VH&PT - SEA Games 31 đã qua, bóng đá cả nam và nữ đều giành huy chương vàng, rất nhiều những lời khen có cánh cho cho cả Thầy trò. Người Việt Nam vốn ưa cuồng nhiệt, thích sự phô trương, nhưng phải thừa nhận rằng giữa trình độ bóng đá của Việt Nam với Thái Lan chưa chắc đã ăn đứt hẳn. Nhìn các cầu thủ của ta, trong các pha dứt điểm chưa thật sắc sảo uy lực, nhưng ta thắng là ý chí, tinh thần, cùng với những người Thầy mưu lược tận tâm trong công việc.
Các cầu thủ có người đã xa gia đình từ thuở nhỏ, gắn với sự nghiệp quần đùi áo số, sớm sống cuộc sống tự lập, những hào quang sân cỏ có thể tạo ra những tâm lý khó lường. Người Thầy đưa họ vào những kỷ luật chiến thuật thật khó xiết bao. So với những người Thầy làm công tác giáo dục phổ thông, có nhà trường có gia đình gắn kết kèm cặp còn rất vất vả, mới thấy sự gian nan vất vả của các huấn luyện viên. Đặc biệt, ông Chung - người gắn kết với bao thế hệ nữ tuyển thủ, giành được những kỳ tích của đội tuyển bóng đá nữ. Người đàn ông giữa phố thị nhìn luôn khắc khổ như những lão nông tri điền. Hôm xem trận Philippines và Việt Nam, những cầu thủ nữ to cao uy lực, đưa quả bóng nhẹ nhàng. Với cầu thủ Việt Nam thấp bé, mới 20 phút mồ hôi nhễ nhại, vần quả bóng mới thấy sự truyền cảm hứng của Người Thầy thật đáng nể. Ý đồ chiến thuật làm sao có kết quả tốt, mà vẫn giấu bài với các đối thủ, rồi phân phối sức lực cho các trận tiếp, quả là những bài toán khó. Có lẽ, ngay cả huấn luyện viên Philippines cũng phải ngỡ ngàng với kết quả trận đấu. Rồi càng vào sâu các tuyển thủ nữ đá càng hay. Xem các trận đá của nữ, lại liên tưởng tới giải bóng đá nam World Cup, những đội bóng lớn đá vòng bảng có vẻ rất hời hợt, càng vào sâu mới thấy thể hiện. Đành rằng, sự so sánh có thể kệch cỡm, nhưng cũng cho thấy sự sắc sảo của người Thầy .
Rồi tới trận chung kết với người Thái, hình ảnh người đội trưởng Huỳnh Như rất nhẹ nhàng, lạnh lùng chuyền bóng nhảy qua hậu vệ đối phương, đưa bóng vào cầu môn đội bạn, chẳng khác nào các tiền đạo nam giới, thật ngưỡng mộ. Rồi thủ môn Kim Thanh dùng chân phá bóng, cứ ngỡ đây là thủ môn nam chuyên nghiệp trong các giải quốc tế. Trong bóng đá cũng có sự may rủi, có những cầu thủ sắc sảo chơi rất hay, nhưng xác suất ghi bàn chưa chắc đã cao. Bích Thuỳ - tiền vệ chơi rất hay, thể lực sung mãn, liên tục khuấy đảo cầu môn đội bạn, nhưng cả giải cũng chỉ ghi 1 bàn.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, dù rằng có cầu thủ tốt chưa chắc đã giành chiến thắng. Nó đòi hỏi sự gắn kết đồng đội, nhưng vốn dĩ mỗi người một địa phương khác nhau, chưa nói sự ích kỷ cá nhân vốn có trong mỗi người. Đấy là chưa nói tới bệnh “ngôi sao” nhất là dưới ánh hào quang sân cỏ tạo ra, nó tồn tại ngay cả những đội bóng lớn trên thế giới. Thế mới có sa ngã của một số cầu thủ, hoặc sự nổi loạn của các cầu thủ, bài xích huấn luyện viên của một số đội bóng. Chỉ có sự uy danh của người Thầy, mới gắn kết được tập thể ấy.
Dù rằng, trình độ bóng đá của các cầu thủ của Việt Nam so với các cầu thủ Đông Nam á không thua kém gì, nhưng với các cầu thủ Thái Lan, các cầu thủ nhập tịch từ các nền bóng đá Âu, Mỹ, ta vẫn còn khoảng cách. Nhưng ta thắng, đó là sự truyền cảm hứng của những người Thầy tâm huyết, tận tâm với công việc. Các cầu thủ vào sân với hơn một trăm phần trăm sức lực, họ mang hết khả năng chỉ dạy của người Thầy. Mỗi đường bóng đi, mang cả sự tri ân với những người Thầy dìu dắt họ. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh mà họ nhận được, hình bóng người Thầy luôn toả sáng trong cả sự nghiệp cũng như cuộc đời của mỗi người.
Chuyện Làng quê
Thiết kế & Concept: Bình An