Ngược theo trang sách Nam Cao

Hà Kim Quy

16/03/2023 17:01

Theo dõi trên

Nếu không có Nam Cao, liệu Chí Phèo và Thị Nở hay Bá Kiến nổi tiếng một thời làng Vũ Đại ngày ấy có còn được người đời biết đến như ngày nay? Một ông Giáo Thứ nghèo với Lão Hạc lấy đi nước mắt của bao người. Chỉ là Cậu Vàng – một con chó của Lão Hạc nặng lòng, trung thành với chủ cũng làm ta đau đớn, xót xa. Về lại nơi phát tích của những trang văn, trang đời lòng không khỏi rưng rưng nhớ đến nhà văn.

nam-cao-1678960859.jfif
 

Cách nhau chỉ một dòng sông

Cớ sao lại phải đi vòng cho xa?

 

          Một chiều xuân, đang ở quê nội, các con bảo:

          - Mẹ ơi, đi thăm nhà tưởng niệm Nam Cao và nhà Bá Kiến đi, mẹ!

          Tôi mừng vì bọn trẻ thích đến nơi này nên đồng ý ngay.

          Theo đường chim bay, từ Mỹ Hà quê nội các con sang làng Vũ Đại hay Đại Hoàng xưa không xa, nhưng vì cách dòng sông Châu nên phải vòng qua cầu Nhân Hậu nối từ Mỹ Thắng, Nam Định sang Hòa Hậu, Lý Nhân là quê hương của nhà văn Nam Cao.

          Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri (có nguồn ghi Trần Hữu Trí). Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (Nay là xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh Nam Cao. Nhà văn, liệt sỹ Nam Cao đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

          Đất Đại Hoàng xưa còn đây mà người trong những trang văn Nam Cao đã ở nơi nào trên chín tầng mây bồng bềnh vô ưu kia? Tôi đi trên con đường làng Vũ Đại mà hồn như lạc vào trong trang sách của Nam Cao ngày ấy. Nét thuần Việt  của vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ vẫn được lưu giữ. Vườn chuối vẫn xanh um, chuối ngự Đại Hoàng tiến vua ngon nức tiếng tươi tốt, thân mảnh dẻ bao đời nay vẫn ngự trị mảnh đất này. Trong tiếng thoi lách cách của những xưởng dệt mà tưởng như lạc vào thế giới của ngày xưa, thời mà Nam Cao đưa Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở... vào trong trang sách. Chỉ khác là, con đường quốc lộ rộng rãi, phong quang. Hai bên đường, những ngôi nhà đồ sộ, bề thế, hiện đại của các gia đình, của các công ty dệt mọc lên san sát ...

           Đi vào trong làng, vẫn còn nhiều ngôi nhà xây giản dị thấp thoáng dưới những vòm nhãn. Lọt thỏm giữa vườn chuối, táo, nhãn là “ngôi nhà cổ của Bá Kiến” . Gọi là “ngôi nhà của Bá Kiến” vì chủ nhân của ngôi nhà  là nghị viên Bắc kỳ Bá Bính được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm văn học “ Chí Phèo” nổi tiếng.

          Ngôi nhà xưa hoành tráng nay chỉ còn lại ba gian nhà nhỏ nhưng nó vẫn mang hơi thở phập phồng, đại diện cho hồn cốt của cả một thời đại phong kiến. Ngôi nhà lợp ngói ta theo kiểu bít đốc vẫn còn nguyên đó, trầm mặc, rêu phong, bền bỉ qua những kiếp đời. Dường như mọi thứ còn nguyên vẹn, từ bộ bàn ghế  tràng kỷ đến cột kèo, bậu cửa, chiếc giường gỗ lim... đều đã lên màu cũ kỹ. Cả những tấm liếp ngoài đầu hè cũng đã phong rêu. Hơn một thế kỷ, mấy đời người, nó bền bỉ gắn bó với mảnh đất này khi những nhân vật từ người nghèo cùng đinh bơ vơ không cha không mẹ cất tiếng khóc chào đời nơi lò gạch bỏ hoang đến ông quan uy quyền, giàu có thét ra lửa một thời chẳng rủ nhau mà đều về nơi thiên cổ.

          Theo tài liệu ghi chép lại, ngôi nhà Bá Kiến được xây vào năm 1904 trên khu đất rộng khoảng 900m2. Tính đến thời điểm nhà nước quản lý (năm 2007),

ngôi nhà này đã qua 7 đời chủ. Người khởi dựng ngôi nhà là cụ Cựu Hanh, một người lái buôn giàu có vùng đồng bằng sông Hồng thời bấy giờ. Để làm nên ngôi nhà, cụ phải thuê 20 thợ mộc giỏi nhất phủ Lý Nhân xưa và làm ròng rã trong một năm trời. Cụ qua đời, để lại ngôi nhà cho con trai là Trần Duy Xầm, sau đó cụ Xầm để lại cho con là Cựu Cát. Là người chơi bời, rượu chè nên Cựu Cát nhiều lần vay tiền nghị viên Bắc kỳ Bá Bính. Ngôi nhà này được Bá Bính mua lại để làm nhà thờ. Bá Bính tên thật là Trần Duy Bính ( mất năm 1946) . Bá Bính mất đi, để lại ngôi nhà cho con trai là Trần Duy Tảo hay còn gọ là Binh Tảo. Sau này, Binh Tảo bán cho cụ Cai Hậu với giá 4.500 đồng (khoảng 20 cây vàng thời đó). Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm – vợ ông Hòa để mua lại ngôi nhà thành nơi lưu niệm. Khung nhà bằng gỗ lim, 3 gian gồm 4 hàng cột với 16 cây cột lim chân kê đá tảng.

          Trở về với tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, khi mà nhà ông giáo Thứ trong tác phẩm Sống mòn còn đang trăn trở “Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả ước mong, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mòn mỏi tài năng trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho khỏi chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?”. Khi nhà bà cô Thị Nở còn nghèo kiệt, gã Chí lúc tỉnh táo sau cơn say rượu triền miên còn đang dang dở giấc mơ “...ao ước có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”; khi Lão Hạc sau một trận ốm kiệt quệ, không đủ sức để nuôi bản thân huống chi là nuôi thêm con chó thì quả là nhà Bá Kiến quá giàu. Mỗi cái cột, kèo lim, cầu phong, li tô ... giá trị của nó quy ra tiền thời đó có thể cứu rỗi một cuộc đời khỏi cơn đói triền miên, dai dẳng. Nhưng chúng lại mang một sứ mệnh khác, một giá trị khác là làm chứng tích cho thời đại phong kiến ở làng quê nghèo khó này.

          Gió vẫn thổi rì rào trên những vườn cây. Gió bây giờ có khác gió ngày xưa khi thổi vào vườn chuối? Ngày nắng xuân nhẹ nhàng như lụa hứa hẹn một đêm rằm tháng Giêng trăng sáng một vườn thơ. Tôi tự hỏi Trăng đêm nay có còn "giãy đành đạch" trên tàu lá chuối nơi mom sông, đầu bãi như thuở nào trong trang viết Người xưa?

          Làng Đại Hoàng vẫn còn đây,  một ngày Rằm tháng Giêng có vẻ nhộn nhịp hơn những ngày khác. Thoảng trong gió, mùi hương cá kho truyền thống  nức tiếng của làng bay lên từ những bếp củi thơm mùi trấu rấm. Chợ chiều vẫn dìu dặt bán mua. Hoa trái của vườn quê tươi ngon, thơm thảo đang dâng hương  khắp một vùng triền bãi. Những nụ cười chân chất, thiện lương, mộc mạc, hồn hậu nghiêng nghiêng trong vành nón lưu luyến người qua. Gần một thế kỷ qua đi, bao nhiêu lớp người đã trở về với đất, lớp lớp cháu con hậu sinh lại nối tiếp cha ông dựng xây mảnh đất này. Hòa Hậu (Đại Hoàng) vẫn là vùng quê bên dòng Châu Giang êm đềm nhưng nhịp sống thì hối hả. Những công ty dệt may cùng với máy móc hiện đại đang ngày ngày sản xuất ra những sản phẩm khăn mặt, vải vóc cung cấp trong nước và ngoài nước. Công nhân chẳng ở đâu xa, là những người con của quê hương vốn quen với ruộng vườn, giờ thêm nghề dệt vải. Tiếng thoi dệt ngày xưa giờ đã thay bằng tiếng máy. Nhà nhà đều dệt vải. Hiếm hoi lắm, tôi mới thấy một cụ già đang quay sợi. Cái xa quay sợi không biết nó đã cùng cụ quay bao nhiêu vòng thời gian và góp phần làm nên bao nhiêu tấm vải? Chỉ biết rằng, nó càng cũ kỹ đen đúa đi bao nhiêu thì mái tóc của cụ càng bạc trắng bấy nhiêu. Như vậy là nghề dệt truyền thống ngày xưa chí ít vẫn còn đây!

          Nếu không có Nam Cao, liệu Chí Phèo và Thị Nở hay Bá Kiến nổi tiếng một thời làng Vũ Đại ngày ấy có còn được người đời biết đến như ngày nay? Một ông Giáo Thứ nghèo với Lão Hạc lấy đi nước mắt của bao người. Chỉ là Cậu Vàng – một con chó của Lão Hạc nặng lòng, trung thành với chủ cũng làm ta đau đớn, xót xa. Về lại nơi phát tích của những trang văn, trang đời lòng không khỏi rưng rưng nhớ đến nhà văn.

          Cách ngôi nhà Bá Kiến không xa, ngay bên đường quốc lộ,  khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ  Nam Cao nằm ngay nơi quê hương ông, trong khuôn viên thoáng mát, rộng 5.460m2 bao gồm lăng mộ, Nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước. Năm 2001,  Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao được xây dựng, đến năm 2004 thì hoàn thành. Và đến năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của nhà văn, các hiện vật trong Nhà tưởng niệm được sắp đặt lại theo 4 mảng gồm: Quê hương và gia đình nhà văn Nam Cao; Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao; Tìm lại Nam Cao và Những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao. Đến nay, khu tưởng niệm được tôn tạo khang trang, sạch đẹp, bề thế hơn.

           Tại nơi đây, tôi gặp người coi giữ khu tưởng niệm, bác Trần Văn Vịnh. Một người đàn ông gầy gò, còn vương những nét lam lũ, khắc khổ tưởng như không liên quan gì đến văn chương. Nhưng với tình yêu văn chương, ông đã cuốn hút người đến thăm bằng những lời dẫn dắt mộc mạc, người nghe như được sống lại với những nhân vật trong trang sách của nhà văn Nam Cao, tưởng như Chí Phèo, Thị Nở, giáo Thứ , Lão Hạc... là những người con được sinh ra từ làng Vũ Đại. Ta như thấy hiện lên những cuộc đời với những số phận khác nhau, hiện thực xã hội  nơi làng quê tác giả những năm trước Cách mạng tháng Tám, thời đại với những rường mối phong kiến trói buộc con người. Đó là những cuộc đời với những cái chết: cái chết no của bà cái Đĩ, cái chết trong quằn quại vì ăn bả chó của Lão Hạc, cái chết vật vã, giữa tỉnh và say của Chí Phèo và hai cha con nhà Thiên Lôi... Những cái chết vì bần cùng hoặc khùng điên. Và cả về sự sống trong Sống mòn, nó là cái chết mòn, “cái chết ngay trong lúc sống”.  Những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn gần gụi, như đã sống trong tâm thức của dân làng. Điều đó làm nên sự bất hủ của tác phẩm và làm nên tên tuổi của nhà văn Nam Cao.

          Những câu văn trích trong tác phẩm  Đời thừa của nhà văn được khắc trên tấm bia trước mộ làm tôi suy ngẫm mãi: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có.”

          Trong nắng chiều mùa xuân hắt nhẹ trên hồ nước, những cơn gió lao xao trong khu vườn xanh tốt, trong làn khói hương trầm vấn vương, tôi và các con thành kính tưởng nhớ nhà văn, người đã đi xa 70 năm nhưng những tài sản ông để lại thật vô giá, trường tồn trong lòng người dân quê ông, trong lòng người yêu văn chương muôn đời. Dòng sông Châu vẫn vọng tiếng chèo khua, tưởng như người xưa đi chợ về đang mải tay chèo. Tạm biệt làng Vũ Đại, mùi hương bưởi, hương cau quấn quýt như muốn níu chân người.   

 

 Nam Định, 22/02/2022  - HKQ

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngược theo trang sách Nam Cao" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn