Nhật ký "Lính chiến" của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 6): Hậu cứ Dốc Mực bị địch phá nát và những cái chết cận kề

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

24/12/2022 15:23

Theo dõi trên

Ngày 04/7/1969, quân Mỹ đánh vào Viện 61, ở Hòn Tàu, tỉnh Quảng Nam. Ngày 06/7 chúng tôi rút về hậu cứ Dốc Mực, đến bến đò Thạch Bích nghỉ nấu ăn. Dân cho một bữa ngô rang.

Sáng ngày 21/7/1969, Tùy, anh Thịnh và tôi đi lấy rau rừng. Chúng tôi đi về phía Bắc Hậu cứ, qua bãi đổ bộ đến con suối cạn thấy có vết ướt trên đá.

Tùy nhặt được mấy mẩu thuốc lá Rubi mới hút, một ít vỏ đồ hộp nói với chúng tôi, đây là dấu vết của tụi biệt kích.

Chúng tôi về báo cáo Đại đội. Đại đội trưởng Mậu liền cử mỗi Trung đội một tổ 4 người đem theo súng Trung liên AK, B41, CKC triển khai ra vòng ngoài hậu cứ lùng sục các khe suối, đường đi vào các nương rẫy cũ của đồng bào dân tộc Vân Kiều.

d1ea1q-1671869760.jpg
Lính trận trong chiến tranh Việt Nam (ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ).

 

Tiểu đội trưởng Định dẫn chúng tôi đi ngược suối, đến bãi đá thấy có túi gạo sấy, vỏ đồ hộp. Chúng tôi giãn cách cự ly quan sát phía trước và phía sau; đi ngược lên đỉnh dông vẫn không phát hiện gì thêm nữa.

14 giờ, ngày 21/7/1969, chiếc OV-10 quần lượn, nửa giờ sau bắn một quả đạn khói xuống hậu cứ chúng tôi, chỉ điểm cho 6 chiếc A4D bay lại, theo nhau bổ nhào quăng bom. Các loại bom chụp lơm, bom phạt, bom khoan, bon Napan, bom dù làm tung hầm hố, đổ cây cối làm chết và bị thương 11 đồng chí. Hậu cứ tan hoang và tơi tả sau trận bom đó.

Trước đó, phía bắc hậu cứ Mỹ đã đổ 1 Đại đội quân xuống bãi tranh, chiếm ngã 3 đường. Một Đại đội Mỹ khác do 4 chiếc trực thăng CH34 đổ xuống đỉnh Dốc Mực. Thế là quân Mỹ ở trên đầu chúng tôi rồi. Còn một Đại đội khác quân Mỹ đổ quân chiếm giữ Hòn Beng và ngã 3 Quế Sơn, chặn đường không cho ta rút chạy về Trung đoàn Bộ ở chân Bàn Cờ.

d2eq2s-1671869891.jpg
Giấy chứng nhận Huân chương chiến sĩ Gải phóng.

 

Tôi và anh Cò cùng với Lương, Tiểu đội phó ra chốt giữ con đường từ Bãi Tranh vào. Anh Cò đặt súng trung liên bên này bờ suối. Tôi giữ súng CKC, đào hố bắn ở bên trái súng trung liên, cách nhau 50m. Còn Lương giữ súng AK, đào hố bắn ở bên phải súng trung liên, cách nhau 50m. Bộ phận ở nhà làm công tác thương binh, tử sĩ và di chuyển đơn vị đến Đại đội 20, gần Bệnh xá của Trung đoàn ở trường Quân Chính, tại đó có Đại đội 13 súng DKZ.

19 giờ ngày 21/7/1969, Đại đội điều thêm một tổ ra cùng chúng tôi tiếp chiến; có 1 súng B41, 1 súng AK, 1 súng M79, bố trí trận địa xong thay nhau gác và ngủ.

Tôi ngồi canh gác, nghe tiếng đề ba của đại bác Mỹ đặt trên đỉnh núi Bàn Cờ bắn vào hậu cứ theo kiểu cầm canh. Chiếc C130 bắn pháo sáng bảo vệ cho quân Mỹ dã ngoại, đạn 20 ly trên máy bay bắn xuống khu vực hậu cứ nghe rõ từng tiếng một.

Khoảng 09 giờ 30 phút, ngày 22/7/1969, đàn trực thăng bay lên bắn đại liên và phóng rốc két liên tiếp. Rồi pháo 105 của chúng đặt trên Bàn Cờ bắn đến, đào xới khu hậu cứ, cành cây mảnh đạn đất đá văng chát chúa.

Từ con đường trước mặt, một Đại đội quân Mỹ vừa la ó, vừa hùng hổ đi tới bờ suối. Nhưng chúng còn ngơ ngác không dám lội sang. Đầu ruồi súng CKC của tôi vẫn bám vào bụng tên Mỹ đi đầu. Hôm nay tôi bình tĩnh thật, không run bắn hồi hộp như trận đầu, vì đồng đội của tôi có tới nửa Tiểu đội hỗ trợ nhau tác chiến.

Đại đội Mỹ triển khai hỏa lực, đặt 2 khẩu súng máy trung liên, 2 khẩu cối 61. Tôi nghe tiếng đề ba cối đánh cạch, liền bóp cò, tên Mỹ sách súng M79 cao to đổ rầm, máu tuôn ra như chọc tiết heo, chới với trôi theo dòng nước.

Các cỡ súng của ta cứ hướng cả vào quân Mỹ mà bắn. Bọn địch phía sau thấy vậy, kêu gọi hỏa lực rất mạnh, kết hợp máy bay, pháo cối, làm chúng tôi không trụ nổi.

Trung đội phó Thành hô: “Rút thôi!”

Từng người một lợi dụng địa hình cơ động về tuyến sau.

Trận đó, quân Mỹ bị tiêu diệt 17 tên.

*

Ba hôm sau, 25/7/1969, Mỹ cho 4 chiếc trực thăng sâu đo CH47 đỗ xuống Bãi Tranh bốc quân, một chiếc chở đầy lính Mỹ bay qua trận địa đại liên của Trung đội 1, bị đồng chí Thân xạ thủ số 1 bắn rơi.

Mỹ rút, chúng tôi đi tìm chiến lợi phẩm, thu được nhiều loại dầu lau súng đóng hộp 1kg. Chúng tôi không biêt, cứ tưởng dầu ăn, đem nấu rau, rang cơm và rán cá ăn; Ăn rồi, tuy không đau bụng đi ngoài, nhưng mỗi khi xì hơi thì dầu lại chảy ra ướt cả quần.

Hậu cứ bị bom đánh tan nát, chúng tôi phải chuyển chỗ ở sang khu rừng bên kia suối, làm hầm, làm lán mất hơn 1 tuần.

Ngày 02/8/1969, từ lúc 13 giờ, pháo địch từ trên núi bàn cờ, cao điểm 1004, bắn vào khu vực hậu cứ của Đại đội 14 suốt 3 ngày liên tục. Sau đó chúng tôi mới được Trung đoàn thông báo: Không phải do lộ bí mật mà chỉ là “tai bay vạ gió”, do Trường sĩ quan Pháo binh Ngụy ở Hòa Cầm lên đó… tập bắn.

8 giờ, ngày 20/8/1969, chúng tôi được lệnh toàn Đại đội trang bị đầy đủ theo đường cũ đến cứ của 577 ngủ. Sáng 21/8 về danh đồi chè, các Trung đội lợi dụng hầm đốt than của dân sửa sang lại, ngụy trang kín đáo. Buổi chiều Đại đội trưởng Mậu phân công cho các Trung đội đi phối thuộc với các K. Trung đội 2 chúng tôi trực thuộc K9.

Xuống Thôn 5 ở Lộc Sơn, tôi ra đến đồi Tranh thì lên cơn sốt. Chiếm lĩnh trận địa xong, tôi tìm chỗ tranh thủ nằm nghỉ. Tiểu đội trưởng Khanh cho tôi quay về, nhưng tôi còn cố gắng được. Sau khi làm xong trận địa, thì tôi bớt sốt. Anh Cò bị thương trận Thôn 5, nay đã hồi phục, cùng tôi cảnh giới một hướng Đông - Bắc. Tùy với Trinh cảnh giới phía Tây - Nam lối Thôn 3 lên. Tôi với anh Cò người ngủ người gác.

Khoảng 2 giờ đêm, rạng ngày 23/8/1969, trên trời xuất hiện máy bay trinh sát L19 và C130 bắn đèn dù và đạn 20 ly, lúc tối, lúc sáng. Rồi pháo ở Hòa An bắn cầm canh lúc mau, lúc chậm. Chưa hết, cối 81 ở đồn Đức Dục cứ xoèn xoẹt bay qua đầu, nổ tận phía cửa Danh Khe Cốc. Mỗi đợt, chúng bắn từ 200 đến 400 quả.

Tiếp đó, súng máy 12 ly 7, đại liên, đặt trên núi chóp nón Gò Dài bắn về phía chúng tôi, vẽ một dòng lửa dài dằng dặc.

Ngày 24/8/1969, lúc 9 giờ, máy bay trực thăng địch bay đặc bầu trời. Bom đạn dội xuống như mưa, tiếng nổ inh tai, nhức óc, đằng trước, đằng sau khói lửa mù mịt. Xe tăng ở các gò lúc nhúc, nhiều như nấm mộ bãi tha ma.

12 giờ ngày 24/8/1969, khoảng một Tiểu đoàn quân Mỹ đi ngang qua trận địa 12 ly 7, nhưng chúng tôi không dám khai hỏa, mọi người ngồi im thin thít.

Đạn địch bắn vào như mưa, làm Tiểu đội trưởng Khanh bị đạn xuyên đùi, xạ thủ số 2 Thắng trúng đạn hy sinh tại chỗ. Đơn vị phân công 2 xạ thủ số 1 là Mưu và Kiền chia nhau cõng thương binh về phía sau...

Lúc này quân Mỹ đã đến sát trận địa 12 ly 7, cả Tiểu đội luống cuống, không còn tư tưởng chiến đấu. Mưu lủi trước, cả Tiểu đội chạy theo bỏ súng 12 ly 7 và tử sĩ Thắng ở trận địa.

Quân Mỹ hò hét xông lên chiếm được trận địa của ta lúc 14 giờ ngày 24/8/1969. Tôi với anh Cò thấy quân Mỹ đã đen ngòm ở hầm súng, chúng tôi bò tụt về phía sau, quân Mỹ trông thấy; đạn M79, AR15 bắn đuổi theo.

Gần chục tên Mỹ đuổi theo chúng tôi, chỉ cách chừng 20m. Tôi vừa chạy vừa rút lựu đạn ném trở lại, lựu đạn nổ, tôi tì CKC lên tảng đá bắn hết 10 viên, rồi lại chạy tiếp. Bọn Mỹ không dám đuổi theo nữa. Nhưng chúng tôi đã chạy lạc nhau.

2 ngày sau, lúc 11 giờ 26/8/1969, tôi và anh Cò mới tìm về được đến hầm than đồi Chè. Chúng tôi đã nhặt được truyền đơn Mỹ rải, có in hình súng 12 ly 7 và hình tử sĩ Thắng. Thật là đau xót.

Cũng trong ngày 24/8/1969, Đại đội phó Lý, Trung đội trưởng Khá và anh nuôi Xay đem cơm ra trận địa. Khi 3 người qua khỏi đường hầm Than, đến suối Đá thì lọt vào trận địa phục kích của quân Mỹ. Đại đội phó Lý và anh nuôi Xay bị bắt.

Trung đội trưởng Khá chạy được. Quân Mỹ đuổi sát sau lưng, đến chỗ quẹo Khá chui vào bụi, hơn 10 tên Mỹ đuổi đến không tìm thấy, chúng quay lại sì sồ “vixi”. Khá rút lựu đạn ném theo, tiêu diệt được 4 tên, bắn bồi thêm một băng AK rồi chạy về được nơi tập kết. Đại đội phó Lý bị đạn AR15 bắn nát mặt. Anh nuôi Xay cũng bị đạn AR15 bắn nát chim và bọng đái.

Ngày 28/8/1969, Mỹ rút quân, Đại đội cử 2 bộ phận, một bộ phận làm công tác tử sĩ và một bộ phận đi đồng bằng lấy gạo.

Trung đội trưởng Vọng, Trung đội trưởng Khá đều muốn đi làm công tác tử sĩ còn thuận lợi thì nhường cho đồng đội. Sau đó anh Khá dẫn bộ phận đi đồng bằng lấy gạo, trong đó có tôi.

Bộ phận đi xuống vùng sâu lấy gạo hơn 20 người, do Đại đội phó Quẫn và Trung đội trưởng Khá chỉ huy. 11 giờ đêm ngày 28/8, chúng tôi đến Giảng Hòa không có gạo, lại sang Quảng Đợi. Khi mọi người đóng gạo xong là 2 giờ đêm, rạng ngày 29/8/1969.

Trên đường về ngang Thôn 1 ở Lộc Sơn, đơn vị tôi bất ngờ gặp Mỹ phục kích bắn đạn M79. Chúng tôi vội chạy qua bến Bung, lên đồi Chè. Lúc ấy trời chưa sáng hẳn thì chúng tôi: Ka, Hóa, Hải, Định, đã lên đến gần bờ suối. Số anh em đi sau: anh Thìn, anh Bát, anh Lập, anh Thịnh, Cát đã đi đến bãi cát và bãi đá đồi chè.

Lúc ấy, có 1 Trung đội Mỹ đen từ đồi Biệt Kích xuống, ngồi ở đó vừa lúc bọn anh Bát đi lên. Anh Thìn ngẩng nhìn tụi Mỹ, lại ngỡ quân mình, tưởng Chính trị viên phó Công, liền hỏi:

- Thủ trưởng nghỉ đấy hả?

- Vixi, vixi! – Bọn lính Mỹ kêu lên.

Bất ngờ giáp mặt nhau rồi, hồn vía lên mây. Mọi người quăng gùi mà chạy lao bừa xuống dốc. Một tên Mỹ ném theo quả lựu đạn, nhưng may là không chết ai. Anh Thìn bị thương cụt 2 ngón tay.

*

Rạng đông, 5 giờ sáng ngày 29/8/1969, quân Mỹ gọi pháo bắn theo trục đường về phía trước. Chúng tôi đi trước, qua đồi Biệt Kích thì pháo nổ đúng đội hình.

Tôi, Ka, Hóa, Hải và Đinh cứ chạy vượt khỏi làn đạn pháo nằm lăn ra mà thở. Hóa bị thương ở chân, máu chảy đỏ lòm. Chúng tôi nằm đợi đến hơn 1 giờ sau mới thấy các đồng chí Bổng và Trị.

Tiểu đội phó Đào đi lên cho biết: Trung đội trưởng Khá bị thương nặng, không có cáng võng khiêng, được băng bó đưa tạm vào bụi để ông Biêm ở lại trông, còn mọi người về lấy võng ra khiêng.

Từ 5 giờ sáng đến 18 giờ, ngày 29/8/1969 anh Biêm chui vào bụi, cách chỗ anh Khá nằm 50m, thỉnh thoảng lại bò đến đổ nước bình tông vào miệng. Vũ khí chỉ có 4 quả lựu đạn và 1 súng AK của anh Khá để lại.

Cách đó 700m là đồi Biệt Kích. Khu vực ẩn nấp cây cối cháy nham nhở. Từ trưa đến chiều, quân Mỹ đi lại đoạn đường này 4 lần. Chỉ có một mình anh Biêm và thương binh đơn thương độc mã, tiến thoái lưỡng nan, trách nhiệm bảo vệ thương binh không bỏ đồng đội mà đi được.

Anh Biêm đành nằm trong bụi, phơi cái bụng chịu nắng, chịu khát, chịu đói, cái khổ cực hết cả sợ hãi. Một ngày chậm chạp trôi đi, khổ cực hơn cả địa ngục chốn âm ty.

14 giờ ngày 29/8/1969, Đại đội cử 2 bộ phận, một tổ đem vũ khí xẻng, cuốc đi tìm anh Thịnh, anh Bát hễ gặp thì chôn luôn tại chỗ. Tổ thứ 2 do Tiểu đội phó Đào, Trị và tôi mang theo AK, CKC, B41 bám địch tìm ra chỗ anh Khá.

Trời nắng, đồi thưa, cây cháy nham nhở, trên đồi Biệt Kích chó sủa ông ổng, địch đứng lô nhô.

Chúng tôi vừa bò vừa run, nếu để lộ địch cho mấy quả cối 61 là xong đời. Tôi bò rất chậm, mãi tới 19 giờ tối mới tìm được thương binh đã kiệt sức không nói được, chỉ thở phì phè. Ruồi bọ đã đẻ đầy vết thương, kêu é é mà rợn người.

20 giờ đêm mới có Mưu, Bình, anh Hôn đem cáng và cơm vắt đến. Chúng tôi đều rất đói, nên nhét cơm vào miệng ăn ngay. Rồi mới cùng nhau khiêng thương binh về qua suối đá, đến gốc cây trám trắng ngồi nghỉ.

Ở đấy có mấy cái trại của dân chạy loạn đến, chỉ 10 phút sau, thương binh kiệt sức và hy sinh. Đó cũng là lúc bọn anh Chách, Ka, Hòa, đi tìm anh Thịnh, anh Bát đi đến. Sẵn cuốc xẻng, chúng tôi an táng luôn anh Khá.

Ngày 01/9/1969, chúng tôi đang nằm trong hầm, nghe anh Thìn gọi Hóa ơi. Anh em cùng nhào ra hỏi thăm tình hình các anh Thịnh, Cát, Lập, Bát chạy về danh An Bằng.

Ngày 02/09/1969, về nơi tập kết một ngày đêm không tìm thấy anh Biêm. Chiều 03/9/1969 tôi, Định, Lượng, Hóa lại đi tìm, đến cây trám trắng gặp dân hỏi thăm, một chị cho biết có một chú bộ đội ở đây từ đêm 02/9/1969, có phải người của các chú không?

Anh Biêm từ trong bụi lau le chui ra, đầu tóc rũ rượi, mình mẩy đầy bùn đất, tro bụi như ở dưới lỗ mới móc lên. Chúng tôi đưa cơm cho anh ăn rồi đưa anh về. Sáng hôm sau, ngồi cảnh giới ở hầm than bên bếp lửa, tôi bắt cho anh Biêm 120 con ve ở tai, ở lách, ở chim, mí mắt… thật đáng sợ!

20 giờ ngày 03/09/1969, giữa lúc chúng ta đang đánh Mỹ ở khu 5, khó khăn chồng chất, quân ta khốn đốn đủ điều thì chúng tôi nhận được tin Bác Hồ mất.

Một không khí đau buồn chìm lặng. Bác Hồ của chúng ta đã ra đi. Chính trị viên Quang gục xuống khóc. Cả Đại đội cùng khóc…

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính