Người đàn bà không biết khóc (Kỳ 1)

Sắp đến rồi, ngày, của cả một nửa thế gian. Nửa thế gian lặng thầm chịu đựng nhiều nhất, hi sinh nhiều nhất. Xin được gửi một bài đã viết, về thân phận của một người đàn bà trong lớp người đã góp máu xương làm nên cuộc sống hôm nay.

Ngày xưa, lâu lắm rồi, có đọc Tư Mã Thiên. Thấy nói, Lã Hậu vợ vua Hán Cao tổ là một người đàn bà không biết khóc. Tự nghĩ, lại bốc phét. Vì xưa nay, khóc lóc gần như đã đương nhiên được coi là là thuộc tính của đàn bà. Sau lớn lên, mới biết không phải vậy. Mới biết, phụ nữ Việt Nam mình nhiều người không khóc lắm. Riêng tôi, trong đời tôi đã gặp ít nhất hai người như thế.

Người đàn bà không biết khóc đầu tiên tôi biết chính là mẹ. Cho đến tận khi mẹ mất đi, tôi chưa bao giờ thực sự thấy mẹ khóc. Theo trí nhớ của tôi, khi tôi còn nhỏ xíu, mẹ bụng mang dạ chửa, cùng hai con bé tí, lếch thếch dắt nhau qua một cái hang xuyên núi, vừa tối vừa dài. Thấy dường như chuyện đó chả làm mẹ bận tâm.

nguoi-dan-ba-1646778723.jpg
Ảnh Mẹ và bà nội của tác giả

Rồi sau này, qua bao nhiêu vất vả, cực nhọc và thậm chí cả bất công, cũng không thấy mẹ khóc. Một lần, nghe bố nói người ta không cho mẹ vào đại học Y dù điểm thi cao ngất, chỉ với một lí do, phải nói là quái lạ: Mẹ là một kĩ thuật viên siêu hạng, là một trong ba “bàn tay vàng” của đại học Y Hà Nội. Chuyển công tác thì phí quá!

Sau mới hay, cái lí do đích thực đâu phải thế, mà hình như vì mẹ “không thuộc thành phần cơ bản.” Ngay như bố, nếu không là huyện ủy viên từ lâu, trước khi đến trường Y, thì có lẽ người ta, những người hãnh tiến vì thành phần bần cố ấy, cũng không thèm cho vào Đảng. Cũng vì cái lí ấy. Tôi vẫn nhớ, lúc đó đâu như mẹ chỉ ngẩn ra. Môi hơi bậm lại. Chẳng nói gì.

Một lần khác, đó là khi mẹ mới về lại Hà Nội, để sinh chú út. Ông em Hải Bằng nhà tôi, bây giờ đã gần năm mươi tuổi rồi. Chợt có chú lái xe của trường từ Thái Nguyên về, cho biết, nơi sơ tán có chuyện. Gió to làm gẫy cành khế to đến một người ôm bên nhà, rơi trúng nóc căn nhà bằng tre nứa, mẹ con tự dựng. Khiến nhà đổ theo. Đổ sập tan tành. Đồ đạc mất hết. Lần đó mẹ cũng không nói. Hình như mắt chỉ mở hơi to hơn một chút.

Ông ngoại tôi có vợ kế, người Pháp. Ông bà đã phiêu dạt sang châu Phi. Các cậu em, con bà cũng sinh sống ở đó. Ông mất lâu rồi, mà bà Tây vẫn quý, vẫn yêu đất Việt quê chồng. Nhà có cửa hàng ăn, khá đàng hoàng, tên đâu như là Rồng Vàng. Sứ quán ta thường đến và được bà giúp đỡ nhiều. Gặp mặt, lễ kỉ niệm đều tổ chức ở đó. Bà thường hỏi tin gia đình bên chồng ở Việt Nam. Mà không được.

Mãi đến khi về nước, một ông từng ở sứ quán nước ấy, đâu như là Công Gô, mới dám tìm đến mẹ, song chỉ gặp bố, kể nguồn cơn. Còn bố, mãi sau mới dám nói lại. Không hiểu sao hồi đó người ta hay sợ thế. Sau mới biết, có người nhà ở nước ngoài, lại là một nước tư bản, là một chi tiết rất cấm kị. Đương nhiên bị “tổ chức” đặt dấu hỏi. Biết chuyện, mẹ không nói, cũng không biểu lộ gì.

Song, việc mẹ quyết định đi chuyên gia ở Algierie, một nước Bắc Phi, thì có lẽ một trong những căn nguyên là để có thể tìm người thân trên mảnh đất châu Phi xa xôi và xa lạ ấy. Việc không thành.

Mới một năm, đã nghe tin mẹ ốm. Ốm nặng. Ung thư. Rồi mẹ không về Việt Nam, mà đi phép sang Đức để mổ. Đâu như, cũng là để bố sang đó, rồi thay mẹ làm chuyên gia. Dường như để còn có cơ tiếp tục tìm. Song, bố đã không đi, chắc không hiểu. Nghe kể lại, cái lí là, “Ai lại làm phu quân đi theo tiêu chuẩn vợ.”

Thực ra, rất có thể cái khiến bố bận tâm, cái bố cho là quan trọng nhất lúc bấy giờ lại chính là sức khỏe và sinh mạng của người bạn đời, người đầu gối tay ấp.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

to quoc an

to quoc an

09:36 09/03/2022

Trong cuộc sống có những mảnh đời mà khi đọc câu chuyện này thấy như thấy có mình trong đó . Công bằng cho tất cả là 1 điều ko tưởng .