VH&PT - Ở tuổi bát thập, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thìn không cho phép bản thân nghỉ ngơi mà vẫn nhiệt tình, đắm say trăn trở với tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhiều năm nghiên cứu, thực hành, bà đã “thổi hồn” cho văn hóa, nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu đến gần hơn với người dân.
Một đời phụng sự
Tôi có cơ duyên gặp được đồng thầy, thủ nhang Nguyễn Thị Thìn ở Điện Phúc Quang Linh Từ (Hà Nội) số 745 đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Ở tuổi “bát thập” xưa nay hiếm, bà Thìn vẫn giữ được nét khỏe khoắn, phong thái nhanh nhẹn. Đồng thầy Nguyễn Thị Thìn đã loan giá phụng hành 3 giá đồng trong 36 giá đồng điển tích tâm linh: giá quan Đệ Ngũ, giá chầu Đệ tứ…
Nghệ nhân Ưu Tú Nguyễn Thị Thìn loan giá phụng hành Điện Phúc Quang Linh Từ
Bà Nguyễn Thị Thìn sinh ra và lớn lên được làm việc, gắn bó cả cuộc đời ở quận Ba Đình – nơi có Trấn Bắc (đền Trấn Vũ) hay Thăng Long Tứ Trấn của Hà Nội gồm: Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên Hà nội. Ít ai biết được trước đây bà từng là dân quân tự vệ của nhà máy dệt 8/3 và là chiến sĩ thi đua thợ dệt giỏi miền Bắc. Bà cùng đội nữ anh hùng của nhà máy làm nên lịch sử khi đã bắn rơi máy bay Mỹ B52 trên bầu trời Hà Nội.
Ngay từ nhỏ, bà đã được thân sinh cho đi dự lễ các lễ hội đền, phủ ở nhiều nơi, nhất là trên địa bàn Hà Nội. Chính trong những lần được chắp táp theo cha mẹ, bà đã dần dần cảm được bản mệnh của mình. Trưởng thành, lập gia đình đã có thời điểm bà xin “khất đồng”. Nhưng sau nhiều lần bị “cơ hành”, bà quyết định tôn nhang bản mệnh, nối tiếp truyền thống gia đình để bảo tồn, gìn giữ tín ngưỡng cổ xưa này của người Việt. Tính đến nay, bà cũng đã có hơn 60 năm phụng sự nhà Ngài.
Cần mẫn “thổi hồn” cho văn hóa thờ mẫu dù đã ngoài 80
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt có sức sống mãnh liệt, uyển chuyển, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung để cùng bảo lưu những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống.
Tín ngưỡng thờ Mẫu mang nhiều giá trị cơ bản như: giá trị nhận thức thế giới, giá trị nhân sinh… và tục thờ Mẫu – hầu đồng – chầu văn cũng là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo… Đặc biệt khi đã được Nhà nước công nhận là di sản của quốc gia và UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhận thấy những giá trị tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thầy Nguyễn Thị Thìn vẫn miệt mài gìn giữ, phát huy.
Tuy ở tuổi 80, bà vẫn cần mẫn “thổi hồn” cho văn hóa thờ Mẫu. Không chỉ tham gia thực hành, dưới sự quản lý và hướng dẫn trực tiếp với vai trò là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, bà đã cùng đồng nghiệp không chỉ nghiên cứu mà góp phần quan trọng trong việc “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Qua các hoạt động góp phần duy trì những chương trình đúng phép cổ truyền, bài trừ những hành động biến tướng có tính chất mê tín dị đoan.
Ngoài ra, đồng thầy còn tham gia công tác ở Hội viên tán trợ của TP Hà Nội, Ủy viên MTTQ quận Ba Đình, TP Hà Nội... Niềm vinh dự và tự hào đến với đồng thầy Nguyễn Thị Thìn khi đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội, Hội văn nghệ bảo tồn dân gian Việt Nam, Kỉ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam, được trao tặng giấy khen của Hội di dản văn hóa Thăng Long Hà Nội. Đồng thầy đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của Chủ tịch nước trong lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Suốt hơn 60 năm bảo tồn đạo Mẫu và thủ nhang bản Điện Phúc Quang Linh Từ cũng là chừng ấy thời gian gian truân, vất vả. Dù vậy bà Nguyễn Thị Thìn chưa từng một lần nào có ý định buông bỏ. Bà bảo mỗi ngày trôi qua bà vẫn sẽ cố gắng để thực hiện công tác nghiên cứu và gìn giữ, phát huy lịch sử đạo Mẫu tốt đẹp. Bà Thìn còn thường xuyên hưởng ứng tích cực mọi hoạt động an sinh xã hội. Bà tham gia làm từ thiện cùng đoàn Đạo Mẫu lên tỉnh Yên Bái giúp đỡ bà con trong trận lụt lịch sử năm 2018. Bà ủng hộ vật lực trùng tu tôn tạo đền, chùa; công đức ở chùa Bái Ân Hà Nội bốn chiếc cột, võng lọng…
Ngày nay việc thực hành nghi thức thờ Mẫu có những biến tướng không đáng có. Nhiều ông bà đồng, con nhang đệ tử cách ăn mặc, trang phục không đúng thuần túy như ngày xưa… Đồng thầy Nguyễn Thị Thìn với kinh nghiệm hơn 60 năm theo Mẫu đã cho rằng, các nghệ nhân, ông bà đồng phải gương mẫu trước, thực hành nghi lễ chuẩn mực, giữ đúng như các cụ xưa truyền lại. Còn nếu đổi mới, các ông bà đồng cũng cần kết hợp, thông qua các liên hoan để trao đổi và học tập lẫn nhau sao cho phù hợp với đời sống hiện nay.
Thiết kế & Concept: Bình An