Nghệ sỹ cần làm gì trước khi quảng cáo sản phẩm?

Trong thời đại truyền thông số, nghệ sỹ không chỉ là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn là những “người của công chúng”, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành vi và xu hướng tiêu dùng của xã hội.

Tận dụng hình ảnh, uy tín của mình để tham gia quảng bá sản phẩm là một hoạt động phổ biến và mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nghệ sỹ. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, việc quảng cáo nếu thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết hoặc chỉ vì lợi nhuận nhất thời có thể khiến nghệ sỹ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, cả về mặt pháp lý lẫn uy tín cá nhân. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: nghệ sỹ cần làm gì trước khi quảng cáo sản phẩm?

va-2353463463467347-1747708859.jpg
Ảnh Internet

Những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam liên tục chứng kiến nhiều nghệ sỹ nổi tiếng tham gia quảng cáo cho đa dạng mặt hàng: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bất động sản, đồ gia dụng, dịch vụ tài chính... Tuy nhiên, không ít trường hợp nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, sai sự thật hoặc thậm chí là sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành. Một số vụ việc nghiêm trọng đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ công chúng, buộc nghệ sỹ phải lên tiếng xin lỗi, đền bù hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Từ thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra là nghệ sỹ không thể chỉ đơn thuần nhận hợp đồng quảng cáo vì thù lao, mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Phân tích vấn đề, nghệ sỹ cần làm gì trước khi quảng cáo sản phẩm? Thứ nhất, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ sẽ quảng cáo. Trước khi đồng ý quảng cáo, nghệ sỹ cần chủ động tìm hiểu đầy đủ thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm có rõ ràng về đơn vị sản xuất, có giấy phép kinh doanh, công bố chất lượng, tiêu chuẩn an toàn hay không. Thành phần và công dụng, đặc biệt với sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… phải hiểu rõ công dụng thực tế, tránh tuyên bố sai sự thật như “chữa bệnh”, “trị khỏi hoàn toàn”, “hiệu quả tức thì”. Nên tham khảo ý kiến người đã sử dụng hoặc các bài đánh giá có cơ sở, tránh PR cho sản phẩm còn gây tranh cãi. Sản phẩm có đang trong diện điều tra, tranh chấp, hay bị cơ quan chức năng cảnh báo không?... Nếu nghệ sỹ bỏ qua bước này, rất dễ rơi vào tình trạng “tiếp tay” cho hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo phải chính xác, không gây hiểu nhầm hoặc thổi phồng công dụng. Nghệ sỹ cần lưu ý tránh sử dụng những từ ngữ tuyệt đối như “duy nhất”, “tốt nhất”, “không có đối thủ”, “chắc chắn khỏi bệnh”… khi không có bằng chứng khoa học. Không ngụy tạo trải nghiệm cá nhân nếu bản thân chưa từng sử dụng sản phẩm. Từ chối các kịch bản quảng cáo yêu cầu “diễn” để tạo sự thuyết phục không trung thực.

Việc quảng cáo sai sự thật không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật theo Luật Quảng cáo, mà còn là sự gian dối đối với khán giả - những người đặt niềm tin vào nghệ sỹ. Nghệ sỹ cần làm rõ các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp hay nhãn hàng mời quảng cáo, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động hợp pháp, minh bạch về tài chính và thương hiệu hay không? Đối tác từng có tiền sử lừa đảo, bị báo chí phản ánh tiêu cực, hay bị cấm hoạt động trong quá khứ? Các điều khoản trong hợp đồng quảng cáo có minh bạch về quyền và nghĩa vụ của đôi bên? Có ràng buộc về pháp lý nếu có sự cố xảy ra? Thận trọng từ khâu lựa chọn đối tác là bước quan trọng để nghệ sỹ phòng ngừa rủi ro lâu dài.

Với các sản phẩm có tính chất nhạy cảm như thực phẩm chức năng, thuốc, tài chính - bảo hiểm, đầu tư… nghệ sỹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia pháp lý, y tế hoặc tài chính để hiểu đúng về mặt luật và chuyên môn, tránh bị lợi dụng. Ngoài ra, nếu nội dung quảng cáo có thể gây tranh cãi về đạo đức xã hội (ví dụ: quảng cáo sản phẩm hướng đến trẻ em, người bệnh, người già...), việc tham vấn chuyên gia truyền thông cũng rất cần thiết.

Nghệ sỹ không chỉ là người có tài năng, mà còn là hình mẫu trong xã hội, đặc biệt với giới trẻ. Do đó, việc quảng cáo sản phẩm không chỉ là hoạt động thương mại mà còn là một hành vi đạo đức.

Trách nhiệm xã hội của nghệ sỹ thể hiện ở việc không PR cho các sản phẩm bất hợp pháp, gây nghiện, nguy hại cho sức khỏe (ví dụ: thuốc lá điện tử, thực phẩm giảm cân trôi nổi, đồ uống có cồn dành cho trẻ vị thành niên…). Không cổ súy lối sống thực dụng, sính hàng hiệu, tiêu dùng phô trương qua nội dung quảng cáo. Chủ động lên tiếng xin lỗi, khắc phục hậu quả khi có sai sót, thay vì né tránh trách nhiệm. Một nghệ sỹ có đạo đức luôn biết giới hạn trong quảng cáo, dù có được trả cát-sê rất cao.

Đặc biệt là cần hiểu rõ quy định pháp luật về quảng cáo. Theo Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản liên quan, người tham gia quảng cáo có trách nhiệm liên đới nếu quảng cáo gây thiệt hại. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sỹ (năm 2021), trong đó yêu cầu nghệ sỹ không tham gia quảng cáo sai sự thật, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo, trong đó người phát ngôn sai sự thật (dù là nghệ sỹ, KOL) cũng có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, nghệ sỹ cần hiểu luật để không vi phạm và tự bảo vệ mình.

Trên thực tế, đã có không ít nghệ sỹ vướng vào những rắc rối nghiêm trọng vì quảng cáo thiếu trách nhiệm. Nhiều người phải công khai xin lỗi, bị khán giả quay lưng, bị các nhãn hàng cắt hợp đồng, thậm chí vướng vào kiện tụng. Ngược lại, cũng có nhiều nghệ sỹ được công chúng ghi nhận vì dũng cảm từ chối những lời mời quảng cáo béo bở nhưng không phù hợp đạo đức. Chính sự thận trọng đó đã giúp họ giữ vững hình ảnh và xây dựng niềm tin bền vững với công chúng.

Việc nghệ sỹ tham gia quảng cáo là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường và truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế không thể là yếu tố duy nhất để quyết định. Nghệ sỹ cần có sự tỉnh táo, hiểu biết và trách nhiệm khi lựa chọn sản phẩm, đối tác và nội dung quảng cáo. Bởi lẽ, một lời nói, một hình ảnh của nghệ sỹ có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng đề cao tính minh bạch, trung thực và đạo đức nghề nghiệp, nghệ sỹ càng cần giữ gìn uy tín như giữ gìn chính sự nghiệp của mình. Khi đặt chữ “tâm” lên hàng đầu, nghệ sỹ không chỉ tạo dựng niềm tin với công chúng, mà còn đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của thị trường và văn hóa xã hội.