Nguyễn Đình Thắng là học sinh giỏi Văn đạt giải Nhì của tỉnh Nghệ An năm 1971 được đi dự thi HSG văn toàn miền Bắc. Tốt nghiệp THPT anh vào học Đại học Bách khoa Hà Nội chưa được một năm thì gọi nhập ngũ . Sau hai tháng huấn luyện cấp tốc anh được đưa vào chiến trường Quảng Trị. Anh đã tham gia các chiến dịch suốt từ Xuân Hè 1972 ở Quảng Trị đến chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 toàn thắng. Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 8- 1975 anh trở lại trường tiếp tục học Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp anh vào Cần Thơ công tác. Sau 23 năm công tác ở ngành Lương thực và Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam cho đến khi về hưu năm 2014.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã rất đam mê thơ văn. Từ năm 2013 tới năm 2016 anh đã trình làng 4 tác phẩm: “Những con chữ cuộc đời” (Thơ - NXB Quân đội, 2013), “Nắng quái” (Thơ – NXB Văn học, 2014), “Nhật ký đời lính” (NXB Hội Nhà văn, 2015), “Chiến tranh đã đi qua” (Tập truyện - NXB Hội Nhà văn, 2016) và tái bản “Nhật ký đời lính” (NXB Quân đội, 2016).
Nhà văn Nguyễn Đình Thắng đã thử sức niềm đam mê văn chương trên các thể loại: Thơ, Truyện, Ký.... Khi cần diễn đạt một vấn đề xã hội, cuộc đời với biên độ rộng anh dùng văn xuôi. Khi cảm xúc trữ tình tuôn trào hay lắng động, anh mượn thơ để giãi bày. Dù thể hiện bằng thơ hay văn xuôi, những trang viết của anh vẫn thắm đẫm chất tình, chất lính. Ta có thể nói: Nguyễn Đình Thắng là “cây bút chiến sĩ”, luôn đề cập tới những vấn đề “tươi xanh” và “nóng bỏng” của cuộc đời và xã hội.
“Nhật ký đời lính” dày 306 trang, được in lại từ 2 cuốn sổ tay: Cuốn thứ nhất từ ngày 25- 5- 1972 đến ngày 31- 12- 1974 ghi chép những ngày huấn luyện cấp tốc để vào chiến trường Quảng Trị hè 1972 cho tới chiến dịch tổng tấn công mà xuân 1974. Cuốn thứ hai từ ngày 3- 1- 1975 đến ngày 9- 12- 1975 ghi lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi trở về học tiếp Đại học Bách khoa.
Tôi đã từng đọc các cuốn nhật ký về chiến tranh, như: “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Vũ Xuân” và đã cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân cá nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Nay tôi lại được đọc “Nhật ký đời lính” của Nguyễn Đình Thắng, và tôi nhận ra nhiều điều về niềm vui, nỗi đau, về ước mơ cháy bỏng của một người lính.
Là một sinh viên khoa học, đam mê văn chương nên nhật ký của anh ghi chép không khô khan như một số cuốn nhật ký khác. Ở đó ta không những tìm thấy những chi tiết, sự kiện chính xác như một bản tin chiến trường mà ta còn thấy những tình cảm trân quý, những ý thơ vút lên từ đạn bom khói lửa, những nhận xét về thời cuộc, tình quê hương, mẫu tử, tình bè bạn, tình yêu đôi lứa từ trái tim đa cảm của một người lính và cả sự quyết tâm dũng cảm đối đầu giữa sự sống và cái chết trong gang tấc. Tạm biệt mái trường, đoàn xe xuyên màn đêm, anh vội ghi lại trong ngày 25- 5- 1972:
Thôi tạm biệt mái trường yêu dấu
Những con đường rợp bóng hàng cây
Những cánh đòng xanh những dòng sông lặng
Tổ quốc cần!
Vâng! Có chúng con đây.
Hay những cảm xúc trước Tổng tấn công mùa xuân 1975:
Chiến dịch sắp mở màn
Gặp nhau vội vàng hỏi không kịp đáp
Những đoàn quân từ Bắc tới Nam
Thẳng hướng về đây, hợp thành bão táp.
Trong “Nhật ký đời lính” có hàng chục bài thơ về Tổ quốc, quê hương, tình bạn, tình yêu với nhiều vui buồn xen lẫn. Rồi những lá thư vừa đậm chất lính với chất thư sinh gửi các bạn gái: Kim Liên, Kim Vân, Thu Hồng, Kim Thành, và đặc biệt là Huấn - người yêu ở hậu phương một lòng son sắt chờ đợi sau này đã trở thành vợ anh. Chính những cảm xúc đó giúp anh vượt lên sự ác nghiệt của cuộc chiến, hướng tới tương lai với quyết tâm cao, như nhà thơ Xuân Diệu đã viêt:
Hang chẳng thẳm núi chẳng dài
Một người chiến đấu với hai tâm hồn.
Đây là một đoạn thơ trích trong lá thư anh gửi cho cô Thu Hồng – người yêu đầu đời của anh đang học bên Nga:
Vì Tổ quốc anh lên đường đánh Mỹ
Em dặm trường giữa chốn trời Âu
Mai này liệu có gặp nhau
Thời gian liệu có tình đầu phôi phai.
Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết, đó là những vần thơ “tươi xanh” bên những dòng thơ “lửa cháy”.
Tuy anh chỉ có 1.200 ngày gắn bó với đời lính và tham gia ba chiến dịch: Xuân hè 1972 ở Quảng Trị, chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng qua “Nhật ký đời lính” ta thấy tất cả sự khốc liệt của chiến tranh, mặc dù anh không nêu số liệu cụ thể về sự tổn thất của quân ta trong chiến đấu. Những địa danh anh đã đi qua và trụ lại đầy rẫy bom mìn, chất độc da cam như Aí Tử, Quán Ngang, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Vùng Cùa… Anh đã khéo chọn các chi tiết ấn tượng nhất mang hơi thở của thực tế chiến tranh để ghi lại, và đôi lúc nâng lên tầm khái quát để thể hiện cái chung và cái riêng của cuộc đời với xã hội.
Ngày 24 – 8 - 1972, anh ghi: “Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên trên đất miền Nam giữa vùng đồi núi cây cối lúp xúp thuộc huyện Cam Lộ. Suốt ngày ẩn mình giữa cỏ cây. Trên đầu, máy bay trinh sát OV10 quần đảo… Đại đội dừng ăn cơm nắm ven một thôn ấp hoang tàn, đổ nát. Cả thôn này nơi Đại đội dừng chân chẳng còn một người dân…” (Trang 53 -54).
Một niềm vui dâng trào và rất tự hào là lần đầu tiên anh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi anh cùng phái đoàn ra Trị Thiên báo cáo tình hình chiến sự: “Ngày 8-3-1973, thấy tôi là người trẻ nhất, Tổng tư lệnh bước tới bắt tay tôi. Tôi xúc động đến lắp bắp. Đại tướng nói “Đồng chí giới thiệu tên tuổi chức vụ xem nào?” Tôi đứng nghiêm: “Báo cáo! tôi Nguyễn Đình Thắng 19 tuổi, B phó”. Theo điều lệnh, tôi nói thật ngắn gọn. Nào ngờ, Tổng tư lệnh ân cần hỏi lại “B phó là gì nhỉ?”. Tôi nhanh trí hiểu ra, đáp lại rành rẽ “Dạ, báo cáo là Trung đội phó ạ”. Trước Tổng tư lệnh không được nói tắt. Đại tướng cười xòa “Cán bộ trẻ, lập thành tích như vậy là tốt lắm”. (Trang 99).
Ngày 17 – 01 - 1973 có thể xem là ngày anh chiến đấu ác liệt nhất và may mắn thoát chết, khi chỉ còn một mình anh với khẩu AK và 2 trái B40 không có súng phóng cầm cự với địch. (Trang 85- 86-87).
Còn biết bao trận đánh trên đường hành quân từ Quảng Trị vào Sài Gòn được anh ghi lại như còn đẫm mùi thuốc súng đạn bom. Những trận đánh ác liệt ở cửa ngõ vào Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Long Thành, Đồng Nai… Đơn vị đến bên kia sông Thủ Thiêm thì Sài Gòn giải phóng, và được lệnh không được tiến sang Quận 9. Niềm háo hức muốn biết Sài Gòn là “hòn ngọc viễn đông” như thế nào, anh đã trốn đơn vị, rủ bạn mượn chiếc xe Honda 67 đi vào Trung tâm thành phố để xem không khí và cuộc sống người dân Thành phố vui sướng sau ngày giải phóng.
Ngày 9 – 12 - 1975 anh đã trở về trường cũ, học tiếp lớp K20 Đại học Bách khoa - ngành Công nghệ Thực phẩm, rồi ra trường vào Cần Thơ công tác cho đến khi về hưu.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đọc “Nhật ký đời lính” của anh ta vẫn thấy nóng bỏng tính thời sự như được xem một bộ phim tư liệu về chiến trường bên Đông dãy Trường Sơn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tới Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng trong khoảng thời gian từ tháng 3- 1972 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30- 4- 1975. Anh tâm sự: “Xuất bản “Nhật ký đời lính” tôi muốn gửi đến đồng đội cũ những tư liệu, mốc thời gian để cùng ôn lại những kỷ niệm không phai. Muốn đọc giả hiểu phần nào cuộc chiến qua góc nhìn của một người lính, luôn đi đầu trong mọi trận đánh. Chiến tranh là như thế đó”.
Nhật ký là tư liệu trung thành của cá nhân, nhưng qua đó, nhiều gương mặt bạn bè, cuộc đời, xã hội được chiếu xạ bởi nhiều lăng kính. Vì vậy, tôi rất cảm ơn anh đã nói hộ bao điều cho những người con đã hy sinh và những người còn sống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Theo Trái tim người lính