Nguyễn Thành Phong, nhân vị bật lên từ những đớn đau

Nhà thơ Ngô Đức Hành

11/09/2021 09:57

Theo dõi trên

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong vừa giới thiệu với công chúng yêu thơ và thi hữu tập thơ sang trọng “Đêm ngồi ngã ba sông”, NXB Hội Nhà văn, quý 2/2021. Ngồi ở ngã ba sông, biết chọn dòng nào, trôi hướng nào? Ngã ba sông có thể gió thổi lên mát rượi nhưng đọc “Đêm ngồi ngã ba sông”, hẳn người đọc thấy có một “mùa hè” nóng bỏng trong thơ thi nhân gốc Thái Bình này.

nguyen-thanh-phong-1631328925.jpg
Ngã ba sông- nơi có nhiều câu chuyện (Ảnh minh họa)

        “Đêm ngồi ngã ba sông” được nhà thơ Nguyễn Thành Phong chia ra thành 9 phần. Giải mã “con số 9” là câu thuyện của người đọc. Nhưng trước hết, nhà thơ đã “mã hóa” cuộc đời thành “con số 9”, không vô cớ.

Thơ là tiếng lòng. “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào sự sống”, (Nguyễn Đình Thi). Theo đó, sự phân chia, xác định chủ đề từng phần trong “Đêm ngồi ngã ba sông” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong chỉ là tương đối.

Nhà thơ cách mạng Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”, với “Đêm ngồi ngã ba sông”, có thể thấy cuộc sống với tất cả các cung bậc hạnh phúc và đau khổ, bình yên và bất an...tràn đầy trong trái tim nhà thơ Nguyễn Thành Phong.

Hai năm qua, thế giới phải “vật lộn” sống còn trước thảm họa toàn cầu Covid-19. Việt Nam, chỉ từ ngày 27/4 đến 13/7/2021, dịch Covid-19 đã lan rộng trên 58 tỉnh, thành với 29.103 ca mắc. Sau “điểm nóng” Bắc Giang, hiện nay TP. HCM, Bình Dương đang là vùng dịch rất đáng lo ngại. Chưa biết đến bao giờ, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đạt được “miễn dịch cộng đồng”, bởi biến thể mới mang tên Delta đang tạo ra những thách thức mới.

Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về Covid-19. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, bằng sự mẫn cảm đặc biệt, đã dự báo từ cái đêm giao thừa sấm sét và mưa đá cách đây 2 năm. “Đêm giao thừa mưa đá /.../ Run lên điềm báo lạ kỳ”, (Đại dịch). Khi Covid-19 xuất hiện, các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân. Lạ kỳ thay, ngay tên gọi loại nCoV, dịch cúm xuất hiện từ năm 2019 cũng trở thành “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế.

Nguyễn Thành Phong nhìn thấy phía sau, nguyên nhân không bình thường. “Đại dịch nhân lên từ dối trá / Từ mưu kế đớn hèn / Từ ảo vọng cuồng điên / Là hoang dã đâm vào ngực văn minh / Là mông muội xuyên vào lưng tiến bộ” và nhận định: “Không phải thiên họa / Đây chính là nhân họa”, (Đại dịch). Covid-19 tạo nên những “rung chấn” trong trái tim những nhà thơ chân chính.

...

Sau đại dịch sẽ còn thêm đại dịch

Nếu ngay thẳng bị vướng vào bịt miệng

Nếu lương tri vẫn bị trói âm thầm

Nếu nhân dân vẫn là đồ giá rẻ

Trong mọi kiểu mưu toan...

(Đại dịch)

 

Thế giới không chỉ loay hoạy với vaccine để đẩy lùi Sars-CoV-2 mà còn “loay hoay” với nguyên nhân sinh ra nó. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong đã dự báo, đó là một trong những thiên chức của thi ca. Chừng nào còn chưa được bạch hóa, mọi điều còn có thể xảy ra.

Đêm ngồi ngã ba sông” gồm 63 bài thơ. Phần 4, 11 bài, gồm “Một tin buồn”, “Chuyển mùa”, “Đất nước không bình yên”, “Trĩu nặng đầu năm”, “Dị quan”, “Sao người Việt vẫn còn ra đi”, “Người lính trẻ”, “Đại dịch”, “Chợ chiều”, “Cờ tàn”, “Trẻ con đừng sinh ra”. Phần này chủ đề tương đối “tổng hợp”, vừa thế sự, vừa trăn trở với quê hương, đất nước. Nhìn qua tên các bài thơ đã thấy một Nguyễn Thành Phong vật vã với bao suy tư, ưu tư trước thời cuộc.

...

Mấy thập niên không còn giặc giã

Người với người đã tạm đủ cơm ăn

Sao cứ mãi lương tri càng trĩu nặng

Không cất lời thì ta hóa đang câm?

(Trĩu nặng đầu năm)

nguyen-thanh-phong-1-1631328925.jpg
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Đọc “Đêm ngồi ngã ba sông” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà văn Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Đọc tập thơ này bạn sẽ nhận mặt được một nhà thơ đã thấu hiểu mình khi đã đi trọn một vòng hoa giáp đời người”. “Ta từng câu tước câu quan / Mồi câu chỉ mắc thênh thang lòng mình / Tước quan câu được rồi kinh / Rồi buông bỏ, lại lòng mình thênh thang”, (Câu). Nguyễn Thành Phong thấu hiểu mình, đi từ mình đến người, từ tất yếu đến tự do.

Đức Pháp vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII, người đứng đầu dòng Truyền thừa từng dạy tăng ni, phật tử về giác ngộ. Theo Đức Pháp vương đó là là kết quả cuối cùng của “Trí tuệ hiểu biết hoàn hảo” hay là sự trưởng dưỡng viên mãn của trí tuệ, tình yêu thương và tâm từ bi tuyệt đối. “Ngày cuối năm đi giữa trời mưa bụi / Ta ảo mờ một giọt nước đang bay”, (Bay trong mưa bụi).

Phần 7 của “Đêm ngồi ngã ba sông”, gồm 5 bài “Bay trong mưa bụi”, “Dưới núi thiên thai”, “Đường trần”, “Linh Phong tập kẹ”, “Thanh chung hội duyên”, là những cuộc đối thoại của tác giả với hư vô. Nguyễn Thành Phong nhận ra vô ngã, vô ưu.

*

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, có trái tim đầy cảm xúc. Vì thế, anh biết yêu thương và căm giận. Yêu quê hương đất nước nồng nàn và thủy chung, nghĩa tình với bè bạn. Dễ nhận ra dẫu mới lướt qua mục lục tập thơ.

Trong “Đêm ngồi ngã ba sông” có phần 2, gồm “Nhớ Sơn La”, “Ba Vì ôm ngã ba sông”, “Xứ Thanh”, “Nợ gì với Hương Sơn”, “Bái biệt Vũng Tàu”, “Ngó với Gia Lai”, “Ngùn ngụt gió cao pha”, “Những hàng dừa nước”, là 8 bài thơ chủ đề tình yêu với quê hương đất nước. Phần 3 gồm “Bài ca Biển Đông”, “Gót chân hồng trên biển cả”, “Trước mộ liệt sỹ trên đảo Nam Yết”, “Sâm đất đảo Song Tử Tây”, “Trường sa làng mình”, là 5 bài thơ về chủ để biển đảo. Phần 5, gồm “Những nhà thơ chiến trường”, “Buổi sáng Hồ Tây”, “Người văn”, “Bạn vào bệnh viện”, “Người cửa bể”, “Bên mộ đá Đống Thếch”, “Thơ tạc” gồm 7 bài thơ, nhà thơ dành cho bạn bè, nghiệp văn chương.

Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, là câu nói của nhà thơ Xuân Diệu. Đọc “Đêm ngồi ngã ba sông” của Nguyễn Thành Phong hẳn người yêu thơ nhớ câu nói này của “Ông hoàng thơ tình”.

Đêm ngồi ngã ba sông” giữa các phần có các phụ bản - thay “tờ gác” , (theo ngôn ngữ của những nhà minh họa sách) là tranh vẽ trường phái siêu thực của họa sỹ Trần Thắng, tuy nhiên trong tất cả 9 phần đều ngồn ngộn hiện thực. Hiện thực “ngồi dậy” trong thơ Nguyễn Thành Phong. Chính anh đã “phơi” cái tôi, xác tín bản ngã trên các trang thơ.

nguyen-thanh-phong-3-1631328926.jpg
Bìa tập thơ “Đêm ngồi ngã ba sông” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Sau khi tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ ra mắt là đến việc của các nhà lý luận phê bình. Sẽ có nhiều tiểu luận về “Đêm ngồi ngã ba sông”, tuy nhiên có thể thấy điểm chung nhất, cuộc sống khúc xạ, rung chấn tâm hồn Nguyễn Thành Phong mà thành thơ. Nguyễn Thành Phong không điệu đà, đánh đố về ngôn ngữ; không màu mè về hình thức, cấu trúc; không cố “lạ hóa” thi ảnh theo mode “sáng tạo” của nhiều nhà thơ hiện nay. Thơ anh, cất lên tự nhiên từ tâm hồn, tràn đầy mỹ cảm.

 

Tôi nợ gì với Ngàn Phố không đây

Mà quay đi không đành lòng bước mạnh

Trời biên ải tái mây đầy mây trắng

Và dịu dàng xanh mắt thẳm Hương Sơn...

(Nợ gì với Hương Sơn)

...

Em chớp mắt phía đầu rừng hoang hoải

Chiều xuống rồi mờ tỏ sơn khê

Vị muối kiến đã nhói lòng xa cách

Và cỏ cây đang níu bước anh về

(Ngỏ với Gia Lai)

 

Những câu thơ, khổ thơ rưng rức như vậy trong “Đêm ngồi ngã ba sông” không ít. Từ những nguyên liệu đơn giản, đầu bếp giỏi có thể chế biến nên nhiều món ăn ngon, nhưng không thể “xào rán” ký tự mà thành thơ. Nếu trong lòng không cảm xúc mà chỉ vẽ vời lòe loẹt thì làm sao mà có thể có những vần thơ hay? Đọc “Đêm ngỗi ngã ba sông”, nhận ra những xúc cảm thực sự, “nhân vị” của Nguyễn Thành Phong.

*

Nguyễn Thành Phong, nguyên là nhà báo, nhà quản lý báo chí nhiều kinh nghiệm. Chức “quan báo” trước khi anh “gác bút” là Tổng Biên tập báo Lao động và Xã hội, một tờ báo có tôn chỉ mục đích về đời sống việc làm, an sinh xã hội. Vì thế mà thơ Nguyễn Thành Phong đầy thân phận chăng?

Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà biên kịch tài năng xuất hiện từ sớm. Lúc mới 17 tuổi, anh đã có thơ in ở Báo Hà Nội mới. Thời đó như vậy là “sướng rêm”, đêm có khi ôm cả tờ báo ngủ chứ chẳng chơi. Hồi năm thứ 4, anh đã có bài viết "Quá khứ góp mặt với hôm nay qua các vở kịch lịch sử của Trúc Đường" in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, được giới chuyên môn chú ý.

Một thời khán giả truyền hình “mắt dán” lên “màn hình nhỏ” để theo dõi bộ phim “Cảnh sát hình sự”. Nguyễn Thành Phong là người tham gia với Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều...trong 40 tập đầu đầu của phim “hot” này. Nghe đâu, anh còn là tác giả kịch bản của vài bộ phim truyền hình khác.

Ngoài thơ, truyện ngắn cũng là một mảng sáng tác của Nguyễn Thành Phong. "Canh bạc", (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát) chính là tác phẩm điển ảnh chuyển thể từ truyện ngắn "Canh bạc gá vợ" của Nguyễn Thành Phong.

Cách nghĩ, cách cảm, cách chơi...của Nguyễn Thành Phong mang phong cách thi sỹ. Dù văn hay đời, dù đã ngoài hoa giáp, với Nguyễn Thành Phong: “Phiêu du đã tận cuối trời/ Đắm say đằm lại những lời vấn vương”, (Ừ, giêng). Vì những lời vấn vương đằm lại mà Nguyễn Thành Phong tiếp tục dấn thân, tận hiến. Ít nhất với thi ca!

 

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Thành Phong, nhân vị bật lên từ những đớn đau" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn