Sự phát triển của các mạng xã hội dẫn đến nguy cơ về tội phạm lợi dụng mạng để lừa đảo, xúc phạm hay tống tiền người khác. Hơn nữa, chính “ngôn ngữ mạng” cũng đang làm ngôn ngữ Tiếng Việt đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
“Ngôn ngữ mạng” đúng thực sự là “một phần tất yếu” của cuộc sống nên nó mặc nhiên được thừa nhận và vô tư sử dụng. “Ngôn ngữ mạng” tồn tại song song và có ảnh hưởng nhất định đến tiếng Việt chính thống. Người trẻ thích dùng “Ngôn ngữ mạng” vì nó mới lạ, giúp họ tương tác nhanh hơn, gọn hơn, tiết kiệm thời gian hơn.
Vì không chính thống nên nó có những đặc điểm hạn chế ít người dùng để ý, nhận ra nên việc sử dụng rộng rãi trên môi trường mạng đã vô hình trung lại góp phần phát triển nó.
1. Tính phổ biến: Khi có những từ hay khái niệm mới do ai đó tạo ra, sau đó mọi người đã sao chép lại và sử dụng theo thành trào lưu.
2. Mang đặc điểm của khẩu ngữ (ngôn ngữ nói): Vì là ngôn ngữ nói nên người ta thường “nghĩ sao, nói vậy”, “viết sao, đọc vậy”. Khi viết như vậy thì ngôn từ không chau chuốt, chữ không có dấu (viết cho nhanh hoặc quên mất cách chấm câu), ý xếp lộn xộn, không ngắt đoạn, không chấm câu và không viết hoa. Ngoài ra, do đặc điểm ngôn ngữ cá nhân mà người ta còn sử dụng nhiều từ đệm như “rằng, thì, mà, là …”, không có nghĩa từ vựng.
Do vậy, có những người viết một “status” (trạng thái) dài làm người đọc muốn đứt hơi vì không có chỗ dừng và phải “căng đầu” mới hiểu được những chữ không dấu, viết tắt và không viết hoa.
3. Đôi khi có thể gây khó hiểu: Có nhiều tiếng lóng, viết tắt tùy tiện của tiếng Việt và tiếng nước ngoài khiến cho người đầu tiên tiếp xúc không hiểu được.
4. Làm cho người Việt dần “quên” tiếng Việt chuẩn: Việc quá quen sử dụng “ngôn ngữ mạng” sẽ dẫn đến nguy cơ quên mất tiếng Việt phổ thông, chuẩn mực, khi cần họ không thể hoặc gặp khó khăn khi viết được các văn bản dùng ngôn ngữ viết chuẩn mực.
5. Làm cho người Việt trở nên “xa lạ” với tiếng Việt chuẩn: Những người quá quen dùng “ngôn ngữ mạng” khi viết sẽ khó chấp nhận và không thích tiếng Việt chuẩn mực do người khác viết, họ sẽ thấy ngôn ngữ viết tiếng Việt chuẩn mực sẽ rất rời rạc, lủng củng và khó đọc vì không theo nguyên tắc “nghĩ sao, viết vậy” và “viết sao, đọc vậy”.
Tiếng Việt chúng ta càng ngày càng phát triển theo thời gian và sự tiếp xúc tất yếu với các ngôn ngữ và văn hóa khác trong không gian mạng. Những ảnh hưởng ngoại lai và nội tại của tiếng Việt chắc chắn không thể tránh khỏi nhưng cũng cần phải chọn lọc để tránh sự ảnh hưởng không có lợi của “ngôn ngữ mạng” cũng là góp phần bảo vệ và giữ gìn “sự trong sáng” của tiếng Việt của chung tất cả chúng ta.
*****
Để kết thúc bài viết này, thật thiếu sót nếu tôi không đề cập đến sự tham gia nhiệt tình của các tác giả cùng với những nỗ lực, sự vất vả và tâm huyết đáng ghi nhận ban biên tập cuốn sách “CHUYỆN LÀNG QUÊ” (tập 1) trong việc lựa chọn và sửa bài cho các thành viên nhóm.
Một đóng góp quan trọng khác đến từ họa sĩ trình bày, các biên tập viên của nhà xuất bản Hội nhà văn đã chung tay cho cuốn sách ra đời. Tất cả những người tham gia dự án sách này đã góp một phần không nhỏ trong việc giữ gìn và tôn vinh “sự trong sáng” của tiếng Việt.
Chuyện Làng Quê