Cuộc sống hiện đại trôi nhanh khiến con người ta bị cuốn theo những nhịp điệu vội vã. Một khoảnh khắc lắng lại là cách ta ghi nhớ, in sâu những ký ức đẹp và giữ nhịp đều đặn cho chiếc bánh xe cuộc đời. Trong không gian buổi họp báo ra mắt Musical Show “Chuyện phố thời bao cấp” tại Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi đã trò chuyện với nhau về những câu chuyện Hà Nội phố những năm 80 thông qua cách kể bằng ngôn ngữ âm nhạc…
Vòng quay âm nhạc
Cùng đợi nhau gánh nước, xếp hàng; gạo, bo bo cùng những tờ tem phiếu; theo âm thanh của tiếng tàu điện, chúng tôi đã trở về những tháng ngày ấy… Đó là những tháng ngày của thập niên 80, trong một con phố nhỏ, tại một gia đình nhỏ “tứ đại đồng đường” sinh sống, mỗi con người, mỗi thế hệ một cá tính, một góc nhìn riêng cũng như những cách thưởng thức âm nhạc, thưởng thức cuộc sống khác nhau. Những mâu thuẫn từ đó mà nảy sinh, xuất hiện trong những tình huống hết sức vui nhộn, hài hước. Nhưng sau cùng, mẫu thuẫn nào cũng đều được hàn gắn bằng âm nhạc. Chính âm nhạc như một liều thuốc, liệu pháp chữa lành, hàn gắn và hoá giải mọi khúc mắc, ranh giới, mâu thuẫn trong xã hội.
Chia sẻ về lý do lựa chọn bối cảnh thập niên 80 để xây dựng “Chuyện phố thời bao cấp”, NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Trải qua mấy thập niên, có những thời kỳ chúng ta rất nghèo, chúng ta có nhiều điều suy nghĩ trong thời khốn khó ấy. Ngày hôm nay, cuộc sống trôi rất nhanh, mọi người đều rất vội vã. Những điều gì đọng lại của ngày hôm nay đôi khi cũng quá nhanh, như cái cách chúng ta cầm điện thoại lên để xem những nội dung ngắn trong một vài phút. “Chuyện phố thời bao cấp” là một cách tôi kể lại những câu chuyện đã cũ nhưng nó mang theo bao khát vọng, để chúng ta cùng nhau sống “chậm” lại. Thời điểm bấy giờ, con người ta đối diện cả với cái cũ và cái mới thì văn hoá, văn nghệ, âm nhạc cũng như nghệ thuật biểu diễn đã để lại những dấu ấn rất quan trọng.”
Thưở 80 - Đói cái ăn chứ không đói âm nhạc
Thời bao cấp của Hà Nội gắn với rất nhiều câu chuyện đẹp đẽ trong ký ức mỗi người. Đây cũng là thời kỳ hết sức đặc biệt, bởi nó mang theo bao khát vọng, hoài niệm; là những chiến sĩ nay đã sống trong thời bình, chống lại cái đói nhưng vẫn rưng rưng nhớ về đồng đội, nhớ về thời chiến. Đặc biệt bởi đây cũng là thời kỳ giao thoa, manh nha của sự đổi mới. Có thể nói, thời điểm những năm 1980 - 1985 là đỉnh điểm đói kém của dân tộc ta. Ngày bấy giờ nếu không kịp thời đổi mới, đất nước sẽ bước vào con đường diệt vong.
Thời kỳ đó, chúng ta đón nhận rất nhiều sự du nhập của các thể loại âm nhạc đến từ phương Tây và miền Nam ra. Hầu hết các nhạc sĩ, nhạc công miền Bắc Việt Nam đều rất thành thục về Nhạc Cổ điển, nhưng dòng nhạc nhẹ lại là điểm mới với họ. Các ban nhạc, nhóm nhạc sáng tác và biểu diễn những tác phẩm điệu Tây lời Ta và cả những dòng nhạc ngoại du nhập đã trở thành trào lưu trong giới trẻ Hà Nội thập niên 1980. Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa chia sẻ, thời đó, Barbra, Smokie, ABBA,.. được người Hà Nội ưa chuộng nhiều nhưng anh chọn Boney M vì rộ lên điệu nhảy “Bamboney” theo nhạc của ban nhạc này. “Thời đấy không hiểu vì sao thanh niên Hà Nội lại sinh ra kiểu nhảy Bamboney, quẹt lưng xong quẹt hông vào nhau thành điệu nhảy. Mà toàn đi guốc mộc, dép cao su nhảy. Ai đi dép nhựa Tiền Phong mặc quần pho, áo bay là ăn chơi khủng khiếp lắm. Mấy thanh niên có điều kiện mang cát-xét lắp pin con thỏ ra hẳn Bờ Hồ nhảy dù biết có thể sẽ bị Công an đuổi” - nhạc sĩ chia sẻ thêm.
Người Việt Nam ta rất đặc biệt chỗ đó, ai ai cũng đói ăn nhưng đời sống tinh thần không bao giờ đói, thậm chí còn phong phú dồi dào, thể hiện qua việc có rất nhiều loại hình văn học, nghệ thuật xuất hiện. Có rất nhiều bài hát trước đó không được nghe, không được hát, vì rất nhiều lý do khác nhau. Mặc dù không có văn bản, giấy tờ ghi rằng cấm hát nhưng “chưa mở cửa thì vẫn chưa được hát”. Ta có thể kể đến “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác năm 1976 nhưng mãi đến sau năm 1986, bài hát mới được phổ biến.
Nhịp
Âm nhạc là ký ức của thời gian. Âm nhạc lưu giữ lại được chính xác cảm xúc, bối cảnh, mà cách bảo tồn lại không quá khó khăn, tốn kém. Hát. Những câu hát và những giai điệu đẹp, ngắn thôi nhưng cả một thời kỳ lịch sử dài đằng đằng và sâu lắng đến đâu cũng trở nên “gọn gàng” trong một tác phẩm nghệ thuật, truyền đến nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ.
Cuộc sống đơn giản nên âm nhạc cũng giản đơn. Vài cái quẹt lưng, quẹt hông là thành một điệu nhảy. Vài tiếng vỗ dép đơn giản, đều đặn là đã thành beat để hát. Theo nhạc sĩ Tuấn Nghĩa: “Làm chương trình này không quá khó. Chỉ cần mình hiểu được tinh thần của thời kỳ đấy, để tái hiện lại. Hoà thanh, tiết tấu không cần cầu kỳ hay mang tính kỹ thuật cao; hát không cần quá luyến láy hay thêm nhiều bè, chỉ cần mộc mạc nhưng chắc chắn, thể hiện đúng tinh thần, cái say sưa, rạo rực, để ai cũng muốn hát, đi đâu cũng muốn hát, để mãi sau này vẫn muốn hát về”.
Dân tộc ta vươn lên được đến ngày hôm nay, chính là bởi có sự góp phần của Văn hoá, Nghệ thuật. Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có lần làm việc với các văn nghệ sĩ để có những sự “đổi mới” đó. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo giục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Từ những năm 80, 90 cho đến tận bây giờ, cả thế giới nhìn Việt Nam với một con mắt rất khác. Nước Mỹ từ chỗ không hiểu văn hoá Việt Nam, cho đến hiểu rất sâu sắc văn hoá Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào vì đã làm cho thế giới phục chúng ta. Tôi mong rằng “Chuyện phố thời bao cấp” được đón nhận không chỉ những thế hệ người lớn tuổi như chúng tôi mà cả tuổi trẻ, nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Cuộc sống quan trọng nhất là nhịp. Lệch nhịp là coi như hỏng. Chúng ta đã nhiều lần lệch nhịp với bước đi của thế giới. Chúc các bạn nói về cái cũ, nhưng nhắc đến cái mới một cách đầy thành công, thú vị, để một đất nước tương lai không bao giờ còn lệch nhịp”.
Trong âm nhạc, ta hiểu nhịp là đơn vị cơ bản của thời gian, là sự lặp đi lặp lại một cách thường xuyên các hành động, mô-típ một cách quen thuộc, dễ nhớ. Nhịp là yếu tố rất quan trọng và tối thiểu, duy trì để tạo nên những câu nhạc, nét nhạc. Thấu hiểu sâu sắc điều đó, biên đạo múa Vũ Khánh đã thể hiện toàn bộ ý tưởng của musical show qua ngôn ngữ cơ thể. Các động tác hình thể được xây dựng dựa trên các động tác sinh hoạt hàng ngày và cường điệu hoá thành những động tác nhảy, múa. Từ những hình tượng xếp hàng, mua gạo, lấy nước hay chỉ đơn thuần là diễn tả dòng người đi lại trên phố. Sự sắp xếp tổng thể bối cảnh sân khấu toát lên được không khí Hà Nội xưa nhưng mang tính nhịp điệu.
Chân - Thiện - Mỹ
Với một chương trình musical show, âm nhạc là quan trọng nhất. Việc âm nhạc trải dài trong hơn 1 thập kỷ với nhiều sự đổi mới, du nhập mới, thì việc lựa chọn ca khúc để đưa vào chương trình là khá … khó. Vì các bài hát cần đảm bảo toát lên được đúng tính chất âm nhạc thời kỳ, để gợi nhớ những ký ức những năm 1980. Có rất nhiều ca khúc hay, nổi tiếng và in vào lòng dân tới tận bây giờ, nhưng do thời lượng chương trình giới hạn 2 giờ đồng hồ nên ekip chương trình đã đưa vào một số bài hát như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng; “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp; “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương; “Bảy ngày đợi mong”, “Chuyện hẹn hò” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh; “Như khúc tình ca”, “Ơi cuộc sống mến thương” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; “Câu chuyện nhỏ của tôi” của nhạc sĩ Thanh Tùng; “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én” của nhạc sĩ Trần Tiến; “Em như tia nắng mặt trời” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung; “Hà Nội những công trình” của nhạc sĩ Quốc Trường; River Babylon của nhóm nhạc Boney M...
Để âm nhạc tồn tại trường tồn được với thời gian thì cần đáp ứng đầy đủ về yếu tố Chân - Thiện - Mỹ. Chân là sự chân thật, các tác phẩm nghệ thuật dù được cường điệu hoá thông qua rất nhiều thủ pháp thì vẫn cần đảm bảo được tính chất xác về mặt thời gian, không gian, bối cảnh lịch sử,… Thiện là những điều tốt đẹp, hạnh phúc của con người; lịch sử phát triển của loài người không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng, nhưng một tác phẩm âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung phải là một tác phẩm nhân văn, hướng thiện. Mỹ là cái đẹp, một tác phẩm nghệ thuật là phải đẹp, cả nội dung cũng như hình thức, cách thức. Nếu âm nhạc đã là chân - thiện - mỹ, nói lên đúng tình cảm của con người một cách chân thực, sâu sắc nhất thì nó sẽ tồn tại mãi mãi, có muốn cũng không xoá được.
Điểm nhấn đặc biệt ở "Chuyện phố thời bao cấp", khán giả không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn được đắm chìm trong không gian của một thời hoài niệm với những quầy hàng mậu dịch bán đủ các mặt hàng bằng tem phiếu thời bao cấp.
"Chuyện phố thời bao cấp" có sự góp mặt của: NSƯT Đức Long, NSƯT Ánh Tuyết; ca sĩ: Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang, với các ca khúc: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng); Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp); Thành phố buồn (Lam Phương); Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh); Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện); Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng); Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến); Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung)...
Ekip thực hiện chương trình gồm có: Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến; Kịch bản: Trần Lệ Chiến; Đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết; Âm nhạc: Tuấn Nghĩa & Trần Cường; Trợ lý đạo diễn: Trường Sơn; Chỉ đạo diễn xuất: Lý Chí Huy; Biên đạo múa: Vũ Khánh; Thiết kế sân khấu: NSƯT Doãn Bằng.
Musical show: "Chuyện phố thời bao cấp" sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 14/10/2023 tại Nhà hát Tuổi trẻ.