Tôi chưa gặp Nguyễn Thị Hằng, Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh ngoài đời, chỉ mới đọc thơ chị trên trang cá nhân, nick Nguyễn Hằng. Cũng xin nói “rông dài” thêm vài câu: Tôi thích đọc thơ của các tác giả nữ, như là một cách để khám phá các cung bậc cảm xúc của họ. Đàn bà viết về đàn bà, hay thì chưa bàn, chắc chắn có sự riêng biệt, khác đàn ông viết về họ. Nói như nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh thì xem “nhân vị” đàn bà thế nào.
Nguyễn Thị Hằng, tên vận vào người, lãng mạn trong thơ. Ngoài đời thì chưa biết thế nào, vì tôi chưa “kháp”. Chị đã xuất bản tập thơ “Trổ mùa hương xưa”, NXB Hội Nhà văn năm 2019. “Quyến rũ”, là tên tập thơ mới, chị dự định xuất bản trong năm nay. 72 bài, ứng với “9 vía” đàn bà. Con số 7 ứng với “Luân xa 7” trên đỉnh đầu, nơi con người có thể giao tiếp với thế giới tâm linh.
Chủ đề trong “Quyến rũ” vẫn là tình yêu. Tình yêu là gì? Tại sao, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, các nhà thơ, nhà văn viết mãi. Chắc chắn, vì đó là giá trị tuyệt vời nhất mà Chúa ban tặng con người. Và, cũng chắc chắn, chưa ai hiểu thế nào là tình yêu, chưa được sở hữu tình yêu. Nếu theo quan niệm của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu: “Yêu là chết trong lòng một ít”, chắc chắn nhiều người có. Nguyễn Thị Hằng, chắc chắn có “chết trong lòng một ít” nhưng luôn đặt câu hỏi: “Giá như biết tình yêu có màu gì/ Có phải vạt nắng hồng hôm nào anh gửi”, (Màu tình yêu). Những người theo chủ nghĩa hoài nghi, quan niệm “Tình yêu chỉ có một, thứ tương tự tình yêu thì rất nhiều...”. Đâu là tình yêu, đâu là tương tự?
Em là mây phiêu lãng
Rưng rưng một trời chiều
Lững lờ trôi năm tháng
Một đời mây cô liêu
(Nghe mùa về tình tự)
Nguyễn Thị Hằng, với tất cả các cung bậc cảm xúc cũng đang lý giải theo cách của mình. Đọc “Quyến rũ” nhận ra một Nguyễn Thị Hằng vừa chờ đợi, khao khát; vừa hoài nghi, dò hỏi; vừa muốn dâng hiến, vừa sợ hãi. “Người xin em từng giọt mềm hơi thở/ Cho phù du trên nửa đóa môi thơm/ Giấc mơ hoa giữa hai triền nỗi nhớ/ Em yêu người nếm trọn kiếp đa đoan”, (Người xin em).
Đọc “Quyến rũ” dễ nhận ra Nguyễn Thị Hằng dạt dào cảm xúc. Chị viết tự do, phóng khoáng, nhiều bài thơ cảm xúc thăng hoa trên nền đồng dao Việt, giàu âm hưởng của thơ và nhạc:
Đêm qua em ngủ
Mơ giấc thiên thần
...
Sớm mai thức giấc
Trông nhánh lan gầy
Bung đài thơm phức
Nhẹ nhàng hương bay
...
Ru em anh nhé
Vầng trăng bình yên
Hình ảnh “trăng” và “đêm” trong thơ Nguyễn Thị Hằng khá ẩn dụ “Hằng”, “Nguyệt” đều là cách gọi ẩn dụ của vầng trăng. “Em là vầng trăng khuyết”, (Nghe mùa về tình tự). “Mỏng manh em trăng khuyết/ Ru tình anh thật gần/ Một mai này cách biệt/ Mình gọi thầm cố nhân”, (Con nắng con gió). Còn đêm? Theo nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh “Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”, (Hoàng Thụy Anh: Ballad đêm vào mùa dâng hiến).
...
Em gửi nét môi gầy
Phố đêm buồn đếm lạ
Cơn mưa rào mùa hạ
Đưa em đi thật xa
(Rêu phong tuổi trời)
...
Đêm xanh xao quỳnh dỗi hờn chưa nở
Con dế buồn run rẩy đoản khúc đêm
(Men nồng)
Bìa tập thơ đầu tay “Trổ mùa hương xưa” của Nguyễn Thị Hằng
Thơ Nguyễn Thị Hằng, còn nhiều câu vụng, chị chưa tiết chế được cảm xúc, tiết giản ngôn ngữ. Tuy nhiên, có nhiều sáng tạo về thi ảnh. “Em gửi một mùa hoa/ Nồng nàn hương thiếu phụ”, (Rêu phong cuối trời). Ở bài thơ này “hương thiếu phụ” là một sáng tạo thi ca. Trong nhiều trường hợp, Nguyễn Thị Hằng có cách “chơi chữ” bản lĩnh. “Đêm xanh xao quỳnh dỗi hờn chưa nở/ Con dế buồn run rẩy đoản khúc đêm”, (Men nồng); “Đêm xanh xao” và “đoản khúc đêm” trong hai câu thơ, tạo nên cảm xúc xếp chồng lên nhau có chủ ý. Ở trường hợp khác “Em là vầng trăng khuyết/ Thì thầm đêm nguyệt tận”, (Nghe mùa về tình tự). Bởi người đàn bà trong thi phẩm “Nghe mùa về tình tự” dù cố vỗ về, động viên mình vẫn không che dấu nổi khao khát tình yêu:
...
Học cách buông ngày sầu
Học buông điều đã cũ
Bình yên nghe tim ngủ
Vùng ngực trái còn đau
Gấp lại tập bản thảo “Quyến rũ”, chính chị đang có lựa chọn khác, đặt tên tập thơ là “Khi người đàn bà mộng du”, tôi nhận ra một chân dung “mộng du” đích thực, khao khát yêu và dâng hiến. Thơ của “người đàn bà mộng du”, cô giáo Nguyễn Thị Hằng có một vẻ đẹp đích thực của nỗi buồn, cô liêu, sương khói, thánh thiện:
Em mơ ước tìm về nơi xa lắm
Nhành cỏ lau trắng nhớ đến bạc đầu
Để thấy được nỗi buồn trong xa thẳm
Của một thời qua bao bến thương đau
(Khi người đàn bà mộng du)
Thơ văn là người. Không có gì tạc “chân dung tâm hồn” tác giả đúng bằng thơ. Đọc thơ Nguyễn Thị Hằng, không phải là phép so sánh đâu, nhưng tôi nhớ nhạc sỹ thiên tài Beethoven với tác phẩm bất hủ Sonate "Ánh Trăng" đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Đó là một đêm trăng sáng nhưng đau đớn và tuyệt vọng do bị từ chối tình yêu. Beethoven lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Nhạc sỹ thiên tài gặp một cô gái mù chơi dương cầm khốn khó, mơ ước một lần được nhìn thấy ánh trăng. Nỗi đau nhân đôi và bản nhạc bất hủ ra đời. Khắc khoải của nữ nhà thơ mang tên “Ánh Trăng”, tôi nghĩ là có thật; vì thế thơ Nguyễn Thị Hằng viết về tình yêu, có nhân vị.
Thơ ca, bao giờ cũng là “bản nhạc tâm hồn” của tác giả, nhất là những tâm hồn đa cảm. Sống kỹ đến tận cùng của đau khổ, chắc chắn sẽ có thơ hay./.
14/5/2021 - NĐH