Chuyến đi núi nào cũng làm cho tôi rất phấn khích và háo hức chuẩn bị. Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, trong cái lạnh giá buốt, chúng tôi vẫn quyết cùng nhau du ngoạn đi lên núi. Tạm bỏ lại cái không khí tưng bừng sắm Tết, cái ồn ào của cư dân Hà Nội và sự nô nức hơi có vẻ xô bồ khi ra đường hay vào chợ, chen chúc toàn những người là người ngay giữa thủ đô làm người ta mệt mỏi. Rồi những mong được lên miền núi cao vài ngày để thưởng ngoạn và sáng tác. Biết đâu, ở nơi non cao ấy, sẽ có những thú vị đang chờ ta để tìm về với chính mình và tìm đến sự thanh vắng, sự cô đơn cần thiết cho sáng tạo.
Chuyến đi núi vui hơn khi tôi được đi cùng mấy nữ nhà thơ Việt Nam gạo cội với tên tuổi vang lừng lâu nay. Đó là các chị Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Việt Hằng, Đoàn Thị Ký và Nguyễn Thị Mai. Có duy nhất nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn là nam lạc trong nhóm thơ nữ của chúng tôi. Nhà thơ trẻ nhất đoàn là nàng Bảo Ngọc xinh tươi ở Báo TNTP. Nhìn nàng cứ ngỡ là cô Bảo Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng lạc về đây. Vui nữa là dịp này được đi thực tế cùng với các họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tên tuổi hội họa như họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Phạm Thị Ngọc Thanh mà cho tới hôm nay tôi mới được gặp. Họa sĩ, nhà thơ Lê Tiến Vượng thì là người em quý mến, đã dày công tổ chức và lo toan cho chuyến đi của chúng tôi.
Ấn tượng về một chuyến đi thực tế khá thú vị của đoàn văn nghệ sĩ thủ đô khi điền dã tới bốn trăm cây số đường núi để lên thăm những bản làng người Tày đẹp như tranh vẽ còn đọng mãi trong tôi. Tôi đã cao hứng viết dăm bài thơ và vài tuỳ bút ngay trong và sau chuyến đi. Một nơi sơn thuỷ hữu tình với núi cao, hồ sâu thăm thẳm, nhưng cung đường xa tít tắp, lên tận miền núi cao huyện Nà Hang, sang huyện Lâm Bình, giáp liền địa phận Hà Giang. Đi chơi xa trong những ngày giáp Tết thế này thì chỉ có thể là đám văn nghệ sĩ thích trải nghiệm và yêu sáng tác thôi. Kể ra thì thú chơi nào cũng phải cần có yếu tố sức khỏe đầu tiên và sự hào hển tiếp sau hưởng ứng. Đi với ai và chơi cùng ai lại cũng là một thứ nhân duyên nghệ sĩ và lý do ấy nghe ra cũng đặc biệt lắm! Nghề chơi kể cũng lắm công phu. Các cụ nhà ta đã dạy rồi!
Sau những ngày dài phải chờ đợi lịch cho chuyến đi dài ngày vì đại dịch Covid đang quay lại và vẫn nguy cơ đang đe dọa, sau hai tháng chuẩn bị và hai lần tạm hoãn, hôm nay chuyến đi sáng tác của đoàn chúng tôi khi đến với vùng đất Na Hang - Lâm Bình - Tuyên Quang đã cập bến thành công. Một chuyến đi ấn tượng, rực rỡ hơn cả sự mong đợi! Chặng đường khá xa nhưng không ai thấy mệt mỏi vì quá vui. Các VNS sau khi đã hát hò kể chuyện tưng bừng, lại còn được đồng chí “cán bộ đường lối” rất tâm lý khi cho xuống xe chụp ảnh và check in vài nơi non nước hữu tình trên cung đường dài.
Thấp thoáng trên cánh rừng hai bên đường, những vạt lá xoan rừng đã ngả vàng. Bức tranh núi rừng sẽ tươi sáng và đẹp hơn khi có thêm sắc vàng rượi của xoan vào cuối đông. Bây giờ đã là cuối tháng chạp, sắp Tết Nhâm Dân. Rừng già vẫn thâm u biếc xanh, hồ thủy điện Lâm Bình mênh mang hiện ra, nước hồ xanh hơn với độ sâu thăm thẳm. Xe ô tô vút qua những nương đồi trồng đầy ngô khoai sắn. Cũng vẫn thơm thảo, nõn nà mà xanh. Một vùng quê hương bản Tày với nhấp nhô ruộng bậc thang và thấp thoáng nhà sàn. Nơi có núi cao, suối sâu và bốn mùa mây trắng thong dong bay lượn.
Cung đường tuy xa tít tận Nà Hang, rồi sang tới huyện Lâm Bình, nhưng là một nơi với nhiều thắng cảnh non nước hữu tình, một vùng núi cao đẹp đẽ và kỳ vĩ đang nổi tiếng ở Tuyên Quang. Lại được xem các họa sĩ vẽ, được xem gái Tày hát sli, hát then, hát lượn, được nghe các nhà thơ tên tuổi đọc thơ, được cùng các văn nghệ sĩ sống vui vầy trong những bản làng người Tày. Niềm vui ấy dễ đâu có được? Chúng tôi tạm xa nơi phố phường chật chội, cùng lên núi để thưởng ngoạn, nghe sương rơi và nghe gió hát. Thử hỏi cuộc đời hữu hạn ngắn ngủi này, khi dám bỏ qua những tham lam, bon chen để tìm về sự thuần khiết hiếm hoi với núi rừng khi vẫn còn thú rong chơi, ham vui cùng “giang hồ vặt” thì cuộc đời còn gì thú vị hơn lúc này?
Nơi này, đang mùa đông, núi cao thật giá lạnh, không gian núi đồi quanh co, trập trùng, đang mờ mịt hơi sương. Màn sương trắng đang là là bay trên những dải núi cao. Sương như lớp áo mỏng đang choàng lên vai núi. Sương sà xuống vui chơi và lang thang rong ruổi không chán khi phủ dày màu trắng đục lên khắp núi đồi và bản làng. Vẻ mơ màng của miền sơn cước đẹp như bức tranh thủy mặc. Dưới kia là mờ mờ hình ảnh một thung lũng chạy dài và hồ nước trong veo vẫn bình yên say ngủ. Các văn nghệ sĩ vội xuống xe, đứng trên cao nhìn xuống, xuýt xoa, ngắm nhìn và vội giơ máy lên check in vài tấm hình đẹp.
Vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết của bản làng người Tày đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Bốn bề là núi bao quanh, núi ôm ấp ruộng đồng, thung lũng ở giữa. Những ngọn núi ở đây rất lạ bởi muôn
hình dáng khác lạ và màu sắc từng mảng xanh trắng của núi đá vôi. Vẻ quyến rũ của miền sơn cước luôn thôi thúc những bước chân đến với rừng già và sương giá cùng núi non. Dưới thung, lác đác màu hoa cải vàng. Cái màu hoa luôn gợi nhớ gợi thương. Những cánh ruộng đã gặt còn trơ lại gốc rạ thơm.
Mùi đất đai quện lẫn với mùi phân trâu bò dâng lên ngai ngái. Xa xa là mấy đống lửa đang dâng ngọn khói xanh, khói bay ngoằn ngoèo trên lòng thung như một dấu hỏi lớn. Nơi đây, liệu những cánh đồng mang vẻ đẹp sơ khai và sự trù phú len lỏi quanh vẻ đẹp của những ngọn núi xanh kia có thể phát triển du lịch Homestay vững bền hay không? Núi ôm ấp bao quanh bản làng với muôn dáng hình kỳ thú. Khung cảnh đồi núi, ruộng vườn, trâu bò, rừng xanh, hoa lá cỏ cây đang đua nở. Có lẽ thứ gì tôi nhìn thấy ở đây cũng gần gụi và bình yên, nó nhắc nhớ về tuổi thơ của tôi ở miền biên viễn xa xôi của mình ngày thơ bé. Sự hiền hoà, cảm giác thân thương đang quay về tuổi thơ của tôi thật đẹp đẽ.
Bạn nhắn tin hỏi chuyến đi du ngoạn quanh lòng hồ Lâm Bình thế nào? Oh, xin thưa là tuyệt văn vời, nhưng không chỉ là riêng quanh lòng Hồ đâu nhé! Biết bao nhiêu thứ đẹp đẽ và ấn tượng khác nữa. Rồi tôi sẽ kể lại dần và viết dần dần sau khi mọi cảm xúc đã đủ thời gian lắng lại. Thời tiết đẹp tuyệt luôn. Cả vùng hồ thủy điện Lâm Bình cứ trong veo và biếc xanh! Xanh như mắt ai đó thì xin mời bạn tự tưởng tượng! Bản làng với nhà sàn trong thung sâu lại còn đẹp hơn nữa. Ngắm núi non thì cứ là tuyệt vời, thì đúng như người ta ngắm gái đẹp xứ Tuyên đấy. Bởi núi ở đây khác lắm, cứ nhấp nhô xanh, mơ màng xanh và tĩnh lặng mà xanh! Những ngọn núi nhòn nhọn, nhưng rất hiền, vờn quanh là tầng tầng mây trắng. Ngắm nhà sàn cũng thú vị lắm, rồi ngắm các cô gái bản múa xòe đêm qua và cánh đồng làng đẹp như tranh vẽ sáng nay!
Ẩm thực Lâm Bình cực ngon. Rau lá cá măng đủ cả. Món ăn nơi đây thì phải nói là quá ngon. Bạn đón tiếp lại trọng thị, lại còn phải mở ngoặc thêm là toàn các “chủ nhà” đẹp giai, vui tính, uống tưng bừng, uống nồng hậu! Tóm gọn váy lại nói vài câu như thế thôi, để cho ai đó mà chưa đến Lâm Bình thì sẽ tha hồ mà tiếc nuối và giàu thêm trí tưởng tượng! He he!
Thật cảm động trong suốt chuyến đi, chúng tôi được gặp gỡ trò chuyện cùng các cán bộ địa phương, những anh chị em tuổi còn trẻ mà suy nghĩ và hành động thật đáng trọng nể. Vui hơn, trong suốt chuyến đi, chúng tôi được gần gũi các họa sĩ tên tuổi từ lâu nay như chị Nguyệt Nga, chị Phạm Thị Ngọc Thanh. Các chị dù tuổi đã tám mươi nhưng vẫn đi lại nhanh nhẹn và vẽ tranh khá say mê, lại còn thao tác chụp ảnh cho bạn bè cũng đầy diệu nghệ kiểu cách tạo dáng như thanh niên! Các nghệ sĩ trẻ hơn thì vui tươi, ngồi vẽ tranh xuyên đêm, hát hò cũng rất hay. Họa sĩ Công Mỹ đẹp trai luôn chụp được nhiều bức hình khá độc đáo. Trên xe suốt chặng đường dài, chúng tôi đã được nghe anh kể bao nhiêu là chuyện hay về vùng đất Tuyên Quang, nơi quê hương anh từng gắn bó nhiều năm tuổi trẻ. Có cả những chuyện tình ở xứ “chè Thái gái Tuyên” nghe mà cười ra nước mắt. Cuộc đời của người họa sĩ tài năng mà suốt một thời trai trẻ sống ở Tuyên Quang.
Chất nghệ sĩ đầy mình phải kể đến nhà điêu khắc nổi tiếng Quang Râu với trang phục “mặc định” là quần hoa nhiều túi. Nhìn anh bước đi là thấy niềm vui tự do, tay chân vung vẩy. Thung sâu Nà Liềm, Nà Đông chợt sáng lên khi có cả rừng hoa sắc màu đang rùng rùng chuyển động. Ngay cả đám hoa dại tím trắng ven đường phấp phới kia cũng muốn vừa nở vừa bay theo nhịp bước chân anh. He he!
Trong tiết trời giá lạnh trong những ngày giáp Tết như thế này, chợt thèm và thêm quý giá những phút giây cùng bạn bè được quay quần bên ánh lửa hồng đêm đông. Được trải nghiệm và thưởng ngoạn những đêm trên lưng núi và lắng nghe tiếng sương rơi lộp độp trên mái tranh của những căn nhà sàn. Những ngôi nhà sàn mái tranh của người dân bản địa thường được làm dựa lưng vào núi và nhìn ra cánh đồng. Đêm đông lạnh, tôi nằm nghe tiếng côn trùng nỉ non, đếm được từng nhịp sương rơi.
Núi non đẹp như tranh vẽ khi chạy bao quanh những nếp nhà sàn là có thật. Bức tranh tuyệt đẹp mẹ thiên nhiên dâng tặng con người là có thật. Giấc mơ núi ấy đang hiện hữu ở chính nơi đây, phong cảnh mây núi, ruộng nương nhìn thật nên thơ! Niềm vui của cả đoàn bỗng reo vui, vỡ òa như trẻ thơ! Có lẽ lâu lắm rồi các VNS chúng tôi mới được sống bên nhau vui vầy, sau hai năm đại dịch Covid kéo dài. Cảm giác rộn ràng và tươi trẻ khi người ta có dịp nhớ lại cuộc sống tập thể thời xa xưa như những ngày chúng tôi còn là sinh viên. Nà Đông và Nà Liềm. Nhà sàn và sương mù. Ruộng nương và trâu bò. Phụ nữ và trẻ em. Người già và thanh niên. Tất cả đều ấn tượng với đất và người ở đây. Những cái tên địa danh của Lâm Bình, nhất định tôi sẽ ghi nhớ trong lòng. Như chưa từng trải qua hai năm dài vì ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Niềm vui lớn là được ung dung tự tại đi dạo ngắm phong cảnh miền sơn cước. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn rất thích chụp ảnh. Chị em chúng tôi có cùng sở thích khá nhiều thứ và đặc biệt yêu phong cảnh núi rừng. Chúng tôi đã có nhiều thời gian cùng nhau dạo chơi lang thang suốt cả buổi sáng trên con đường mòn quanh co triền núi để đi vào bản. Những bức hình ghi nhanh lại cảnh khi chị vừa đi qua một ruộng ngô xanh mướt và thế là không thể hoãn sự sung sướng lại được, nhà thơ bỗng nhảy ào từ trên đường xuống luống ngô, bảo tôi: “Thảo ơi, mày chịu khó chụp cho chị cảnh này nhé!" Chỉ lo chị trượt chân thì nguy. Phục bà chị quá cơ. Gặp một chị nông dân đang cuốc ruộng gần đó, nữ nhà thơ yêu mến dừng lại hỏi han và lập tức mượn đạo cụ là chiếc cuốc. Chị đã kịp làm bà “nông dân” chỉ trong phút chốc. Đi tiếp đoạn nữa và rủ rỉ trò chuyện, chúng tôi lại ngắm nghía, lại chụp ảnh. Rồi lại bắt gặp một cảnh khác còn ngoạn mục hơn. Đó là khi nàng thơ thấy rặng núi non xinh đẹp đang liền kề trước mặt. Ánh bình minh đang chiếu rọi làm sắc hồng ban mai thêm lấp lánh trên đường viền rặng núi. Chị lại bảo tôi, em ơi, chụp tiếp nhé. Đẹp quá! Mà thú thật, cảnh nào ở nơi đây cũng rất đáng ghi nhớ chị ơi! Rồi chị cũng trong vai “nhiếp ảnh gia” khi căn chụp cho tôi khá nhiều bức hình đẹp trước phong cảnh thiên thai của bản làng.
Chúng tôi đã có những ngày cực kỳ ấn tượng ở nơi nhà sàn và những bản làng của người Tày ở Lâm Bình. Vui hơn khi được giao lưu gặp gỡ, ngủ nhà sàn cùng nhau, được quan sát cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin 4.0, dường như sức mạnh công nghệ ấy đã được phủ sóng rộng rãi khi Internet về tới tận các bản làng vùng sâu vùng xa. Thật tự hào khi được sống trong thời đại công nghệ thông tin và cảm nhận những niềm vui khi cánh sóng lan tỏa khắp nơi. Mạng Wifi đã hỗ trợ tốt mọi mặt đời sống xã hội khi mang niềm vui về tít tận nơi vùng sâu vùng xa như ở nơi đây.
Những ngày sau đó, mặc dù phải đi chuyển khá nhiều nhưng vẫn rất vui. Chúng tôi vui vì tận mắt được chứng kiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Thuỷ… khi đi đến thăm những bản, những thôn xã còn đang rất khó khăn, nhiều vất vả, thiếu thốn. Nơi đây, cuộc sống người dân chủ yếu là tự tăng gia sản xuất, họ phải ngày đêm bươn chải tự lao động trên nương, tự trồng lúa, chăm sóc vườn cây trái, cây ăn quả và chăn nuôi đàn gia súc được nuôi thả xung quanh nhà.
Thú vị hơn khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp bình dị, đơn sơ dưới các nếp nhà sàn. Chúng tôi vừa bắt gặp các chị phụ nữ Tày sáng nay, những người đàn bà dẫu tuổi cao nhưng nhìn dáng dấp vẫn đi lại khá nhanh nhẹn, uyển chuyển. Họ vừa gọi chị ơi, chị ơi khi nhận ra chúng tôi bởi vừa mới ngày hôm qua họ đã đến nơi nhà sàn chúng tôi ở để trình diễn hát then và làm “người mẫu “cho các họa sĩ trong đoàn vẽ ký họa tranh chân dung.
Trên đường vào nhiều bản, chúng tôi bắt gặp khá nhiều cảnh đẹp thanh bình, trâu bò, đàn lợn gà, vịt ngan... chúng đang tung tăng đi trên đường. Gặp một bác đang dắt đàn trâu đi chăn, tôi chào bác và xin được chụp một bức hình. Bác tươi cười cho trâu dừng lại và vui vẻ nói với chúng tôi vài câu lơ lớ đầy thân thiện. Những nét đẹp bình dị của đời sống người dân lao động và nét đẹp sinh hoạt nơi bản làng đồng bào các dân tộc thật đáng được văn chương ngợi ca!
Đến với Lâm Bình, đoàn chúng tôi ai ai cũng vui, đặc biệt các nhà thơ thấy như mình trẻ ra vài tuổi. Được vui, lại được cùng nhau chia sẻ những sáng tác mới tinh còn chưa ráo mực. Chúng tôi được ăn nhiều món ngon, lạ miệng với những món ăn của núi rừng với đặc sản gà vịt ngan ngỗng chạy bộ và món cá sông Gâm nướng lên thơm lừng! Tôi thích ngắm món xôi ngũ sắc được gói trong tàu lá chuối xanh. Khi mở ra, xôi ngũ sắc nở xòe như những cánh hoa rực rỡ. Và đặc biệt khoản rau xanh ở đây khá tươi ngọt và rất sạch vì chúng vừa được các mế nội trợ hái về từ trước vườn nhà.
Bây giờ tôi đã trở về Hà Nội. Lúc này tôi đang ngồi trong nhà viết bài và nhớ núi da diết. Hãy cùng nhau lên núi ngắm mây bạn ơi! Hãy đi về phía núi để thêm yêu những cánh rừng. Núi cao mãi làm phên dậu vững chắc để che chắn biên cương và bản làng. Miền núi cao luôn ngàn đời bí ẩn và vẫy gọi những mong ước khám phá. Núi luôn cao đấy nhưng suốt đời vẫn biết cúi đầu, núi thích khiêm nhường và lặng lẽ hơn là những ồn ào, sáo rỗng. Làm sao để người ta những mong được bước chân lên với núi? Bỗng thấy núi kia vẫn đứng đó, kiên nhẫn, bền bỉ, đứng im lặng suốt ngàn đời và không ngại che chắn bão giông từ bốn phía. Bỗng nhận ra núi kia tưởng cao xanh thế mà gần gũi vô chừng! Phải rồi! Người yêu núi! Núi càng yêu người, núi sẽ không xa lạ, không cao vời, sẽ không bao giờ xa cách, ngay cả trong ý nghĩ.
Tháng 01/2022