”
Một hôm cùng nghe bài hát này, có bạn thắc mắc: “Hoa sứ thì làm sao mà ướp trà được?”. Anh Phong, chồng của Hòa, bạn học với chúng tôi, cười: “Hoa sứ nhà nàng cơ mà”, anh nhấn mạnh chữ NHÀ NÀNG. Đúng rồi, nghe hát, thì chỉ cần cảm bằng tâm hồn chứ không cần đo đếm bằng toán lý hóa. Bây giờ, anh Phong đã về nơi tiên cảnh, chúng tôi vẫn nhớ lời nói chí tình ấy của anh.
Tác giả của “Hoa sứ nhà nàng” là Hoàng Phương, một nhạc sĩ người Gò Công, chuyên viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, được coi là nhạc sĩ của giới bình dân, nhạc sĩ của dòng nhạc Gò Công nổi tiếng. Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng, Hoàng Phương là nhạc sĩ duy nhất có tác phẩm được phép lưu hành, trong đó có bài “nhạc vàng” “Hoa sứ nhà nàng”. Ông mất vào ngày 9 tháng 10 năm 2002 tại Gò Công, trong cảnh nghèo nàn.
Những người yêu thơ, yêu nhạc ai mà không biết bài thơ “Màu tím hoa sim”. Đây “là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hoá, vào thời điểm được cho là sau khi người vợ đầu tiên của tác giả qua đời.
Bài thơ xuất hiện đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính... được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay và được đưa vào miền Nam Việt Nam, tại đây bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng. Vào năm 2004, nó được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng tiền Việt Nam, trở thành một kỷ lục Việt Nam.
Năm 1990, bài thơ được in lần đầu trong một tập thơ, đó cũng là tập thơ đầu tiên được xuất bản của Hữu Loan: Màu tím hoa sim.” (Theo Wikipedia)
Trong số các bài hát phổ nhạc bài thơ trên, bài Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh ra đời sớm nhất và được phổ biến rộng rãi hơn cả với bản thu thanh trước năm 1975 của Thanh Tuyền:
“Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến.
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay.
Từ nơi chiến trường Đông Bắc đó,
lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân
tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi.
Phút cuối không nghe được em nói,
không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ.
Để không chết người trai khói lửa
mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì.
Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ.
Ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần theo bóng tối.
Xưa, xưa nói gì bên em
một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.
Nói, nói gì cho mây gió
Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết.
Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng.
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới thoáng buồn trên nét mi.
Khói buốt bên hương tàn nghi ngút trên mộ đầy cỏ vàng
mà đường về thênh thang.
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ.
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều.”
Có tác giả viết rằng, cũng phổ nhạc bài thơ này thành tác phẩm “Áo anh sứt chỉ đường tà”, nhạc sĩ Phạm Duy, “với bàn tay phù thủy”, đã khiến cho “bài này không đơn điệu một tiết tấu như hai bài trước. Lúc thì trầm lắng ưu tư, lúc thì sôi nổi nhịp khúc quân hành nơi chiến trận. Bài thơ được phổ ra nhạc theo kiểu trường ca, nhiều đoạn, nhiều hình thức thể hiện khác nhau theo kiểu nhạc kịch opera” (phamduy.com). Riêng tôi, thấy bài hát “Những đồi hoa sim” mà tôi dẫn ra trên đây đã diễn tả được chiều sâu vô tận nỗi đau của người chiến binh khi trở về làng quê mới biết rằng người yêu thương của mình đã qua đời! Tiết tấu như trong “Những đồi hoa sim" dàn trải, êm đềm nhưng có sóng cuộn bên trong nhờ giai điệu day dứt, nghe đau xót, cái đau ngọt giống như cái rét ngọt, khiến người ta tê tái.
Có một bài hát đã gây tranh cãi rất nhiều về việc cấm hay không cấm, để cuối cùng đã được tự do trở lại đời sống âm nhạc, được công chúng hâm mộ. Đó là bài hát Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương:
“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Hỏi còn ai cố tri
Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài
Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ con đường xưa em đi
Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi, nhớ một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.”
Phát biểu với báo chí nhân sự kiện “Con đường xưa em đi” được “cởi trói”, Bà Kha Thị Đàng - vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ - cho biết: “chồng bà sáng tác “Con đường xưa em đi” vào thập niên 1960, trong bối cảnh dòng Bolero được đông đảo khán giả ưa chuộng ở Sài Gòn...
..Khoảng năm 1967-1968, bà Đàng và nhạc sĩ Hồ Đình Phương làm việc ở nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Từ văn phòng nhìn ra, cố tác giả Hồ Đình Phương - lúc đó là phó giám đốc hành chính - nảy sinh cảm hứng để sau đó viết nên những ca từ: "Con đường xưa em đi/ Vàng lên mái tóc thề/ Ngõ hồn dâng tái tê...". (Tam Kỳ - vnexpress). Từ phần lời đó, nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết phần nhạc để thành ca khúc “Con đường xưa em đi”.
Tôi đã nhắc tới “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn ở phần trên, khi tác phẩm này bị xếp vào loại nhạc vàng. Thực ra, thời ấy người ta đã nhầm lẫn về thể loại. Nhạc Trịnh là một dòng nhạc trữ tình, nhân văn, có hơi hướng tâm linh, chứ không phải là nhạc vàng. Trịnh Công Sơn đã để lại cho cuộc đời một kho tàng âm nhạc đặc biệt, mang tính gợi mở, đòi hỏi người nghe phải suy nghĩ, tưởng tượng để hiểu cho thấu đáo, và cuối cùng là thấy thêm thương yêu con người. Nghe ca sĩ Khánh Ly hài Diễm xưa , tôi sởn gai ốc vì từng lời, từng chữ cứ luồn sâu vào tâm can, đụng đến mọi giác quan khiến người ta cảm nhận được nỗi buồn, nỗi đau, sự nuối tiếc... không có gì là cụ thể, nhưng lại là tất cả:
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”
Sỏi đá, vật vô tri vô giác, mà còn cần có nhau, vậy sao con người lại xa nhau? Đến khi nghe bản Diễm xưa có phần lời bằng tiếng Nhật do nữ ca sĩ thể loại enka (một thể loại âm nhạc đại chúng của Nhật Bản, được hình thành trong thời đại Meiji - khoảng thời gian Nhật mở cửa với thế giới) nổi tiếng nhất nước Nhật là Tendo Yoshimi, thể hiện, hoặc do Tendo Yoshimi cùng Shimazu Aya song ca, tôi càng rung động hơn bởi chất trữ tình và nhân văn sâu sắc, nét nhạc phóng khoáng, mở ra những hi vọng cho tình yêu của con người. “Diễm Xưa” do người Nhật trình diễn không hiện lên với nét nhạc trữ tình êm đềm, buồn man mác như ta thường nghe Khánh Ly hát, mà có sắc thái mới, đằm thắm, rộng mở, lạc quan. “Diễm xưa” đã được người Nhật tôn vinh là một trong 10 bài hay nhất mọi thời đại.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho nên ở đây tôi chỉ mạn phép phác họa chân dung ông qua bài hát mà tôi viết về ông, sử dụng một số từ ngữ trong các ca khúc của ông, bài hát Một đời người :
“Một cõi đi về... phù du... tình cát bụi
Suốt một đời người mơ nối những vòng tay
Tiếng hát lênh đênh, mong chờ mùa thu tới
Gọi nắng về đâu, miên man giấc xuân nồng
Cho đời biển rộng... lòng người thôi lạnh giá
Trái tim da vàng yên giấc ngủ ngàn thu
Nắng, vẫn nắng thế, nắng thủy tinh, niềm khát vọng
Mưa, vẫn mưa rơi, tầng tháp cổ giấc mộng đời
Giọt lệ ăn năn, vì sao Người còn hát mãi?
Giữa cơn mộng mơ man mác tiếng ru ngàn năm!
Trời cao u mê, đã xuống trần, còn mộng ước
Có một giòng sông, với một người ra biển cả
Thế gian bao người cùng nối vòng tay lớn!
Thế gian bao người cùng nối vòng tay lớn!”
Cũng phải nhắc đến “Vua nhạc sến”: Nhạc sĩ Vinh Sử. “Người đời gọi ông là Vua Nhạc Sến, vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi. Bởi nó phổ cập tới nỗi một thời, ai cũng thuộc làu làu nhiều câu hát của ông. Bất cứ nơi đâu cũng có thể nghe được những câu hát của ông. Mà hình như ngày xưa là vậy, ngày nay dù có giảm bớt bởi tính thời đại, bởi vô số những dòng nhạc mới mẻ đang cuốn hút giới trẻ thì nhạc của ông vẫn lan tỏa đâu đó rất rộng trong cuộc sống này”. (Nguyễn Quang Long). Nhạc sĩ Vinh Sử tự đánh giá về minh: “Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng.” Ca khúc của Vinh Sử nhiều không tinh nổi, chỉ riêng số bản nhạc đệm do các nhạc sĩ soạn ra và đăng trên mạng xã hội đã có gần 100. Trong số này, có bài Không giờ rồi có đời sống rất lâu bền và có sức lan tỏa sâu rộng: