Nghĩ về những ban thờ Thần Tài

Ở bất cứ thành phố, thị xã, thị tứ nào trên đất nước này, hễ có hoạt động buôn bán giao thương là có cửa hàng, và rất nhiều cửa hàng đặt ban thờ Thần Tài ở góc nhà, ngay lối ra vào.

Người ta thờ Thần Tài để cầu xin làm ăn được thịnh vượng, buôn may bán đắt, một vốn bốn lời, cửa hàng luôn tấp nập khách khứa vào ra.

than-tai-1-1693485205.jpg
Ban thờ Thần Tài tại hai cơ sở cung cấp dịch vụ y tế

Tín ngưỡng thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Hoa, mới du nhập vào nước ta khoảng những năm đầu Thế kỷ XX. Mặc dù dân gian có hàng chục điển tích về Thần Tài, và không phải ai thờ Thần Tài cũng biết tường tận những điển tích ấy, nhưng người ta vẫn cứ thờ phụng vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc với một niềm tin và ước vọng giàu có. Tín ngưỡng ấy không hẳn là vấn đề tâm linh, mà chủ yếu là vấn đề tâm lý.

Mấy năm gần đây, tôi bắt đầu để ý đến những ban thờ trang nghiêm ấy. Ra là không phải chỉ cửa hàng mua bán mới thờ Thần Tài, mà cơ sở khám bệnh, trường học, thậm chí cơ quan, công sở, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước…, rất nhiều nơi bày ban thờ vị thần được cho là có quyền năng ban phát, giữ gìn và làm đầy thêm kho tiền bạc cho “gia chủ”. Những ban thờ với hình thức rất đa dạng, phong phú, tuy kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng đều nghiêm cẩn với đồ tế khí bát hương, chân nến, đĩa quả, bình hoa, nhiều nơi còn đặt tượng ông gìa có chòm râu bạc, vẻ mặt  phúc hậu tươi cười với triều phục đẹp đẽ. Thần Tài thường được thờ cùng với Thần Thổ Địa, mong cầu bình an. Những ban thờ này luôn phảng phất làn khói thơm và bình hoa, đĩa quả tươi mới.

Thực tế ấy nói lên điều gì? Phải chăng quan hệ mua bán đã từ thương trường lấn sang các địa hạt khác mà những người vốn còn nặng thói quen và lối nghĩ thời bao cấp thấy lạ lẫm? Phải chăng những chuẩn mực văn hoá ứng xử đang thay đổi? Phải chăng bây giờ người ta quá coi trọng đồng tiền, kiếm tiền bằng mọi cách?

Đã lâu không phải nhờ cậy đến bác sỹ, mới đây, đi khám bệnh tại một bệnh viện lớn, tôi đã ngạc nhiên xen lẫn cảm giác thú vị khi trên bảng thông báo tại một phòng khám chuyên khoa xuất hiện hàng chữ điện tử: “Xin mời khách hàng số X vào bàn số Y”. Hàng chữ ấy đập vào mắt, đập thẳng vào cảm xúc. Giá như hàng chữ ấy là “Xin mời bệnh nhân số X vào bàn số Y” thì chả ai lấy làm lạ. Thì ra người bệnh bây giờ đã là “khách hàng” của bệnh viện. Quan hệ hai bên đã thay đổi. Trước đây, người bệnh đến để được phục vụ, bây giờ họ đến để được nhận dịch vụ.

Cũng như vậy, người đến giao dịch tại các cơ sở của ngân hàng, bảo hiểm, bưu điện và các cơ sở dịch vụ công cộng khác đều được gọi là khách hàng. Họ đến để nhận được dịch vụ nhằm thoả mãn những nhu cầu cần thiết của mình. Và đã là dịch vụ thì phải trả tiền. Có toà soạn báo hoạt động theo cơ chế tự chủ, lấy thu bù chi cũng đặt ban thờ Thần Tài, mong có nhiều quảng cáo, nhiều độc giả để có kinh phí trang trải cho hoạt động.

Tóm lại là bây giờ người dân đi khám bệnh, đi học, đi làm thủ tục hành chính… đều là đến cơ sở dịch vụ, và “phải trả công”. “Công” có nhiều loại, tuỳ thuộc vào chất lượng dịch vụ. Với những người có mua bảo hiểm y tế, “công” chăm sóc sức khoẻ sẽ do cơ quan bảo hiểm trả thay theo khung giá quy định, vượt khung thì phải trả tiền. “Công” trả cho việc học tập là học phí, tuỳ thuộc vào mỗi cơ sở giáo dục. Học phí trường công khác học phí trường tư. Có trường mầm non bình dân, học phí mỗi tháng, kể cả ăn hai bữa ở trường khoảng 4 - 5 triệu đồng, trong khi có trường quốc tế, học phí lên đến cả trăm triệu đồng, chủ yếu do trang thiết bị, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư hiện đại và có nhiều hoạt động tốn kém, trong khi chương trình học tập và mục tiêu đào tạo không khác nhau nhiều.

Với một quan hệ sòng phẳng như vậy, mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ đều mong muốn có nhiều “khách hàng” để tăng thu nhập. Lập bàn thờ Thần Tài là một trong những cách thoả mãn tâm lý mong biến ước mơ thành hiện thực.

Điều khiến khách hàng có thể yên tâm là trong cơ chế thị trường, các cơ sở dịch vụ đều hiểu rằng, muốn có nhiều khách hàng thì phải nâng cao, bảo đảm chất lượng dịch vụ với mức giá cạnh tranh, phù hợp với khả năng của khách hàng. Với sự giúp sức của mạng xã hội, nhiều cơ sở làm ăn không nghiêm túc đã được “điểm danh” công khai, rộng rãi. “Hữu xạ tự nhiên hương”, qua những mối quan hệ xã hội phong phú, khách hàng có thông tin để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy. Nhờ tác động của quan hệ cung - cầu, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt. Khách hàng đã cảm thấy hài lòng hơn khi được coi là “thượng đế”, là “người trả lương” cho họ.

Mong rằng Thần Tài sẽ không chỉ là nơi gửi gắm ước mơ sang giàu, mà ngày càng là vị thần nghiêm khắc giám sát, nhắc nhở những người cung cấp dịch vụ: Muốn giàu có, hãy làm cho tốt bổn phận của mình.

 Theo một nhà nghiên cứu văn hoá, tâm linh, Thần Tài là vị thần cai quản toàn bộ kho báu của Trời Đất. Vị thần này rất trung thành, nghiêm khắc, không dễ mà lấy của kho ra ban phát cho nhân gian. Ban thờ Thần Tài đặt ngay dưới đất, gần cửa ra vào, người đi qua đi lại giày dép tung bụi, còn gì là thanh tịnh, thần linh không ngự. Đấy là nơi tụ âm khí trong nhà, nơi trú ngụ của các chân vong vốn không có của cải để ban phát, có chăng chỉ có thể xui khiến, dẫn khách đến.