CHƯƠNG HAI: TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM
Sau này, nhạc sĩ Dân Huyền viết trên vov.vn:
“Sáng ngày 20 tháng 10 năm 1967 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam đang họp, thì Tổng biên tập Trần Lâm cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nghệ sĩ Quang Hưng đến. Sau khi thăm hỏi và trò chuyện, nhà báo Trần Lâm nói ngay: "Có việc quan trọng đề nghị các bạn cần hoàn thành ngay trong tháng 10 này. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sẽ bàn cụ thể với các bạn".
Chỉ thị ngắn gọn ấy, ai nấy đều tò mò muốn biết, nhưng “bí mật”. Chục ngày sau chúng tôi mới biết đó là việc thu thanh bài hát Tiến về Sài gòn của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước). Yêu cầu thu thanh 2 băng: một băng hát giọng miền Nam và một băng hát giọng miền Bắc.
Sau khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nghe và quyết định để nghệ sĩ Quang Hưng hát, nghệ sĩ Hoàng Mãnh đệm Piano. Hôm thu thanh có thêm cả nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Phó Tổng biên tập, đến nghe để sửa cách phát âm giọng miền Nam cho chuẩn (vì nghệ sĩ Quang Hưng là người miền Bắc). Thu thanh băng thứ nhất xong, thu tiếp băng thứ hai hát bằng giọng Bắc.
Rất vui là nghệ sĩ Quang Hưng đã làm trọn nhiệm vụ được giao sau 10 ngày nhận bài, liên tục luyện tập phát âm theo phương ngữ Nam bộ và rất hiệu quả. Ông Tiểng và ông Phước cùng thốt lên: "khỏi chê". Chúng tôi cũng phấn khởi vì hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổng biên tập Trần Lâm giao.
Chỉ 3 tháng sau, đúng tết Mậu Thân 1968, cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam đã chấn động địa cầu. Giọng hát của Quang Hưng đã vang lên trên làn sóng của Đài phát thanh Giải Phóng và cả trên Đài TNVN bằng cả giọng Nam và Bắc. Tốp ca nam của Đoàn ca nhạc thu thanh tiếp một băng bài hát này. Để phong phú hơn, đồng ca nam nữ Đoàn ca nhạc của Đài còn thu thêm một băng khác đầy khí thế tiến công:
“Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây
Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi
Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ!
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!”
Cùng với “Tiến về Sài Gòn” một loạt bài hát của các nhạc sĩ ra đời để động viên cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước, được Đài TNVN thu thanh và phát sóng. Âm thanh tráng ca hào hùng quyện hòa trong không khí nổi dậy tiến công như vũ bão. Ví như nhạc sĩ Trọng Bằng có “Bão nổi lên rồi”:
"Bão nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu
Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền triệu người bừng bừng
Cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn
Giờ tiến công sục sôi tim muôn người".
Ở một phía khác, nhạc sĩ Hoàng Vân lại cất cao lời ngợi ca sự kiện này, bằng giọng nữ cao Bích Liên. Bài hát Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng! là một thành công đáng kể trong sự nghiệp ca hát của “con chim sơn ca” thời chiến tranh. Bút pháp điêu luyện của người nhạc sĩ tài năng đã tạo ra một âm hình chủ đạo với một biến phách đột ngột:
“Trông lên Trường Sơn - Kìa gió đã nổi –
Trông ra biển Đông - Kìa sóng đang gầm...”
Một giai điệu đẹp quyện lấy lời ca như đang kể chuyện cứ tuôn trào, chinh phục. Đến lúc “Con chim sơn ca trên đồng - Khi xuân sang tung tăng bay lượn - cất tiếng hót vang...” thì dường như nhạc sĩ dành những giai điệu này cho riêng Bích Liên. Bích Liên hát, rồi cả nước hát: "Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng".
Sài Gòn - điểm nóng bỏng của sự kiện Mậu Thân 68 - nơi nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi ngã xuống cùng những người lính giải phóng quả cảm - cũng là nơi vang lên bao giai điệu hào hùng. Nếu ở hậu phương miền Bắc, có “Bài ca xuống đường đấu tranh” của An Chung thì ngay tại mặt trận khói lửa vẫn trầm vang hành khúc “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữa Phước. Các cô gái Sài Gòn cùng các cô gái Huế, Đà Nẵng đã đi vào giai điệu những bài ca đẹp đến lộng lẫy một khí phách cách mạng. “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” là một khắc họa độc đáo của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Khi nhạc sĩ cho các cô gái tâm sự với quả pháo thì nét độc đáo thật dễ thương và rất riêng biệt:
“Quả pháo ơi đi đường xa có mỏi –
Suốt cả ngày đã đói hay chưa?...”.
Còn Phạm Minh Tuấn – Lê Anh Xuân thì thật phóng khoáng trong miêu tả các cô nữ tự vệ Sài Gòn:
“Tuổi em vừa đôi mươi mười tám –
Em cài mái tóc gọn gàng –
Đi từng bước vững vàng –
Trẻ trung đôi mắt em mở to trong vắt –
Hàng me xanh thắm...”.
Biết bao nhiêu giai điệu đã chắp cánh bay xa trong mùa xuân ấy của các nhạc sĩ mà tên tuổi họ đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như Huy Du, Huy Thục, Phạm Minh Tuấn, Xuân Hồng... Ngoài ra còn hàng trăm bài ca soạn lời mới cho các làn điệu Chèo, Tuồng, Cải lương, Ca Huế và dân ca mọi miền đất nước....
...Hòa cùng khí thế nổi dậy tấn công, đội ngũ phóng viên, biên tập nghệ sĩ và kỹ thuật âm thanh của Đài TNVN cũng thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Các tiết mục văn nghệ cứ nối tiếp nhau thu thanh liên tục, không kể giờ giấc. Một không khí thi đua thầm lặng nhưng không kém phần sôi động cứ liên tiếp diễn ra trong lời thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta.” Cùng với lời thơ đầu xuân của nhà thơ Tố Hữu trong “Bài ca xuân 68”: “Anh chị em ơi/ Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68/ Xuân Việt nam/ Xuân của lòng dũng cảm…”
Đó là tư liệu mà tôi sưu tầm được khi viết cuốn sách này. Còn vào thời điểm ấy, chúng tôi chỉ biết nghe hát qua Đài TNVN, không tìm hiểu xuất xứ của những bài hát ấy. Cứ nghe. Cứ trào lên niềm hứng khởi. Nhưng, cũng lạ lùng làm sao, bài hát Tiếng súng Nam bộ của Đỗ Nhuận ra đời từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lại hợp với tâm trạng của lứa thanh niên chúng tôi thời này đến thế, cho nên cứ vang lên trong tâm hồn tôi:
“Tiếng súng vang sông núi miền Nam - Ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang lừng khắp non sông - Giục ta ra tranh đấu…
Tiếng súng vang sông núi miền Nam - Ầm đất nước Việt Nam
Ta muốn băng mình tới phương Nam - giết hết quân hung tàn”
Là một phóng viên trẻ, trước không khí sôi sục giải phóng miền Nam và những giai điệu hào sảng cuốn hút con người vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc ấy, tôi còn có thêm động lực, và đây lại là động lực chính, đó là được “đứng trên bốn phương thành Huế mà lấy tin, chụp ảnh” như lời nhà thơ Tố Hữu kêu gọi lớp phóng viên trẻ khi ông tới thăm Thông tấn xã Việt Nam. Một lá đơn tình nguyện xuất phát từ chính con tim dào dạt nhiệt huyết cống hiến được tôi gửi lên Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã. Đơn tình nguyện làm phóng viên chiến trường của tôi được chấp nhận. Và thế là tôi tập trung vào Trại 105 để chuẩn bị đi “B”, tức là vào chiến trường miền Nam.
Trong một buổi tối thứ bảy, tại Trường 105 ở Hòa Bình, tôi được dự chương trình biểu diễn văn nghệ của đoàn văn công quân Giải phóng, do nhạc sĩ Xuân Hồng phụ trách. Những giai điệu hào hùng có, tha thiết có của đất nước vang lên trong một hang đá lớn ở vùng Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình càng thêm thôi thúc chúng tôi nhiệt tình cống hiến cho đất nước. Về tình quân dân, có bài hát Bài ca may áo của Xuân Hồng:
“Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng.
Mưa rét run người nắng sẫm màu da.
Tấm vải ta làm ra mảnh áo,
Là chiến sĩ quyết tâm diệt thù
Anh hăng hái ngoài nơi trận tuyến,
Em hứa quyết tâm nguyện hiến sức mình.
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi,
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi.
Máy may nhanh rừng xanh vọng tiếng,
Chí căm thù ta biến thành tơ.
Tiếng súng xa hòa theo nhịp máy,
Hòa tiếng máy chúng ta diệt thù.
Ta may áo này sao cho kỹ,
Cho chiến sĩ ta vừa ý đẹp lòng.
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi.
Áo may xong mùa đông đã đến.
Gửi chút tình thương mến về ai.
Áo xếp nhanh chờ anh giải phóng,
Lòng vui sướng sướng vui dạt dào.
Hôm nay áo còn trên bàn tay ta,
Mai áo sẽ ra ngoài chốn chiến trường.
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi,
Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi!”
Bài hát vừa nói về tình quân dân, vừa nói lên tinh thần chiến đấu đầy lạc quan của quân dân miền Nam có Qua sông của Phạm Minh Tuấn:
“Hò khoan chúng em khua mái chèo
Đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo.
Đường hành quân các anh đi khắp nẻo
Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao.
Hò khoan hỡi khoan hò khoan hỡi khoan hò khoan.
Thuyền em, thuyền em rẽ sóng sang sông
Em đưa đoàn quân giải phóng ờ hơ
Qua sông qua sông ra chiến trường
Nơi miền quê khói lửa tràn lan
Vì tương lai tay súng anh sẵn sàng
Bảo vệ xóm làng để tiếng hò ngân vang
Nơi hậu phương gắng sức em ngày đêm
Cùng chung lo tranh đấu em sẵn sàng
Bảo vệ xóm làng để tiếng hò ngân vang.
Hò khoan chị em chúng mình.
Ta lướt nhanh con thuyền đưa các anh.
Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng
Đón anh về mừng chiến thắng reo vang
Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng.
Đón anh về mừng chiến thắng reo vang.
Hò khoan chúng em khua mái chèo.
Đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo.
Đường hành quân các anh đi khắp nẻo.
Vì quê hương mà anh đã vượt gian lao.
Hò khoan hỡi khoan hò khoan hỡi khoan hò khoan.
Dòng sông, dòng sông rọi bóng trăng thanh.
Long lanh in hình đoàn Giải phóng ờ hơ
Qua sông qua sông ra chiến trường .
Nơi miền quê khói lửa tràn lan.
Vì tương lai tay súng anh sẵn sàng.
Bảo vệ xóm làng để tiếng hò ngân vang
Nơi hậu phương gắng sức em ngày đêm
Cùng chung lo tranh đấu em sẵn sàng
Bảo vệ xóm làng để tiếng hò ngân vang.
Hò khoan chị em chúng mình
Ta lướt nhanh con thuyền đưa các anh.
Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng.
Đón anh về mừng chiến thắng reo vang.
Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng
Đón anh về mừng chiến thắng reo vang”
Buổi tối hôm ấy, chúng tôi được âm nhạc nâng cánh bay lên, hướng về miền Nam ruột thịt, càng thêm hăng say tập luyện cho chân cứng đá mềm, chuẩn bị vượt giải Trường Sơn hùng vĩ. Chúng tôi cho gạch vào ba lô tập hành quân – trèo đèo, lội suối. Những bài hát quân hành luôn luôn vang lên theo nhịp bước của chúng tôi. Những bài hát thời chống Pháp, chống Mỹ hòa vào nhau: “Hành quân xa”, “Bước Chân Trên dải Trường Sơn”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”… Đặc biệt, bài hát Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước - Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng) như hồi kèn xung trận, tràn đầy khí thế tiến công, lại như làn gió mát làm khô những giọt mồ hôi của chúng tôi:
“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước.
Diệt Đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.
Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời.
Sông núi bao nhiêu năm cắt rời.
Đây Cửu Long hùng tráng,
Đây Trường Sơn vinh quang.
Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù.
Vai sát vai chung một bóng cờ.
Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!
Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng.
Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng!
Cầm gươm, ôm súng, xông tới!
Vận nước đã đến rồi.
Bình minh chiếu khắp nơi.
Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời.”
(Còn nữa)