Thường người lớn tuổi hay thổn thức cùng ký ức. Còn - mất trong cuộc đời với họ không quan trọng bằng hoài niệm. Hôm qua với họ dẫu xa nhưng có mặt rất gần, hiện diện, khắc khoải. Nhà thơ Phương Hà (Hoàng Xuân Sơn), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không ngoại lệ. “Quê cảm” là bài thơ xuất hiện rưng rức của quá vãng.
“Ta về ngồi giữa sân nhà
Bắc chân chữ ngũ nhìn ra bầu trời”
Phương Hà là người lập nghiệp xa quê. “Quê cảm” có thể hiểu là cảm xúc cùng quê, với quê. Ai không tự hào về quê hương, dẫu li hương. Quê là nơi có tuổi thơ, có ông bà, bố mẹ. “Bắc chân chữ ngũ” là thế thiền, tĩnh lặng, thường gặp ở người đã qua trọn năm tháng bão dông. “Nhìn ra bầu trời”, nơi ngày xưa bố chỉ cho mình đâu là Bắc Đẩu, đâu là Thần Nông...; nơi đó có “cánh chim cuộc đời” đã bay qua... Có thể thành hoặc chưa thành. “Nghìn ngôi sao phía xa xôi/ Nhấp nha nhấp nháy như cười cợt ta”.
Quê hương còn là nơi có bạn đánh khăng, đánh đáo, đi tru...dẫu bây giờ đã lên ông lên bà. Số phận có thể khác nhưng mẫu số thời gian như nhau. Vì thế mà:
...
Rượu quê bạn cũ mang qua
Môi thơm phưng phức lạc nhà mới rang
Hàn huyên chuyện thuở cũ càng
Chạnh nghe bạn hỏi giàu sang thế nào?
Nhà thơ Phương Hà không nghèo, ít nhất có của ăn, của để. Chắc đồng niên có người còn vất vả hơn. Điều này cũng là “quy luật muôn đời”. Câu thơ chỉ nêu lên một thực tế, người Việt đã từ lâu “mắc bệnh” gặp nhau là khoe bất động sản, khoe con học ở Âu, Mỹ; ít người kể chuyện sách vở, khoe nhà có giá sách...”Chạnh nghe bạn hỏi giàu sang thế nào?”, câu thơ man mác nỗi buồn nhân thế, lắng lo trước “cơn bão thực dụng” đang càn quét lên văn hoá, nếp sống, làm băng hoại, biến thái nhiều giá trị Việt.
...
Tóc giờ trắng khói thuốc Lào
Đời giờ trắng giấc chiêm bao mất rồi
Đây có thể được coi là 2 câu thơ hay nhất trong “Quê cảm”, bài lục bát gồm 12 câu của Phương Hà. Khói thuốc nào chẳng trắng? “Trắng khói thuốc Lào”, xác định quê anh thuộc vùng Nghi Lộc (Nghệ An). Nghi Lộc, Diễn Châu ngày xưa là hai huyện trồng khoai lang, lạc, thuốc Lào của Nghệ An. Với đời người “trắng giấc chiêm bao” thì xa xót quá. Chiêm bao thường đẹp, nhưng xa rồi.
...
Có ai chỉ được cho tôi
Nẻo nào về được cái thời xanh non?
Nếu được trẻ như ngày xưa và khôn như bây giờ. 2 câu kết của bài thơ đầy nuối tiếc. Ai cũng chỉ có một “thời xanh non”. Thời ấy qua đi không bao giờ trở lại. Vì thế, chẳng có “nẻo” nào, thưa nhà thơ. Không có “nẻo” nào mới có bài thơ hay!
...
Chuồn chuồn cơm chắp nối sợi nắng chiều
Trâu đủng đỉnh khói lam mái rạ
Lũ trẻ con bây giờ lạ quá
Quên thu sang quên cả lũ chuồn chuồn
(Trở lại mùa thu)
Đấy chính là “thời xanh non”, là “nẻo Nghệ”, nẻo duy nhất đi về, để nhà thơ cất lên tiếng nói của tâm hồn mình, dẫu là những cung bậc xa xót trước sự biến đổi, mất còn.
*
* *
Sinh 1954 nhưng nhà thơ Phương Hà ngoài đời trẻ hơn tuổi rất nhiều. “Thơ bay trên dòng Face” là tập thơ mới nhất của anh. 102 bài, khá dày dặn. Đọc thơ Phương Hà thấy anh vừa hiện đại vừa truyền thống; vừa phá cách vừa bản sắc. Bằng chứng là tự do xen lẫn lục bát. Lục bát khá nhiều, khá nuột.
Trong 102 bài có 4 bài dành tặng mẹ, 01 bài tặng cha, nhớ nhung ai đó rất nhiều nhưng vẫn thích “Nói với vợ” và tuyệt đối trung thành với “Lời vợ”. Xem ra nhà thơ Phương Hà là kẻ dễ “phân thân”, giỏi phân thân tâm hồn. Những bài thơ về mẹ/ lục bát, đọc rưng rưng:
Thương làm sao nhớ làm sao
Đồng làng dáng mẹ lạc vào hoàng hôn
(Nhớ mẹ)
Hai câu thơ: “Ngày đông hiu hắt chợ chiều/ Mẹ tôi ngồi bán thương yêu cho đời” thật hay. Mẹ Phương Hà chắc là bà cụ bán tạp hoá, kim chỉ...ở chợ quê. Nhưng đó là hàng hoá, vật dụng đời sống. Bà bán “thương yêu” là bán gì? Giá “thương yêu” là bao nhiêu? Không cần phải tìm hiểu kỹ, người đọc tưởng tượng sẽ thú vị. “Bán thương yêu”, lần đầu tiên có một ngành nghề trong thơ Phương Hà. Nói vậy để thấy sự sáng tạo của thì ảnh- nghĩa vụ và thiên chức nhà thơ.
...
Liêu xiêu sấp ngửa chiều đông
mẹ gom cả ngọn gió đồng nuôi con
(Tháng mười nhớ mẹ)
Mẹ nhà thơ cũng như bao bà mẹ ở đồng quê Việt là hình ảnh của tần tảo. Nhưng đến mức “mẹ gom cả ngọn gió đồng nuôi con” thì sửng sốt. Đây có thể gọi là “câu thơ thần”, xác quyết rằng sức sống bài thơ nằm ở câu này. Thơ Phương Hà cứ thế, nhiều câu óng ánh, bất ngờ. Rất dễ tìm ra “đơn vị câu”, điều mà các nhà thơ luôn mải mê tìm kiếm nhưng khó gặp lắm đấy.
Cho đến nay, nhà thơ Phương Hà đã xuất bản 8 tác phẩm, nhưng có 2 tác phẩm in chung, 2 tuyển thơ TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai; như vậy tác phẩm thơ đúng nghĩa mới có 4 tác phẩm. Như vậy là không nhiều, nếu không muốn nói là ít. Phương Hà, vốn là một nhà báo, hiện anh hành nghề luật sư và làm thơ. Làm thơ với anh không chủ ý. “Tôi làm thơ/ thơ cũng làm ra tôi”, (Bạn hỏi vì sao tôi làm thơ).
Thơ Phương Hà, đa dạng đề tài, kể những “rung chấn” sau khi ngồi dự phiên tòa bảo vệ thân chủ. Anh viết nhiều về các vùng đất đã đến, về quê hương, bạn bè, ruột thịt. Xem thơ biết Phương Hà đa mang, đa cảm. Tưởng hành nghệ luật sư dễ thiên về duy lý, nhưng xem ra anh khá duy tình. Những bài thơ về tình yêu của Phương Hà giúp khắc họ lên chân dung thơ Phương Hà khá đa diện.
Nếu không em xin bằng lăng đừng tím
Ve đừng kêu hạ chớ vội về
Hà nội với anh giờ hoang vu quá
Gió sông Hồng hun hút một bờ đê
(Khi Hà Nội không em)
Phương Hà viết khá nhiều về mùa thu. Có thể kể “Trở lại mùa thu”, “Quà thu”, “Hương cốm”, “Màu thu”, “Thu quê”, “Thu phương Bắc”....Ngoài lý do, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm. Văn nghệ sỹ là những người có trái tim nhạy cảm, tâm hồn mong manh, hiển nhiên, mùa thu luôn là không gian của sáng tạo. Với Phương Hà, trong trái tim chàng, chắc chắn có một tình yêu muôn cõi gắn với mùa thu.
...
Em lấy lá sen
Gói mùa thu lại
Mùa thu thơm mãi
Hương bàn tay em
(Hương cốm)
Thơ là tâm hồn, tình cảm. Nó diễn đạt mọi cung bậc tình cảm đa dạng và phong phú của con người: niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, nỗi trăn trở, băn khoăn, sự hồi hợp, phấp phỏng, một nỗi buồn vu vơ. Một nỗi niềm bâng khuâng khó tả, một sự run rẩy thoáng qua, một phút chốc ngẩn ngơ. Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Chính vì thế thơ không chỉ nói hộ lòng mình, thơ còn là sự an ủi, vỗ về, động viên khích lệ người ta đứng dậy đi tới.
Đọc thơ Phương Hà thấy những “cung bậc” ấy trong tâm hồn anh. Đọc thơ Phương Hà, tôi nhớ nhà thơ bậc thầy Chế Lan Viên, từng viết: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt/ Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay”. Phương Hà đã tần tảo như một con ong./.
Hà Tĩnh, ngày 15/5/2021 - NĐH