“Lời chào cao hơn mâm cỗ.” “Nhìn người phương Tây, họ gặp nhau là bắt tay chào hay Hello chào nhau kìa!” hay: “Người Nhật họ cúi người khi chào nhau.” Và “Người Thái họ chắp tay khi chào nhau… Còn nhiều, nhiều sự nhận xét và so sánh nữa. Rồi nhiều người quy trở lại, “người Việt bất lịch sự, chẳng chào nhau gì cả!”
Thực tế thì sao? Mọi dân tộc, mọi cộng đồng con người, đều có phương thức giao tiếp với nhau, đều có sự tôn ty trật tự nhất định và có văn hoá riêng. Chúng ta tồn tại và thích nghi trong cộng đồng đó nên có thể hành động một cách bản năng mà không nhận ra đang thực hiện các nghi thức mà các cộng đồng khác gọi là chào hỏi nhau. Các nghi thức này được điều chỉnh và chọn lựa cho phù hợp với tập quán cũng như thói quen, trải qua bao đời chứ không phải không có hay mới có.
Trước khi du nhập văn hoá từ các cộng đồng khác, nhất là phương Tây, thì người Việt chúng ta chào nhau như nào?
Nếu quan sát, chúng ta dễ thấy, các cách chào cũng chia nhiều thứ bậc, thân sơ, trang trọng, hay xã giao. Trong gia đình hay với bề trên, người gặp cũng có thể chắp tay “Cháu chào ông”, “Em chào thầy”, “Cháu chào bác a.”… nếu là trể con, khi gặp người lớn, có thể khoanh hẳn tay để chào. Và cũng có thể nghiêng người chào. Theo chiều ngược lại, có thể cũng là một câu chào, cũng có thể là một hành động, vỗ vai, vẫy tay, gật đầu, xoa đầu,v.v
Tuy nhiên, chúng ta thường dùng phổ biến nhất là các kiểu hỏi thăm khi gặp nhau. Thể hiện sự quan tâm tới nhau, các câu hỏi khi gặp nhau có thể gây ngỡ ngàng với người nước ngoài, đến mức như là tò mò chuyện riêng tư cá nhân vậy. Phụ thuộc vào khoảng thời gian trong ngày, nếu áng chừng trong thời gian của các bữa ăn, hỏi về ăn uống:
“Bác ăn cơm chưa? “Bác nấu cơm chưa?
Các câu hỏi rất cụ thể, tuy nhiên người hỏi mục đích để chào nhau, nên không có nhu cầu nhận đáp trả là câu trả lời cho câu hỏi, mà có thể trả lời bằng câu hỏi khác:
“Cháu đấy à? Cháu đi đâu thế?”
Kiểu giao tiếp như của loài kiến, gặp nhau đụng râu, người Việt ta gặp nhau cần chào nhau bằng giao tiếp tiếng nói một câu nào đó, hoặc đơn giản nhoẻn miệng cười và gật đầu. Tránh trường hợp cúi đầu lẳng lặng hay lầm lũi đi qua, cũng là một cách giao tiếp thể hiện ngay họ đang có chuyện. Có chuyện riêng hoặc có chuyện chính với người họ gặp.
Khi không trong khung thời gian bữa ăn, nhìn xu hướng hành động của đối tượng để chào: “Anh/Chị đi đâu thế?”, “Bác đi làm đồng à?” “Bác đi chợ ạ?” “Cháu đi học về à?”…
Thậm chí đến nhà, thấy đối tượng đang trạng thái nào đó: “Bác đang tắm ạ?” hoặc nhìn thấy trong vườn: “Bác làm gì thế?” Thậm chí không thấy làm gì cả: “Bác đang nghỉ ạ?” Có trường hợp thấy bác đang sửa máy móc gì đó: “Máy bị làm sao thế bác?” Câu hỏi để đánh tiếng, để chào, thể hiện sự quan tâm chứ không phải để ngỏ ý giúp đỡ sửa hộ vì có thể người chào chẳng biết tí ty gì về cái máy đó cả!
Các câu hỏi khi chào nhau đều không vì nhu cầu lấy thông tin, chỉ để giao tiếp chào nhau, tuy nhiên, cũng có trường hợp, nó là mào đầu cho việc “Bắt chuyện” để bắt đầu một câu chuyện giữa đường không đầu không cuối và khó dứt nếu hợp nhau.
Khi chào tạm biệt, tưởng đơn giản mà lại còn đa dạng hơn. Bằng quan sát xung quanh. Nếu thấy bác trai đang nằm trên giường, bác gái đang bổ cau, anh chị đang đọc sách, khách có thể chào: “Bác nghỉ, bác bổ cau, anh chị học bài ạ, cháu về, em về.”
Còn nhiều, nhiều hình thức chào khác nữa, có thể thấy, người Việt chào nhau rất đa dạng, nhiều cách, phù hợp với vị trí, địa vị cũng như ngữ cảnh khi gặp nhau để sử dụng. Ngày nay, giao thoa các văn hoá khác nhau nên chúng ta cũng còn sử dụng cả các cách chào nhau phổ biến như Hello, bye,… tuy nhiên không vì thấy nhiều dân tộc họ có các hành động điển hình khi chào như Nhật cúi gập người, Thái chắp tay mà nói ta không có chào nhau và hành động tương tự. Người Việt, phương Đông, thường không thích động chạm với người khác, nhất là người lạ, thế nên việc ôm hôn là rất hiếm gặp, mà chỉ bắt tay mà thôi.
Nói lại, chúng ta như loài kiến, gặp nhau cụng râu. Người Việt gặp nhau chào nhau bằng câu giao tiếp, phát ra tiếng nói đối thoại, kiệm lời nhất thì cười và gật đầu. Trường hợp không có giao tiếp này, dễ bị mách lại: “Nó gặp tao không hỏi lấy được một câu!”
Vậy đấy, theo bạn thì sao? Người Việt có chào nhau không?