Đối với người Huế, công việc thay cát bát nhang trên bàn thờ đón Tết Nguyên đán là một nghi thức quan trọng bậc nhất.
Qua miền đất cát bắt đầu từ thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) tôi theo ông Phan Văn Sang dẫn xuống thôn Viễn Trình ven đầm phá Tam Giang. Chao ôi trên đoạn đường dài 20 km, hai bên tôi thấy cát trắng mênh mang tạo thành những gò đồi chập chùng, trùng điệp. Con đường nhựa mới uốn lượn giữa những thôn xóm nấp sau những rặng phi lao xanh tươi. Mỗi mùa Xuân về những nơi ấy lại được nói đến giản dị là: vùng “cát trắng”…
Xưa những làng xóm đìu hiu xơ xác vì chiến tranh nay đã thay da đổi thịt. Nhà nhà mái ngói đỏ tươi, vườn tược xanh tốt, đường sá sạch sẽ, nói lên sự trù phú của thời hòa bình. Ông Phan Văn Dũng, phó Chủ tịch xã Phú Xuân kể: “Vùng đất này bao phen lận đận với công việc chuyển đổi giống cây trồng. Vậy mà hơn 5 thế kỷ từ khi di dân từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào nơi đây có một thứ hàng hóa giá trị là “cát trắng bán tết”. Hôm nay chưa nói đến chuyện cát xuất khẩu “Titan”, chỉ nói chuyện cát khi mùa xuân về.
Người Huế nói đến Tết là nghĩ ngay cái việc lo cho Tổ tiên. Do đó giàu hay nghèo, dư dật hay túng thiếu, nhà nhà đều lo cái việc gọi là “việc trên đầu, trên cổ” - trang hoàng bàn thờ gia tiên. Nào là xông trầm và thắp ba nén nhang để khấn vái tổ tiên: xin đem tất cả bát nhang ra thay cát mới.
Anh Trần Văn Huề - trưởng thôn Thuỷ Diện cho biết: cát này không phải là cát thường thấy ngoài bãi biển ta đi du lịch. Cát phải mịn như bột mì của Pháp của Canada. Bốc một nhúm đặt lên lòng bàn tay thổi nhẹ nhìn thấy sạch boong không có bụi bẩn. Đưa lên mũi ngửi không có mùi vị gì cả. Theo anh Trần Đoàn, 68 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã kể rằng: “Cát trắng thì chỗ mô không có. Nhưng chỉ dùng thứ cát siêu mịn. Đặc biệt là trải qua công đoạn sàng lọc nên thứ cát này không còn cái chất mặn mòi như cát trắng tự nhiên.
Tôi thả hồn theo câu chuyện đi lấy cát của ông Nguyễn Văn Thể, trưởng thôn Xuân Ổ cho biết: “đầu tháng Chạp người ta bắt đầu đi lấy cát trên “độn” (tiếng địa phương gọi đồi cát). Họ đi rất xa để chọn những độn cát không có trâu bò, tốt nhất là ra vùng ven đầm phá không có dấu chân người. Tất nhiên đi xa thì vất vả, chuyên chở rất khó khăn, nhưng phải như vậy mới tìm được thứ cát tốt”. Mỗi ngày gia đình đến 3-4 lao động đi lấy cát cũng chỉ được 2 chuyến, 4 vòng x 3km, 12 km!
Bình quân khoảng 3 tạ cát đem về đổ vào thùng phuy lớn và đổ nước lã đến miệng thùng (thay nước 2-3 lượt). Ngâm như thế 3 ngày để tất cả bụi bặm, chất dơ bẩn lắng đọng xuống đáy. Sau đó lấy vải mùng lọc lại 2-3 lần. Sau đó trải những tấm nylon ra sân gạch thoáng để phơi nắng trong 1 tuần. Khi nào bốc một nhúm cát bỏ trên lòng bàn tay thổi nhẹ mà cát bay đi hết là đạt yêu cầu. Theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, hội trưởng hội Phụ nữ cho biết: “Tất cả số cát tinh sạch được bỏ vào bao bịt kín rồi chở lần lượt bằng xe máy lên gửi các chợ “đầu mối” như Phú Hậu, Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, Bến Ngự, Vỹ Dạ, Bao Vinh, Thuận An..Từ ngày rằm tháng Chạp bắt đầu bán dần dần. Ở Huế cát trắng đong bán bằng lon “sữa bò” như bán gạo. Giá 3 lon cát 10.000 đồng.
Theo sách “Đại Nam Hội Điển Sự Lệ” trong cung đình nhà Nguyễn công việc thay cát trắng đón Tết hết sức quan trọng. Tại các lăng tẩm, Thế miếu (thờ các vị Vua Chúa đã mất) việc này chỉ giao cho các hoàng tử trực tiếp đảm trách. Bởi vì việc “đụng chạm” đến bát nhang Vua Chúa rất quan trọng không thể cho người ngoài làm được. Xong việc, nhà vua sẽ trực tiếp đi kiểm tra các hương án. Chuyện kể có vị hoàng tử “văn hay chữ tốt” được vua yêu nhất đang lăm le ngôi Thái tử, chỉ vì thay cát bát nhang chưa sạch mà bị mất “ghế”. Công việc thay cát bát nhang đón tết Nguyên đán đã trở thành một lệ tục quan trọng của người Việt.